65 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tỉnh Quảng Bình phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ
TCCS - Tròn 65 năm từ ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Bình (16-6-1957 - 16-6-2022), những lời dạy, tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đã trở thành động lực to lớn đối với địa phương. Khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đang ra sức phấn đấu sớm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ.
1- Ngày 16-6-1957, Bác Hồ về thăm “tuyến lửa” Quảng Bình - vùng đất tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp miền Nam. Đây là lần duy nhất tỉnh Quảng Bình vinh dự, tự hào được đón Bác về thăm và làm việc.
Mặc dù thời gian về thăm rất ngắn, nhưng Người đã để lại cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ bến. Trong 65 năm qua, quân và dân tỉnh Quảng Bình luôn khắc ghi những hình ảnh thân thương, tình cảm sâu sắc cùng những lời căn dặn ân cần của Người. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt lời Bác dạy, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với tầm nhìn của một nhà chiến lược thiên tài và am hiểu sâu sắc lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nắm rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định vị trí chiến lược và lâu dài của vùng đất Quảng Bình - nơi sẽ là “tiền đồn” của chủ nghĩa xã hội, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Bác căn dặn: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hoạt động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết” (1).
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tỉnh Quảng Bình trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt và là nơi thí điểm mọi âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt mạch máu giao thông vận tải, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam hòng khuất phục ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình xác định trách nhiệm cao cả của mình đối với cả nước khi tỉnh Quảng Bình là tiền tuyến lớn của miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của miền Nam, một lòng, một dạ hướng về miền Nam thân yêu, Trị - Thiên ruột thịt, phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh, dấy lên phong trào chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện lời Bác dạy, quân và dân tỉnh Quảng Bình đã anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi hết sức vang dội ngay từ những trận đầu. Với các khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Hạt gạo chia hai, cọng rau bẻ nửa”..., quân và dân tỉnh Quảng Bình luôn nêu cao quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, góp sức người, sức của làm tròn nhiệm vụ tiền tuyến của miền Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn cam go ấy, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao tình hình của tỉnh Quảng Bình. Mỗi lần địch đánh phá ác liệt hay mỗi lần quân và dân tỉnh Quảng Bình lập được chiến công xuất sắc, Người đều viết thư khen ngợi, thăm hỏi, động viên, khích lệ, căn dặn những việc cần phải làm. Và cứ mỗi lần như thế, tỉnh Quảng Bình lại dấy lên một phong trào thi đua mới với một khí thế mới trong sản xuất và chiến đấu. Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100, 200, 300, 400, 500 chiếc máy bay Mỹ và được Bác Hồ gửi thư khen ngợi: Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Cũng từ đây, “Hai giỏi” - một danh hiệu cao quý gắn liền với mảnh đất và con người Quảng Bình, đã trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc, cổ vũ, động viên quân và dân toàn tỉnh hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thiêng liêng đối với cả nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Thắng lợi của quân và dân tỉnh Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình trong việc vận dụng đường lối chung của Đảng vào tình hình diễn biến cụ thể trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng để giành thắng lợi trong chiến đấu, trong tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân và chi viện cho chiến trường miền Nam. Thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại tỉnh Quảng Bình đã góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2- Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Bình bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và kiến tạo quê hương trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thử thách, gian nan. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình tập trung sức người, sức của, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế, quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 1989, sau khi tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình đã có sự vươn mình đi lên rõ nét. Trong từng giai đoạn cách mạng và trong điều kiện mới, quán triệt, thực hiện đường lối của Đảng và khắc ghi lời dạy của Bác: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có... Nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình, thì Quảng Bình sẽ giàu có”(2), Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
Sau 33 năm tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình từng bước khắc phục được tình trạng trì trệ trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa nền kinh tế đi vào ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó, nông, lâm, thuỷ sản chiếm 21,41%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,05%; dịch vụ chiếm 49,54%. Từ một địa phương thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu đói giáp hạt, hiện nay tỉnh không những đã cân đối được nhu cầu tiêu dùng mà còn có khả năng sản xuất lương thực hàng hóa. Từ xuất phát điểm thấp về công nghiệp, đến nay, công nghiệp tỉnh nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, giữ vai trò là ngành kinh tế trọng điểm; nhiều ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế được hình thành. Cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng; nhiều công trình, dự án có quy mô lớn được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng, đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP trong giai đoạn 1991 - 1995 là 8,49%, giai đoạn 2005 - 2010 là 11%. Giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của thiên tai, suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cố môi trường biển, dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt trên 6,0%. GRDP bình quân đầu người/năm được cải thiện đáng kể, từ 0,46 triệu đồng vào năm 1990, đến năm 2021 tăng lên 49,3 triệu đồng.
Đặc biệt, ngành du lịch có nhiều khởi sắc và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã hình thành nhiều điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày, hang Tối, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biển Nhật Lệ, biển Đá Nhảy, chùa Hoằng Phúc,... Tổng số khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 1990 - 1999 đạt gần 0,6 triệu lượt khách, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,7 triệu lượt khách. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới. Thương hiệu du lịch Quảng Bình được khẳng định ở tầm quốc gia, khu vực, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Một số điểm du lịch có tiềm năng lớn trở thành điểm đến tầm cỡ thế giới.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá toàn diện và bền vững. Tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 1990 - 2019 đạt 5,3%; tỷ trọng ngành chăn nuôi không ngừng tăng, từ 33,1% vào năm 1990, lên 51,3% vào năm 2021. Lâm nghiệp chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội; công tác quản lý và bảo vệ rừng được tăng cường. Thủy sản được xác định là ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh Quảng Bình hiện có đội tàu đánh bắt vùng biển xa đứng thứ ba toàn quốc. Sản lượng thuỷ sản từ 8.647,5 tấn vào năm 1990 tăng lên 89.064,5 tấn vào năm 2021.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 14,1%/năm, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 46 lần. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1990 của tỉnh là 271,7 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 13.865 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 21%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đô thị của tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đường giao thông được quan tâm xây dựng giúp cho việc giao thương, đi lại giữa nhân dân trong tỉnh và các vùng trở nên thuận tiện hơn. Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Quán Hàu, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, Khu kinh tế Hòn La... ngày càng phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Mạng lưới bưu chính - viễn thông, phát thanh - truyền hình phủ kín 100% số xã; 98% số dân ở nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thành phố Đồng Hới từ một thị xã nhỏ, đến nay đã trở thành đô thị loại II, là thành phố phát triển mạnh về du lịch biển, năng động và hiện đại; thị xã Ba Đồn trở thành thị xã trực thuộc tỉnh; thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch), Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) trở thành đô thị loại IV...
Trong xu thế hội nhập, với các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, tỉnh Quảng Bình ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giáo dục - đào tạo phát triển khá toàn diện với 842 trường học và cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng ở các cấp học, nhiều học sinh đạt giải thưởng khu vực và quốc tế. Thành tích thể thao của tỉnh ngày càng được nâng cao, ghi những dấu ấn đậm nét trên đấu trường thể thao trong nước, khu vực và châu lục, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của thể thao tỉnh trên đấu trường thể thao quốc gia, quốc tế.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao. Tỉnh Quảng Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện vào năm 2015. Mạng lưới y tế phủ kín 100% địa bàn cấp xã, bao gồm 4 tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện, xã, với số giường bệnh gấp 2,5 lần so với năm 1990. Nhân lực ngành y tế tăng gấp 2,7 lần, riêng bác sĩ tăng gấp 3,7 lần. Khu vực y tế ngoài nhà nước phát triển mạnh mẽ. Số lượng người dân có thẻ bảo hiểm y tế hiện nay đạt trên 95%. Đời sống nhân dân được cải thiện, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo từ 44,4% vào năm 1993, giảm xuống còn 3,24% vào năm 2021. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai toàn diện. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm của Trung ương và thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã đề ra những chủ trương đúng đắn, có những bước đi và biện pháp thích hợp để xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ. Tỉnh cũng đã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên, từ hơn 25 nghìn đảng viên vào năm 1989, đến nay Đảng bộ tỉnh đã có hơn 76 nghìn đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được tăng cường lãnh đạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát; công tác dân vận từng bước được đổi mới...
Thực hiện lời Bác dạy, tỉnh Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và diện mạo với những kết quả toàn diện, tích cực, có ý nghĩa lịch sử mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có những thử thách thậm chí kéo lùi sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đã đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ tỉnh; minh chứng khả năng lãnh đạo và bản lĩnh chính trị vững vàng của đảng bộ trên cơ sở vận dụng lời Bác dạy vào thực tiễn và tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với phát huy truyền thống cách mạng quê hương “Hai giỏi”.
3- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những lời căn dặn của Bác, phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đưa tỉnh Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi một số nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, XIII về công tác xây dựng Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng chính quyền các cấp và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, trước hết là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; đổi mới và tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có lợi thế; đưa công nghiệp, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm và mũi nhọn; tập trung xây dựng các khu kinh tế, nhất là Khu kinh tế Hòn La sớm trở thành khu kinh tế tổng hợp trong vùng kinh tế động lực Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển hợp tác xã và đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất công nghiệp. Tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án nhiệt điện Quảng Trạch I; tiếp tục triển khai Dự án đường dây 500kV (mạch 3), Dự án đường ven biển; phối hợp triển khai hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình,...
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề; đẩy mạnh chuyển đổi số; quan tâm đầu tư cho khoa học - công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chăm lo các gia đình chính sách, người có công và các chính sách xã hội khác; xây dựng môi trường sống lành mạnh, an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ tư, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo; bảo đảm an ninh, trật tự để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống, triệt phá các loại tội phạm; bảo đảm an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ... Tăng cường công tác đối ngoại, nhất là quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện có hiệu quả những lời căn dặn của Bác Hồ, quyết tâm thực hiện tốt bốn khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Thực hiện lời Bác Hồ dạy, 65 năm qua, tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn, thể hiện tình cảm, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi người dân quê hương “Hai giỏi”, luôn đoàn kết, đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình càng thấm nhuần sâu sắc giá trị tư tưởng của Bác; nhận thức rõ thành quả vẻ vang đạt được của ngày hôm nay là kết quả phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cha anh dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương “Hai giỏi”, không ngừng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt lời căn dặn và Di chúc thiêng liêng của Bác, nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn; ra sức phấn đấu đưa tỉnh Quảng Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ./.
----------------------
(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr. 471
(2) Ty Văn hóa Quảng Bình: Quảng Bình ơn Bác, 1975, tr. 89
Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình  (13/06/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh  (12/06/2022)
Tỉnh Quảng Bình phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (31/05/2022)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm