Lưới an sinh xã hội hướng tới nền kinh tế vì con người ở Việt Nam
TCCS - Bảo đảm an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước ta xác định là một nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Trong những năm qua, lưới an sinh xã hội của Việt Nam đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nền kinh tế vì con người ở Việt Nam. Mặc dù lưới an sinh xã hội ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện lưới an sinh xã hội, hướng tới nền kinh tế vì con người.
Lưới an sinh xã hội và nền kinh tế vì con người
Theo tổ chức Oxfam, nền kinh tế phải được thiết kế và xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của tất cả mọi người, đồng thời bảo vệ hành tinh của chúng ta. Oxfam cho rằng, đó là nền kinh tế vì con người với mục tiêu là sự bình đẳng, công bằng và bền vững; tiến bộ xã hội đem lại lợi ích cho mọi người mà không tàn phá môi trường; tôn trọng những đóng góp được trả lương và không được trả lương trong nền kinh tế. Theo đó, trong nền kinh tế vì con người, các chính phủ phải xây dựng các chính sách hướng tới sự bình đẳng, công bằng cho mọi người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Nền kinh tế vì con người trước hết phải bảo đảm bình đẳng cơ hội và thu nhập, quan tâm đến môi trường và các giá trị xã hội(1).
Một trong những yêu cầu của nền kinh tế vì con người là bảo đảm quyền an sinh xã hội (ASXH) với thu nhập tối thiểu và bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người. Trong cuộc đời mỗi con người, không phải lúc nào cũng có nguồn thu nhập ổn định để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt. Khi già yếu, khi ốm đau, tai nạn, mất sức lao động,... hoặc khi gặp thiên tai, mất mùa,... con người không có hoặc suy giảm thu nhập. Làm thế nào để bảo đảm cuộc sống, đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt, ít nhất là tối thiểu, khi những vấn đề đó xảy ra? Trước đây, người ta thường ứng phó với rủi ro bằng cách tiết kiệm, tích trữ khi có thu nhập để bù đắp khi mất hay suy giảm thu nhập. Họ cũng có thể nhận sự hỗ trợ lẫn nhau, giữa các thành viên trong gia đình, như bố mẹ giúp con cái, con cái giúp bố mẹ, anh em giúp nhau... Họ có thể nhờ đến sự tương trợ của họ hàng, cộng đồng xung quanh khi cần thiết. Tuy nhiên, các phương án này không phải lúc nào cũng khả thi. Trong nhiều trường hợp, thu nhập tích lũy không đủ để bù đắp sự suy giảm, mất mát thu nhập, chưa kể là nhiều cá nhân, hộ gia đình không có khả năng tích lũy hoặc tiết kiệm bởi thu nhập thấp. Sự trợ giúp của gia đình, họ hàng cũng hạn chế nếu ngay bản thân những người này cũng không có thu nhập hoặc thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của sản xuất và xã hội, đội ngũ công nhân, lao động làm thuê tăng lên về số lượng, quy mô các gia đình nhỏ đi, các mối liên hệ gia đình, họ hàng, cộng đồng suy giảm kéo theo sự trợ giúp thu nhập từ người thân, họ hàng giảm đi, tạo ra nguy cơ lớn với số đông lao động khi đến tuổi già, khi chẳng may ốm đau, bệnh tật,... Đó là lý do lưới ASXH ra đời để bảo đảm thu nhập cho những người chẳng may bị mất hay suy giảm thu nhập do sức khỏe, già yếu, thất nghiệp hoặc lý do nào khác.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), “An sinh xã hội là sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các cá nhân và hộ gia đình nhằm bảo đảm tiếp cận y tế và bảo đảm thu nhập, đặc biệt trong trường hợp già yếu, thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, tai nạn lao động, thai sản hoặc thiếu người nuôi dưỡng”(2). Để bảo đảm đáp ứng các nhu cầu, các đối tượng ASXH khác nhau, hệ thống ASXH được tổ chức thành lưới an sinh. Thông thường, lưới ASXH bao gồm:
Một là, hệ thống hỗ trợ giải quyết việc làm.
Hệ thống hỗ trợ giải quyết việc làm giúp người lao động có việc làm để có thu nhập, từ đó, tự bảo đảm ASXH. Lưới ASXH nào cũng hướng tới cung cấp cơ hội việc làm cho mọi người trong độ tuổi lao động, kết nối người thất nghiệp với doanh nghiệp cần lao động; đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho người lao động để họ có thể tìm kiếm, chuyển đổi việc làm hoặc tự tạo việc làm. Đặc biệt, lưới ASXH tập trung vào hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, phụ nữ và những nhóm người yếu thế. Đối với người trong độ tuổi lao động, có đủ điều kiện lao động thì hỗ trợ việc làm là trợ giúp an sinh quan trọng nhất để họ tự bảo đảm thu nhập bền vững. Ở các quốc gia, hệ thống hỗ trợ việc làm và giảm nghèo thường được tổ chức theo các cấp hành chính từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, trong đó, vai trò tham mưu, tổ chức thường gắn với các cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực lao động, việc làm. Hệ thống hỗ trợ giải quyết việc làm thường hoạt động nhờ ngân sách nhà nước và đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Hai là, hệ thống bảo hiểm xã hội.
Hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng vai trò lưới đỡ nếu người lao động không may không thể làm việc, mất việc làm do bệnh tật, thai sản, tai nạn lao động,... hoặc nghỉ hưu do tuổi già. Khi đó, họ cần có hệ thống BHXH chi trả để bảo đảm nguồn thu nhập. Hệ thống BHXH đóng vai trò trung tâm trong lưới ASXH, giúp chống đỡ các rủi ro mất hoặc suy giảm thu nhập. Hệ thống BHXH thường được tổ chức thống nhất và phân chia thành các cấp từ Trung ương tới địa phương. Nguồn quỹ chính của hệ thống là từ tiền đóng BHXH bắt buộc và/hoặc tự nguyện. Ngoài ra, có thể có các nguồn thu khác từ hỗ trợ của ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp hảo tâm, nguồn lãi từ đầu tư quỹ... Đối tượng thụ hưởng BHXH là những người tham gia BHXH, nghĩa là có đóng góp BHXH.
Ba là, hệ thống trợ giúp xã hội.
Hệ thống BHXH đóng vai trò chủ chốt trong bảo đảm thu nhập trong trường hợp già yếu, bệnh tật, mất thu nhập với điều kiện phải tham gia BHXH. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cá nhân và hộ gia đình không hoặc không có điều kiện tham gia BHXH (chẳng hạn những người khuyết tật, không có việc làm, những người nghèo). Bên cạnh đó, sinh kế của các cá nhân, hộ gia đình có thể gặp phải một số rủi ro bất thường nằm ngoài phạm vi BHXH, như thiên tai, mất mùa,... cũng khiến cá nhân và hộ gia đình mất thu nhập, rơi vào cảnh túng thiếu. Khi đó, hệ thống trợ giúp xã hội đóng vai trò là lưới an sinh thứ ba để hỗ trợ các cá nhân và hộ gia đình. Trợ giúp xã hội là các khoản trợ cấp trực tiếp bằng tiền hoặc hiện vật cho cá nhân và hộ gia đình nghèo hoặc bị tổn thương(3), thường do nhà nước thực hiện bằng ngân sách nhà nước(4). Hệ thống trợ giúp xã hội thường được tổ chức đa dạng, trong đó có sự tham gia của nhà nước, các tổ chức xã hội, các thiết chế cộng đồng,...
Bốn là, hệ thống bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản.
Việc làm, BHXH, trợ giúp xã hội đều hướng tới bảo đảm thu nhập cho các đối tượng dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh thu nhập, một trong các quyền ASXH của người dân là được cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở, thông tin... Bên cạnh đó, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cũng nhằm tạo cơ hội cho các cá nhân nâng cao năng lực, phát triển vốn con người, từ đó có thể có việc làm, thu nhập, vừa bảo đảm ASXH bản thân và gia đình, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Thông thường, khi thiếu thu nhập, một mặt, người dân có thể không có điều kiện được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; mặt khác, ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, ngay cả khi có thu nhập, người dân có thể vẫn khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hoặc chỉ tiếp cận được dịch vụ kém chất lượng. Trong khi đó, đây cũng là nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản không chỉ là quyền của con người mà nó còn có ý nghĩa với ASXH và sự phát triển quốc gia trong dài hạn, bởi con người có trình độ giáo dục, được bảo đảm y tế, sẽ phát triển thành những công dân có trình độ, có ích, có thể có việc làm với thu nhập bảo đảm và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các bộ phận trong lưới ASXH có ở các có mối liên hệ, tác động qua lại với nhau và cùng hướng tới thực hiện chức năng của lưới ASXH là phòng ngừa rủi ro, bảo vệ người dân và thúc đẩy sự phát triển.
Như vậy, lưới ASXH là một hệ thống hướng tới xây dựng nền kinh tế vì con người thông qua việc bảo đảm thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân, đặc biệt tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội là người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em và người nghèo. Xây dựng lưới ASXH bao phủ rộng rãi tới toàn bộ dân số để bảo đảm mọi người đều có khả năng tiếp cận và thụ hưởng ASXH là yêu cầu hướng tới của nền kinh tế vì con người.
Kết quả xây dựng và thực hiện lưới an sinh xã hội ở Việt Nam
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, “Về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, đặt quyết tâm phát triển hệ thống ASXH phù hợp với một quốc gia có thu nhập trung bình và với các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm rõ định hướng và giải pháp cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Nghị quyết chỉ ra các nội dung cải cách bao gồm: 1- Xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng. Tầng thứ hai là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và tự nguyện dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Tầng thứ ba là bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường để người lao động và sử dụng lao động có thêm lựa chọn đóng góp nhằm hưởng mức lương hưu cao hơn; 2- Điều chỉnh thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt, điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tăng cường liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức. Sửa đổi quy định về mức đóng, căn cứ đóng để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; 3- Cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia hệ thống BHXH; 4- Thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí theo hướng linh hoạt điều kiện hưởng, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động. Điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ; 5- Đa dạng hóa danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm ngày càng bảo đảm tốt hơn ASXH cho người dân, trong đó có các luật và chính sách chung về ASXH cũng như những luật, chính sách riêng cho từng trụ cột, từng nội dung ASXH cụ thể. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã xác định lưới ASXH của Việt Nam bao gồm 4 trụ cột chính: Việc làm, BHXH, trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Xét theo góc độ đối tượng bao phủ và mức độ thụ hưởng ASXH, lưới ASXH hiện nay của Việt Nam là lưới ASXH đa tầng, tương tự mô hình sàn ASXH của ILO. Theo đó, ở tầng thứ nhất, Nhà nước bảo đảm an sinh tối thiểu cho người dân thông qua trợ cấp xã hội, giảm nghèo và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Mô hình an sinh của Việt Nam hướng tới bảo đảm cho người dân có một mức sống tối thiểu, đặc biệt chú ý đến các nhóm yếu thế, như trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế và khả năng ngân sách, việc bảo đảm mức sống tối thiểu này vẫn gặp nhiều khó khăn. Với chủ trương áp dụng mô hình BHXH đa tầng có lương hưu xã hội ở tầng thứ nhất được Đảng ta đưa ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Việt Nam đang hướng tới bảo đảm an sinh tối thiểu cho người già không có lương hưu hay các thu nhập khác. Ở tầng thứ hai là ASXH dựa trên BHXH theo cơ chế đóng - hưởng, chia sẻ. Người lao động đóng bảo hiểm trong độ tuổi lao động, được hưởng các chế độ BHXH khi xảy ra ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thai sản. Khi về già, họ được hưởng chế độ hưu trí và khi mất, được hưởng chế độ tử tuất. Ngoài ra, còn có BHXH bổ sung ở tầng thứ ba cho những người muốn được hưởng chế độ bảo hiểm cao hơn.
Trong những năm qua, lưới ASXH của Việt Nam đã góp phần bảo đảm ASXH, xây dựng nền kinh tế vì con người ở Việt Nam. Cụ thể:
Một là, lưới ASXH đã góp phần hỗ trợ bảo đảm việc làm và giảm nghèo. Nhờ đó, nhiều người lao động đã có việc làm, bảo đảm sinh kế và thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 9,9% năm 2016 xuống còn 4,8% năm 2020.
Hai là, diện bao phủ BHXH tăng, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, trong đó đặc biệt nâng cao quyền lợi cho phụ nữ sinh con, lao động ốm đau, thất nghiệp. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 13,056 triệu (năm 2016) lên 16,101 triệu (năm 2020).
Ba là, trợ giúp xã hội được quan tâm, góp phần bảo đảm đời sống cho một bộ phận người già, người tàn tật; người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai,... Trợ giúp xã hội từng bước được xã hội hóa, thu hút sự tham gia tự nguyện của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Đến nay, chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp đột xuất kịp thời.
Bốn là, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản được quan tâm và ngày càng được cải thiện. Mở rộng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nước sạch,... Nhờ những nỗ lực này, Việt Nam là nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao, giảm nghèo nói chung và nghèo đa chiều nói riêng đạt kết quả ấn tượng, bảo hiểm y tế được bao phủ tới hơn 80% dân số.
Mặc dù lưới ASXH Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới:
Thứ nhất, diện bao phủ của lưới ASXH trên thực tế còn hẹp. Mặc dù hướng tới mục tiêu bảo đảm ASXH cho toàn dân, nhưng trên thực tế, lưới ASXH Việt Nam mới chỉ bao phủ được một bộ phận dân cư. Điều này thể hiện ở quy mô bao phủ BHXH thấp dù đã được cải thiện trong những năm gần đây. Một mặt, tỷ lệ bao phủ BHXH mới chỉ ở mức trên 30% lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng khá thấp; mặt khác, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên tổng lao động tham gia BHXH. Sau hơn 10 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện (từ năm 2008 đến nay), mới chỉ có khoảng 300 nghìn người tham gia. Trong khi đó, khu vực phi chính thức hiện nay có khoảng 40 triệu lao động.
Trợ cấp xã hội mới chỉ bao phủ được một bộ phận đối tượng cần hỗ trợ. An sinh xã hội mới chủ yếu bao phủ được tới nhóm đối tượng người nghèo, người tàn tật không nơi nương tựa, không có khả năng tự chăm sóc và người già trên 80 tuổi; người lao động trong khu vực kinh tế chính thức có tham gia BHXH. Điều đó có nghĩa là một bộ phận lớn lực lượng lao động chưa tham gia BHXH và không được hưởng lợi ích từ BHXH, hiện tại và tương lai sau khi đến tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, một tỷ lệ lớn người già trong tuổi nghỉ hưu nhưng không có BHXH và chưa được nhận trợ giúp xã hội. Trợ giúp xã hội với người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa vẫn còn hạn chế. Những người có nguy cơ nghèo cao, cận nghèo cũng chưa được quan tâm hỗ trợ nhiều. Như vậy, còn một tỷ lệ rất lớn người có nguy cơ nghèo cao, người làm việc trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh chưa được hưởng những thành quả ASXH. Điều này làm giảm ý nghĩa của ASXH. Do đó, cần phải đẩy mạnh việc mở rộng diện bao phủ ASXH thông qua mở rộng trợ giúp xã hội và BHXH, bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Thứ hai, mô hình ASXH hiện nay tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững trong bối cảnh già hóa dân số. Nếu năm 1996, có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì tới năm 2011, chỉ còn 10 người đóng cho một người hưởng lương hưu. Chênh lệch thu - chi quỹ BHXH đang giảm nhanh. Với tốc độ tăng chi BHXH hiện nay, nếu không thiết kế lại mô hình, chi BHXH sẽ sớm vượt thu, kéo theo nguy cơ thu hẹp Quỹ Bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, tình trạng nhận BHXH một lần có xu hướng tăng trong người lao động, đặc biệt là lao động trong doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp, làm ảnh hưởng nguồn quỹ bảo hiểm, đồng thời làm tăng số lượng người không được hưởng bảo hiểm khi đến tuổi nghỉ hưu. Nguồn tài chính thực hiện bảo hiểm y tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước.
Nhu cầu ASXH tăng nhanh do già hóa dân số, do nhận thức về bảo đảm an sinh ngày càng tăng; sự mở rộng bao phủ trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội,... tạo ra áp lực rất lớn lên ngân sách nhà nước, vốn đang là nguồn tài chính chủ yếu cho trợ giúp xã hội (và một phần BHXH).
Thứ ba, mức hỗ trợ ASXH trong mô hình an sinh hiện nay còn thấp và một bộ phận dân cư chưa được bảo đảm mức sống tối thiểu. Chi ngân sách cho ASXH từ ngân sách Trung ương chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) và trong tổng chi ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2012 - 2018, tỷ lệ chi cho ASXH chiếm 2,44% GDP và 8,66% tổng chi ngân sách nhà nước.
Định mức chi thực hiện các chính sách còn rất thấp, không đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân. Trong khi số địa phương tự chủ được ngân sách còn thấp, ngoại trừ một số ít địa phương có khả năng cân đối ngân sách, chi cho ASXH từ ngân sách địa phương nói chung là khá nhỏ bé. Ngoài ra, hiệu quả sử dụng nguồn lực cho bảo đảm ASXH còn thấp do nguồn lực nhỏ bé nhưng đầu tư dàn trải cho nhiều chương trình, chính sách. Hoạt động quản lý, giám sát quá trình phân bổ và sử dụng nguồn lực còn khá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thực thi chính sách.
Trợ giúp xã hội mới chỉ bao phủ được một phần đối tượng cần quan tâm. Mức trợ giúp bằng tiền cũng thấp, chưa đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người thụ hưởng. Nhiều đối tượng trợ giúp, như người già neo đơn, người già không có thu nhập, chưa được hưởng trợ cấp hay lương hưu xã hội.
Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và với hộ nghèo. Ở nhiều nơi còn thiếu trường lớp, trạm y tế hoặc trường lớp, trạm y tế ở khoảng cách xa, đường sá đi lại khó khăn. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà kiên cố, có nước sạch còn thấp. Chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội ở nhiều nơi chưa cao.
Định hướng hoàn thiện lưới an sinh xã hội hướng tới nền kinh tế vì con người ở Việt Nam
Để tiếp tục hoàn thiện lưới ASXH ở Việt Nam hướng tới nền kinh tế vì con người, cần xây dựng lưới ASXH đa tầng trên cơ sở mô hình sàn ASXH của ILO.
Ở tầng thứ nhất là ASXH cơ bản, cung cấp bảo đảm an sinh cơ bản, bảo đảm thu nhập và các điều kiện sống cơ bản cho người dân. An sinh xã hội được khẳng định là quyền cơ bản của con người và tầng thứ nhất trong mô hình ASXH có nhiệm vụ bảo đảm an sinh cho mọi người dân ở mức cơ bản. Trên thực tế, tầng thứ nhất bảo đảm ASXH cơ bản hướng đến những nhóm dân cư dễ tổn thương về an sinh, bao gồm trẻ em, người già, người khuyết tật không có thu nhập, người nghèo và người không có hoặc thiếu việc làm không có khả năng tự bảo đảm ASXH. An sinh xã hội cơ bản bảo đảm cho các đối tượng này tiếp cận các dịch vụ an sinh cơ bản, cho dù họ có thể không tham gia đóng góp.
Trong lưới ASXH ở Hình 1, tầng ASXH cơ bản bao gồm 4 bộ phận:
Một là, chăm sóc y tế toàn dân thông qua phổ cập bảo hiểm y tế toàn dân. Mọi người dân trong xã hội đều được chăm sóc y tế và có bảo hiểm y tế chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật. Với những người có việc làm và thu nhập, họ phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc và được hưởng chăm sóc qua bảo hiểm y tế. Với những người không có hoặc thiếu thu nhập, họ được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền mua bảo hiểm y tế từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, trợ cấp của ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn tài trợ khác.
Hai là, ASXH cho trẻ em. Trẻ em là tương lai của đất nước và được bảo đảm các quyền an sinh tối thiểu, như được bảo đảm đủ thực phẩm, đủ dinh dưỡng, ăn mặc và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin. An sinh xã hội tối thiểu cho trẻ em sẽ tập trung chủ yếu vào các mục tiêu: Bảo đảm trẻ em không bị đói, được bảo đảm đủ dinh dưỡng, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; bảo đảm trẻ em đủ tuổi được đến trường, hướng tới phổ cập giáo dục phổ thông; trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc y tế miễn phí trong mọi trường hợp; 100% trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc được nuôi dưỡng bởi cá nhân, hộ gia đình tình nguyện. Người nuôi trẻ em mồ côi được trợ cấp nuôi dưỡng từ Quỹ Chăm sóc trẻ em (có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa).
Ba là, ASXH cho người già, người khuyết tật, người không có khả năng lao động. Người già, người tàn tật là nhóm người không có nguồn thu nhập do tình trạng sức khỏe. Một số người già được hưởng lương hưu do đóng góp trong thời gian lao động. Với những người già không có lương hưu và người tàn tật, ASXH cơ bản bảo đảm thu nhập tối thiểu cho nhóm người này thông qua lương hưu xã hội hoặc trợ cấp xã hội. Nguồn kinh phí lấy từ quỹ hưu trí xã hội, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động từ xã hội, tài trợ ngoài ngân sách khác. Do tỷ lệ người già không có lương hưu ở nước ta rất cao (trên 50%) nên để ngay lập tức cung cấp lương hưu xã hội hoặc trợ cấp hưu trí là không khả thi. Do đó, định hướng đổi mới mô hình an sinh trong thời gian tới là mở rộng diện trợ giúp xã hội theo lộ trình, gắn với khả năng bảo đảm tài chính của ngân sách nhà nước và nguồn huy động được từ xã hội. Đi kèm với đó, cần nâng cao tuổi nghỉ hưu, đồng thời khuyến khích người già làm các công việc phù hợp với sức khỏe để vừa có thêm thu nhập, vừa rèn luyện sức khỏe, sống vui, sống có ích.
Bốn là, ASXH cho người nghèo, người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Đây là nhóm người có sức lao động nhưng không có việc làm, thiếu việc làm hoặc việc làm không đủ bảo đảm sinh kế. An sinh xã hội cơ bản trợ giúp nhóm người này nhằm giúp họ bảo đảm thu nhập trong lúc chưa có việc làm hoặc việc làm không đủ thu nhập thông qua trợ cấp, chẳng hạn trợ cấp thất nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để họ tìm việc, chuyển việc, có nghề nghiệp để đi làm có thu nhập hoặc tự làm chủ để bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, ASXH cho đối tượng này cần giới hạn và quản lý chặt chẽ để tránh lạm dụng và ỷ lại.
Trên thực tế, ASXH cơ bản ở tầng thứ nhất chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế như trẻ mồ côi, hộ nghèo, người già không có lương hưu, người khuyết tật,... không thể bảo đảm sinh kế cơ bản. Thực chất, tầng thứ nhất của mô hình ASXH hướng tới các đối tượng thuộc hệ thống hỗ trợ việc làm, giảm nghèo; hệ thống trợ giúp xã hội và hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản.
Với những đối tượng có khả năng lao động, việc bảo đảm thu nhập khi có rủi ro hoặc khi về hưu dựa trên ASXH ở tầng thứ hai và tầng thứ ba.
Ở tầng thứ hai, ASXH dựa trên đóng góp bắt buộc hoặc tự nguyện của người lao động. Trụ cột của tầng thứ hai là hệ thống BHXH dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, tất cả người lao động và người sử dụng lao động tham gia đóng BHXH theo mức quy định và được hưởng chế độ BHXH trong các trường hợp mất thu nhập do ốm đau, bệnh tật, mất sức lao động, thai sản, hoặc sau khi về hưu. Mức hưởng BHXH một phần dựa trên mức đóng góp, một phần dựa trên nguyên tắc san sẻ giữa các đối tượng tham gia BHXH. Chế độ đóng - hưởng bảo đảm công bằng giữa khu vực công và khu vực tư, giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Bên cạnh chế độ BHXH, nhóm đối tượng này cũng thường có điều kiện thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (và nâng cao), được hỗ trợ việc làm khi mất việc làm và trợ giúp xã hội khi không may gặp rủi ro.
Nếu như tầng thứ hai dựa trên cơ sở ASXH bắt buộc và tự nguyện theo mức định sẵn thì tầng thứ ba là ASXH nâng cao của các cá nhân, hộ gia đình muốn được thụ hưởng ASXH cao hơn. Các hộ gia đình, cá nhân có thể mua thêm BHXH để có lương hưu cao khi về già, hoặc có thể mua bảo hiểm y tế bổ sung để được chăm sóc tốt hơn. Họ cũng có thể đóng góp để có dịch vụ xã hội tốt theo hình thức xã hội hóa.
Với lưới an sinh này, tất cả mọi người dân được bảo đảm ASXH tối thiểu, mọi người đều được bảo đảm thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Đây chính là nền tảng xây dựng nền kinh tế vì con người ở Việt Nam./.
---------------------
(1) A. P. Butt, J. Remme, L. Rost, S. A. Koissy-Kpein “Exploring the need for gender-equitable fiscal policies for a human economy: Evidence from Uganda and Zimbabwe”, Oxfam Research Reports, 2018
(2) ILO: “Facts on Social Security”, ILO.org
(3) C. Arnold, T. Conway and M. Greenslade: “Cash transfers Literature Review”, London: Department for International Development, 2011
(4) Barrientos: “Social protection and poverty. Social Policy and Development Programme”, United Nations Research Institute for Social Development, Geneva, 2021, pp. 42
Khai mạc “Năm Du lịch quốc gia - Ninh Bình 2021” với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”  (21/04/2021)
Hà Nội: Để đạt lợi ích kép thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững  (16/09/2020)
Văn học Việt Nam đương đại: Thành tựu và những vấn đề đặt ra (Kỳ 1)  (07/08/2020)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm