TCCSĐT - Là một địa phương có cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu khi mới tách tỉnh các đây 20 năm nhưng nhờ những biện pháp tích cực, chủ động trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, kinh tế tăng trưởng cao và tương đối ổn định, nguồn thu ngân sách nhà nước tăng đều qua mỗi năm.

Tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, xuất phát điểm kinh tế rất thấp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 52,54%, công nghiệp chỉ chiếm 12,86%, dịch vụ 34,60%. Muốn tạo sức bật cho nền kinh tế, tỉnh xác định phải thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và việc đầu tiên là quy hoạch các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Sau thời gian ngắn, các khu công nghiệp từng bước được hình thành, đầu tiên là khu công nghiệp Quang Minh, rồi đến các khu công nghiệp Kim Hoa, Khai Quang...

Kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Bình quân giai đoạn 1997-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 15,37%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 39,5 lần so với khi tái lập tỉnh. Từ một tỉnh phụ thuộc điều tiết ngân sách từ trung ương, đến nay, Vĩnh Phúc trở thành một trong 13 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương, năm 2016, tổng thu ngân sách ước đạt trên 28,5 nghìn tỷ đồng.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Ý thức rõ vai trò của thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm lãnh đạo chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian chờ đợi thủ tục, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch, mang tính cạnh tranh cao để thu hút đầu tư.

Ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng rà soát thủ tục hành chính, xây dựng phương án rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, quán triệt đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, cùng “chung tay cải cách thủ tục hành chính” với tinh thần, trách nhiệm cao, nhất là thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng số tiếp nhận của các sở, ngành là 1.433 hồ sơ, trong đó có 1.150 Hồ sơ dự án đầu tư công và 283 Hồ sơ dự án đầu tư trực tiếp, đã trả trước và đúng hạn 1.158 hồ sơ, đạt tỷ lệ 92,5% (số hồ sơ chưa chết hạn xử lý là 182 hồ sơ). Việc thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả các thủ tục đầu tư giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đảm bảo chất lượng hồ sơ dự án, tính khả thi cao và nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều nộp hồ sơ tại bộ phận "Một cửa liên thông" của tỉnh theo nguyên tắc đầu mối. Tỉnh duy trì thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông hiện đại”, trong đó chú trọng việc phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện áp dụng dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thực hiện triển khai các thủ tục hành chính.

Với tinh thần: Các nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn dành thời gian tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, lắng nghe và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc của họ.

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra mối quan hệ thân thiện và gắn bó giữa chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc với các doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân vào chiều thứ sáu hằng tuần. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có thể phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mình; hiến kế cho tỉnh các giải pháp hoặc phản biện cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Với tinh thần cởi mở, thân thiện và cầu thị, UBND tỉnh lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đề xuất, kiến nghị, hiến kế của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Những thông tin tiếp nhận qua chương trình gặp gỡ được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tiếp thu phản ánh kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp để chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cam kết giải quyết nhanh các kiến nghị của các doanh nghiệp trên cơ sở đúng quy định của pháp luật. Hình thức gặp gỡ trực tiếp lắng nghe ý kiến được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc còn định kỳ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề, lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư của tỉnh (thủ tục hành chính, điện, nước, viễn thông, bưu chính, thuế, đất đai, lao động, hải quan, bảo hiểm xã hội, môi trường, phòng cháy và chữa cháy, dịch vụ…) để đảm bảo cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi, ổn định, phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bằng hình thức đối thoại trực tiếp tại hội trường: Doanh nghiệp nêu ý kiến/phản ánh những khó khăn, vướng mắc hoặc đưa ra những câu hỏi (thắc mắc), kiến nghị… Chủ tịch UBND tỉnh trả lời trực tiếp (hoặc ủy quyền cho Giám đốc các sở, ngành trả lợi trực tiếp tại hội nghị). Cuối hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh tóm tắt kết luận hội nghị, chỉ đạo các cơ quan của tỉnh tiếp tục giải quyết và trả lời doanh nghiệp, công khai trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử của tỉnh và của cơ quan, báo cáo kết quả với UBND tỉnh. Đối với các vấn đề không thuộc thẩm quyền thì Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổng hợp để kiến nghị đến cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết và trả lời doanh nghiệp bằng văn bản sau hội nghị.

Một số kết quả thu hút đầu tư

Nhờ nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên thu hút đầu tư trực tiếp vào tỉnh tiếp tục tăng:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tháng 11-2016, tỉnh đã thu hút thêm 35,9 triệu USD vốn FDI. Cụ thể, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 01 dự án mới là Dự án Nhà máy Young Poong Vina của Công ty TNHH Young Poong Electronics (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Bình Xuyên II, với tổng vốn đăng ký đầu tư 20.000.000 USD; Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 03 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng thêm là 14.900.000 USD; Điều chỉnh giảm vốn đầu tư 01 dự án với tổng số vốn điều chỉnh giảm là 1.000.000 USD.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng số vốn đầu tư FDI tăng thêm là 297,91 triệu USD. Trong đó, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp mới Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư cho 29 dự án với tổng vốn đầu tư 241,72 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 19 lượt với tổng số vốn tăng thêm là 51,2 triệu USD. Tổng số vốn đầu tư FDI giảm là 22,67 triệu USD. Trong đó, điều chỉnh giảm vốn đầu tư 03 dự án với tổng số vốn giảm là 9 triệu USD, chấm dứt hoạt động, rút Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư, chuyển đổi 07 dự án, tổng vốn đầu tư 13,67 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 228 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 3.524,57 triệu USD.

Về lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư chủ yếu vào ngành công nghiệp, xây dựng với 27 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 256,56 triệu USD, chiếm 99,82% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng. Lĩnh vực đầu tư dự án dịch vụ đứng thứ 2 với 01 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới là 0,46 triệu USD, chiếm 0,18% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về đối tác, có 06 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư vào tỉnh với 12 dự án; Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 08 dự án; vị trí thứ ba là Singapore và Thái Lan với 03 dự án. Trung Quốc dẫn đầu về vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 101,18 triệu USD, chiếm 42,57% tổng vốn đầu tư vào Vĩnh Phúc; Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 80,07 triệu USD, chiếm 29,48% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 39,55 triệu USD, chiếm 16,64% tổng vốn đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 06 huyện thị, trong đó Bình Xuyên là huyện thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhất với 17 dự án cấp mới, chiếm 62,96% tổng số dự án đầu tư. Thành phố Vĩnh Yên đứng thứ 2 với 6 dự án.

Đầu tư trực tiếp trong nước (DDI): Tháng 11-2016, tỉnh đã thu hút thêm 560,42 tỷ đồng vốn DDI. Cụ thể, cấp mới chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án, tổng vốn đầu tư 560,42 tỷ đồng. `

Tính chung trong năm 2016, tổng số vốn đầu tư DDI tăng thêm là 7.754,47 tỷ đồng, gồm 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.341,74 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn 10 lượt với tổng số vốn tăng thêm là 412,72 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư DDI giảm là 3.316,5 tỷ đồng do thu hồi Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư, chấm dứt hoạt động của 04 dự án. Lũy kế đến nay, có 646 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 50.325,72 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Với tinh thần tiếp tục nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016, nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về Vĩnh Phúc, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất, sẽ được tổ chức ngày 27-12-2016 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh; dự kiến có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành trung ương và địa phương; các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế; các ngân hàng trong nước và quốc tế; các địa phương của một số nước có kết nghĩa với tỉnh Vĩnh Phúc; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước và đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế.

Hội nghị sẽ tiếp nhận và lắng nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước về thu hút đầu tư vào tỉnh, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có những chính sách phù hợp, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Tại hội nghị sẽ diễn ra lễ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư đối với một số dự án lớn dự kiến đầu tư vào tỉnh; ký kết tham gia tài trợ vốn và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các chương trình thúc đẩy kinh doanh, các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị là cơ hội quan trọng để lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng ngồi lại để bắt tay hợp tác, thúc đẩy sự phát triển, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.