TCCSĐT - Trong 20 năm kể từ ngày được tái lập, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận gần 166 triệu USD từ nguồn ODA để đầu tư cho 21 dự án, tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập năm 1997. Ngay trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của tỉnh, nguồn vốn ODA đã được sử dụng đầu tư vào một số dự án. Đến nay, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận gần 166 triệu USD từ nguồn ODA để đầu tư cho 21 dự án, tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn ODA đã giúp tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng, nâng cấp được các cơ sở giao thông, điện, nước sạch, y tế, thuỷ lợi, phát triển nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ việc xoá đói giảm nghèo phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng vào việc ổn định và cải thiện kinh tế vĩ mô trên địa bàn tỉnh. Phần viện trợ không hoàn lại của ODA đã góp phần vào việc cân đối ngân sách hằng năm, đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong 20 năm qua, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận hơn 21 chương trình, dự án do các bộ, ngành trung ương làm chủ quản đầu tư, cụ thể như vốn tài trợ của: Ngân hàng thế giới (WB), JICA, ADB, UNDP, Cộng hoà Liên Bang Đức, WB+Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Italia, Italia... Mặc dù nguồn vốn ODA đã thu hút được không nhiều (hơn 178 triệu USD) nhưng các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động mang lại nhiều lợi ích xã hội, tiêu biểu như các dự án về y tế nông thôn, nâng cấp tuyến kênh tiêu Bến Tre (tưới 7.556 ha và tiêu úng 2.072ha), cải tạo Trạm bơm Bạch Hạc (tưới cho 7.137ha), Dự án REII triển khai ở 105/112 xã trên địa bàn tỉnh; Dự án Cải thiện môi trường đầu tư, dự án nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Để tạo sự đột phá về đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn vốn ODA (đặc biệt là từ JICA - Dự án cải thiện môi trường đầu tư Vĩnh Phúc) đã đóng góp cơ bản vào cải thiện kết cấu hạ tầng (đường giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, ổn định cung cấp điện) và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Thông qua các dự án này, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh đã thay đổi căn bản về hình thức và cách thức triển khai, làm nền cho hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh hiện nay. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, hoạt động xúc tiến đầu tư đã được chú trọng, quan tâm và dần đi theo hướng chuyên nghiệp.

Nguồn vốn ODA là một trong những nguồn vốn quan trọng, góp phần bổ sung nguồn vốn đang thiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật của tỉnh. Nguồn vốn này tập trung cho những dự án lớn, mang tính đột phá, làm nền tảng cho các dự án khác, kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân. Qua đó, có thể khẳng định, nguồn vốn ODA đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế của Tỉnh Vĩnh Phúc./.