Phát huy lợi thế của nguồn lực tự nhiên cho phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc
TCCS - So với các tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển nông nghiệp. Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên hơn 120.000ha, trong đó đất nông nghiệp là 91.625ha (chiếm 74,1% diện tích tự nhiên), đa dạng hóa về địa hình, khí hậu. Đây cũng là một trong những lợi thế nổi bật của tỉnh Vĩnh Phúc trong phát triển nông nghiệp sinh thái. Tận dụng tốt những lợi thế đó, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng trong phát triển nông nghiệp sinh thái.
Lợi thế về nguồn lực tự nhiên cho phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc
Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 74,1% diện tích tự nhiên, địa hình đa dạng, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp sinh thái.
Về vị trí địa lý, tỉnh Vĩnh Phúc nằm tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, có tiềm năng, lợi thế trong tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; có lợi thế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Về địa hình, Vĩnh Phúc có 3 vùng chính như:
Vùng đồng bằng (gồm các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc) có lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp thâm canh, tập trung phát triển lúa chất lượng cao, rau củ quả an toàn, chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao; phát triển mô hình kết hợp trồng lúa - nuôi cá theo hướng hữu cơ,…
Vùng gò đồi (gồm các huyện Tam Dương, Bình Xuyên và 2 thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên) với thế mạnh phát triển mạnh các loại quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, nhãn, rau, củ, quả an toàn; chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng; nuôi thủy sản truyền thống (cá trắm, chép, trôi, mè). Đặc biệt ở hồ Đại Lải với khí hậu ôn hòa có thể trồng được các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cát sâm, trà hoa vàng và chăn nuôi cây con đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Vùng núi thấp và trung bình (gồm các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch) là vùng đặc trưng và ưu thế của Vĩnh Phúc so với các tỉnh quanh Hà Nội, có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế rừng, nông nghiệp gắn với khu du lịch Tam Đảo như: thanh long ruột đỏ, nhãn, bưởi; phát triển các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, ba kích tím; phát triển chăn nuôi lợn thịt, bò thịt; phát triển mô hình lúa - cá theo hướng hữu cơ, phát triển vùng sản xuất rau củ quả an toàn,…
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh. Từ năm 2020 - 2022, tỉnh đã chuyển đổi gần 12 nghìn héc-ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả cao; hỗ trợ gieo cấy gần 98 nghìn héc-ta các giống lúa chất lượng (chiếm 75% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh); gần 16 nghìn héc-ta rau, quả sản xuất hàng hóa; trên 67 nghìn héc-ta cây vụ đông[1]. Riêng từ 2013 đến nay, đã thực hiện dồn thửa đổi ruộng gần 1.900ha, cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70%[2]. Nhờ vậy, dù tổng diện tích đất canh tác của tỉnh ngày càng bị thu hẹp nhưng năng suất, sản lượng và giá trị trồng trọt không ngừng tăng. Tỉnh đã phát huy những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu sẵn có để phát triển các loại cây đặc trưng như bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại. Đặc biệt, tỉnh đã có một số sản phẩm có thương hiệu và sản phẩm xuất khẩu như: thanh long ruột đỏ Lập Thạch, ớt quả, chuối tiêu hồng; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP. Năm 2024, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác ước đạt 151 triệu đồng/ha[3].
Tận dụng lợi thế về khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nhất là ở khu vực vùng núi Tam Đảo, hồ Đại Lải, tỉnh đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Trên địa bàn đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, Vĩnh Phúc đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.80ha tại 71 xã, phường, thị trấn; mô hình hữu cơ trên cây ba kích với 3ha và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho Hạ đen 2ha tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên[4]. Ngoài ra, chăn nuôi cũng được định hướng phát triển thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông nghiệp theo hướng trang trại công nghiệp, áp dụng khoa học - công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc và đầu ra ổn định. Phát triển nuôi trồng thủy sản được thúc đẩy theo hình thức thâm canh; hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, tích cực đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao chất lượng con giống truyền thống, nghiên cứu giống đặc sản để xây dựng thương hiệu cá giống của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường quản lý, phát triển và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; gắn công tác bảo vệ rừng với phát triển kinh tế rừng, từng bước hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ cao cấp, có thương hiệu trên thị trường.
Theo thống kê, giai đoạn 2021 - 2023, Vĩnh Phúc đã thực hiện “hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Trong số đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả; 64 cơ sở chăn nuôi; 9 cơ sở thủy sản”[5]. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Theo “Đề án Phát triển Nông nghiệp sinh thái và theo hướng sinh thái giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng,... hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, có ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại.
Có thể khẳng định, Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế về nguồn lực tự nhiên để phát triển nông nghiệp sinh thái. Đó là địa hình, khí hậu đa dạng, cây trồng vật nuôi phong phú. Hơn nữa, Vĩnh Phúc có vị trí địa lý sát với Hà Nội - thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, người dân Thủ đô có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, những năm gần đây, trên cơ sở khai thác tốt những điều kiện tự nhiên của một số địa phương trong toàn tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh phát triển mô hình nông trại sinh thái gắn với hoạt động du lịch vốn là thế mạnh của địa phương. Điều này không chỉ đáp ứng được nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế về nông nghiệp cho người nông dân. Điển hình như một số xã của huyện Vĩnh Tường đã xây dựng mô hình nông trại sinh thái là một địa điểm vui chơi, nghỉ dưỡng ưa thích của người dân quanh vùng, cũng như nhiều du khách. Đến đây, du khách thăm quan có thể được câu cá, trải nghiệm ẩm thực đồng quê,… Nông trại còn có khu vực chăn nuôi với các loại vật nuôi dễ chăm sóc và gần gũi với trẻ em như: bò, dê, gà,… Mô hình nông trại sinh thái thường được xây dựng ở những khu vực có diện tích rộng và được quy hoạch thành nhiều khu vực khác nhau như vườn cây, ao cá, sông hồ nhà nghỉ dưới dạng homstay,… Nông trại không chỉ có cho thu nhập từ các sản phẩm nông sản mà còn đến từ hoạt động du lịch, trải nghiệm. Mỗi năm, nông trại có nhiều nông trại đã thu hút gần 10.000 lượt khách tới tham quan và trải nghiệm thực tế, trong đó, khoảng 20% khách tham quan tới từ các cơ sở, đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Dù mới đưa vào hoạt động, nhưng cách làm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là một cách làm sáng tạo, có sự tích hợp nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh và các vùng lân cận.
Từ cuối năm 2022 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện quản lý tài nguyên (đất, nước, rừng); quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh; phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên (tài nguyên nước, tài nguyên rùng); bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững theo quy định của pháp luật. Bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường hợp tác liên kết trong bảo đảm an ninh nguồn nước tại các lưu vực sông Hồng, sông Lô, Sông Phó Đáy, Sông Cà Lồ; cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường nước.
Tỉnh ủy chỉ đạo gắn phát triển kinh tế nông nghiệp đi đôi với tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Công tác vệ sinh môi trường được các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các xã, phường, thị trấn đã chủ động thu gom, xử lý rác thải và thành lập các tổ, đội vệ sinh, thu gom rác có hiệu quả; xây dựng hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, phát động phong trào sạch làng, sạch ngõ; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (Xử lý chất thải chăn nuôi bằng be biogas, sử dụng chế phẩm vỉ sinh, đệm lót sinh học,...) cải tạo hệ thống thoát nước mặt khu dân cư; hồ trợ xây dựng mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các vùng sản xuất tập trung, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan môi trường nông thôn. Tích cực tuyên truyền đến người dân và các tổ chức, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phâm ngày càng được chú trọng, nhất là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao như rau, các sản phẩm che biến sẵn,... Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng các biện pháp canh tác thích nghi, áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường như: làm đất tối thiêu, bón phân và phun thuốc thông minh, tưới tiết kiệm nước, chăn nuôi tiết kiệm nước, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu,...
Một số giải pháp phát huy lợi thế của nguồn lực tự nhiên cho phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới
Phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp sinh thái nói riêng tất yếu phải dựa vào nguồn lực tự nhiên, nhất là đất đai, khí hậu. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, những năm gần đây, diện tích trồng cây hằng năm của tỉnh có xu thế giảm dần. Cụ thể, “nếu năm 2016, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm là 95.930ha thì đến năm 2021 là 85.6680ha và hết năm 2023 là 84.500ha”[6]. Nguyên nhân của tình trạng suy giảm này chủ yếu là do diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang các dự án xây dựng khu đô thị, đất giãn dân, làm đường giao thông hoặc các công trình công cộng khác,…
Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng bị chia cắt bởi đường sá, nhà ở, hoặc bị bỏ hoang, không trồng cấy, canh tác. Ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh, nông dân bỏ hoang ruộng đất vẫn duy trì tâp quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ và tâm lý thờ ơ với sản xuất nông nghiệp là những khó khăn rất lớn của trong sản xuất nông nghiệp sinh thái ở Vĩnh Phúc trong những năm trở lại đây. Trước thực trạng đó, một số định hướng và chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với bối cảnh mới.
Hơn nữa, các hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính tự bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và chưa tập trung vào nâng cao chất lượng của sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất đặc thù, rủi ro cao, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; giá nông sản thấp, giá vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ không ổn định, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn các ngành nghề khác nền nhiều người dân không thật sự tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp.
Hiện nay, việc lạm dụng các loại phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và quá trình xử lý các phụ phẩm, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi chưa triệt để đã gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn gây khó khăn cho viêc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sinh thái. “Trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp làm suy thoái đất, gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học cũng như môi trường sống ở khu vực nông thôn”[7].

Một là, đẩy mạnh quy hoạch phát triển nông nghiệp sinh thái theo vùng gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác và phát huy lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.
Để phát triển nông nghiệp sinh thái trên quy mô lớn, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo “Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ (ngày 5-2-2024). Theo đó, cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, gắn với phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng tích tụ ruộng đất; quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên tất cả các phân ngành:
Về trồng trọt, tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Phát triển cây ăn quả tại các vùng đồi, núi, vùng bán sơn địa (cây có múi, thanh long, táo, chuối), tăng diện tích trồng cây công nghiệp ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày như lạc, đậu tương, hoa cây cảnh,… giảm diện tích trồng lúa. Ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; xây dựng vùng nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng Khu công nghiệp chuyên ngành chế biến đồ uống, chế biến nông lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Về chăn nuôi, phát triển chăn nuôi toàn diện, trong đó chăn nuôi bò, lợn, gia cầm là sản phẩm hàng hoá chủ yếu. Nâng cao chất lượng đàn lợn giống, đưa vào sản xuất các giống bò chuyên sữa, chuyên thịt cho năng suất cao; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại công nghiệp. Chế biến thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ nhu cầu nuôi trồng tại địa phương.
Về thủy sản, tăng cường đầu tư thâm canh, cải tạo vùng trũng trồng lúa kém hiệu quả áp dụng mô hình lúa - cá; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản, chuyển từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh. Áp dụng biện pháp nuôi trồng mới như mô hình ao nổi, mô hình nuôi cá sông trong ao,… để tăng năng suất, tăng sản lượng.
Về lâm nghiệp, đảm bảo trồng hết diện tích đất có thể trồng rừng. Tích cực khoanh nuôi, bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có; hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng, vi phạm lâm luật. Xây dựng các trung tâm giống, trung tâm kiểm định chất lượng giống cây, con để thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình tích hợp phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bản tỉnh như trồng rau xanh, hoa tươi, chăn nuôi bò sữa ở các vùng có địa hình rộng, cảnh quan thiên nhiên đẹp để phát triển du lịch sinh thái; thu hút sự tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách nhằm quảng bá hình ảnh cũng như những kết quả trong phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hai là, rà soát, đánh giá, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường của nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Bảo vệ môi trường là một giải pháp không thể thiếu để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ý thức bảo vệ môi trường như sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cần ứng dụng rộng rãi công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư.
Bảo đảm tính đa dạng và an toàn sinh học (hạn chế độc canh); tuân thủ đúng các quy luật sinh thái tự nhiên; thực hiện luân canh, xen canh, lai tạo giống mới để tăng năng suất, bảo tồn và giữ gìn các giống vật nuôi trên cùng một quần xã, duy trì hệ sinh thái đa tầng; giữ gìn độ phì nhiêu của đất (đặc biệt là nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đất); tăng cường sử dụng tối đa các chất hữu cơ (thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, phân bón hữu cơ); bảo đảm đúng nguyên tắc bảo toàn và chuyển hóa vật chất; hạn chế đến mức thấp nhất các nguồn phát thải ra môi trường. Vòng tuần hoàn vật chất phải được tính toán một cách hiệu quả, chất thải thực sự phải được coi là nguồn tài nguyên có giá trị để tận thu quay vòng cho sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu bảo vệ mội trường, chống thoái hóa gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất,… Trước khi phê duyệt các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, cần hướng đến yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh cần xác định rõ rừng và việc sử dụng đất phải trở thành nguồn hấp thụ các-bon chính, yêu cầu người dân và doanh nghiệp thực hiện cam kết hướng đến giảm mạnh khí phát thải kính vào năm 2030.
Do quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng nên ở tỉnh Vĩnh Phúc, nước ngọt là nguồn tài nguyên ngày càng hạn hẹp so với nhu cầu ngày càng của nhân dân trong sinh hoạt và phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh cần có chính sách đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu trên diện rộng, nhất là vào mùa khô vì nguồn nước không đảm bảo sẽ ảnh hướng đến năng suất cây trồng, chất lượng nông sản cũng không đảm bảo.
Ba là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, vừa phù hợp với lợi thế tự nhiên; vừa phù hợp với nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi giá trị ngành hàng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể:
Đối với cây lúa, mặc dù không được coi là cây trồng chủ lực nhưng đây là cây lương thực quan trọng của tất cả các địa phương trong tỉnh, cần rà soát ưu tiên xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, an toàn, chuyển đổi một số diện tích đất không chủ động nguồn nước, kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản để đạt được hiệu quả cao hơn.
Đối với các loại rau, củ, quả an toàn, cần tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có các chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân thuê, gom ruộng sản xuất tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, sức cạnh tranh cao.
Đối với vùng kinh tế vườn đồi, cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng thay thế những cây trồng có giá trị thấp bằng các loại cây ăn quả, dược liệu,… có giá trị kinh tế cao gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, tập trung phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có điều kiện và khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như: bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm…; thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp (trâu, bò) và tăng cường nhân giống, cung ứng lợn giống chất lượng, an toàn dịch bệnh cho người dân, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ xử lý các vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Hình thành và tổ chức hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, có kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tham gia vào chuỗi phát triển chăn nuôi, đặc biệt là trong chế biến - đa dạng hóa các sản phẩm từ thịt và sữa.
Trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục phát triển nuôi trồng các loài cá truyền thống, ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển một số sản phẩm thủy sản đặc sản, có tiềm năng và các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Nghiên cứu phát triển kinh tế rừng - làm giàu rừng, thâm canh rừng trồng; tăng cường diện tích rừng trồng cây gỗ lớn - sử dụng cây gỗ lớn mọc nhanh hoặc cây bản địa mọc nhanh kết hợp với phát triển lâm sản ngoài gỗ và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Nghiên cứu chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang phát triển cây lâm nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn, đảm bảo diện tích che phủ rừng theo quy định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào công nghiệp chế biến gỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.
Như vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái chính là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp hiện đại. Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã tận dụng tốt những lợi thế tự nhiên để phát triển nông nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, so với yêu cầu của phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện nay, nguồn lực tự nhiên của tỉnh Vĩnh Phúc cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc nên cần có những giải pháp thiết thực để tiếp tục phát huy lợi thế của nguồn lực tự nhiên./.
--------------------------
[1] Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 11/2022
[2] Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng năm 2024, tháng 11/2023
[3] Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng năm 2025, ngày 26/12/2024
[4] Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng năm 2024, tháng 11/2023
[5] Hoàng Hương: “Vĩnh Phúc đẩy mạnh hỗ trợ VietGAP cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, Báo Vĩnh Phúc, ngày 26/12/2023
[6] Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Báo cáo số 400-BC/TU “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Vĩnh Phúc ngày 19 tháng 10 năm 2023
[7] Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Báo cáo số 400-BC/TU “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Vĩnh Phúc ngày 19 tháng 10 năm 2023
Hà Nội phát triển nông nghiệp bắt kịp xu hướng xanh (10/09/2022)
- Phát huy lợi thế của nguồn lực tự nhiên cho phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp