Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái tỉnh Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
TCCS - Là tỉnh có truyền thống làm nông nghiệp, Thái Bình đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và có vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, ổn định thu nhập, giảm nghèo bền vững ở nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là sinh thái ven biển. Phát triển nông nghiệp sinh thái được coi là định hướng quan trọng để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Sự cần thiết phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Nông nghiệp sinh thái được xem là phương thức trồng trọt cao nhất trong các dạng nông nghiệp bền vững. Bởi ngoài việc sản xuất được nhiều nông sản, nông nghiệp sinh thái còn bảo vệ và duy trì được các nguồn lực tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm cơ sở cho nông nghiệp phát triển một cách bền vững. Vì vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái đang là xu hướng phát triển nông nghiệp của các nước có trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới. Điều đó bắt nguồn từ những cơ sở lý luận và thực tiễn sau:
Thứ nhất, từ đặc điểm của sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp được hiểu là một trong các ngành sản xuất vật chất khai thác nguồn lực tự nhiên và tiềm năng sinh học tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tối cần thiết cho con người. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp có nhiều đặc điểm mang tính đặc thù, chi phối đến các nội dung về kinh tế, tổ chức và kỹ thuật của sản xuất nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp hiện đại. Hoạt động sản xuất nông nghiệp là những tác động của con người lên cây trồng, vật nuôi - những cơ thể sống với các quy luật sinh trưởng và phát triển khác nhau theo từng loại cây trồng, vật nuôi và thay đổi theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển riêng của chúng. Sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi là quy luật tự nhiên; tuy nhiên, con người có thể điều tiết được, khi hiểu rõ sự vận động của chúng.
Khi sự can thiệp của con người phù hợp với các quy luật khách quan của tự nhiên sẽ thúc đẩy sự phát triển của thiên nhiên và tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho con người. Ngược lại, nếu những tác động trong nông nghiệp cũng như các tác động khác của con người trong cả hoạt động sản xuất và đời sống không phù hợp với các quy luật khách quan của tự nhiên thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, không những cố gắng của con người không mang lại kết quả, mà còn gây ra những tác động nguy hiểm đối với sức khỏe, an ninh và môi trường sống của con người. Đơn cử, ở Thái Bình, những tác động của bão gió, của các đợt thủy triều dâng ở vùng ven biển hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải giảm thiểu đáng kể thiệt hại do hỗ trợ của rừng ven biển, cho thấy sự cần thiết có hệ sinh thái ven biển của nông, lâm nghiệp và việc phát triển mô hình sinh thái ven biển trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay.
Thứ hai, từ ưu việt của mô hình nông nghiệp sinh thái.
Nông nghiệp sinh thái tạo sự tương thích giữa cây trồng, vật nuôi với các điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương, từng quốc gia; thậm chí liên quốc gia và toàn cầu. Vì vậy, đối tượng tác động của con người trong nền nông nghiệp sinh thái không chỉ dừng lại ở đất đai, cây trồng, vật nuôi riêng biệt mà là tổng hòa hệ thống sinh vật - sinh thái. Đặc biệt, nông nghiệp sinh thái không chỉ tạo ra sản phẩm của cây trồng, vật nuôi mà còn tạo lập môi trường sinh thái phát triển hài hòa, tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho nông nghiệp phát triển ổn định, lâu bền, cảnh quan sinh thái sạch, đẹp cho cuộc sống con người và bảo vệ gen trong quá trình đa dạng sinh học.
Với nhiều ưu việt so với các nền nông nghiệp truyền thống, phát triển nông nghiệp sinh thái trở thành yêu cầu và là sự lựa chọn của nhiều quốc gia hiện nay. Các ưu việt của nông nghiệp sinh thái thể hiện ở các điểm:
- Bảo đảm đạt được năng suất, chất lượng và sản lượng cao nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu nhiều mặt của toàn xã hội về sản phẩm nông nghiệp. Nhờ việc tổ chức hài hòa và đồng bộ với cơ giới hóa, sinh học hóa, điện khí hóa nông nghiệp; tránh mâu thuẫn đối kháng, hạn chế lẫn nhau, nông nghiệp sinh thái đã tạo ra những giải pháp không những bảo đảm sự hài hòa mà còn tạo nên sự hỗ trợ, bổ sung, cộng hưởng lẫn nhau để tạo ra những hiệu quả tổng hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên nhanh chóng và đa dạng của xã hội.
- Tạo ra các sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao, an toàn. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp dưới dạng lương thực, thực phẩm thể hiện ở mức độ bảo đảm dinh dưỡng, giàu vitamin và hàm lượng protein cao. Sản phẩm cây công nghiệp cần đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đặc trưng của từng loại sản phẩm ở nước tiên tiến. Sản phẩm của nông nghiệp sinh thái cần sự an toàn, không mang theo dư lượng các chất độc hại bảo vệ thực vật, phân hóa học, vi sinh vật gây bệnh cho người, kim loại nặng, NO3, các chất gây độc... vượt quá các ngưỡng cho phép. Đây là những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng, dược liệu và xu hướng nhu cầu nông sản của tương lai.
- Bảo đảm tính bền vững của các nguồn tài nguyên được sử dụng trong nông nghiệp sinh thái: Điều này được thể hiện ở: 1- Đất đai ngày càng tốt thêm, phì nhiêu hơn. Hạn chế tình trạng rửa trôi, xói mòn, bạc màu hóa, gley hóa, mặn hóa, phèn hóa, hoang hóa đất; 2- Các nguồn nước ngày càng dồi dào, trong sạch; đủ nước cho sản xuất nông nghiệp ngay cả trong mùa khô cạn; hạn chế úng ngập, hạn hán; 3- Tài nguyên sinh vật ngày càng phong phú về loài, về số lượng cá thể. Các loài sinh vật luôn ở trong trạng thái hoạt động tích cực, bảo đảm các quá trình chu chuyển vật chất diễn ra thông suốt và mạnh mẽ. Nguồn gen được bảo vệ tốt và không ngừng được bổ sung, làm giàu thêm những nguồn gen quý; 4- Các hệ sinh thái nông nghiệp tạo ra năng suất kinh tế ngày càng cao, các sản phẩm có giá trị cao ngày càng được gia tăng.
- Tạo lập môi trường sinh thái phát triển bền vững, như: 1- Bảo đảm cho môi trường đất, nước, không khí không bị ô nhiễm về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, phân hữu cơ chưa hoai mục và về các loại phế phẩm, phế thải trong nông nghiệp, về tàn dư thực vật; 2- Áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là ứng dụng rộng rãi các biện pháp tổng hợp bảo vệ cây, hạn chế ô nhiễm môi trường nông nghiệp.
Trên thực tế, các mô hình nông nghiệp sinh thái ở Thái Bình, như mô hình rừng ngập mặn ven biển ở 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải, nhất là ở khu bảo tồn Thái Thụy; mô hình hoa cây cảnh ở xã Tân Lập, huyện Vũ Thư; mô hình đường hoa xã Hòa An, huyện Thái Thụy và xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng đã từng bước phát huy ưu việt. Chúng không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn mang lại hiệu quả về xã hội và môi trường, khi tạo cảnh quan, tạo việc làm góp phần làm giàu cho cư dân trong vùng.
Thứ ba, từ thực trạng phát triển nông nghiệp thế giới và Việt Nam.
Lịch sử phát triển nông nghiệp thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Từ mô hình sản xuất nông nghiệp nguyên thuỷ, chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cổ truyền, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cải tiến, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghiệp hoá cao độ và cuối cùng là các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững... Trong đó, các mô hình trước phụ thuộc nhiều vào trình độ canh tác, trình độ của các công cụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nông sản của xã hội. Xã hội càng phát triển, hai mặt này của sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng. Đến giai đoạn của phát triển hiện đại, khi nông nghiệp xuất hiện mô hình công nghiệp hóa cao độ, cùng với phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp đã trở thành ngành khai thác thác quá mức nguồn lực tự nhiên.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) ngày 3-10-2001, nguồn lực tự nhiên và môi trường sống bị hủy hoại gây ra các hậu quả: 1- Diện tích rừng giảm mạnh và nhanh đã gây lũ lớn, làm lở đất và xói mòn nghiêm trọng, làm suy yếu khả năng chắn gió, bão và năng lực thanh lọc không khí. Trong những năm 1990, diện tích rừng trên thế giới đã bị giảm 16,1 triệu héc-ta, trong đó rừng nhiệt đới giảm 15,2 triệu héc-ta; trong khi trồng mới là 3,1 triệu héc-ta, trong đó vùng nhiệt đới 1,9 triệu héc-ta… 2- Các tài nguyên biển bị khai thác bừa bãi với những biện pháp tiêu cực, như đánh bắt hải sản quá sức cho phép, bắt những hải sản bị cấm, khai thác tài nguyên biển quá tuỳ tiện không đi đôi với bảo vệ môi trường biển. Mặt khác, hằng năm, biển tiếp nhận 650 triệu tấn chất thải, làm ô nhiễm nước biển nghiêm trọng, nhiều rạn san hô bị lụi đi, nhiều loài hải sản bị biến mất, trữ lượng cá và các loại hải sản khác đang giảm dần. 3- Đất đai nông nghiệp bị sa mạc hoá, bán sa mạc và ô nhiễm nghiêm trọng, 10% diện tích đất trên thế giới có khả năng trồng trọt đã bị sa mạc hoá và khoảng 25% đang bị đe dọa. Hằng năm, có 8,5 triệu héc-ta và 20 tỷ tấn đất trồng trọt bị mất do xói mòn. 4- Đa dạng sinh học đang bị suy giảm nhanh chóng, nhiều loài đang ở mức báo động. Trong thế kỷ XX đã có 75% giống cây trồng bị tuyệt chủng và khoảng 30% trong số 4.500 loài gia súc và gia cầm đã biết trên trái đất có nguy cơ bị biến mất. Sự mất đi các loài, sự suy giảm đa dạng sinh học đã làm mất đi sự cân bằng sinh thái của nhiều vùng, mất đi các nguồn gen quý giá và tính đa dạng của gen - vốn quý nhất của sự sống. 4- Nguồn nước ngọt sạch ngày càng khan hiếm, khoảng 40% lưu lượng các sông trên thế giới bị ô nhiễm. Hơn 100 trong số 213 quốc gia, vùng lãnh thổ bị thiếu nước với mức độ khác nhau, trong đó có 43 quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Theo ước tính của Liên hợp quốc, độ ô nhiễm nguồn nước trên thế giới có thể tăng lên 10 lần vào năm 2025. 5- Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm phóng xạ đã tăng lên đến mức báo động trên nhiều vùng, nhiều nước, nhất là trong các thành phố, đô thị. Năm 2000 có tới 50% dân số thành thị trên thế giới sống trong môi trường không khí có mức khí CO2 vượt quá tiêu chuẩn, hơn 1 tỷ người đang sống trong môi trường có bụi than, bụi phấn vượt quá mức độ cho phép. Nhiều vùng trên thế giới thường xảy ra các trận mưa axit.
Những tác động tiêu cực trên đã được khắc phục một phần ở các nước phát triển, nhưng vẫn chưa giảm bớt ở các nước đang và chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, các hậu quả nêu trên đều hiện hữu ở tất các các vùng trên phạm vi cả nước, đa dạng sinh học bị suy giảm nhanh chóng, nhiều loài sinh vật đang ở mức báo động. Đối với tỉnh Thái Bình, đa dạng sinh học trong các nhà vườn, hàng rào (tre, duối…); đa dạng sinh học các thủy sinh ven biển (cá, tôm, rong, tảo ven biển…), các rừng ngập mặn ven biển cũng đang ở mức độ báo động. Các tình trạng báo động về chỉ số báo cáo chất lượng không khí (AQI - Air Quality Index) không chỉ của Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, mà của tỉnh Thái Bình cũng luôn ở tình trạng xấu, cần có biện pháp khắc phục, trong đó có giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái.
Thứ tư, từ đặc điểm và thực trạng phát triển nông nghiệp của Thái Bình.
Thái Bình vốn là tỉnh nông nghiệp, đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nên nông nghiệp tỉnh Thái Bình có những đặc điểm có tính đặc thù: Nông nghiệp Thái Bình (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) đang quản lý các nguồn lực đất đai, sức lao động và tiền vốn với khối lượng và quy mô lớn của tỉnh. Biến đổi khí hậu ngày diễn ra mạnh mẽ với sự nóng lên của Trái đất, băng tan, nước biển dâng, ảnh hưởng đến các vùng ven biển, trong đó hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã, đang và sẽ ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vốn là nơi “đất chật, người đông”, những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tại tỉnh Thái Bình diễn ra khá mạnh mẽ. Quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn vào những năm tới. Vì vậy, sự tác động tiêu cực đến phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tại tỉnh Thái Bình, một mặt, cần chú ý hạn chế các tác động tiêu cực khi phát triển các ngành công nghiệp và phát triển các khu đô thị, mặt khác, cần sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp với tư cách là ngành giữ gìn và bảo vệ môi trường - một ưu việt của nông nghiệp sinh thái.
Thái Bình là tỉnh có truyền thống làm nông nghiệp, nhưng chưa có vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, trừ cây lúa. Đặc biệt, các sản phẩm ngành trồng trọt chưa có cây trồng có thương hiệu, kể cả cây lúa. Mức độ tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu dựa vào mức tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi, chưa chú ý đến mức gia tăng về giá trị sản phẩm thông qua chuyển đổi theo hướng gia tăng giá trị về dược liệu và nhân văn của nông sản. Bên cạnh những thành tựu, nền nông nghiệp tỉnh Thái Bình phần lớn vẫn sản xuất theo phương thức cũ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường ở giai đoạn hiện tại. Những chuyển biến mới của nông nghiệp Thái Bình chỉ là bước đầu, chưa hướng tới xu hướng biến động thị trường mới. Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ theo không gian và theo từng chủ thể kinh doanh nông nghiệp, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chưa cao. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu cấp bách đặt ra là cần giải pháp đồng bộ, căn bản nhưng mang tính đột phá để phát triển nông nghiệp của tỉnh Thái Bình theo mô hình nông nghiệp sinh thái.
Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Thái Bình
Để khai thác các nguồn lực ngành nông nghiệp hiệu quả cao, phát huy ưu thế nông nghiệp của tỉnh, chuyển mạnh nông nghiệp Thái Bình sang nông nghiệp sinh thái, định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bao gồm các nội dung:
Một là, lựa chọn và xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái theo 4 dạng chủ yếu: 1- Mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái nội đô và các khu, cụm công nghiệp, với sự phát triển các công viên cây xanh, cây cảnh vừa tạo cảnh quan, vừa hạn chế tác động của sinh hoạt đô thị và công nghiệp; 2- Mô hình nông nghiệp sinh thái ven đô, với các nhà vườn (ở những nơi còn quỹ đất); 3- Mô hình nông nghiệp sinh thái tại các thôn, xóm cũ, với sự kết hợp của mô hình VAC một cách bền vững; 4- Mô hình nông nghiệp sinh thái ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải, với sự tồn tại của rừng ngập mặn ven biển và nuôi trồng thủy sản thâm canh cao.
Hai là, bố trí kết hợp các ngành nông nghiệp (trồng trọt với chăn nuôi và chế biến nông sản), giữa nông nghiệp với công nghiệp và du lịch; thực hiện chuyên môn hóa với phát triển tổng hợp trong từng cơ sở kinh doanh nông nghiệp, theo từng tiểu vùng và trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là nội dung tạo lập sự gắn kết giữa các ngành, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực của nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm do nông nghiệp gây nên.
Ba là, kết hợp giữa công nghệ với môi trường của nông nghiệp sinh thái. Đây là nội dung bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển nông nghiệp sinh thái và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vừa phát huy được vai trò, vừa hạn chế được tác động tiêu cực của nông nghiệp công nghệ cao gây nên. Nội dung sự kết hợp bao gồm: Lựa chọn hệ thống cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao nhưng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng; xác định và thực hiện công thức kết hợp giữa các ngành, các công thức về xen canh, gối vụ, kết hợp các loại cây trồng với vật nuôi trong từng cơ sở kinh doanh nông nghiệp; xây dựng và thực hiện các quy trình công nghệ tiên tiến, phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi; đề cao tính cộng đồng vào xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái…
Phát triển nông nghiệp sinh thái là vấn đề cần thiết đối với mọi quốc gia nói chung, mọi địa phương của Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Thái Bình đang chịu nhiều thách thức: Thách thức từ không gian hạn hẹp của tỉnh và của từng địa phương trong tỉnh để có những mô hình sinh thái ưu việt; thách thức từ sự cạnh tranh nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai của các ngành với nông nghiệp; thách thức từ quá trình đô thị hóa, nếp sống đô thị hóa tác động đến nông thôn. Để thực hiện các định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, tỉnh Thái Bình cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, triển khai quy hoạch nông nghiệp theo vùng, với việc lựa chọn và xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái thích hợp theo điều kiện từng vùng trong tỉnh. Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang triển khai Quy hoạch phát triển tỉnh Thái Bình theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 của Quốc hội, trong đó có quy hoạch về nông nghiệp. Các vấn đề về phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh cần được cập nhật để luật hóa, nhất là xác định rõ quỹ đất để phát triển theo mô hình nông nghiệp sinh thái và cập nhật trong nội dung của quy hoạch.
Thứ hai, nghiên cứu triển khai các hoạt động công nghệ đáp ứng yêu cầu của phát triển nông nghiệp sinh thái. Có chính sách thu hút và ứng dụng công nghệ thích hợp với phát triển nông nghiệp sinh thái, đặc biệt là kết hợp một cách hài hòa giữa nông nghiệp sinh thái với nông nghiệp công nghệ cao - hai xu hướng phát triển nông nghiệp tương lai, nhưng có những yếu tố đối nghịch nhau, cần phải có sự kết hợp để phát huy ưu thế của từng mô hình phát triển, hạn chế những tác động tiêu cực của chúng.
Thứ ba, phát huy vai trò bảo vệ môi trường của nông nghiệp sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm của các cơ sở trong thành phố Thái Bình và trên địa bàn tỉnh. Chú trọng giữ gìn diện tích và môi trường của các ao, hồ, đầm hiện còn, kể cả các ao, hồ trong nội đô và các ao hồ bên trong các làng xóm cổ - một trong những đặc trưng của phát triển nông nghiệp sinh thái, nhưng đang diễn biến theo xu hướng xấu trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, đẩy mạnh khâu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp Thái Bình trong giai đoạn mới, trong đó có yêu cầu phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho người dân thấy rõ sự cần thiết và vai trò của sự phát triển nông nghiệp sinh thái, nhất là tập huấn những kỹ năng cần thiết xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, kỹ thuật và tổ chức của nông nghiệp.
Thứ năm, đổi mới, hoàn thiện các chính sách và tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển nông nghiệp sinh thái, nhất là trong quy hoạch và triển khai quy hoạch, hỗ trợ các môi trường sinh thái có tác động đến cộng đồng, tạo lập các môi trường pháp lý và kinh tế cho phát triển nông nghiệp sinh thái./.
Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Thái Bình  (09/04/2022)
Khởi công 5 dự án tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình  (19/02/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam