Thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
TCCS - Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phải được thực hiện tốt ngay từ trường học, những năm qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động liên quan đến mục tiêu này, được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tiên phong chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học
Chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hướng đến xây dựng nền giáo dục mở. Định hướng chuyển đổi số trong giáo dục được triển khai dưới ba nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy (lớp học thông minh, lập trình…), ứng dụng công nghệ trong quản lý, ứng dụng công nghệ trong lớp học (công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất).
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, trên 2,2 triệu học sinh, gần 139.000 giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định, chuyển đổi số là giải pháp quản lý tốt nhất hệ thống giáo dục Thủ đô. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục. Cụ thể, để việc ứng dụng công nghệ thông tin phổ cập trong dạy và học, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, phục vụ năm học 2023 - 2024. Trong kỳ tuyển sinh năm học trước, hơn 85% hồ sơ đã đăng ký qua kênh này, góp phần tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Việc phát động, tạo điều kiện để giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu dùng chung cũng được Hà Nội chú trọng. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tăng trưởng vượt bậc, luôn đứng trong tốp đầu cả nước.
Thành phố Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%). Ngoài các giải pháp tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học, thành phố triển khai hình thức thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm, làm công khai minh bạch toàn bộ quá trình thi, giảm áp lực cho thầy, cô giáo...
Một trong các trường tiêu biểu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy là Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) đã triển khai hiệu quả mô hình thí điểm phòng học thông minh, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Giáo viên vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học và tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực của học sinh. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát và đánh giá 100% học sinh trong lớp. Trong tiết học, giáo viên đã sử dụng thiết bị giáo dục EyePro Smart Class và EyePro ClassDX để đo cảm xúc (mức độ hào hứng) của các em học sinh khi tiếp thu bài học. Với thiết bị dạy học thông minh này, giáo viên không cần phải nói nhiều lần cùng một bài giảng, tiết học sẽ chỉ còn 30% - 50% bài giảng lý thuyết, thời gian còn lại học sinh sẽ tự học nhóm, thực hành trải nghiệm với sự trợ giúp của công nghệ theo phương pháp “lớp học đảo ngược”, dưới sự định hướng của giáo viên. Trong tiết dạy, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tự động ghi hình để giáo viên có thể thấy hiệu quả giáo dục với các nội dung giảng dạy của mình, hiệu chỉnh kịp thời. Điểm đặc biệt là, qua phần mềm ứng dụng này, học sinh sẽ không bị quên kiến thức nếu không nghe kịp cô giáo giảng bài. Mô hình lớp học thông minh đã đem lại sự hứng thú cho giáo viên và học sinh, giúp các thầy, cô giáo khơi dậy trí tưởng tượng sáng tạo không giới hạn của học sinh thông qua mỗi tiết dạy, hiện đang được từng bước số hóa thiết bị giảng dạy và tối ưu mô hình lớp học thông minh để ngày một phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học hiệu quả.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được thực hiện sâu rộng trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng từng bước triển khai và thời gian qua đã có những kết quả đáng ghi nhận. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã góp phần tạo ra sự đột phá, phát triển khác biệt cho cả hệ thống giáo dục, trong đó, lấy người học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số, lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân làm thước đo đánh giá chuyển đổi số, đồng thời, xác định vai trò trách nhiệm chuyển đổi mạnh mẽ của cán bộ quản lý.
Năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đề xuất, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và quyết tâm thực hiện. Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đề nghị tất cả trường học căn cứ bộ chỉ số về chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát các điều kiện hiện có, tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả hệ sinh thái chuyển đổi số về dạy học, kiểm tra, đánh giá; cập nhật thông tin thường xuyên lên trung tâm điều hành thông minh của ngành… Hiện nay, thành phố đã xây dựng kho học liệu điện tử tại địa chỉ https://study.hanoi.edu.vn, các trường có thể khai thác, sử dụng và bổ sung nội dung bài giảng cho kho dữ liệu này, nhất là khi thực hiện triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kho học liệu điện tử cung cấp thêm nhiều tư liệu bài giảng cho giáo viên cũng như học sinh khai thác phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Với yêu cầu đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển tư duy, năng lực người học, ứng dụng công nghệ thông tin phần nào giúp cho người học chủ động hơn trong việc tự tìm hiểu và khai thác các kho học liệu điện tử, giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục và đào tạo khu vực và quốc tế trong quá trình hội nhập.
Tiếp tục các kết quả đạt được từ những năm học trước, năm học 2023 - 2024, Hà Nội thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Việc tuyển sinh trực tuyến góp phần giảm tải áp lực trong công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, tiết kiệm thời gian và giúp minh bạch hóa các thông tin tuyển sinh. Sở Giáo dục và đào tạo đã hợp tác với Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đơn vị liên quan triển khai Hệ thống tuyển sinh các lớp đầu cấp, trong đó, xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 trung học phổ thông cho 71.545 học sinh, đạt tỷ lệ 100%; đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 102.095 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ 100%. Riêng đối với công tác tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025, Hà Nội tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập theo phương thức thi tuyển, đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nghiên cứu, xây dựng công cụ hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi, đặc biệt là công cụ xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 các trường trung học phổ thông nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, gia đình học sinh; triển khai việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường trung học phổ thông tư thục.
Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, các nhà trường đều chủ động triển khai nhiều giải pháp. Tháng 10-2023, lần đầu tiên việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên các trường phổ thông được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tiêu biểu, tại trường Trung học phổ thông Đan Phượng (huyện Đan Phượng), học sinh được giáo viên dạy giỏi của trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) trực tiếp giảng dạy. Tiết học được kết nối với hơn 200 điểm cầu, giúp hàng chục nghìn học sinh cùng học tập, giáo viên cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm... Đến nay, đã có hàng trăm tiết dạy như vậy được triển khai, giúp học sinh được học với nhiều thầy, cô giáo giỏi. Giáo viên giữa các quận, huyện cũng thêm gắn kết, tăng ý thức trách nhiệm và cùng hỗ trợ nhau nâng chất lượng giảng dạy… Các thầy, cô giáo được trao đổi, học tập từ đồng nghiệp về sự đổi mới sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Điểm nhấn đáng chú ý về chuyển đổi số của ngành giáo dục Hà Nội trong năm học 2023 - 2024 còn là việc thí điểm triển khai học bạ số ở gần 800 trường tiểu học. 100% các trường học đều đã được trang bị máy tính kết nối internet; 100% hồ sơ học sinh được gắn mã số định danh; hơn 60% số giáo viên được trang bị chữ ký số cá nhân... Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai thí điểm thành công học bạ số. Dữ liệu học tập được số hóa, phụ huynh sẽ bớt vất vả khi làm thủ tục chuyển trường hoặc nộp hồ sơ tuyển sinh, đồng thời tăng tính minh bạch, chính xác và độ tin cậy trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc chấm dứt tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng ở cổng trường để nộp hồ sơ tuyển sinh, từ đầu năm tới nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị điều kiện triển khai tuyển sinh trực tuyến. Thực tế, hình thức tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) đã được Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến hằng năm ở các cấp học đều chiếm trên 80%, nhưng mới chỉ thực hiện ở các trường công lập. Điểm mới năm nay của Hà Nội là áp dụng với 100% các trường tư thục, trường nào không tuân thủ thì không được giao chỉ tiêu tuyển sinh. Qua hệ thống tuyển sinh trực tuyến, mọi thông tin và quy trình xét tuyển đều được công khai, minh bạch, thuận lợi./.
Nghề giấy dó cổ truyền - di sản quý của thành phố Hà Nội  (07/10/2024)
Hà Nội đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập  (06/10/2024)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (02/10/2024)
Thành phố Hà Nội chú trọng phát triển chất lượng giáo dục thường xuyên  (01/10/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay