Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới
TCCS - Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, bền bỉ trong xây dựng một xã hội Việt Nam phát triển bền vững, vì con người; từ phương châm “Dân là gốc”, Đồng chí xác định lợi ích của nhân dân là tối thượng, đích đến của mọi chính sách và quyết sách. Trong bối cảnh mới, khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người của Tổng Bí thư là lý tưởng cao đẹp, động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển toàn diện đất nước, góp phần định hướng và định hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nơi mỗi cá nhân đều có điều kiện để sống, lao động, phát triển toàn diện, cống hiến một cuộc đời ý nghĩa, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng một xã hội thực sự vì con người
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, trải qua nhiều vị trí công tác, cương vị lãnh đạo khác nhau, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, quyết tâm xây dựng một xã hội phát triển vì con người, có nền văn hóa tiến bộ, nhân văn, nhân ái và lương tri, phẩm giá mỗi cá nhân không ngừng được nâng tầm, hoàn thiện. Đó chính là sự kế thừa và phát huy những giá trị tư tưởng tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để lại, đặc biệt, chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa, những quyền lợi ấy của con người mới được bảo đảm, gìn giữ, là niềm mong ước của nhân dân trong mọi thời kỳ, hoàn cảnh đất nước.
Ngày nay, mặc dù chế độ tư bản chủ nghĩa đã có những phát triển trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, xét một cách toàn diện và tận cùng thì bản chất của chế độ này là “vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra”(1). Theo đó, tình trạng “Cá lớn nuốt cá bé” vẫn còn nguyên. Quyền lực vẫn chủ yếu nằm trong tay giai cấp tư sản, những tập đoàn tư bản giàu có. Người dân lao động, lực lượng tạo ra của cải cho xã hội trên thực tế vẫn là những “người cùng khổ” và không được hưởng quyền dân chủ theo đúng nghĩa. Đề cập đến vấn đề này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó dẫn đến dân chủ chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át”(2). Những vấn đề nội tại của chủ nghĩa tư bản là vấn đề nan giải, dù chúng có được che đậy tinh vi đến đâu, đặc biệt là mâu thuẫn cung - cầu, sự phân cực giàu - nghèo trong xã hội, xung đột lợi ích trong nội tại hoặc giữa các nước tư bản, sự đối kháng giai cấp giữa công nhân và tư sản, giữa lao động và tư bản, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo,… Để có thể kiểm soát quyền lực, chủ nghĩa tư bản không ngừng gây chiến tranh và xem đây như giải pháp cứu cánh khi nền sản xuất tư bản gặp khủng hoảng, bị ế thừa, cố gắng tạo thị trường mới để đầu tư ra nước ngoài hay nhân danh bảo vệ dân chủ và tự do nhằm tìm kiếm sự đồng thuận từ người dân trong nước cũng như trên toàn thế giới(3),… Như vậy, chắc chắn đây không thể là kiểu mô hình tổ chức, chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam mong đợi, càng không phải là tương lai của nhân loại, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”(4).
Từ góc nhìn xuyên suốt lịch sử nhân loại cho đến hiện tại, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấy được sự đồng điệu, đồng thuận giữa khát vọng của nhân loại - nhất là từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp, có chế độ người bóc lột người với mơ ước của người dân Việt Nam về một xã hội tương lai – trong đó không có sự bóc lột giữa người với người; ở đó dân chủ thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cố Tổng bí thư khẳng định điều này chính là “khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(5). Xã hội xã hội chủ nghĩa mà đất nước đang xây dựng là nơi giàu tình nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn. Ở đó “Người với người sống để yêu nhau”; ở đó có sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống lành mạnh cho các thế hệ hiện tại và tương lai; và ở đó không còn sự áp bức bất công, có hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải cho một thiểu số giàu có(6). Mặt khác, chỉ xã hội chủ nghĩa mới “có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”(7) và không có sự cạnh tranh chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, không vì lợi nhuận mà bóc lột, chà đạp lên phẩm giá con người, không có kiểu cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số cá nhân và các phe nhóm(8). Đây chính là những khát vọng, mong ước tốt đẹp không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của toàn nhân loại tiến bộ.
Diện mạo một xã hội tươi đẹp ngày càng hiện rõ ở Việt Nam dưới ánh sáng những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Quan điểm về chủ nghĩa xã hội của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ dừng lại ở mặt lý luận và khát vọng trên hệ thống lý thuyết, mà đang dần được hiện thực hóa trong đời sống xã hội Việt Nam. Theo đó, con người luôn được xem là chủ thể, giữ vị trí trung tâm mọi chiến lược phát triển; tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, trong đó, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới; giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí của phát triển bền vững; chú trọng xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, trở thành tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội; thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh(9),... Nhiều thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là qua gần 40 năm đổi mới đất nước đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn, sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên chặng đường xây dựng xã hội mới, cụ thể:
Thứ nhất, đó là sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước. Nhìn lại giai đoạn chúng ta bước ra từ chiến tranh với ngổn ngang bao khó khăn, thiếu thốn, phương thức tổ chức sản xuất mang tính bao cấp, lạc hậu. Việt Nam lại bị sự bao vây, cấm vận khiến tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều thách thức, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Với bản lĩnh tuyệt với và đường lối đổi mới đúng đắn,Việt Nam đã từng bước khẳng định mình. Từ một quốc gia có mức thu nhập thấp, chúng ta vươn lên và hướng đến thu nhập trung bình cao thời gian tới. Năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 430 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm(10). Mặt khác, cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội có sự thay đổi lớn, kinh tế nhà nước hiện chiếm khoảng 27%, kinh tế tập thể là 4%, kinh tế hộ gia đình chiếm 30%, kinh tế tư nhân chiếm 10% trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài(11). Việt Nam trở thành thành viên tích cực của nền kinh tế thế giới, có quy mô, trình độ khoa học - công nghệ đang phát triển, thậm chí, theo dự báo, đến năm 2038, nước ta có tiềm năng phát triển trở thành một trong những quốc gia thuộc tốp 25 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới(12).
Thứ hai, công tác quản lý, phát triển xã hội gắn chặt với nhiệm vụ bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển kinh tế gắn chặt với thực thi dân chủ và bảo đảm lợi ích toàn diện cho nhân dân, đồng thời kết quả tiến bộ và công bằng xã hội trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu nổi bật, đưa Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công, sớm hơn dự định nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động. Mặt khác, các chỉ số thụ hưởng dịch vụ cơ bản, như y tế, giáo dục, nước sạch, tỷ lệ sử dụng điện sinh hoạt, hộ gia đình có đồ dùng giá trị, chất lượng nhà ở,… ngày càng được nâng cao; hệ thống phương tiện thông tin liên lạc của người dân không ngừng được cải thiện theo hướng tích cực. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (chiếm78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 1.612 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới)(13); kết cấu hạ tầng được cải thiện, hầu hết các xã đều có đường lớn đến trung tâm, mạng điện lưới quốc gia chất lượng, hệ thống trường học, trạm y tế, trụ sở hành chính, sân chơi,…
Thứ ba, “sức mạnh mềm” của dân tộc Việt Nam luôn là nguồn lực nội sinh bền vững, biểu hiện trong hệ thống các giá trị về tinh thần, văn hóa, sức mạnh từ truyền thống, lịch sử, lòng yêu nước, ý chí, lòng tự tôn dân tộc và khát vọng vươn lên ngày càng được phát huy. "Sức mạnh mềm" của chúng ta được cất giữ và biểu hiện trong hệ thống các giá trị về tinh thần, văn hóa, sức mạnh từ truyền thống, lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, là ý chí, độc lập, tự cường “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Đó là lòng tự tôn dân tộc, can trường đạp bằng sóng gió, mang trong mình sự kiêu hãnh và khát vọng vươn lên, hướng đến với một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Đó còn là tinh thần đoàn kết đồng bào, gà cùng một mẹ lấp lánh hiện lên trong lời răn dạy của cha ông đối với các thế hệ cháu con, rằng “Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Với tinh thần đó, 54 dân tộc trong căn nhà Việt Nam luôn chan hòa gắn kết, yêu thương, sẻ chia, đùm bọc nhau mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn như thiên tai, dịch bệnh.
Những giá trị quý báu này được chắt chiu, trao truyền và trở thành những hành trang không thể thay thế. Những hành trang như là “căn tính” nhận biết một dân tộc. Không những thế, những giá trị này đã và đang tạo dựng nên một sức mạnh Việt Nam vô cùng đáng tự hào khi bước ra thế giới. Đây cũng chính là cơ sở để chúng ta gặt hái nhiều thành tựu; rồi, từ những thành tựu đó, chính là cơ sở hiện thực để cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(14).
Kiên định mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp
Ngày 19-7-2024, một trái tim lớn đã ngừng đập. Sự ra đi của một nhân cách lớn, một người cộng sản chân chính để lại những tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân tộc. Tuy nhiên, sự hữu hạn của sinh - tử không thể tạo nên giới hạn của một tư tưởng, một khát vọng cao đẹp. Tiếp nối những thành tựu đạt được, khắc ghi những tư tưởng, mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nỗ lực, quyết tâm phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng một xã hội Việt Nam tốt đẹp, vì con người theo các nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của sự đoàn kết từ người đứng đầu đến cả hệ thống chính trị với tinh thần “Nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, phải “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc”(15). Theo đó, cần không ngừng trau dồi, hun đúc tình cảm, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh của nhân dân; chú trọng phát huy yếu tố sức mạnh nội lực nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong bảo vệ Tổ quốc; mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện nghị lực, ý chí để vượt qua khó khăn, trở ngại, cám dỗ, dám nghĩ, dám làm, tất cả vì lợi ích của nhân dân; luôn có ý thức đấu tranh và cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hiện thực hóa các giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(16). Để hiện thực hóa mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần sự quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị, sự vào cuộc và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Muốn vậy, phải luôn chú trọng đến lợi ích của quốc gia - dân tộc và nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, làm tốt công tác an sinh xã hội, an ninh con người, thực hiện thật tốt các chính sách xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội nảy sinh; giữ vững độc lập, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế,... góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn thịnh.
Thứ ba, làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng, hình thành nền nếp, ý thức “tự soi, tự sửa”, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lối sống giản dị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung để các thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo, nhất là trong thực hành nghiêm túc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đặc biệt là lời dạy của Người về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, từ đó phấn đấu xây dựng “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; bảo đảm phát triển về kinh tế luôn đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”(17). Bên cạnh đó, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự “là đạo đức, là văn minh”, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam(18) trên nguyên tắc “Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai để “không dám” tham nhũng, tiêu cực”(19) và trên tinh thần “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”(20).
Thứ tư, cần huy động nguồn lực toàn diện, tổng hợp trên mọi lĩnh vực để phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trên tinh thần “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”(21), trong đó, lấy “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(22). Mặt khác, quan tâm hơn nữa đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, kịp thời nhằm “Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”(23). Tiếp tục quán triệt tinh thần của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quá trình đổi mới “không phủ nhận thành tựu của quá khứ; không dao động trên những vấn đề nguyên tắc, không lẫn lộn những vấn đề chiến lược với sách lược; kiên định những vấn đề nguyên tắc nhưng đổi mới sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam”(24).
Hệ thống di sản quý báu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị bền vững, tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kế thừa và phát huy để vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, tất cả vì con người như Đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh./.
---------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 19
(2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 21
(3) Xem: Nguyễn Viết Thảo: “Chủ nghĩa tư bản toàn cầu trong tiến trình phát triển của nhân loại: Sự ra đời, đặc điểm và những bản chất mẫu thuẫn cố hữu”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 30-9-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/chu-nghia-tu-ban-toan-cau-trong-tien-trinh-phat-trien-cua-nhan-loai-su-ra-doi-dac-diem-va-nhung-ban-chat-mau-thuan-co-huu
(4) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 966 (tháng 5-2021), tr. 5
(5) “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 24-9-2015, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528
(6) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 21
(7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 22
(8) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 21
(9) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 38
(10) Xem: Tô Hà: “Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 1-1-2024, https://nhandan.vn/quy-mo-nen-kinh-te-viet-nam-dat-khoang-430-ty-usd-post790174.html
(11) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 31
(12) Xem: Đức Minh: “Việt Nam có thể lọt top 25 nền kinh tế thế giới vào 2038”, Báo Điện tử VnExpress, ngày 1-1-2024, https://vnexpress.net/viet-nam-co-the-lot-top-25-nen-kinh-te-the-gioi-vao-2038-4695770.html
(13) Xem: NL: “Chú trọng kiểm toán, hiệu quả triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 1-3-2024, https://dangcongsan.vn/phap-luat/chu-trong-kiem-toan-hieu-qua-trien-khai-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-660356.html
(14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 34
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 155 - 156
(16) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 22
(17) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 9
(18) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 46
(19) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 25
(20) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Sđd, tr. 366
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 157
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 324
(23) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 167
(24) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 365
Bảo vệ giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay  (31/07/2024)
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Chính trị xanh tại châu Âu: Nhận thức phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam