Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
TCCS - Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới của Tổ quốc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo; các loại hình di sản văn hóa tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị, góp phần tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh tại địa phương, đẩy mạnh giao lưu đối ngoại, hội nhập quốc tế và phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Văn hóa luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội nói chung, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh nói riêng. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đề ra các nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(1).
Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực”(2). Trong các hoạt động văn hóa thì công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc luôn có giá trị lớn về mặt tinh thần trong đời sống của nhân dân, nhất là đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh.
Ngày 24-11-2021, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”, “... tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng...”(3). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, có khát vọng vươn lên. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là các khu vực nông thôn, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn... Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội(4).
Lạng Sơn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, có nền văn hóa phát triển sớm và lâu dài, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với vị trí “địa chính trị, địa văn hóa” đặc biệt quan trọng ở vùng biên giới, cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc, từ các triều đại phong kiến Việt Nam đến nay, Lạng Sơn luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn có 335 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và đưa vào danh mục kiểm kê. Là nơi hội tụ và sinh sống của các dân tộc, như Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và một số dân tộc khác, Lạng Sơn còn là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng. Mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng về địa hình cư trú, trang phục, đời sống kinh tế, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo. Từ đó, tạo nên sự đa dạng, phong phú về loại hình, nội dung, hình thức; chứa đựng những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật với những nét đặc trưng, bản sắc riêng trong không gian văn hóa vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện nay. toàn tỉnh có 280 lễ hội truyền thống, hàng chục loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc, như Then, sli, lượn, cỏ lẩu, quan lang, ví, phong slư, xắng cọ, slình ca, páo dung; múa chầu, múa sư tử,...; các sản phẩm và đặc sản ẩm thực địa phương, như hoa hồi, đào Mẫu Sơn, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng, lợn quay, vịt quay, khâu nhục, rượu Mẫu Sơn...; các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; các tri thức dân gian về y dược học cổ truyền; các nghề thủ công truyền thống... Không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, mà các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh đã và đang từng bước phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh trong việc quảng bá hình ảnh quê hương xứ Lạng, góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút các nhà đầu tư đến Lạng Sơn tìm hiểu, khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư.
Nhận thức rõ lợi ích, tiềm năng to lớn của nền văn hóa xứ Lạng trong phát triển kinh tế, văn hóa, giao lưu hội nhập quốc tế, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đạt được một số thành tựu nhất định. Đó là:
Từ năm 2007 đến nay, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, 5 đề án chuyên đề trong lĩnh vực di sản văn hóa, các văn bản liên quan khác, đồng thời lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước nâng cao, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc đầu tư, hỗ trợ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đặc thù mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc và hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản từng bước được cải thiện hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa và chất lượng đầu tư cho con người, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hoạt động nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa trình xếp hạng công nhận, ghi danh, đưa vào danh mục các cấp được quan tâm, đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, toàn tỉnh có 139 di tích được xếp hạng các cấp (gồm 2 khu di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia, 108 di tích cấp tỉnh). Tiêu biểu là các di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Chi Lăng; Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn và các di tích quốc gia, như Nhị - Tam Thanh, Núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc, Chùa Tiên - Giếng Tiên, Chùa Thành, Cụm di tích Đoàn Thành - Tứ Trấn, Linh địa cổ Mẫu Sơn... Lạng Sơn cũng là nơi lưu giữ nhiều di vật, cổ vật, bảo vật có giá trị, tiêu biểu là bảo vật quốc gia Bia Thủy Môn Đình - một tư liệu lịch sử vô cùng quý giá, có ý nghĩa về nguồn gốc, tên gọi và chủ quyền lãnh thổ của nước ta ở nơi địa đầu Tổ quốc. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai các quy trình, thủ tục lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thực hiện hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tiến hành 2 đợt tổng kiểm kê, phân loại, lập danh mục di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; thực hiện gần 20 dự án, đề án nghiên cứu bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể; biên tập, in ấn, phát hành trên 10 ấn phẩm, đầu sách về di sản văn hóa; tổ chức gần 10 hội thảo chuyên đề về đặc trưng bản sắc văn hóa xứ Lạng và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, gia đình, nhà trường; chỉnh lý, biên soạn, sáng tác, đặt lời mới, sưu tầm hàng trăm làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc... và nhiều hoạt động khác nhằm nhận diện, xác định rõ hiện trạng và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa dân tộc.
Việc xây dựng, tạo lập không gian môi trường văn hóa được quan tâm thực hiện thường xuyên. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn có trên 100 câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ cơ sở; nhiều hoạt động, sự kiện thường xuyên được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, như Then, sli, lượn, múa sư tử... được bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng và phát triển thông qua các hội thi, hội diễn, chợ phiên, các thiết chế văn hóa, điểm du lịch, tuyến phố đi bộ, nhất là trong các sự kiện kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước, như Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, Ngày Quốc khánh 2-9...; các lễ hội lớn của tỉnh, như Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, Lễ hội Chùa Bắc Nga, Lễ hội hoa đào Lạng Sơn, Tuần Văn hóa - Du lịch... và các sự kiện văn hóa khác. Đây không chỉ là tiền đề, cơ sở để ngăn chặn, đẩy lùi các tác động xấu tới giá trị văn hóa dân tộc; gây dựng, đẩy mạnh, phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, mà còn là điểm sáng góp phần duy trì, nhân rộng, lan tỏa và khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện nội dung “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều mô hình văn hóa mới ở Lạng Sơn, như “Nụ cười chiến sỹ Công an Lạng Sơn”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Giao lưu thanh niên Việt Nam - Trung Quốc chung tay vun đắp tình hữu nghị”, “Giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị”, “Giao lưu quốc phòng hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc”, “Giao lưu văn hóa du lịch Việt Nam - Trung Quốc”... đã được triển khai thực hiện góp phần phát huy bản sắc văn hóa xứ Lạng, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện hiệu quả công tác tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân, chủ thể văn hóa có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 34 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu, trong đó có 05 nghệ nhân nhân dân, 29 nghệ nhân ưu tú; hàng trăm lượt nghệ nhân, chủ thể văn hóa đã được nhận kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch được quan tâm, đẩy mạnh. Hiện nay, ngoài việc xây dựng các sản phẩm, các tuyến, điểm đến du lịch... tỉnh Lạng Sơn đã, đang từng bước đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, số hóa di sản; triển khai hệ thống “Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động”... nhằm bảo lưu, trao truyền, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước; cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Hoạt động giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực di sản văn hóa được đẩy mạnh thông qua việc ký kết, giao lưu, hợp tác và thực hiện các nội dung theo thỏa thuận khung về liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn thời gian qua vẫn còn một số hạn chế:
Một là, hệ thống văn bản liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa còn thiếu đồng bộ, chi tiết, tính ổn định chưa cao.
Hai là, đầu tư, huy động các nguồn lực cho hoạt động văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác gìn giữ, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Một số di tích lịch sử văn hóa có giá trị xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo, một số phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc bị mai một chưa được gìn giữ, bảo tồn kịp thời.
Ba là, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Việc hưởng thụ văn hóa giữa vùng đặc biệt khó khăn với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân vẫn còn khoảng cách xa. Công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, nhà văn hóa, bảo tàng, phòng truyền thống, nhà trưng bày từ tỉnh đến huyện thiếu đồng bộ. Các tài liệu, hiện vật, mô hình trưng bày chưa phong phú, hấp dẫn, chưa thu hút được người xem. Việc phát huy vai trò, thiết chế văn hóa ở một số nơi còn chưa hiệu quả; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển chưa đồng đều, nhiều hoạt động còn mang tính hình thức.
Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, hướng dẫn viên còn thiếu và yếu; việc biểu dương, tôn vinh khen thưởng, xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đặc thù cho các nghệ nhân, chủ thể văn hóa còn hạn chế, chưa kịp thời.
Năm là, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh nói chung chưa được triển khai hiệu quả. Thiếu những công trình quy mô lớn, vùng, không gian văn hóa, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của tỉnh để hình thành các sản phẩm văn hóa - du lịch mang tính đặc trưng, thương hiệu tạo sự đột phá, sức hấp dẫn đố#i với khách du lịch trong và ngoài nước.
Nguyên nhân của những hạn chế này là: Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn; nguồn kinh phí dành cho hoạt động văn hóa nói chung, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc thù của di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng không dễ hình thành, tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu thông qua truyền khẩu, dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Cùng với đó, tác động trái chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa... làm cho nền tảng văn hóa truyền thống, không gian, kiến trúc, môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống một số nơi từng bước bị biến động, thay đổi. Lực lượng nghệ nhân, chủ thể văn hóa ngày càng giảm do tuổi cao; một bộ phận lớp trẻ có nguy cơ ngày càng xa rời văn hóa truyền thống của dân tộc. Thiếu cơ chế, chính sách liên quan đến việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để hỗ trợ truyền dạy trong cộng đồng, trợ cấp cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; cơ chế ưu đãi nhà đầu tư, phát triển du lịch... nên chưa tạo được động lực, thu hút toàn xã hội tham gia.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nói riêng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Lạng Sơn xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm, đầu tư cho văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nguồn kinh phí Nhà nước, nhất là nguồn kinh phí Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gắn với các nguồn lực xã hội hóa trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đặc biệt là các di sản đã được xếp hạng, ghi danh, đưa vào danh mục di sản quốc gia, quốc gia đặc biệt và đại diện nhân loại; các di sản, không gian văn hóa trong các xã, vùng ATK trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trình xếp hạng các cấp. Nghiên cứu, đầu tư, bảo tồn một số làng văn hóa dân tộc tiêu biểu, các làng, bản có nghề truyền thống để xây dựng trở thành mô hình làng văn hóa cộng đồng trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới. Kết hợp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, quảng bá, giới thiệu, hình ảnh, vùng đất, con người xứ Lạng với phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế, xã hội ở địa phương một cách bền vững.
Thứ tư, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao các làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống; xây dựng, phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ truyền thống, các phong trào văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy tính sáng tạo, vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng tư tưởng chính trị của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân.
Thứ năm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục khuyến khích, bồi dưỡng, đào tạo tài năng sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc. Thực hiện tốt việc tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thứ sáu, định kỳ kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cảnh giác với xu hướng thương mại hóa, tình trạng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa tâm linh để vụ lợi, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm thúc đẩy việc hợp tác giao lưu, trao đổi về văn hóa truyền thống với các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, doanh nghiệp, các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ,... Quan tâm đầu tư, xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào quản lý, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc./.
---------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 33 – 34
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 64
(3) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979 (tháng 12-2021)
(4) Xem: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới  (01/07/2023)
Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới  (14/06/2023)
Hệ thống chính trị cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay  (12/03/2023)
Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong tình hình mới  (20/01/2023)
Bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước thời kỳ mới  (15/12/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên