Công bố bộ sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” và “Biên niên lịch sử công thương Việt Nam 2011 - 2020”
TCCS - Ngày 12-5-2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ công bố bộ sách: “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” và “Biên niên lịch sử công thương Việt Nam 2011 - 2020”. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực chào mừng 72 năm Ngày Truyền thống của ngành công thương (14-5-1951 - 14-5-2023).
Công trình nghiên cứu công phu, toàn diện, sâu sắc về lịch sử công thương Việt Nam
Phát biểu tại Lễ công bố bộ sách, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành công thương trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước; đồng thời, nhấn mạnh: “Lịch sử là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Hiểu biết, trân trọng và gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống vẻ vang của ngành từ ngày đầu thành lập đến nay là việc làm rất quan trọng, bởi đó không chỉ là việc thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước, mà còn góp phần giáo dục, hun đúc, trao truyền giá trị tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Trải qua hơn 2/3 thế kỷ xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự hợp tác, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành công thương Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước và đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang, những giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã dày công xây dựng, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của việc gìn giữ, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV (năm 2021), Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã thống nhất chủ trương nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách: “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010”.
Sau gần 2 năm thực hiện, với quyết tâm cao và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học của Bộ Công Thương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cùng sự tham gia, hỗ trợ tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, đến nay, bộ sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” đã hoàn thành, đủ điều kiện để xuất bản, công bố rộng rãi với bạn đọc ở trong và ngoài ngành.
Bộ sách là công trình đồ sộ, được nghiên cứu, xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc với gần 900 trang của cuốn sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” và gần 1.600 trang, trình bày hơn 1.400 sự kiện trong “Biên niên lịch sử công thương Việt Nam 2011 - 2020”, tập 1 (2011 - 2015) và “Biên niên lịch sử công thương Việt Nam 2011 - 2020”, tập 2 (2016 - 2020).
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện ngành công thương qua các thời kỳ lịch sử (cả lịch sử ngành và lịch sử tổ chức của ngành, hệ thống các ngành, phân ngành); tái hiện lại một cách hệ thống, chân thực, khách quan những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những thời điểm khó khăn, thách thức mà ngành đã trải qua, xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bộ sách là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú và có độ tin cậy cao; xứng đáng được coi là một công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam, lịch sử kinh tế Việt Nam, lịch sử Chính phủ Việt Nam, đóng góp vào kho tàng lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là “cẩm nang” rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với ngành công thương cũng như những đóng góp, cống hiến của ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, bộ sách là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành công thương Việt Nam, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ, nắm chắc, hiểu rõ và trân quý các giá trị truyền thống, góp phần nuôi dưỡng niềm tự hào, tình yêu ngành, yêu nghề và hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực phấn đấu cùng toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thay mặt nhóm biên soạn, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thu, Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương, cho biết, bộ sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu, bao gồm: phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu xã hội học, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… Việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đã giúp tái hiện lịch sử ngành công thương và nền kinh tế một cách liền mạch, chân thực, được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều cạnh, đồng thời cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý kinh tế. Đó là những bài học xử lý các mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, xã hội; giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát..., đúng như lời dạy của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Lý luận cách mạng Việt Nam phải xuất phát từ thực tế Việt Nam và giải quyết những vấn đề do cách mạng Việt Nam đặt ra”.
Thay mặt cơ quan xuất bản, đồng chí Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, bộ sách “Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010” và “Biên niên lịch sử công thương Việt Nam 2011 - 2020” được biên soạn, xuất bản công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, chú trọng cả nội dung khoa học và hình thức thể hiện. Bộ sách đã khái quát những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những khó khăn, thách thức của ngành công thương, qua đó cho thấy những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ sách là tài liệu có giá trị góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế Việt Nam nói chung cũng như đối với ngành công thương nói riêng.
Để phát huy giá trị của bộ sách
Để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, phát huy giá trị của bộ sách đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các tổ chức, đơn vị thuộc bộ quan tâm thực hiện tốt ba nội dung:
Một là, ngay sau sự kiện này, Tạp chí Công Thương chủ trì, phối hợp với Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông của bộ tập trung tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về nội dung của bộ sách, giúp bạn đọc cả trong và ngoài ngành hiểu đúng, hiểu rõ hơn quá trình xây dựng và phát triển ngành công thương Việt Nam trong hơn 2/3 thế kỷ qua, nhất là những thời kỳ, sự kiện còn ít được biết đến, với cách đánh giá thấu đáo, khách quan, khoa học.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống các trường học, doanh nghiệp thuộc ngành công thương khẩn trương tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về nội dung bộ sách bằng các hình thức phù hợp; đưa việc tìm hiểu bộ sách vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, đoàn thể và liên hệ với thực tiễn công tác của tổ chức, đơn vị mình, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các đoàn viên, hội viên, sinh viên trong toàn ngành, đặc biệt là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ về giá trị truyền thống, lịch sử vẻ vang của ngành cũng như những đóng góp to lớn, sáng tạo của các thế hệ cán bộ ngành công thương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước.
Ba là, các đơn vị chuyên môn, cơ quan chức năng thuộc bộ tập trung nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm, nhất là các bài học trong quá trình triển khai thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện và chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, bảo đảm đồng bộ, khả thi và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo nhằm khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển ngành.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam... đã thực hiện nghi thức phát hành bộ sách bản điện tử trên trang website của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tại địa chỉ https://www.nxbctqg.org.vn
Cuốn sách: “Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010)” có kết cấu 3 phần:
Phần thứ nhất, gồm sơ đồ lịch sử hình thành Bộ Công Thương; danh sách và hình ảnh các Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ tiền nhiệm; danh sách và hình ảnh tổng cục trưởng các tổng cục thuộc Chính phủ trong cơ cấu hình thành Bộ Công Thương; danh sách và hình ảnh lãnh đạo Bộ Công Thương hiện nay.
Phần thứ hai, gồm 8 chương nội dung và chương kết luận. Chương I: Vài nét về công nghiệp - thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Chương II: Công nghiệp - thương mại Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc (1945 - 1954); Chương III: Công nghiệp - thương mại miền Bắc giai đoạn khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 - 1965); Chương IV: Công nghiệp - thương mại với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam (1965 - 1975); Chương V: Công nghiệp - thương mại miền Nam (1955 - 1975); Chương VI: Công nghiệp - thương mại trong 10 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 - 1985); Chương VII: Từng bước phát triển ngành công nghiệp - thương mại trong 10 năm đầu đổi mới đất nước (1986 - 1995); Chương VIII: Phát triển công nghiệp - thương mại trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1995 - 2010); Chương kết luận: Nêu 5 bài học học kinh nghiệm có giá trị lịch sử trên phương diện lý luận và thực tiễn, rút ra từ hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển ngành công thương.
Phần thứ ba: Bao gồm một số sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động ngành công thương giai đoạn 1945 - 2010, tài liệu tham khảo, mục lục.
Cuốn sách: “Biên niên lịch sử công thương Việt Nam (2011 - 2020) có dung lượng gần 1.600 trang in, với hơn 1.400 sự kiện, được chia làm 2 tập: tập 1 (2011 - 2015), tập 2 (2016 - 2020).
Những sự kiện trình bày trong mỗi tập sách đều mang tính tiêu biểu trong các hoạt động, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2020. Đây là giai đoạn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tham gia tiến trình toàn cầu hóa của Việt Nam, trong đó ngành công thương được trao sứ mệnh quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
Những sự kiện được lựa chọn trong cuốn sách khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành công thương, thể hiện vai trò và những đóng góp của ngành công thương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt nam, đồng thời làm nổi bật tính chủ động, sáng tạo của ngành công thương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở những thời điểm, bước ngoặt của lịch sử./.
Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản tiếp, làm việc với Đoàn đại biểu Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc  (20/04/2023)
Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng  (14/04/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển