Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ từ năm 2017 đến nay
TCCS - Kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền năm 2014, tư duy đối ngoại của Ấn Độ đã có sự thay đổi mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của một cường quốc trỗi dậy. Với lợi thế địa - chính trị và địa - chiến lược, bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với các nước lớn, nhất là Mỹ - một cường quốc chia sẻ nhiều điểm tương đồng về chính sách và lợi ích với Ấn Độ - sẽ không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương mà còn tác động đến cán cân quyền lực và cục diện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thể chính sách và vị trí chiến lược của Mỹ trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ
Trong một hệ thống trật tự thế giới mới đang hình thành và thiếu tính ổn định, mỗi quốc gia đều cố gắng tận dụng tối đa lợi thế của mình, điều chỉnh các mối quan hệ đối ngoại để nâng cao vị thế quốc tế và Ấn Độ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Với tư tưởng của một nhà dân tộc chủ nghĩa, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi mang đến một cách tiếp cận đối ngoại mới đầy tính thực tế, nhằm đưa Ấn Độ đến gần hơn với vị trí trung tâm của thế giới. Ông khẳng định: “Ấn Độ phải có vai trò lãnh đạo chứ không chỉ giúp cân bằng lực lượng trên thế giới” (1), từ đó, ông thực hiện nhiều thay đổi trong tư duy đối ngoại của Ấn Độ nhằm hiện thực hóa cam kết đổi mới, đặt những lợi ích về địa - kinh tế lên ưu tiên hàng đầu, làm nền tảng để nâng tầm vị thế của quốc gia tương xứng với tiềm năng. Mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, song chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời kỳ của Thủ tướng N. Modi về cơ bản vẫn phản ánh bốn khuynh hướng chính: 1- Nâng cao quan hệ chiến lược với các nước lớn và tạo điều kiện cho Ấn Độ nổi lên thành “người chơi toàn cầu chủ chốt”; 2- Tái sắp xếp “bàn cờ” khu vực Nam Á, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và củng cố vai trò có ảnh hưởng bao trùm tại khu vực; 3- Tăng cường sự hiện diện và tính lãnh đạo của Ấn Độ trong các vấn đề toàn cầu, củng cố sự thừa nhận vị thế ngày càng lớn của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hướng đến toàn cầu; 4- Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư vào Ấn Độ, khuyến khích hợp tác với Ấn Độ vì lợi ích chung cả về an ninh và kinh tế (2).
Bên cạnh đó, dù thực hiện phương châm đối ngoại “tự chủ chiến lược”, nhưng Ấn Độ vẫn quan tâm đến sự hợp tác và ủng hộ của các đối tác quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đối ngoại trong bối cảnh quốc tế mới. Chính vì vậy, Thủ tướng N. Modi cho rằng “tự chủ chiến lược” là một mục tiêu có thể đạt được thông qua tăng cường, làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác. Do đó, Mỹ - dù uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế có sự suy giảm tương đối - vẫn là cường quốc tại vị duy nhất với sức mạnh tổng hợp vượt trội và có vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Ấn Độ, nhất là khi sự nổi lên của Ấn Độ ít nhiều vấp phải những phản ứng từ quốc gia láng giềng Trung Quốc đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Bởi vì, trước hết, Ấn Độ cần một nước Mỹ ôn hòa để duy trì một môi trường an ninh ổn định, hòa bình, thuận lợi cho phát triển, thậm chí có thể giúp Ấn Độ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Thứ hai, uy tín của Mỹ tại các cơ chế khu vực, các diễn đàn đa phương quốc tế đóng vai trò không nhỏ đối với sự phát triển và nâng cao vị thế của Ấn Độ trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy cải tổ các thể chế đa phương. Thứ ba, những giá trị mà Mỹ và Ấn Độ cùng quan tâm có nhiều điểm song trùng hơn các bất đồng, khác biệt. Đơn cử như, hai nước đã chia sẻ quan điểm tương đồng trong thực hiện chiến lược “Hành động hướng Đông” và “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” khi đều hướng tới mục đích tăng cường tầm ảnh hưởng của quốc gia trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Tuy vậy, dù Mỹ có vai trò chiến lược quan trọng, việc hoạch định chính sách của Ấn Độ vẫn cần bảo đảm “mục tiêu kép”, đó là “tiếp tục giữ vững và thúc đẩy quan hệ đối tác” và “không bị lái theo những mục đích, yêu cầu chính trị của riêng nước Mỹ” (3).
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Năm 2016, ông D. Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, đã phủ một màu xám lên mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh, đối tác. Quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ, vốn đã “vượt qua những do dự trong lịch sử” trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, cũng đứng trước khả năng bị suy giảm. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng N. Modi đã nhanh chóng nỗ lực khắc phục điều này. Ngay trước khi ông D. Trump chuẩn bị nhậm chức tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, các quan chức trong nội các của Thủ tướng N. Modi đã liên lạc với nhóm chuyển giao, bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Ông N. Modi cũng thuyết phục thành công Tổng thống D. Trump khi khẳng định sự hội tụ giữa “Tầm nhìn Ấn Độ mới” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ tạo ra nhiều khía cạnh hợp tác giữa hai nước. Kết quả là, quan hệ Ấn Độ - Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống D. Trump tiếp tục được thúc đẩy từ cả hai phía.
Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Thủ tướng N. Modi tích cực tăng cường tiếp xúc ngoại giao với Mỹ ngay từ khi nhậm chức. Đến nay, Thủ tướng N. Modi đã thực hiện sáu chuyến thăm đến Mỹ (trong đó có hai chuyến thăm được thực hiện dưới thời kỳ Tổng thống D. Trump), chưa kể những cuộc gặp mặt, trao đổi song phương bên lề các diễn đàn đa phương quốc tế. Trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào tháng 6-2017, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung “Mỹ - Ấn Độ: Thịnh vượng thông qua quan hệ đối tác”, trong đó thể hiện quyết tâm của hai nhà lãnh đạo về mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2019, Thủ tướng N. Modi đã chọn Mỹ là điểm đến đầu tiên và tham dự cuộc tuần hành tại bang Texas theo lời mời của Tổng thống D. Trump. Về phần mình, Ấn Độ cũng đã dành cho Tổng thống D. Trump sự tiếp đón trọng thị chưa từng có tiền lệ, với sự tham dự của hơn 100.000 người. Bên cạnh đó, Thủ tướng N. Modi tiếp tục duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ các cơ chế đối thoại chiến lược giữa hai nước. Đã có hơn 30 cơ chế đối thoại đa dạng được thành lập giữa Mỹ và Ấn Độ trải dài trên các lĩnh vực, tập trung vào năm trụ cột chính: 1- Hợp tác chiến lược; 2- Năng lượng, biến đổi khí hậu, giáo dục và phát triển; 3- Kinh tế, thương mại và nông nghiệp; 4- Khoa học và công nghệ; 5- Y tế và sáng kiến (4). Minh chứng cho cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương chính là cơ chế đối thoại Mỹ - Ấn Độ cấp Bộ trưởng 2+2 được khởi xướng sau cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng N. Modi với Tổng thống D. Trump vào năm 2017, thay thế cho mô hình Đối thoại chiến lược và thương mại Mỹ - Ấn Độ được khởi động dưới thời kỳ của Tổng thống B. Obama vào năm 2015. Đây cũng là cách giúp hợp tác quốc phòng và đối ngoại giữa hai nước tiếp tục tiến triển mà hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào, trong khi các cuộc đàm phán thương mại song phương liên lục rơi vào bế tắc.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, những lợi ích quan trọng mà Mỹ có thể mang lại cho Ấn Độ là duy trì sự ổn định khu vực, kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc hay hỗ trợ giải quyết các vấn đề an ninh. Ấn Độ đã thực hiện những chính sách nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó nổi bật là tăng cường hợp tác an ninh hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy chia sẻ thông tin tình báo, trao đổi quân sự và mua sắm vũ khí. Đến nay, Ấn Độ là nước thực hiện nhiều nhất cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ so với bất kỳ đối tác nào của Mỹ bên ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đáng chú ý, cùng với Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) năm 2016, Thỏa thuận bảo mật và tương thích truyền thông (COMCASA), Phụ lục an ninh công nghiệp (ISA) và Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản về không gian địa lý (BECA) được hai bên lần lượt ký kết vào các năm 2018, 2019 và 2020, là cơ sở cho phép Ấn Độ có thể sở hữu các hệ thống vũ khí và liên lạc tối tân từ Mỹ. Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hai bên tiếp tục khẳng định cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Để duy trì sự cân bằng chiến lược, một mặt, Ấn Độ tích cực tham gia các hoạt động của Nhóm “Bộ tứ”, thường xuyên tập trận chung tại khu vực; mặt khác, thực hiện một cách tiếp cận thận trọng, đồng thời khéo léo nhấn mạnh sự tách rời giữa mục tiêu của Nhóm “Bộ tứ” với tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (5), chú trọng “tính bao trùm” và không chống lại bất kỳ quốc gia nào. Tháng 11-2019, Thủ tướng N. Modi đã đưa ra Sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPOI), phản ánh khái niệm riêng của Ấn Độ về khu vực này, giúp Ấn Độ có được thế cân bằng đối ngoại và không gian điều chỉnh chính sách trong khi vẫn tránh được sự đối đầu.
Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, Ấn Độ luôn mong muốn tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại song phương, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ và đặc biệt là nỗ lực nhằm sớm dỡ bỏ những rào cản trong quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước gặp không ít khó khăn dưới thời kỳ của Tổng thống D. Trump. Ngay từ khi mới cầm quyền, Tổng thống D. Trump đã chỉ trích công khai việc Ấn Độ xuất siêu quá nhiều sang Mỹ so với số lượng nhập khẩu từ Mỹ vào Ấn Độ. Căng thẳng thương mại leo thang khi Mỹ quyết định chấm dứt chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với Ấn Độ vào năm 2019. Về phần mình, Ấn Độ cũng thể hiện quan điểm cứng rắn, khẳng định vị thế bằng biện pháp tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ. Những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước là có thể dự báo được khi chính quyền của Tổng thống D. Trump thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong khi Ấn Độ thúc đẩy chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ”, vốn cùng chung đặc điểm là chính sách bảo hộ, thúc đẩy sản xuất và việc làm trong nước. Dù vậy, cả Ấn Độ và Mỹ đều nỗ lực thu hẹp những bất đồng, mong muốn tìm ra những giải pháp cho các vấn đề thương mại thông qua đối thoại. Cuối năm 2019, Ấn Độ phát đi tín hiệu xem xét và có nhiều hành động thực tế thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, vốn bị Ấn Độ bỏ qua trong nhiều năm. Trong khi đó, thương mại quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ được xem là “điểm sáng” củng cố mối quan hệ song phương. Tính đến năm 2020, Ấn Độ đã đầu tư 20 tỷ USD để mua các mặt hàng quân sự từ Mỹ, trong đó, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump là 3,4 tỷ USD.
Triển vọng chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống Joe Biden
Nhìn lại lịch sử, với tư cách là thượng nghị sĩ và sau đó là Phó Tổng thống Mỹ, ông J. Biden luôn quan tâm thúc đẩy mối quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ. Năm 2006, ông từng tuyên bố: “Ước mơ của tôi là vào năm 2020, hai quốc gia gần gũi nhất trên thế giới sẽ là Ấn Độ và Mỹ” (6). Theo đó, ngay sau khi chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, trong tài liệu “Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào ngày 3-3-2021, chính quyền của Tổng thống J. Biden tiếp tục nhấn mạnh “sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ để thúc đẩy các mục tiêu chung”. Đây là những chỉ dấu tích cực cho mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống J. Biden. Nhìn chung, sau gần một năm cầm quyền của Tổng thống J. Biden, các không gian hợp tác, như chính trị, an ninh, quốc phòng… vẫn tiếp tục được duy trì, song hợp tác song phương có tiềm năng trải dài trên nhiều lĩnh vực hơn, đòi hỏi Ấn Độ phải thích nghi để bảo đảm, tăng cường lợi ích trong hợp tác với Mỹ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng và suy thoái kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh trên, Ấn Độ có nhu cầu củng cố và hướng đến mở rộng quan hệ với “đối tác không thể thiếu” là Mỹ trên cơ sở nhạy bén hơn với những ưu tiên chính sách của Mỹ. Vẫn tiếp cận theo hướng xây dựng mối quan hệ cá nhân, Thủ tướng N. Modi đã có cuộc điện đàm chính thức ngay sau khi Tổng thống J. Biden tuyên thệ nhậm chức, khẳng định nỗ lực nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước dựa trên các giá trị chia sẻ và lợi ích chung. Do đó, trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ tập trung hợp tác với Mỹ để bảo đảm an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, an ninh y tế toàn cầu và chống biến đổi khí hậu (7).
Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã có bước tiến quan trọng trong chính sách với Mỹ khi nhất trí tham dự Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm “Bộ tứ” diễn ra vào tháng 3-2021 theo đề xuất của Tổng thống J. Biden. Hội nghị đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy một trật tự mở và tự do trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng, đồng thời ứng phó với các mối đe dọa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác trên thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Nhóm “Bộ tứ” diễn ra ở Nhà Trắng (Mỹ), ngày 24-9-2021, các nhà lãnh đạo Nhóm “Bộ tứ” tiếp tục cam kết theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm tăng cường an ninh và thịnh vượng tại khu vực này. Đồng thời, dựa trên nền tảng hợp tác quốc phòng sẵn có, Ấn Độ tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận chung với Mỹ, phản ánh nỗ lực thắt chặt quan hệ quốc phòng - an ninh giữa hai nước cũng như trong khuôn khổ Nhóm “Bộ tứ”.
Là hai quốc gia có số lượng ca nhiễm COVID-19 lớn nhất trên thế giới tính đến tháng 12-2021, an ninh y tế toàn cầu được xem là một lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác Ấn Độ - Mỹ. Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định, hợp tác Ấn Độ - Mỹ bao trùm lên tất cả các chủ đề đương đại, bao gồm cả hợp tác ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Dựa trên thế mạnh dược phẩm vốn có, Ấn Độ đã và đang chứng minh vai trò là một đối tác có trách nhiệm, đáng tin cậy trong sản xuất và cung cấp vaccine cũng như các loại dược phẩm, thiết bị y tế khác. Trên thực tế, Ấn Độ đã đẩy mạnh thực hiện “ngoại giao vaccine” và viện trợ các nước trước khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ hai tại nước này.
Hợp tác với Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu là nét khác biệt lớn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống J. Biden. Ấn Độ đã cam kết giảm lượng khí thải carbon ngay cả khi nhu cầu năng lượng dự kiến tăng lên đáng kể, đặt mục tiêu lắp đặt 450 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tháng 4-2021, Thủ tướng N. Modi đã nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống J. Biden chủ trì và cùng nhau khởi động Chương trình đối tác năng lượng sạch trong Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững (SDGs) giữa Mỹ và Ấn Độ, khẳng định đây là một trong những hợp tác cốt lõi giữa hai nước, giúp Ấn Độ có thể đạt được các mục tiêu quan trọng về bảo vệ môi trường. Việc Ấn Độ lựa chọn lĩnh vực đóng góp phù hợp với ưu tiên chính sách của chính quyền Tổng thống J. Biden được giới chuyên gia nhận định là một bước đi khéo léo góp phần củng cố “vai trò dẫn dắt” của Ấn Độ trong các vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, sự mở rộng tham gia, hợp tác nhiều hơn đồng nghĩa đối mặt với nhiều khả năng bất đồng, khác biệt, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương cũng như chính sách của Ấn Độ đối với Mỹ. Thứ nhất, đó là sự khác biệt trong cách tiếp cận đối với Nhóm “Bộ tứ”. Trong khi chính quyền của Tổng thống J. Biden về cơ bản kế thừa cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm, Ấn Độ vẫn thận trọng trong quan điểm, nhấn mạnh không nhắm trực tiếp vào mục tiêu Trung Quốc. Hơn nữa, trong Nhóm “Bộ tứ”, Ấn Độ là nước duy nhất không có quan hệ liên minh chính thức với Mỹ nhưng lại có đường biên giới với Trung Quốc. Việc Mỹ coi trọng vai trò của các đồng minh - “tài sản chiến lược lớn nhất” - cũng đặt ra câu hỏi về cam kết của nước này đối với Ấn Độ. Thứ hai, các giá trị cũng như vấn đề trọng tâm mà chính quyền của Tổng thống J. Biden theo đuổi có thể khiến Ấn Độ phải suy tính, điển hình như vấn đề quyền con người. Thứ ba, trong khi thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Ấn Độ cũng cần xử lý khéo léo quan hệ với các nước lớn khác, nhất là Nga và Trung Quốc. Cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Tổng thống J. Biden đối với Nga đặt ra thách thức đối với Ấn Độ phải có chính sách mềm dẻo, linh hoạt, chủ động trong cân bằng quan hệ giữa Nga và Mỹ. Đồng thời, không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ “hợp tác khi có thể” trong một số vấn đề và có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ tại khu vực, điều đã từng xảy ra trong quá khứ. Thứ tư, vấn đề Afghanistan cũng là một khó khăn nổi bật cần giải quyết trong quan hệ giữa hai nước. Việc Mỹ rút toàn bộ lực lượng quân đội khỏi Afghanistan vào ngày 31-8-2021 có thể tác động tiêu cực đến an ninh của Ấn Độ nếu hoạt động khủng bố “trỗi dậy” ở Afghanistan và chống phá Ấn Độ. Chính vì vậy, Thủ tướng N. Modi tiếp tục thăm dò quan điểm, đánh giá cam kết của Mỹ cũng như xác định mức độ tương đồng của hai bên. Nếu có thể cùng Mỹ thúc đẩy tiến trình hòa bình và giải quyết vấn đề Afghanistan, Ấn Độ vừa bảo đảm được an ninh, vừa có thể gia tăng ảnh hưởng và vị thế nước lớn của mình trong khu vực.
Nhìn tổng thể, Thủ tướng N. Modi đã mang đến một cách tiếp cận rõ nét hơn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ. Ấn Độ đã thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại đến quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, ở mỗi khía cạnh của mối quan hệ, tùy thuộc vào chính sách của Mỹ mà Thủ tướng N. Modi có những ứng biến linh hoạt, điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ hợp tác khác, điển hình như thế bế tắc về hợp tác thương mại giữa hai nước dưới thời kỳ của Tổng thống D. Trump. Khi so sánh với mục tiêu là tranh thủ ảnh hưởng và các lợi ích kinh tế để nâng cao vị thế quốc gia, tăng cường quan hệ quốc phòng nhằm duy trì sự ổn định khu vực, có thể thấy các chính sách của Thủ tướng N. Modi đối với Mỹ đã đem lại nhiều thành tựu cho Ấn Độ. Chiến thắng áp đảo của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) tại cuộc bầu cử năm 2019 đã một lần nữa chứng minh sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với chính quyền của Tổng thống N. Modi, mở ra nhiều không gian để ông N. Modi tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đối ngoại đang theo đuổi. Tuy nhiên, khi Ấn Độ chưa có đủ tầm ảnh hưởng toàn cầu và thế giới ngày càng biến động khó lường như hiện nay, một mối quan hệ đồng minh chính thức với Mỹ dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống J. Biden được cho là một lựa chọn khó có thể xảy ra đối với chính quyền của Thủ tướng N. Modi. Trong thời gian tới, Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục lựa chọn các lĩnh vực hợp tác và cách tiếp cận phù hợp thay vì liên minh với Mỹ nhằm mở rộng tối đa sự song trùng lợi ích, mà vẫn duy trì được thế “cân bằng chiến lược” giữa các nước và không gian điều chỉnh chính sách./.
-------------------------
(1) Prime Minister’s Office, Government of India: “PM to Heads of Indian Missions”, Press Information Bureau, ngày 7-2-2015, http://pib.nic.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=115241
(2) Kapila Subhash: “India’s Strategic Pivot to the Indo Pacific”, South Asia Analysis Group, số 5831, ngày 27-11-2014
(3) Ngô Xuân Bình: Những vấn đề kinh tế - chính trị cơ bản của Ấn Độ thập niên đầu thế kỷ XXI và dự báo xu hướng đến năm 2020, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2013, tr. 318
(4) Manish Chand: “Why India-US strategic dialogue matters/Strategic Dialogue: The 4-5-6 of India-US relations”, ngày 7-1-2021, https://jobconsultancy.in/why-india-us-strategic-dialogue-matters-strategic-dialogue-the-4-5-6-of-india-us-relations
(5) Mishra Vivek, Udayan Da: “Lý giải của Ấn Độ về Quad và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: sự miêu tả khác biệt hay một thiếu sót?”, ngày 25-3-2019, http://cis.org.vn/article/3723/ly-giai-cua-an-do-ve-quad-va-an-do-duong-thai-binh-duong-su-mieu-ta-khac-biet-hay-mot-thieu-sot.html
(6) Biden Harris Democrats: “Joe Biden’s Agenda for the Indian American Community”, Joe Biden for President: Official Campaign Website, https://joebiden.com/indian-americans/, truy cập ngày 30-11-2021
(7) Tanvi Madan: “India and the Biden administration”, ngày 16-2-2021, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2021/02/16/india-and-the-biden-administration/
Hệ thống - cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Hiện trạng và những tác động  (02/10/2021)
Quyền lực chuẩn tắc: Trường hợp của Liên minh châu Âu  (21/09/2021)
Quan hệ Liên minh châu Âu - Nhật Bản: Điểm hội tụ lợi ích Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (03/08/2021)
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden  (26/06/2021)
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Chính trị xanh tại châu Âu: Nhận thức phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay