Về sự trỗi dậy, tính hai mặt của chủ nghĩa dân tộc và những vấn đề đặt ra với Việt Nam
TCCS - Chủ nghĩa dân tộc xuất hiện cùng với sự ra đời của dân tộc và hiện nay đang trỗi dậy mạnh mẽ, tác động đến việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ở Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước - một loại hình của chủ nghĩa dân tộc - có đóng góp lớn trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để phát huy chủ nghĩa yêu nước trong bối cảnh mới, cần tăng cường thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời phải kiên quyết ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân tộc ly khai.
Từ cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc (Nationalism). Chủ nghĩa này không mới, vì nó hình thành cùng với sự ra đời của dân tộc và luôn có tính hai mặt: hoặc có thể là ngọn cờ trong quá trình xây dựng quốc gia - dân tộc, hoặc là công cụ để áp bức dân tộc khác, đồng thời gây nên xung đột nội bộ. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là sau cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, chủ nghĩa dân tộc ngày càng dâng cao, không những phát triển mạnh ở các nước tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, mà còn nảy nở ngay tại một số quốc gia theo chủ nghĩa liên bang, nguyên tắc phân quyền. Đối với Việt Nam, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần nhận diện rõ chủ nghĩa dân tộc để phát huy mặt tích cực và ứng phó với mặt tiêu cực của nó.
Nguồn gốc và các loại hình của chủ nghĩa dân tộc
Trước hết, để hiểu được nguồn gốc, loại hình của chủ nghĩa dân tộc, cần nhìn nhận về sự ra đời của dân tộc (Nation). Đến nay, trên thế giới có hai khuynh hướng lý thuyết liên quan đến vấn đề này. Những người theo thuyết khởi nguyên (Primordialism) hay thuyết truyền thống (Traditionalism) cho rằng, dân tộc xuất hiện từ trước thời kỳ hiện đại. Còn những người theo chủ nghĩa hiện đại (Modernilism) hoặc chủ nghĩa duy vật (Materialism) lại khẳng định, dân tộc chỉ ra đời ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Về khái niệm dân tộc, nhiều học giả trên thế giới có chung quan điểm, đó là siêu cộng đồng dân cư, chỉ hình thành khi có nhà nước, với một lãnh thổ, cấu trúc kinh tế, xã hội và chia sẻ những giá trị văn hóa chung.
Theo Mai-cơn Hét-tơ (Michael Hechter), chủ nghĩa dân tộc là hành động tập thể hướng đến làm cho biên giới quốc gia trùng khớp với sự quản trị của quốc gia đó(1). Còn C-rai Ca-hun (Craig Calhoun) cho rằng, chủ nghĩa dân tộc không phải là học thuyết, mà hơn cả là cách trao đổi, suy nghĩ và hành động(2). Dưới góc nhìn văn hóa, Xờ-mít (Smith) nhận xét, chủ nghĩa dân tộc là loại hình của văn hóa, gồm tư tưởng, ngôn ngữ, huyền thoại, biểu tượng, ý thức trong sự tương liên với toàn cầu(3). Về thời điểm ra đời chủ nghĩa dân tộc, trong nhiều ý kiến được Craig Calhoun tổng hợp, phần lớn đều cho rằng, chủ nghĩa này trở nên phổ biến vào năm 1815 - thời điểm phát triển mạnh mẽ của phong trào giành độc lập dân tộc(4).
Xem xét cơ sở hình thành của chủ nghĩa dân tộc, E-ríc-sen (Eriksen) khẳng định, nó được khởi nguồn từ các nguyên tắc chính trị, như tình cảm hay phong trào, thậm chí có tính dị thường(5). Bê-sing-gơ (Beissinger) cho rằng, có màu sắc khác nhau ở chủ nghĩa dân tộc Đức thế kỷ XIX; chủ nghĩa dân tộc A-rập thế kỷ XX; chủ nghĩa dân tộc mới xuất hiện trong phong trào chống thực dân; chủ nghĩa dân tộc ở Đông Á. Sau khi mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhiều nhà nước chuyển sang chủ nghĩa dân tộc(6).
Về các loại hình của chủ nghĩa dân tộc, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Michael Hechter, có bốn loại chủ nghĩa dân tộc: 1- Chủ nghĩa dân tộc nhà nước (State nationalism); 2- Chủ nghĩa dân tộc ngoại biên (Peripheral nationalism); 3- Chủ nghĩa dân tộc tái chiếm lãnh thổ (Irredentist nationalism); 4- Chủ nghĩa dân tộc thống nhất (Unification nationalism). Ở chiều cạnh thanh lọc tộc người (Ethnic cleasing) trong quá trình xây dựng quốc gia - dân tộc, Michael Hechter lại chia chủ nghĩa dân tộc thành hai loại hình là chủ nghĩa dân tộc dung nạp (Inclusive nationalism), và chủ nghĩa dân tộc loại trừ (Exclusive nationalism). Vẫn từ góc nhìn tộc người, Eriksen cho rằng, có hai loại chủ nghĩa dân tộc, đó là chủ nghĩa dân tộc tộc người (Ethnic nationalism) và chủ nghĩa dân tộc phi tộc người (Non-ethnic nationalism)(7); còn với Smith, có chủ nghĩa dân tộc tộc người, bao gồm chủ nghĩa dân tộc ly khai và chủ nghĩa dân tộc đòi lãnh thổ (Irredentist nationalism)(8). Từ góc độ tôn giáo, Bác-kơ (Barker) lại chia chủ nghĩa dân tộc thành chủ nghĩa dân tộc thế tục (Secular nationalism) và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo (Religious nationalism)(9).
Sự trỗi dậy và tính hai mặt của chủ nghĩa dân tộc trên thế giới
Xem xét chủ nghĩa dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, Đa-vít Brao (David Brown) cho rằng, nó có hai đặc điểm: Một là, chiều kích tộc người trong chủ nghĩa dân tộc. Theo đó, tộc người có vai trò quan trọng trong chủ nghĩa dân tộc ở các nước thuộc khu vực này. Hầu hết các nước đều có tộc người hạt nhân (Score), với vai trò tạo lập dân tộc. Tộc người hạt nhân gắn với vai trò văn hóa, và thường có dân số lớn nhất (đa số), còn các tộc người thiểu số thường có dân trí thấp hơn. Hai là, chiều kích công dân trong chủ nghĩa dân tộc. Trong quá trình xây dựng dân tộc, các quốc gia cũng hướng đến vấn đề công dân để thực hiện đoàn kết dân tộc(10).
Chủ nghĩa dân tộc có tính hai mặt. Ngay việc phân chia các loại hình của chủ nghĩa này như đã nêu, dựa trên sự nhìn nhận về cơ sở và đặc điểm của nó, cũng phần nào phản ánh điều đó. Mặt hạn chế, nguy hiểm nhất của chủ nghĩa dân tộc là tính hẹp hòi, cực đoan, sô-vanh. Trong các loại hình chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tộc tộc người và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo dễ dẫn đến hẹp hòi và cực đoan nhất. Trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức Quốc xã thúc đẩy ý tưởng rất phản động về một dân tộc Đức thượng đẳng, đứng trên tất cả các dân tộc khác, có quyền tiến hành chiến tranh để “mở rộng không gian sinh tồn”, thanh lọc tộc người, tiêu diệt các dân tộc khác mà nạn diệt chủng người Do Thái là một ví dụ điển hình về tính tàn bạo và phi nhân tính của nó.
Chủ nghĩa dân tộc tộc người được hình thành trên cơ sở tộc người, tức đề cao bản sắc tộc người, lấy tộc người làm trung tâm, nhằm đạt được mục đích chính trị là xây dựng nhà nước dân tộc với tộc người chiếm ưu thế làm chủ thể, hoặc tộc người đó được tự trị trong một quốc gia - dân tộc. Trong thế kỷ XX, chủ nghĩa dân tộc tộc người bùng nổ ở nhiều nơi thuộc các châu lục Á, Phi, Mỹ La-tinh, chống lại chủ nghĩa thực dân và kiến tạo được nhiều quốc gia - dân tộc độc lập, với các thể chế chính trị khác nhau. Sau đó, chủ nghĩa này lại tiếp tục hồi sinh không chỉ ở ngay các quốc gia - dân tộc đã nêu mà còn xuất hiện tại các nước vốn đã từng là chính quốc xâm chiếm thuộc địa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc tộc người càng có điều kiện mang tính xuyên quốc gia. Khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy trên thế giới vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhân lõi của nó chính là chủ nghĩa dân tộc tộc người. Sự chia sẻ về văn hóa và nguồn gốc tổ tiên của tộc người là những yếu tố dễ dàng tạo sự kết nối trong huy động phong trào chính trị và tính thống nhất về chính trị. Song, nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa dân tộc tộc người không phải sự chia sẻ ấy, mà chính là sự bất bình đẳng về lợi ích và mâu thuẫn, xung đột xã hội tại các quốc gia. Cùng với đó, phải kể đến các thế lực bên ngoài kích động, hỗ trợ, chia rẽ để làm suy yếu các nước đối thủ cạnh tranh hoặc vừa mới giành được độc lập dân tộc. Theo đó, chủ nghĩa dân tộc tộc người chỉ là phương tiện của các lực lượng chính trị để đạt mục đích.
Chủ nghĩa dân tộc tôn giáo lấy tôn giáo là yếu tố quan trọng để tạo nên bản sắc dân tộc, có sự liên kết giữa truyền thống tôn giáo với thiết chế xã hội; đồng thời, tôn giáo cũng được sử dụng như công cụ để đạt được những mục tiêu chính trị. Gắn với quá trình xây dựng quốc gia - dân tộc, chủ nghĩa dân tộc tôn giáo có sức mạnh bởi nó đan kết với đời sống chính trị, xã hội và văn hóa. Việc hiểu đơn giản về chủ nghĩa dân tộc thế tục, tức chỉ là sự tách biệt giữa nhà thờ với nhà nước, sẽ không phát huy được các yếu tố tích cực của tôn giáo và cũng không lường hết những phức tạp của tôn giáo. Từ những năm 70 thế kỷ XX đến nay, chủ nghĩa dân tộc tôn giáo trên thế giới rất phát triển, kể cả ở những quốc gia tuyên bố theo chủ nghĩa thế tục; nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới cùng sự bất ổn của một số nước có liên quan chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, như ở I-xra-en, Pa-le-xtin, Mi-an-ma, Thái Lan hay Ấn Độ.
Có thể thấy rằng, chủ nghĩa dân tộc trên thế giới rất đa dạng và phức tạp. Chủ nghĩa dân tộc có vai trò tích cực khi gắn với lòng yêu nước và ý thức công dân trong bảo vệ, xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc. Song, chủ nghĩa dân tộc sẽ có nhiều tác động tiêu cực nếu trở nên hẹp hòi và cực đoan, khi nó chỉ hướng đến trục lợi cho quốc gia - dân tộc hay nhóm tộc người, nhóm tôn giáo của mình mà chà đạp lên lợi ích của các quốc gia - dân tộc hay tộc người khác, tôn giáo khác; dẫn tới sự thoát ly của các nhóm tộc người, tôn giáo với cộng đồng quốc gia - dân tộc vì mưu cầu riêng.
Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra
Trong nhiều thập niên qua, bàn về sự ra đời của dân tộc ở Việt Nam, nhiều người thường gắn nó với thời kỳ phong kiến và sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân, với độc lập dân tộc và giải phóng đất nước. Khởi đầu, vấn đề này được đặt ra từ cuộc thảo luận “Sự hình thành dân tộc Việt Nam” vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, với sự chủ trì của giới sử học. Trong các cuộc thảo luận đó, một số ý kiến cho rằng, dân tộc Việt Nam hình thành sớm, thuộc loại hình dân tộc tiền tư bản chủ nghĩa, và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam bước vào quá trình hình thành dân tộc xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, có quan điểm khẳng định, dân tộc Việt Nam ra đời muộn hơn, song cụ thể vào giai đoạn nào thì khó chỉ ra(11).
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đề cao chủ nghĩa yêu nước gắn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước được phát huy cao độ, là động lực to lớn để đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp xã hội, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc và là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Vậy chủ nghĩa yêu nước có phải là chủ nghĩa dân tộc hay không? Trên thực tế, khái niệm chủ nghĩa dân tộc hầu như không được sử dụng trong diễn ngôn chính trị và học thuật của Việt Nam giai đoạn này. Tuy nhiên, sự thảo luận của nhiều học giả trên thế giới cho thấy, chủ nghĩa yêu nước (Patriotism) thực chất chỉ là một dạng thức của chủ nghĩa dân tộc hoặc luôn đan kết với chủ nghĩa dân tộc, bởi nói đến chủ nghĩa dân tộc, không thể không đề cập tới chủ nghĩa yêu nước(12). Nói cách khác, chủ nghĩa yêu nước là mặt tích cực của chủ nghĩa dân tộc.
Sau cuộc thảo luận “Sự hình thành dân tộc Việt Nam”, một số tác giả vẫn tiếp tục nghiên cứu về vấn đề dân tộc ở nước ta, nhất là trong tình hình mới. Giáo sư Phan Hữu Dật cho rằng, trong sự phát triển hơn nửa thế kỷ qua ở Việt Nam, đã hình thành một cộng đồng người mới, một dân tộc Việt Nam thống nhất trong quốc gia Việt Nam xã hội chủ nghĩa và gọi đó là cộng đồng quốc gia - dân tộc(13). Về ý thức dân tộc, tác giả Lê Thị Lan cho rằng, nó được hình thành từ thế kỷ III sau Công nguyên, gắn với việc truyền bá Nho giáo vào Việt Nam. Theo đó, tầng lớp tinh hoa theo Nho học có vai trò lớn trong xây dựng chủ nghĩa dân tộc, với ý thức về độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, sự tự hào về nền văn hóa riêng, tinh thần đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc. Tác giả Lê Thị Lan còn gợi ý, ngày nay, vẫn có thể tiếp tục phát huy chủ nghĩa dân tộc trong xây dựng và bảo vệ đất nước(14). Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, nên chú trọng đến việc xây dựng ý thức quốc gia - dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc có tính hai mặt và Việt Nam phải đối diện với nó trong bối cảnh thế giới đương đại. Về phương diện quốc tế, Việt Nam không tránh khỏi những tác động của chủ nghĩa dân tộc trên thế giới, nhất là với các nước trong khu vực đã dùng chủ nghĩa này như một công cụ cho phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của họ. Do đó, Việt Nam cần phát huy chủ nghĩa yêu nước - một di sản quý giá trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, chủ nghĩa yêu nước không chỉ cần thiết cho công cuộc bảo vệ độc lập, tự chủ, trọng tâm là bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là đối với việc xây dựng thương hiệu và sử dụng hàng hóa Việt Nam. Để làm được như vậy, cần có chính sách và hành động thiết thực nhằm quy tụ, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài.
Để phát huy chủ nghĩa yêu nước và ngăn ngừa, phòng tránh mặt tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc, cần xử lý tốt hai vấn đề phức tạp sau đây:
Một là, tránh nguy cơ nảy sinh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chủ nghĩa này dễ xuất hiện khi xảy ra mất đồng thuận trong quan điểm, phương thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia. Thời gian qua, các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân tiến hành kích động chống đối, biểu tình hay có phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Nếu tiếp tục để xảy ra những tình huống như vậy, sẽ gây phân tâm xã hội, không phát huy được chủ nghĩa yêu nước chân chính và là cơ sở làm nảy sinh chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Hai là, tránh nguy cơ tái phát và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc ly khai. Lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là kết quả lao động, sản xuất và đấu tranh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, gắn với sự ra đời và phát triển của nhà nước dân tộc. Là nước có chủ quyền, với biên giới lãnh thổ được xác định và là thành viên của Liên hợp quốc, song các thế lực dân tộc cực đoan vẫn chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá. Vì vậy, cùng với tăng cường các biện pháp để củng cố, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai.
Tóm lại, trong bối cảnh trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc trên thế giới hiện nay, Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc, bên cạnh việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân tộc ly khai./.
------------------------
(1) Xem: Michael Hechter: Containing Nationalism, Oxford University Press, 2000, p. 7
(2) Xem: Craig Calhoun: Concepts in Social Thought Nationalism, University of Minnesota Press, 1997, pp.11 - 12
(3) Xem: Anthony D. Smith: National Identity, Penguin, London, 1991, pp. 91, 70 - 79
(4) Xem: Craig Calhoun: “Nationalism and Ethnicity”, Annual Review of Sociology, Vol.19, 1993, pp. 211 - 239; Wimmer, Andreas and Yuval Feinstein: “The Rise of the Nation - State across the World, 1816 to 2001”, American Sociological Review, 75(5), 2010
(5) Xem: Thomas Hylland Eriksen: Ethnicity and Nationalism: Anthropological Perspectives, Pluto Press, 2010, pp. 121 - 122
(6) Xem: Markr Beissinger: “Nationalism and the Collapse of Soviet Communism”, Contemporary European History, Vol.18, 3, Cambridge University Press, 2009, pp. 331 - 347
(7) Xem: Thomas Hylland Eriksen: Ethnicity and Nationalism: Anthropological Perspectives, Ibid, pp. 140 - 144
(8) Xem: Anthony D. Smith: National Identity, Ibid, pp. 82 - 83
(9) Xem: Philip W. Barker: Religious Nationalism in Modern Europe: If God be for Us, Routledge, 2009
(10) Xem: David H. Brown: Contending Nationalisms in Southeast Asia, Asia Research Centre, Murdoch University, Working Paper, 2006
(11) Xem: Phan Huy Lê: “Nhìn lại cuộc thảo luận vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1981, tr. 6 - 15
(12) What is Patriotism? The Forum, July 15, 1991, https: www.thenation.com
(13) Xem: Phan Hữu Dật: Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1998, tr. 446 - 447
(14) Xem: Lê Thị Lan: “Nho giáo và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa”, Tạp chí Triết học, số 12, 2009
Phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (11/03/2021)
Sách lý luận, chính trị với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (05/12/2020)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay