Chiến lược của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
TCCS - Thời gian vừa qua, nhiều nước châu Âu ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với tiềm năng quân sự, quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác quốc phòng, Pháp bước đầu đã đưa ra những chính sách đối với khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này.
Tính đến thời điểm hiện nay, Pháp là một trong số ít các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là một khái niệm mới được đề cập đến trong chiến lược ngoại giao của Pháp và được đề cập thông qua bài diễn văn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại căn cứ hàng hải Garden Island (Sydney, Australia) vào tháng 5-2018. Đây không chỉ là một sự thay đổi về thuật ngữ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp mà còn phản ánh một tầm nhìn mới và toàn diện hơn về khu vực này. Cách tiếp cận của Pháp về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cơ bản phù hợp với tài liệu chiến lược được công bố năm 2016 với tiêu đề: “Pháp và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương”.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chiến lược của Pháp
Thứ nhất, Pháp rất coi trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này không chỉ là nơi cạnh tranh chiến lược lớn về an ninh toàn cầu mà còn nắm giữ các lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp đối với Pháp. Quốc gia Tây Âu này có lãnh thổ ở Nam Ấn Độ Dương, gồm quần đảo Mayottes và Réunion, quần đảo Eparses và các vùng đất ở châu Đại dương và Nam Cực. Ở Thái Bình Dương, Pháp có các vùng hải ngoại New Caledonia, Wallis-et-Futuna, quần đảo Polynésie thuộc Pháp và đảo Clipperton. Về mặt địa - chính trị, những tài sản và các đặc khu kinh tế liên quan này chính là cơ sở khẳng định vai trò toàn cầu của Pháp như “một cường quốc tầm trung”(1).
Không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với Pháp hiện hữu như một thực thể địa - chính trị. Khu vực này tập trung 60% dân số, chiếm 1/3 thương mại thế giới với 1,5 triệu công dân Pháp sống ở các lãnh thổ và vùng hải ngoại, hơn 7.000 quân nhân Pháp đang làm nhiệm vụ (trong đó 4.100 ở Ấn Độ Dương và 2.900 ở Thái Bình Dương), hơn 200.000 người Pháp sinh sống ở các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và gần 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp (EEZ) nằm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lớn thứ hai trên thế giới (sau Mỹ). Pháp cũng duy trì một mạng lưới dày đặc gồm 18 tùy viên quốc phòng thường trú và không thường trú tại 33 quốc gia. Pháp coi đây là những công cụ nhằm bảo vệ và bảo đảm an ninh quốc gia và vùng lãnh thổ của Pháp, giúp kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế và triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc phòng. Chính vì vậy, Pháp luôn kiên quyết trong bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải tại khu vực.
Thứ hai, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một cực tiềm năng mở rộng kinh tế của Pháp. Trung tâm trọng lực kinh tế của thế giới đã dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Sáu thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) gồm Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản hiện có mặt tại khu vực này. Các tuyến đường thương mại hàng hải thông qua Ấn Độ Dương và Đông Nam Á đã trở nên ngày càng chiếm ưu thế. Tỷ trọng ngày càng tăng của khu vực này trong trao đổi thương mại và đầu tư thế giới khiến Pháp trở thành một tác nhân hàng đầu trong tiến trình toàn cầu hóa(2).
Bên cạnh đó, sự thịnh vượng của Pháp - cường quốc kinh tế lớn thứ năm thế giới gắn liền với sự năng động của châu Á: tỷ trọng thương mại của Pháp với khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 1985 từ 14% đã tăng lên 24% năm 2000 và 32% năm 2016(3). Đầu tư trực tiếp của Pháp vào khu vực này hiện đã vượt quá 80 tỷ USD, cao gấp 4 lần đầu tư của châu Á vào Pháp. Thương mại của Pháp cũng phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này cũng chiếm hơn 40% số lượng hàng hóa nhập khẩu của Pháp từ bên ngoài EU.
Thứ ba, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giúp khôi phục vị thế cường quốc của Pháp. Về mặt đối ngoại, tuy vẫn gặp nhiều rào cản trong ý định cải tổ châu Âu, cũng như chưa thành công trong việc xây dựng một mối quan hệ thân thiện với chính quyền của Mỹ và việc tái xây dựng mối quan hệ với Nga cũng đang ở giai đoạn đầu còn nhiều tranh cãi, song Tổng thống E. Macron vẫn được coi là một trong những nhà lãnh đạo năng nổ trong công cuộc tìm lại vị thế cường quốc cho nước Pháp trên chính trường quốc tế. Dưới thời Tổng thống E. Macron, Pháp muốn trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong sự hợp tác giữa các nền dân chủ cùng có sự quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, duy trì một trật tự dựa trên luật lệ và tạo ra đối trọng với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Mặc dù lợi ích chính của Pháp vẫn là ở châu Âu, nhưng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng góp phần củng cố vị thế của Pháp như là một chủ thể quan trọng tham gia vào khu vực. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande, Pháp đã ngả sang trường phái tân bảo thủ, sẵn sàng can thiệp quân sự ra nước ngoài. Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ của mình, nhà lãnh đạo trẻ E. Macron đã điều chỉnh quỹ đạo trở lại theo đường lối của nhà lãnh đạo De Gaulle(4), với nguyên tắc cơ bản là đường lối độc lập, chủ động và tự chủ. Xu hướng này có thể thấy khá rõ đối với những chính sách ở khu vực châu Á, một trong những hướng ngoại giao quan trọng mà ông E. Macron đẩy mạnh trong thời gian qua. Pháp bắt tay với tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, miễn là các quy tắc tự do lưu thông được tôn trọng(5).
Tổng thống E. Macron là người ủng hộ đường lối hội nhập thế giới, thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do hóa, phản đối đường lối dân túy, dân tộc cực đoan. Sự quyết tâm của Pháp nhằm mở rộng hợp tác và sức ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược an ninh của Pháp, góp phần nâng cao vị thế toàn cầu của nước này trong bối cảnh những cam kết an ninh của Mỹ còn nhiều bất ổn. Trong bối cảnh địa chiến lược thay đổi, mục tiêu then chốt của Pháp là tăng cường mối quan hệ hợp tác và đối tác với các quốc gia trong khu vực rộng lớn, nơi lợi ích của chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ rất cần thiết cho hòa bình và an ninh khu vực.
Chính sách đối ngoại quyết đoán và thành công của Pháp không chỉ thể hiện sự chuyển hướng trong tư duy mà còn là biểu tượng tập hợp đoàn kết mạnh mẽ. Kể từ khi ông E. Macron nhậm chức Tổng thống Pháp năm 2017 đến nay, những cam kết cải cách triệt để đất nước đã không đạt kết quả như mong đợi. Trong ba năm đầu cầm quyền của Tổng thống E. Macron, Pháp đối mặt với phong trào biểu tình “Áo vàng”, một đợt phản kháng xã hội nghiêm trọng nhất với nước Pháp kể từ sự kiện tháng 5-1968(6). Các ý tưởng cải cách lớn mà Tổng thống E. Macron dự định tiến hành như cải cách hưu trí, cải cách hiến pháp… đều đang dang dở. Bên cạnh đó, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đã khiến gần 90.000 người dân Pháp thiệt mạng (tính đến ngày 7-3-2021) và đã làm nền kinh tế bị sa sút nghiêm trọng. Các chỉ số kinh tế của Pháp, như tốc độ tăng trưởng hay tỷ lệ thất nghiệp, dù được cải thiện nhưng diễn ra với tốc độ rất chậm.
Có thể thấy, môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp sẽ khiến các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hướng tới các quy trình hoạch định chiến lược nhiều sắc thái hơn, trong đó có cả xu hướng giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc lớn cũng như tăng cường năng lực nội tại để thích ứng với sự thay đổi. Trước thách thức này, với mong muốn thúc đẩy một trật tự đa cực ổn định dựa trên luật pháp, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Pháp.
Những ưu tiên chiến lược của Pháp tại khu vực
Trước những thay đổi trong bàn cờ địa - chính trị này, Pháp đã đưa ra chiến lược riêng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bài diễn văn tại căn cứ hàng hải Garden Island (Australia), ngày 3-5-2018, Tổng thống E. Macron đã trình bày chiến lược của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp tiếp tục khẳng định năm ưu tiên chính trong chiến lược của mình, trong đó: Một là, bảo vệ công dân, lãnh thổ và lợi ích Pháp tại khu vực; hai là, góp phần bảo đảm an ninh cho những khu vực xung quanh các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp thông qua hợp tác quân sự và tăng cường ngoại giao quốc phòng; ba là, duy trì quyền tự do tiếp cận và khai thác ở các khu vực chung trên biển, trên không hoặc trong không gian mạng, nhất là việc bảo đảm giao thông hàng hải; bốn là, tăng cường các cơ chế đa phương để duy trì sự ổn định khu vực; năm là, tìm kiếm kinh nghiệm trong việc xử lý các thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đã xảy ra trong khu vực để có thể ứng phó hiệu quả hơn với những thảm họa trong tương lai(7).
Đối với Pháp, vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia trong khu vực và duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế là điều tối quan trọng. Trong đó, thúc đẩy đối thoại và chủ nghĩa đa phương là vấn đề cốt lõi trong chiến lược của Pháp. Tại Đối thoại Shangri-La (năm 2019) diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Frorence Parly nhấn mạnh, mục tiêu của nước Pháp là bảo đảm vai trò cường quốc trung gian, bao trùm và là nhân tố ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với sự gia tăng của khủng hoảng, căng thẳng và nạn buôn lậu trong khu vực, Pháp cam kết hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với tất cả các đối tác để giải quyết những thách thức chung mà Pháp và các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đối mặt. Ngoài ra, Pháp ủng hộ cách tiếp cận đa phương dựa trên luật pháp quốc tế thông qua hợp tác kinh tế, ngoại giao và quân sự chặt chẽ hơn với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản…
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chủ yếu dựa trên các nội dung chính(8), bao gồm: Thứ nhất, sự can dự mạnh mẽ của Pháp trong việc giải quyết các khủng hoảng khu vực, an ninh các tuyến đường hàng hải chủ chốt, cũng như đấu tranh chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan và tội phạm có tổ chức; thứ hai, tăng cường và phát triển các quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu của Pháp tại khu vực; thứ ba, tăng cường sự can dự trong các tổ chức khu vực nhằm góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương; thứ tư, cam kết thúc đẩy các “tài sản chung” (biến đổi khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học, y tế, giáo dục, số hóa, kết cấu hạ tầng có chất lượng), cam kết này song hành cùng sự ủng hộ của Pháp đối với việc can dự ngày càng tăng của EU tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như một tác nhân phát triển bền vững và ổn định.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp cơ bản khác biệt về mục tiêu và nội dung so với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đưa ra vào tháng 11-2017. Pháp đề xuất một “cách tiếp cận cân bằng” dựa trên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” khôn ngoan với Trung Quốc. Tháng 5-2018, trong buổi họp báo chung tại Sydney (Australia) cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống E. Macron tuyên bố: “Điều quan trọng là phải duy trì và bảo vệ sự phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp trong toàn vùng và duy trì thế cân bằng cần thiết trong khu vực”(9). Có thể thấy rằng, Australia cũng cùng chung quan điểm với Pháp về vấn đề không một quốc gia nào có quyền thống trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh địa chiến lược đang thay đổi, mục tiêu của Pháp là tăng cường mối quan hệ hợp tác và là đối tác với các nước trong một khu vực rộng lớn, nơi lợi ích của chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ là điều cần thiết cho hòa bình và an ninh khu vực. Pháp cần duy trì tầm ảnh hưởng và năng lực hành động của mình để có được một môi trường an ninh có lợi cho các hoạt động kinh tế và chính trị của Pháp cũng như của các đối tác.
Bên cạnh việc tăng cường năng lực quân sự, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng cũng như triển khai các cơ chế an ninh đa phương được sự đón nhận tích cực của các quốc gia trong khu vực, Pháp vẫn đang phải đối mặt với rào cản trong vai trò dẫn dắt, thuyết phục các quốc gia thành viên EU tham gia chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp. Ngoài ra, vấn đề nguồn kinh phí và năng lực của lực lượng hải quân phục vụ cho việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng là vấn đề mà Pháp cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Điều này sẽ gây tác động không nhỏ đến việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp thời gian tới, song với tầm quan trọng của khu vực, những rào cản này khó có thể khiến Pháp thay đổi mục tiêu./.
--------------------------------
(1) David Scott: “France’s “Indo-Pacific” strategy: regional power projection”, Journal of Military and Strategic Studies,Vol.19, Issue 4, pg.6
(2), (8) Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam: “Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương: một ưu tiên của Pháp”, https://vn.ambafrance.org/Khu-vuc-An-do-Thai-Binh-Duong-mot-uu-tien-cua-Phap, ngày 11-1-2021
(3) Sophie Boisseau du Rocher: “Presidential Elections Put France’s Influence in the Asia-Pacific At Risk”, https://thediplomat.com/2017/05/are-the-french-presidential-elections-putting-frances-influence-in-the-asia-pacific-at-risk/, ngày 4-5-2017
(4) Chủ thuyết De Gaulle với nguyên tắc cơ bản là đường lối độc lập, chủ động và tự chủ, theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập trên phạm vi quốc tế và mong muốn nâng cao vị thế của nước Pháp trên vũ đài châu Âu.
(5) Tiến Nhất: “Dấu ấn cải tổ của Tổng thống Pháp E.Macron”, https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dau-an-cai-to-cua-tong-thong-phap-emacron-20180504152819697.htm, ngày 4-5-2018
(6) Tháng 5-1968, 9 triệu sinh viên, công nhân lao động và công chức, viên chức của Pháp đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối chính quyền, chủ nghĩa tư bản, nghèo đói và một số vấn đề khác.
(7) Huy Thông: “Pháp và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, http://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Phap-va-chien-luoc-An-Do-Duong-Thai-Binh-Duong-603717/, ngày 20-7-2020
(9) Báo An ninh thế giới: “Ông Macron và con đường vào châu Á”, http://antg.cand.com.vn/hau-truong/Ong-Macron-va-con-duong-vao-chau-A-489848/, ngày 7-5-2018
Thu hút nhân tài ở Ấn Độ và hàm ý đối với Việt Nam  (20/02/2021)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn  (15/12/2020)
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37: Thúc đẩy định hướng phát triển giai đoạn mới cho ASEAN  (13/11/2020)
Triển khai lực lượng tiền đồn tại khu vực Đông Á: Bước đi quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ  (19/07/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển