Bảo hiểm xã hội Việt Nam với việc bảo vệ quyền lợi bảo hiểm cho người lao động
TCCS - Việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhằm giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với tổ chức, doanh nghiệp lâu dài, cống hiến hết mình để phát triển tổ chức, doanh nghiệp bền vững. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội khiến người lao động không được bảo đảm các quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động.
Kết quả đạt được và những tồn tại trong triển khai chính sách bảo hiểm xã hội
Ở Việt Nam, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đóng vai trò là trụ cột chính, quan trọng trong hệ thống bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững... “Tính đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,72 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về Quỹ BHXH, Quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT cũng được bảo đảm với gần 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BHTN với tổng số tiền chi trả lên tới gần 300.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho 3,1 triệu người nghỉ hưu, cũng như tạo cơ hội được chăm sóc y tế cho hàng triệu người mắc các bệnh nan y với mức chi phí điều trị y tế của mỗi người lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí rất nhiều người được BHYT thanh toán hàng tỷ đồng mỗi năm. Việc bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT đã góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc cho hơn 92 triệu người với trên 24 triệu hộ gia đình. Sau khi rà soát, đến nay đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, quản lý tập trung thống nhất trong cả nước”(1). Hiện tại, hệ thống công nghệ thông tin của BHXH được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế; triển khai thực hiện giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực. Hiện có 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, với tổng số 47,72 triệu hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến. Nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với báo cáo năm 2017); trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190. Hai năm liền, ngành BHXH giữ vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công (riêng về hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất).
Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã quán triệt các mục tiêu: mở rộng diện bao phủ BHXH đến các năm 2021, 2025, 2030, tương ứng phải đạt bao phủ 35%, 45%, 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; riêng BHXH tự nguyện với mục tiêu phải đạt từ 1%, 2,5%, 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHTN phải đạt 28%, 35%, 45% lực lượng lao động tương ứng đến các năm 2021, 2025, 2030; thiết kế chính sách BHXH theo hướng đa tầng (gồm tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bằng cách ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung, theo nguyên tắc thị trường). Các tầng chính sách sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân; đồng thời, giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ, tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu.
Đồng thời, ngày 16-11-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng chính thức tăng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp từ ngày 1-1-2019. Theo quy định tại Điểm 6, Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 595/QĐ-BHXH, ngày 14-4-2017, của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc phải đáp ứng điều kiện sau: 1- Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường; 2- Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua đào tạo, học nghề, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, khi mức lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1-1-2019, mức tiền lương tháng tối thiểu để tính đóng BHXH bắt buộc như sau:
Đơn vị: VND
Như vậy, nếu người lao động đang có mức lương đóng BHXH bắt buộc dưới mức nêu trên thì tổ chức, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh mức đóng đúng theo quy định của Quyết định số 595/QĐ-BHXH.
Sang năm 2019, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến 31-3-2019, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước là 14,5 triệu người; BHXH tự nguyện: 295.000 người; BHTN: 12,78 triệu người; BHYT: 83,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,1% dân số. Toàn ngành thu được 77.100 tỷ đồng, đạt 21,4% kế hoạch, trong đó thu BHXH là 53.549 tỷ đồng, thu BHTN 3.723 tỷ đồng, thu BHYT: 19.828 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn ngành cũng đã chi BHXH, BHYT, BHTN là 71.852 tỷ đồng, trong đó chi BHXH từ nguồn ngân sách 10.720 tỷ đồng, từ Quỹ BHXH 37.442 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 2.534 tỷ đồng và ước chi khám, chữa bệnh BHYT 21.155 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, phổ biến ở nhiều loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước ở các ngành giao thông, xây dựng, các tập đoàn đang cơ cấu lại, các đơn vị ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị nhỏ, siêu nhỏ... Tính đến 31-3-2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi đã lên tới 6.654 tỷ đồng, tăng hơn 1.105,1 tỷ đồng so với 31-12-2018. Đến cuối tháng 4-2019, riêng Hà Nội có 37.557 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng; tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh có số nợ là 1.847 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nợ 2,89% so với kế hoạch thu; thành phố Đà Nẵng còn nợ gần 337 tỷ đồng tiền BHXH và tiền lãi...(2)
Nợ đọng BHXH chủ yếu diễn ra ở các đơn vị đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phá sản, giải thể, mất tích và chủ doanh nghiệp bỏ trốn; đồng thời, do ý thức chấp hành các quy định đóng BHXH, BHYT, BHTN còn chưa tốt; nhiều đơn vị, cơ sở đã đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sử dụng vào mục đích khác... Công tác đôn đốc, thanh, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN ở một số nơi chưa sâu sát và thường có tình trạng tỷ lệ nợ cao vào đầu năm và giảm dần trong các tháng cuối năm. Ngoài ra, nợ đọng BHXH còn do tình trạng nợ ảo, tức các khoản nợ không có thực, do doanh nghiệp đã phá sản nhưng vẫn phải theo dõi, thể hiện trên báo cáo, tạo ra những số liệu chưa chính xác về tổng nợ BHXH...
Trong năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có kế hoạch thanh tra chuyên ngành đóng, kế hoạch kiểm tra toàn ngành, theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chủ trì phối hợp thực hiện tranh tra chuyên ngành và thanh tra liên ngành tại 23 tỉnh, thành phố. Trong đó, giao BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành 5.581 đơn vị, kiểm tra tại 6.815 đơn vị, thanh tra liên ngành tại 4.197 đơn vị.
Trong quý I-2019, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 817 đơn vị, thanh tra chuyên ngành đóng tại 371 đơn vị. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào 3 nội dung trọng yếu vừa giúp giảm nợ đọng, vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động, là: thanh tra, kiểm tra về đối tượng đóng (chú trọng trường hợp người lao động có hợp đồng lao động, có làm việc, nhưng không được đóng BHXH; về mức đóng (bảo đảm người lao động được đóng đủ theo mức tiền lương, phụ cấp,... ghi trong hợp đồng lao động); về phương thức đóng (đúng quy định hằng tháng). Việc thanh tra, kiểm tra quyết liệt đã cho thấy hiệu quả khả quan, bởi từ khi có quyết định thanh tra tới khi ký biên bản thì số tiền thu về đạt khoảng 50% số phải thu.
Bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng của hệ thống bảo đảm an sinh xã hội quốc gia. Nợ BHXH, BHYT, BHTN không chỉ làm tăng áp lực cân đối lên các quỹ, mà còn trực tiếp làm cho quyền lợi của nhiều người lao động không được bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Những giải pháp cần có trong thời gian tới
Năm 2019, một nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH là tập trung thu hồi nợ đọng BHXH, giảm tỷ lệ nợ so với năm 2018 và duy trì tỷ lệ nợ thấp trong các tháng của năm 2019. Để ngăn chặn tình trạng nợ đọng BHXH, cần coi trọng sự triển khai đồng bộ các giải pháp, nổi bật là:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, ý thức chấp hành pháp luật BHXH đối với các doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, nâng cao ý thức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp trong việc trích nộp BHXH, BHYT và BHTN.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động thanh tra, đôn đốc thu BHXH; cần giao chỉ tiêu thu hồi nợ đến từng địa phương, từng cán bộ chuyên quản và yêu cầu cán bộ chuyên quản phải thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, lập biên bản nếu nộp muộn, sau 2 lần lập biên bản thì báo cáo để lập đoàn thanh tra xử phạt.
Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chủ động tiến hành thanh tra đột xuất dựa trên cảnh báo của hệ thống dữ liệu toàn quốc, có chức năng tự động cảnh báo các doanh nghiệp nợ quá 3 tháng mà chưa được thanh tra. Theo quy định hiện hành, công tác thanh tra phải có kế hoạch gửi đến các cơ quan liên quan nhằm tránh sự chồng chéo trong thanh tra, bảo đảm trong cùng một thời gian, chỉ có 1 cơ quan vào thanh tra đơn vị. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (công an, tòa án, viện kiểm sát, lao động, liên đoàn....) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.
Thứ ba, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ban hành quy định công khai danh tính các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài BHXH trên các phương tiện truyền thông, nhất là với các doanh nghiệp có lợi nhuận, nhưng cố tình trì hoãn, trốn tránh. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã công bố danh sách 20 đơn vị nợ BHXH lớn; với số dư nợ từ 32,2 tỷ đồng đến hơn 17 tỷ đồng...
Thứ tư, kiên quyết xử lý hình sự những đơn vị đủ năng lực đóng BHXH mà cố tình trì hoãn, trốn tránh. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quý I-2019, đã có 23 tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ 162 doanh nghiệp nợ đọng sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có vụ nào được đưa ra xét xử mặc dù số hồ sơ được chuyển tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2018 (chỉ có 38 hồ sơ, nhưng ngay sau khi chuyển sang cơ quan điều tra thì đã có khoảng một phần ba đơn vị đã trả ngay số tiền nợ BHXH). Việc chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự là bởi, dù Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018, trong đó lần đầu tiên pháp luật Việt Nam có quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, nhưng trong một thời gian tương đối dài vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Gần đây, ngày 15-8-2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQHĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
Thứ năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp với cơ quan thuế và đoàn đại biểu quốc hội địa phương thực hiện trách nhiệm giám sát, tạo sức ép cụ thể về quyết toán thuế hằng năm đối với doanh nghiệp không đăng ký tham gia hoặc nợ đọng BHXH cho người lao động...
Thứ sáu, tổng rà soát các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và tập hợp những vướng mắc, khó khăn để đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cấp, ban, ngành có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét. Đặc biệt, cần nghiên cứu loại khỏi danh sách thu BHXH những doanh nghiệp đã phá sản từ lâu trên thực tế để tránh số nợ ảo; cũng như có thể linh hoạt cho phép doanh nghiệp khoanh nợ lãi BHXH. Đồng thời, cho kê khai tách đóng và chốt sổ bảo hiểm đối với người lao động đã nghỉ việc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động đã nghỉ việc và tạo sự yên tâm cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp... Ngoài ra, kết quả đóng BHXH, BHYT và BHTN cũng cần trở thành tiêu chí bắt buộc cho mọi loại giải thưởng và xếp hạng thi đua khác của doanh nghiệp, kể cả cấp địa phương, ngành và Trung ương./.
------------------------------
(1) http://dangcongsan.vn/thoi-su/bhxh-vn-khang-dinh-vi-tri-quan-trong-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-513496.html
(2) Nguồn số liệu: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội  (16/02/2020)
Hà Nội với công tác an sinh xã hội và những việc cần làm ngay  (17/12/2019)
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế  (29/07/2019)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay