Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc: Ngày hội của sự đoàn kết, gắn bó “tình dân, nghĩa Đảng”

Nguyễn Mạnh Quang
Ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
16:27, ngày 29-05-2019

TCCS - Trong công cuộc đổi mới đất nước, công tác tăng cường các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, về khu dân cư “lấy gia đình làm nền tảng của xã hội” của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp. Để tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước trong thời gian tới cần tăng cường công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ làm cho Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc trở thành Ngày hội của sự đoàn kết, gắn bó “tình dân, nghĩa Đảng”.

Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2003), Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW, ngày 1-8-2003 về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã được thể chế hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, được quy định tại Chương I, Điều 11: “Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước chủ động tham mưu giúp cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai tổ chức Ngày hội tới Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn cả nước; hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư chủ trì tổ chức Ngày hội nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân sinh sống ở các khu dân cư tham gia với các nội dung tuyên truyền, vận động như sau:

- Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang và những đóng góp quan trọng của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với tuyên truyền về thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, ở địa phương, cơ sở, khu dân cư.

- Đánh giá kết quả và bàn những biện pháp thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, như đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững và phát triển hàng hóa; đánh giá kết quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, bảo vệ môi trường, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hóa...

- Biểu dương những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận và phát động thi đua và đăng ký các danh hiệu thi đua của năm tiếp theo.

- Tổ chức các hoạt động thiết thực, như trao nhà “Tình nghĩa”, nhà “Đại đoàn kết”; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể thao,... tạo không khí phấn khởi, đoàn kết giữa các gia đình, gắn kết “tình làng, nghĩa xóm” ở các khu dân cư.

Trong 15 năm triển khai tổ chức thực hiện “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” theo Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 90% số khu dân cư tổ chức Ngày hội, trong đó khoảng 90% số khu dân cư tổ chức phần lễ, 80% số khu dân cư tổ chức phần hội, hơn 60% số khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”. Từ năm 2016 đến nay, số khu dân cư tổ chức ngày hội ở các địa phương chiếm tỷ lệ trung bình hằng năm cao hơn so với giai đoạn trước khoảng từ 5% - 10%(1). Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc; chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa Ngày hội trong cộng đồng càng được khẳng định và nâng cao. Ngày hội được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện tới các tầng lớp nhân dân sinh sống ở hơn 110.000 khu dân cư trong cả nước. Do vậy, hằng năm tại các điểm tổ chức Ngày hội ở các khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận phối hợp tổ chức trang trí các băng-rôn, khẩu hiệu, chuyển tải thông tin đến nhân dân trên địa bàn khu dân cư và nhân dân ở các khu dân cư đã tự giác treo cờ Tổ quốc, tạo không khí đoàn kết, phấn khởi trong Ngày hội. Các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền đưa tin về Ngày hội, nhất là hệ thống truyền thanh ở cơ sở xã, phường và các khu dân cư đã tuyên truyền các thông tin về Ngày hội.

Mặt trận Tổ quốc các cấp nhiều địa phương có cách làm sáng tạo trong việc tổ chức Ngày hội, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thông qua Ngày hội đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các trò chơi dân gian, trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, ở mỗi địa phương và ở mọi vùng. miền trong cả nước. Việc tổ chức Ngày hội góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng tham mưu, tổ chức, phối hợp thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở các khu dân cư theo truyền thống hằng năm là dịp để các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở về sinh hoạt cùng với nhân dân, nắm tình hình đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện phong cách “gần dân, thân dân, tôn trọng nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Theo truyền thống, hằng năm Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch mời các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trực tiếp tham dự Ngày hội; trong 15 năm tổ chức Ngày hội đã có trên 850 lượt các đồng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Ngày hội ở các khu dân cư. Cụ thể năm 2017, có 65 đồng chí lãnh đạo dự Ngày hội (trong đó có: 14 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 10 đồng chí Ban Bí thư, 22 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện đang công tác tại cơ quan Trung ương và lãnh đạo một số bộ, ngành về tham dự Ngày hội ở trên 40 khu dân cư của 24 tỉnh, thành phố). Năm 2018: có 68 đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Ngày hội ở trên 60 khu dân cư thuộc 34 tỉnh, thành phố (có 15 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 11 đồng chí trong Ban Bí thư, 24 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương(2). Ở địa phương, hầu hết các đồng chí lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở cấp tỉnh, huyện, xã đều tham dự Ngày hội cùng chung vui, lắng nghe tiếng nói của nhân dân ở tại cơ sở, ở khu dân cư.

Tham dự Ngày hội tại các khu dân cư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã biểu dương kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của khu dân cư, thăm hỏi các gia đình chính sách, các cụ cao tuổi, động viên các gia đình khó khăn và tặng quà cho khu dân cư. Nhân dân ở các khu dân cư vui mừng, phấn khởi báo cáo với các đồng chí lãnh đạo về kết quả của các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở địa phương. Trong năm 2018, mặc dù bận nhiều công việc của Đảng, Nhà nước nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn dành thời gian đến thăm đồng bào các dân tộc ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắc Lắc và khu dân cư số 6, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi gia đình đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh sống. Nói chuyện với đồng bào các dân tộc ở xã Dur Kmăl, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với gần 7.500 người, gồm 7 dân tộc anh em, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Để có được như ngày hôm nay, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực cố gắng của toàn dân, nhưng có một nguyên nhân hết sức quan trọng - đó là tinh thần đoàn kết chặt chẽ, đúng như Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết thì thắng, không đoàn kết thì thua. Dân gian cũng có câu: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đoàn kết là các cá nhân riêng lẻ phải được tập hợp lại, tổ chức lại, quần chúng nhân dân trên dưới đồng lòng thì mới có được sức mạnh đoàn kết. Muốn như thế, phải thành lập Mặt trận, và Mặt trận phải hoạt động cho thật tốt. Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Cách đây 88 năm, Đảng ta ra đời vào tháng 2-1930, thì đến tháng 11-1930 Đảng thành lập Mặt trận, lúc bấy giờ là Mặt trận Phản đế đồng minh, tiền thân của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trải qua các giai đoạn lịch sử, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Mặt trận mang những tên gọi khác nhau, nhưng ngày càng khẳng định và phát huy vai trò to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tại khu dân cư số 6, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc bà con địa bàn nói riêng và nhân dân Thủ đô nói chung sức khỏe, hạnh phúc; phát huy tốt hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại “Người Hà Nội phải là những người văn hóa mẫu mực, tiêu biểu”. Đồng chí chia sẻ, gia đình sẽ luôn cố gắng làm tròn nghĩa vụ công dân trên địa bàn khu dân cư nơi gia đình sinh sống.

Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức hằng năm đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc khen thưởng, biểu dương khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu trong Ngày hội góp phần xây dựng con người Việt Nam, trọng tâm là xây dựng đạo đức, lối sống, nếp nghĩ, cách làm, tương thân, tương ái, kính lão, trọng thọ,... khát vọng làm giàu chính đáng, vì cộng đồng, mạnh dạn đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, hình thành lối sống tốt đẹp, phù hợp trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau: Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của Ngày hội nên chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, coi việc tổ chức Ngày hội là hoạt động thường xuyên của riêng Mặt trận Tổ quốc các cấp nên việc tổ chức Ngày hội đạt hiệu quả chưa cao. Trình độ, năng lực, sự nhiệt tình của cán bộ Mặt trận cấp cơ sở ở một số địa phương hạn chế, thường xuyên thay đổi, ít được tập huấn, bồi dưỡng về công tác tổ chức Ngày hội nên chưa có kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức Ngày hội. Chất lượng tổ chức Ngày hội chưa đồng đều đối với các khu dân cư; việc tổ chức phần hội nhất là đối với các khu dân cư thuộc khu vực đô thị ở các thành phố lớn (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) thiếu địa điểm tổ chức nên việc tổ chức phần hội chủ yếu lồng ghép các tiết mục văn nghệ trong tổ chức phần lễ, nội dung và hình thức tuyền truyền chưa phong phú, đa dạng. Chương trình tổ chức phần lễ của ngày hội ở một số khu dân cư còn nặng phần trình bày báo cáo, thời gian phát biểu của các đồng chí lãnh đạo kéo dài, mang tính khẩu hiệu nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân. Báo cáo kết quả công tác Mặt trận của một số khu dân cư chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu, chưa đề ra được những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận. Việc bình xét các danh hiệu tập thể, cá nhân tiêu biểu khen thưởng trong Ngày hội ở một số nơi chưa bảo đảm chặt chẽ, chưa tạo sự động viên, khích lệ nhân dân ở các khu dân cư. Kinh phí cấp hỗ trợ cho hoạt động tổ chức Ngày hội còn hạn chế, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thủ tục thanh toán kinh phí còn hành chính, máy móc, thiếu năng động nên rất khó khăn trong việc thanh toán. Việc xã hội hóa nguồn lực để tổ chức Ngày hội còn hạn chế, cơ bản vẫn do ngân sách của địa phương cấp và một phần là sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn trong việc tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”.

Để các hoạt động phần lễ, phần hội của Ngày hội đạt được kết quả thiết thực, hiệu quả, tạo sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng ở khu dân cư, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc chỉ đạo thực hiện Ngày hội; phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia Ngày hội và sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của nhân dân ở cộng đồng, tạo sự đồng thuận, thống nhất và tự giác tham gia các hoạt động của Ngày hội. Mỗi năm cần lựa chọn được một chủ đề thích hợp, khuyến khích các khu dân cư tổ chức Ngày hội theo hình thức liên khu dân cư nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư.

Thứ hai, trong phần lễ và phần hội của Ngày hội cần bảo đảm yêu cầu chung là đoàn kết, phấn khởi, trang trọng, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Phần lễ cần chú ý bảo đảm ngắn gọn, đầy đủ nội dung theo hướng dẫn. Phần hội nên tổ chức ở khu dân cư vào buổi tối trước khi diễn ra Ngày hội để mọi người trong khu dân cư có điều kiện tham gia đầy đủ, khuyến khích các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian mang tính truyền thống của địa phương. Căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” tại khu dân cư cho phù hợp để các gia đình ngồi lại với nhau, cùng nhìn nhận, đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được trong năm qua; trao đổi, rút kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong năm tới. “Bữa cơm đại đoàn kết” tổ chức ở các khu dân cư phải bảo đảm đoàn kết, vui vẻ, đầm ấm, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Thứ ba, thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư về kỹ năng tổ chức Ngày hội; nêu cao vai trò chủ trì của Ban Công tác Mặt trận và sự phối hợp của Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trong tổ chức chức Ngày hội. Kịp thời làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động và các phong trào thi đua ở địa bàn dân cư. Việc khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu phải được bình xét, suy tôn khách quan, tạo sự động viên, khích lệ và nêu gương trong nhân dân./.

-----------------------------------

(1) Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
(2) Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam