TCCSĐT - Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để phụ huynh và học sinh cũng như toàn xã hội tập trung tri ân công lao to lớn của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo trên cả nước, đặc biệt là những thầy giáo, cô giáo, những tấm gương nặng lòng với con chữ cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Thầm lặng những cô giáo mầm non nơi điểm trường vùng cao

So với các cấp học khác thì bậc học mầm non có nhiều đặc thù, hầu như chỉ có các giáo viên nữ giảng dạy và độ tuổi của học sinh còn nhỏ. Do đặc điểm này, các giáo viên mầm non thường có những sự vất vả hơn đồng nghiệp ở cấp học khác, đặc biệt ở địa bàn vùng cao của tỉnh Sơn La, các giáo viên nữ lại càng gian nan, vất vả nhiều hơn.

5 giờ sáng, khi nhiều người vẫn đang ngon giấc thì nhóm giáo viên công tác ở các điểm trường vùng cao thuộc trường mầm non Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã sẵn sàng tư trang, đồ dùng để đến lớp. Hành trang quen thuộc của các cô là những đôi ủng, những bộ áo mưa. Dù nắng hay mưa, thì họ vẫn luôn mặc áo mưa và đi ủng, bởi không như đồng bằng, ở vùng cao mùa nào cũng có sương mù và đường đất, luôn trơn trượt, lầy lội. Điểm trường của các giáo viên nơi xa nhất là hơn 25km, nơi gần thì khoảng 15km. Vì thế, ngày nào cũng vậy, họ phải dậy thật sớm để đi đến trường.

Cô giáo Cầm Thị Thủy, điểm trường mầm non bản Suối Ó, xã Quang Huy bộc bạch, đây là năm đầu tiên chị lên giảng dạy ở vùng cao. Quãng đường đi lại vừa xa, vừa khó đi, nhất là vào những hôm trời mưa thì thật là vất vả. “Khi được thuyên chuyển lên vùng khó khăn này cũng có suy nghĩ muốn xin ở lại. Nhưng qua tuần đầu tiên được trải nghiệm, cảm thấy yêu mến các con vì học sinh rất ngoan, khi các cô đến thì đã chờ ở lớp rồi. Đấy là động lực khiến cho bản thân cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa bởi các lớp anh chị đã ở đây, đã làm được thì mình cũng làm được”, cô Cầm Thị Thủy suy tư nói.

Sau khi hai đồng nghiệp rẽ vào điểm trường gần hơn, chỉ còn một cô giáo tiếp “độc hành” để đến với điểm trường xa nhất, khó khăn nhất thuộc bản Suối Ngang, xã Quang Huy. Trước khi đi, Hà Thị Hoa - cô giáo với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng giọng nói toát lên đầy sự tự tin cho biết, hôm nay không mưa mà chỉ có sương mù nên đường đi chỉ hơi trơn trượt, đỡ vất vả hơn bình thường rất nhiều. Những hôm trời mưa chỗ nào không đi được thì bỏ xe máy lại rồi tiếp tục đi bộ. Dù sương mù lạnh buốt nhưng vẫn phải thắp đèn để đi, để đến lớp cho kịp thời gian.

Quãng đường tuy xa nhưng đi mãi rồi cũng thành quen, cuối cùng cô giáo Hà Thị Hoa cũng có mặt ở điểm trường mầm non bản Suối Ngang vừa đúng lúc đến giờ vào lớp. Nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi sừng sững, điểm trường được dựng lên bằng những vật liệu thô sơ như tre, gỗ. Những vách tường mỏng bằng gỗ thủng lỗ chỗ được gia cố thêm bằng những tấm bạt để ngăn sương mù tràn vào lớp học. Là điểm trường cách xa trung tâm, nên ngoài việc không có đường giao thông kiên cố thì ở đây cũng không có điện. Dưới ánh sáng hắt qua những khe hở của bức tường, hơn 20 học sinh cùng cô giáo vẫn miệt mài với những trò chơi và bài hát rộn ràng.

Cô giáo Hà Thị Hoa chia sẻ, do đặc thù là điểm trường lẻ, ít học sinh nên trong một lớp có đến 3 lứa tuổi cùng theo học. Những trẻ lớn hơn thì đã nhận thức được, còn với trẻ nhỏ mới đi học thì cô giáo phải rèn từ cách ngồi, cách đi, cách nói. Giảng dạy ở lớp học ghép khó hơn rất nhiều, nên trong việc soạn giáo án và truyền đạt cho các con phải tỉ mỉ thì các con mới có thể hiểu được. Không những thế, do các em là người dân tộc, lại còn nhỏ nên tiếng phổ thông còn chưa hiểu nhiều nên trong lúc giảng dạy phải vừa nói tiếng phổ thông, vừa nói tiếng dân tộc với trẻ. Đồng thời, vừa làm vừa nói để trẻ hiểu và làm cùng cô thì mới có thể dạy các con.

Ở điểm trường vùng cao, các em học sinh học được học hai buổi. Khi trời bắt nhá nhem tối là lúc tan học và cũng là lúc cô giáo lại bắt đầu hành trình vượt qua con đường cheo leo men theo những ngọn núi để về nhà. Hơn hai năm công tác ở vùng cao, cũng là từng đấy thời gian cô giáo Hà Thị Hoa phải vượt qua hoàn cảnh như thế. “Chồng cũng đi làm xa, con thì còn nhỏ nên nhiều khi muốn ngủ lại trường nhưng không yên tâm nên hàng ngày phải đi về để chăm sóc gia đình, con cái. Nhưng cũng có lúc mưa kéo dài nhiều ngày thì vẫn phải ở lại bản. Những lúc đó rất nhớ nhà, thương con, nhưng vì nhiệm vụ, cũng thương học sinh trên này nên phải khắc phục khó khăn”, cô giáo Hà Thị Hoa xúc động nói.

Tận tâm vì học trò dân tộc Cống nơi biên giới

Dân tộc Cống là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên và là một trong những dân tộc ít người. Tại Điện Biên, đồng bào dân tộc Cống sinh sống tại 4 bản thuộc 3 xã của các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên với hơn 210 hộ, gần 1.150 nhân khẩu. Được sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền, công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc Cống có những bước phát triển đáng mừng. Đặc thù vùng miền còn khó khăn, câu chuyện “gieo chữ” tại vùng đồng bào dân tộc Cống cũng lắm gian nan. Từ trong khó khăn đó, vẻ đẹp về trách nhiệm, tâm hồn người giáo viên lại được khẳng định.

Đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), giáp biên giới Việt - Lào, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30 km, phải đi trên con đường đầy dốc cao, quanh co men theo suối Nậm Núa, tiếp tục “đánh vật” với khoảng 4 km đường đất đầy ổ gà, trơn trượt, qua hai cầu treo bắc qua suối mới đặt chân vào vùng đồng bào dân tộc Cống sinh sống.

Điểm trường bản Púng Bon (Trường Tiểu học và Mầm non xã Pa Thơm) có 33 học sinh, tất cả đều là con em dân tộc Cống. Bậc Mầm có một lớp với 21 cháu, ở độ tuổi từ 2 đến 5. Bậc Tiểu học có hai lớp (lớp 1 và lớp 2) với 12 cháu. Giáo viên trực tiếp giảng dạy tại đây chỉ có ba người, đều là nữ.

Cô giáo Vương Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non và Tiểu học xã Pa Thơm cho biết: Cơ sở vật chất của trường tuy đã được kiên cố từ nhiều năm, nhưng thực tế “sự học” ở đây còn nhiều trăn trở. Ở cấp Tiểu học, điểm trường tại bản Púng Bon là điểm trường duy nhất, nằm cách trường trung tâm hơn 4 km. Còn ở cấp Mầm non, ngoài điểm trường này ra còn có 5 điểm trường khác nằm rải rác ở các bản xa xôi, trong số đó có những điểm trường nằm cách trung tâm xã hơn 30 km, giáp biên giới Việt - Lào như điểm trường các bản Buôm En, Huổi Moi của cộng đồng dân tộc Cống, Lào, Xá.

Hơn 22 năm công tác trong nghề, về điểm trường bản Púng Bon công tác được 2 năm nhưng những khó khăn, vất vả ở địa bàn này, cô giáo Vương Thị Nga đã “nếm đủ”. Cô Nga bộc bạch: Thời tiết, khí hậu tại khu vực vùng núi, vùng cao, vùng thung lũng này khắc nghiệt lắm, nắng thì nóng đến khô rát nhưng lạnh thì đến mức tê cóng, nhức buốt chân tay. Chỉ cần sinh sống trong này một năm, trải qua 2 mùa mưa và khô, sẽ cảm nhận được điều đó. Ngoài ra, do các cháu học sinh là con em đồng bào dân tộc Cống, công tác giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho gặp nhiều vất vả khi bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ giáo viên “cắm bản” phải gần gũi với bà con đồng bào dân tộc để tự học, trang bị cho mình biết sử dụng được một “ngoại ngữ” mới: tiếng nói của cộng đồng dân tộc. Có như thế, việc vận động, tuyên truyền con em ra trường, đến lớp trong những dịp khai giảng đầu năm học sẽ thuận lợi hơn.

Công tác ở điểm bản Púng Bon được 3 năm, là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Phạm Thị Hường thấu hiểu những vất vả, khó khăn khi công tác ở địa bàn xa xôi này. “Các cháu học sinh ở vùng đồng bào Cống rất ham học, chăm đến lớp nhưng trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu bài giảng khá chậm, kỹ năng mềm của các cháu cũng hạn chế. Trước những khó khăn này, đòi hỏi giáo viên phải thật sự thương yêu học sinh, tâm huyết và trách nhiệm với nghề”, Cô Hường nói.

Tại điểm trường này, cô giáo Phạm Thị Hường đảm nhiệm cương vị giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy đồng thời hai lớp: lớp 1 (6 học sinh) và lớp 2 (6 học sinh). Hai lớp này là lớp ghép nên mỗi khi đứng lớp, cô Hường “thống lĩnh” một lúc hai bục giảng, hai giáo án.

Niềm vui mà cô Phạm Thị Hường luôn trân quý, coi như động lực để phấn đấu trong nghề là từng ngày nhìn thấy các em học sinh của mình khôn lớn, bản thân cô luôn được phụ huynh quý mến. Với cô, vào những dịp hè khi xa điểm trường, xa bản, thời gian như đằng đẵng vì nỗi nhớ trò, nhớ bản, nhớ bà con. Đó cũng là lý do vì sao, trong những dịp hè, cô lại tự mình đi xe máy vượt hành trình đường đèo dốc, đồi núi để được về lại bản, lại trường, thăm người dân, học sinh. “Bản làng, người dân và các cháu nơi đây đã gắn với cuộc sống của tôi rồi, tôi muốn được dạy, cống hiến ở điểm trường này mãi”, cô Hường nói.

Đối diện với lớp dạy của cô Phạm Thị Hường qua mảnh sân rộng, bằng phẳng là lớp Mầm non do hai cô Quàng Thị Phượng, Lò Thị Minh đảm nhận công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy học, lớp có 21 cháu, dân tộc Cống, thuộc các độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi.

Cô Quàng Thị Phượng, giáo viên Mầm non điểm bản Púng Bon cho biết, ở địa bàn khó khăn nhưng trường luôn thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ, 100% trẻ được theo dõi và đánh giá bằng các biểu đồ tăng trưởng. Công tác vệ sinh, quản lý chất lượng bữa ăn và thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ với tình hình thực tiễn địa phương luôn nhà trường thực hiện tốt.

Cô Quàng Thị Phượng cho biết, trước khi về công tác tại điểm trường bản Púng Bon, cô đã có 8 năm công tác ở điểm trường bản Pá Vạt - vùng cao xa xôi, khó khăn của huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Về công tác ở điểm trường bản Púng Bon, điều mà cô sợ nhất mùa đông, mùa của giá rét, mùa của khó khăn chồng chất khó khăn. Vào mùa đông, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô Phượng và cô Minh phải tích cực vận động, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa giáo dục từ bản, từ chính quyền nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu theo học tại trường.

Nỗ lực cống hiến với nghề rõ nhất mà đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Bon ai cũng biết là hiện tại cô Lò Thị Minh đang mang bầu 7 tháng, cô Quàng Thị Phượng đang mang bầu được 3 tháng. Gia đình hai cô đều ở xa điểm trường hàng chục km nhưng hai cô luôn biết tự chăm sóc mình, giải quyết hài hòa việc gia đình để hoàn thành tốt việc chuyên môn.

Ông Lò Văn Tha, Trưởng bản bản Púng Bon, xã Pa Thơm cho biết: Các cháu học sinh đồng bào Cống thường hay nhút nhát, sợ gặp người lạ nhưng đi học một thời gian thì tính cách lại rất hòa đồng, vâng lời bố mẹ, ông bà, biết hát, biết đọc, viết, nói thành thạo tiếng Việt nên phụ huynh rất vui. Hơn nữa, do bản làng của người Cống ở xa trung tâm, gần như biệt lập nên kỹ năng nuôi dạy trẻ, đề phòng tai nạn thương tích trẻ em của phụ huynh còn hạn chế, các cháu được nuôi dạy ở trường trong sự quan tâm, yêu thương của các cô giáo, chúng tôi càng yên tâm hơn về tương lai của các cháu.

Niềm vui của học trò nơi xã đảo

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong muốn được cống hiến cho xã hội, nhiều thầy cô giáo trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau đã tình nguyện lên đường ra đảo, vượt qua nhiều khó khăn để mang đến kiến thức cho học sinh xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - xã đảo duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ đất liền, phương tiện di chuyển duy nhất ra xã Thạnh An là đi đò trong 45 phút. Những ngày mưa hay biển động việc đi lại khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Cuộc sống ở đây không được đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần, hơn nữa lại phải xa gia đình, điều kiện đi lại khó khăn… nhưng những điều này không làm nản lòng giáo viên trẻ tình nguyện đến và gắn bó với đảo.

Gia đình ở Quảng Trị, có người yêu công tác ở một quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cô Trần Thị Hà My ( 24 tuổi, giáo viên Lịch sử) quyết định đến với xã đảo Thạnh An. Hai năm trước, sau khi ra trường, Hà My làm giáo viên hợp đồng tại một trường Trung học Phổ thông ở quận Bình Thạnh. Năm học vừa qua, khi thành phố xét tuyển giáo viên tình nguyện giảng dạy tại Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Thạnh An, huyện Cần Giờ, cô Hà My làm đơn xin tình nguyện dạy tại đây. “Mong muốn lớn nhất của tôi là được đi dạy, được đứng trên bục giảng. Dù ở đâu, khó khăn như thế nào, tôi cũng có thể cố gắng được. Điều kiện ở đây không được tốt nhưng thấy các em học sinh ham học, tôi càng có động lực để gắn bó với trường hơn” - cô Hà My chia sẻ.

Cùng đợt tình nguyện với Hà My còn có Trần Thị Thúy Quyên, 23 tuổi, giáo viên Toán. Quê ở Long An. Học đại học ở Cần Thơ, Thúy Quyên lại lựa chọn xã đảo xa xôi này là nơi gắn bó sự nghiệp trồng người của mình. Dù trước đó chưa biết đến cuộc sống nơi đây như thế nào nhưng cô Thúy Quyên vẫn đăng ký tình nguyện ra đảo, bởi theo cô tuổi trẻ nên thử thách bản thân mình ở những nơi điều kiện còn khó khăn để trưởng thành hơn và cũng qua đó góp công sức nhỏ bé của mình làm điều có ích cho xã hội. Cô Quyên chia sẻ, học sinh ở đây rất tình cảm, chăm chỉ học hành, yêu mến thầy cô; cuộc sống nơi xã đảo thanh bình, người dân hiền hòa. Cùng chung cảnh xa nhà, các thầy cô giáo ở đây yêu thương nhau như những người trong gia đình.

Trước khi ra Thạnh An công tác, thầy Lê Văn Thanh, 29 tuổi, giáo viên Vật lý có nhiều năm đứng lớp ở một trường tư thục với thu nhập rất tốt. Thầy Thanh chia sẻ, bản thân cũng phân vân rất nhiều nhưng rồi nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc thầy giáo trẻ chấp nhận xa gia đình, vợ con, xung phong ra đảo vào đầu năm học vừa qua. Những bỡ ngỡ, lo lắng ngày đầu đã nhanh chóng qua đi khi được đứng lớp, trước những gương mặt hồn nhiên của các em học sinh. “Thu nhập chắc chắn giảm nhiều so với khi dạy ở trường tư trước đây, cuộc sống cũng nhiều khó khăn hơn nhưng bù lại tôi có niềm vui với học trò. Học sinh ở đây hầu hết gia đình nghèo nhưng các em rất chăm ngoan, chịu khó học và kính trọng thầy cô giáo” - thầy Lê Văn Thanh chia sẻ./.