TCCSĐT - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động đến việc làm và toàn bộ đời sống tại nhiều quốc gia, trên 3 phương diện công nghệ cơ bản: trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (internet of Things - IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Trong đó, Dữ liệu lớn được xem là là yếu tố cốt lõi để sử dụng và phát triển internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo.

Cách nghĩ về việc làm dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Việc làm phụ thuộc vào các điều kiện hiện có của nền sản xuất xã hội. Người lao động được coi là có việc làm khi chiếm giữ một vị trí nhất định trong nền sản xuất của xã hội. Nhờ có việc làm mà người lao động mới thực hiện được quá trình lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội, cho bản thân. Ở Việt Nam, khái niệm việc làm đã được quy định tại Điều 9, khoản 1 của Bộ luật Lao động: Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm. Điều 10 quy định về quyền làm việc của người lao động: 1- Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. 2- Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình.

Khái niệm nêu trên khá bao quát, nhưng trong quá trình thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay đã và sẽ ngày càng bộc lộ rõ hai hạn chế cơ bản: (i) Hoạt động nội trợ không được coi là việc làm, mặc dù hoạt động này tạo ra các lợi ích phi vật chất và không thể thay thế trong việc gián tiếp tạo ra lợi ích vật chất, và thực tế đã là một loại việc làm đang được thuê ở Việt Nam. (ii) Khó có thể so sánh phạm vi “không bị pháp luật cấm” giữa các quốc gia với nhau. Bởi vì, có những nghề ở quốc gia này được cho phép và được coi là việc làm, nhưng không được quốc gia khác chấp nhận. Ví dụ đánh bạc ở Việt Nam bị cấm, nhưng ở Thái Lan và Mỹ lại “không bị pháp luật cấm” và được coi là một nghề.

Vì thế trên thực tế ở nước ta hiện nay, việc làm, được thừa nhận dưới 3 hình thức: (i) Làm công việc để nhận được tiền lương, tiền công hoặc hiện vật cho công việc đó; (ii) Làm công việc để thu lợi cho bản thân, gia đình và bản thân, gia đình có quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tư liệu sản xuất để tiến hành công việc đó; (iii) Làm các công việc cho gia đình mình nhưng không được trả thù lao dưới hình thức tiền lương, tiền công cho công việc đó. Hình thức này bao gồm: sản xuất nông nghiệp, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp do chủ hộ hoặc một thành viên khác trong gia đình có quyền sử dụng, sở hữu hoặc quản lý; người làm nghề tự do (freelancer) ngày càng trở nên phổ biến ngay tại Việt Nam;.... Và đang diễn ra quá trình đa dạng hóa việc làm: việc làm chính, việc làm phụ và việc làm thêm; việc làm toàn thời gian và bán thời gian; việc làm tại nhà và việc làm công sở;.... Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động sâu sắc không chỉ đến hình thức việc làm, mà cả hàm lượng công nghệ và mức độ kết nối, tương tác của việc làm. Bởi lẽ, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tạo ra các hệ thống ảo được thiết lập từ môi trường thông tin, giúp kết nối và tương tác giữa con người, máy móc và thế giới thực thông qua cả năm giác quan của con người (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác).

Những phương diện tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc làm

Thứ nhất, tác động của “trí tuệ nhân tạo” đến việc làm

Trí tuệ nhân tạo hay “trí thông minh nhân tạo”(Artificial Intelligence) gọi tắt là AI là trí tuệ máy móc được tạo ra bởi con người. AI có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi,… tương tự như con người, nhưng xử lý dữ liệu ở mức độ rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Trí tuệ nhận tạo mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống loài người nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Chẳng hạn, khi AI trở nên hoàn thiện và thông minh hơn, con người cần (và buộc phải) cho phép mình nghe theo những quyết định của máy, do chúng thường đưa ra quyết định chính xác hơn con người. Hiện nay dự án Autonomous Tactical Robot (EATR) của Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu các robot sử dụng công nghệ nano tự tạo ra năng lượng để hoạt động bằng cách hấp thụ những chất hữu cơ, từ cây cối đến động vật, kể cả con người. Nguy cơ nẩy sinh là robot có thể “ăn” từ cây cối, động vật đến con người.

Trí thông minh nhân tạo gây ảnh hưởng trực tiếp đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng của con người với tính thông minh của máy móc điện tử. Ví dụ, các tác nghiệp điều khiển, lập kế hoạch và lập lịch trình hoạt động, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói và khuôn mặt,.... Hiện nay, các hệ thống nhân tạo được dùng thường xuyên trong kinh tế, y dược, các ngành kỹ thuật và quân sự cũng như trong các phần mềm máy tính thông dụng trong gia đình và trò chơi điện tử.

Sự tác động đầu tiên phải kể đến là sự bùng nổ của điện thoại thông minh (smartphone ) và máy tính (computer) đã trở thành công cụ thường nhật của nhiều người. Các thiết bị này giúp việc tổ chức lao động và giải quyết mọi vấn đề rất nhanh chóng. Điển hình là thông qua việc nộp hồ sơ online, nhà tuyển dụng sẽ đỡ mất thời gian lọc hồ sơ ứng viên, vì đã có phần mềm hỗ trợ, đồng thời, rút ngắn tối đa thời gian xử lý các thủ tục hành chính. Các chuyên viên tiền lương, bảo hiểm cũng rút ngắn được thời gian làm việc và thay vào đó có thể phát triển những công việc khác cho doanh nghiệp. Thay vì trước đây cần một người trợ lý sắp xếp các lịch trình và nhắc nhở công việc thì ngày nay chỉ cần một chiếc smartphone nhỏ gọn đã làm được công việc này. Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của “điện toán đám mây” - tức một lối ẩn dụ để liên tưởng đến cách được bố trí phức tạp của mạng internet và cơ sở hạ tầng chứa trong sơ đồ mạng máy tính - đã khiến cho AI kiểm soát được nhiều thứ để có thể tiết kiệm lao động. Với khả năng xử lý thông tin vô cùng phức tạp nó không chỉ phát triển việc làm mới, mà còn tạo ra sự thất nghiệp hàng loạt ở nhiều vị trí nhân sự khác nhau.

AI được phát triển hoàn thiện có khả năng thay thế con người trong các công việc như: chăm sóc sức khỏe, phục vụ, sản xuất theo dây chuyền tự động, công việc văn phòng,... Chủ tịch FPT-software Hoàng Nam Tiến mới đây cho rằng, công nghệ 4.0. đã thật sự ảnh hưởng đến cấu trúc nhân sự trong các nhà máy. Chẳng hạn, một robot may hiện có giá khoảng 200.000 USD (năm 2017); nhưng không đến 3 năm nữa sẽ giảm còn 20.000 - 30.000 USD. Không có công nhân giá rẻ nào có thể cạnh tranh được với máy móc; bởi vì chúng hoạt động 24/7, không cần ngày nghỉ, 365 ngày không cần các loại chi phí khác. Máy móc làm nhanh hơn, chất lượng tốt hơn và quan trọng là giá rẻ hơn(1). Tại Việt Nam, làn sóng taxi công nghệ Grab và Uber, là một biểu hiện rõ nhất của việc áp dụng công nghệ 4.0; và hiện nay gần như chiếm hầu hết thị phần của taxi truyền thống.

Trí tuệ nhân tạo đang được hoàn thiện để có thể thực hiện được các chức năng của một con người. Thế nhưng, bên trong mỗi con người luôn chứa đựng tiềm năng, một khả năng nào đó mà AI không thể thay thế được. Vì vậy, mỗi con người, bên cạnh việc phát triển công nghệ AI, cần luôn tự khám phá lại bản thân mình, để nhận ra rằng, con người sẽ luôn có một giá trị duy nhất ở bất cứ thời kỳ nào của máy móc điện tử tối tân.

Thứ hai, tác động của internet kết nối vạn vật đến việc làm

Internet kết nối vạn vật hoặc Mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things - IoT) là một mạng lưới kết nối mọi người, dữ liệu, quy trình và vật chất với nhau. Ví dụ trò chơi Pokemon Go được phát triển gần đây thể hiện thế giới trong game là thế giới ảo nhưng đã có sự tương tác với con người. Từ đó cho thấy, nếu được phát triển thành những mối quan hệ thông minh hơn, có độ tương tác mạnh hơn, ví dụ hiểu được cảm xúc con người,… thì sẽ càng gây ảnh hưởng lớn hơn đến đời sống xã hội loài người. IoT hiện đã tác động đến vấn đề việc làm ít nhất trên 3 khía cạnh sau (2):

(i) Tạo mô hình kinh doanh mới: Luồng dữ liệu liên tục mà IoT thu thập được đang tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới cho các nhà sản xuất. Ví dụ, các sản phẩm được kết nối có thể cung cấp cho kỹ thuật viên những thông tin chi tiết về thành phần, bộ phận và vấn đề kinh doanh với hiệu suất cụ thể. Nó cho phép kỹ thuật viên tư vấn chi tiết hơn hoặc đề xuất các bộ phận thay thế hoặc sửa chữa thích hợp. Theo giới chuyên môn, các mô hình kinh doanh khác sử dụng dữ liệu cảm biến thông minh đang chờ đợi để được khám phá, và có thể mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các doanh nghiệp đi đầu xu hướng này.

(ii) Sản xuất các sản phẩm thông minh: Ví dụ nổi bật là các nhà sản xuất ô tô lớn, bao gồm Ford®, General Motors®, Toyota® và Volkswagen®, đang sản xuất các loại ô tô thông minh có khả năng kết nối với wifi xuyên suốt khoang hành khách, kể cả một số mẫu kết hợp máy ảnh và cảm biến để giúp tài xế tránh va chạm và đỗ xe song song tự động. Nhờ IoT, các nhà sản xuất có thể thỏa sức sáng tạo và thiết kế nhằm cách mạng hóa các sản phẩm truyền thống và tạo ra nhiều loại sản phẩm thông minh với một mức phí vừa phải, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng hơn.

(iii) Triển khai sản xuất thông minh hơn: Trong môi trường sản xuất, ứng dụng phần mềm di động cho phép các quản lý nhà máy truy cập vào nhiều dữ liệu, như hiệu suất thiết bị, hiệu suất của dây chuyền, công cụ trực quan hóa dữ liệu và các cảnh báo dù họ đang ở đâu. Từ đó cho phép các cơ sở và nhà quản lý sản xuất có thể làm việc bên ngoài phòng điều khiển với tầm nhìn bao quát hơn các hoạt động đang diễn ra; từ đó tiết kiệm được một số nhân viên thống kê, lưu trữ giấy tờ, sổ sách và nhân viên văn phòng khác.

Sản xuất thông minh có thể góp phần làm giảm bớt lỗi sản phẩm, xác định trục trặc và hỏng hóc của thiết bị nhanh hơn. Việc giám sát theo thời gian hoạt động của các thiết bị và dây chuyền sản xuất có thể giúp phát hiện mọi thay đổi dù là nhỏ nhất về mức độ sản xuất, hoạt động của thiết bị và chất lượng sản phẩm. Các cảm biến có thể xác định rò rỉ chất lỏng, sự thay đổi áp suất,... hơn nữa còn giúp tận dụng tài sản tốt hơn và chủ động hơn khi bảo trì các thiết bị quan trọng. Nhờ đó tiết kiệm được một số nhân viên bảo hành thiết bị, kiểm tra kỹ thuật,....

Môi trường sản xuất kết nối sẽ cho phép tương tác máy với máy (M2M). Tương tác M2M sẽ điều chỉnh quy trình làm việc; ví dụ điều chỉnh đơn đặt hàng của khách hàng hay lịch phân phối sản phẩm. Qua đó hạn chế sự lãng phí các vật liệu và thành phẩm đồng thời bảo vệ các thiết bị quan trọng không bị hư hại nghiêm trọng hơn. Nhân lực cho khâu lập kế hoạch, đóng gói sản phẩm, trông coi kho bãi, vận chuyển, phân phối, chăm sóc khách hàng, .... được tiết kiệm đáng kể.

IoT cũng có thể giúp thúc đẩy sử dụng cảm biến để kết hợp các thiết bị khác nhau, và tự động đưa dữ liệu vào các ứng dụng để quản lý nhà máy, doanh nghiệp nhất là năng lượng nhằm điều chỉnh nhiệt độ và hao tốn năng lượng ở những khu vực khác nhau trong nhà máy, doanh nghiệp. Qua đó, giúp các nhà sản xuất giảm chi phí về năng lượng và giảm mức độ ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là một sự tác động đến nhiều vị trí việc làm trong các nhà máy, doanh nghiệp, theo hướng tiết kiệm hơn.

Thứ ba, tác động của dữ liệu lớn đến việc làm

Dữ liệu lớn (Big data) là thuật ngữ chỉ tập dữ liệu phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được để phân tích, dự đoán, phân tích hành vi người dùng, hoặc các phương thức phân tích dữ liệu nâng cao khác nhằm trích xuất giá trị từ dữ liệu thông tin. Năm 2010, ngành công nghiệp Big Data có giá trị hơn 100 tỉ USD và đang tăng nhanh với tốc độ 10% mỗi năm; tức là nhanh gấp đôi so với tổng ngành phần mềm nói chung. Big Data đang tác động đến việc làm qua 3 phương diện sau:

- Đối với doanh nghiệp: Big Data có thể sinh ra giá trị tài chính ở nhiều lĩnh vực kinh doanh và quản lý: Sản xuất; dữ liệu xã hội (Facebook, Twitter,...), ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, bán lẻ, bán buôn, vận tải, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, giáo dục, quản lý công, dữ liệu cá nhân toàn cầu;.... Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại như marketing, chuỗi cung ứng, mô hình kinh doanh mới. Big Data đang chứng minh khá rõ ràng rằng, doanh nghiệp nếu không sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả thì sẽ gặp bất lợi cạnh tranh lớn từ những doanh nghiệp có khả năng phân tích và sử dụng dữ liệu của họ. Ví dụ về ứng dụng của Big Data, như: phân tích nhật ký; phát hiện gian lận (lọc email...); phân tích quan điểm và mạng xã hội; quản lý rủi ro; tiêu thụ năng lượng; dự đoán,.... Đối với doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay, một khi làm chủ được dữ liệu lớn thì họ sẽ có cơ hội thành công lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh hiện đại; người quản lý và người lao động sẽ được hưởng lợi hơn từ việc trích xuất thông tin một cách chính xác, hữu ích với chi phí thấp hơn.

- Đối với lĩnh vực kỹ thuật: Với khối lượng dữ liệu khổng lồ, rõ ràng việc lưu trữ và xử lý nó là một thách thức không nhỏ, như: thu thập dữ liệu, hiệu chỉnh, lọc nhiễu, mô hình hóa, phân tích đầu ra. Khả năng Big Data tiếp tục phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi sự đổi mới trong công nghệ cơ sở hạ tầng, khả năng phân tích xử lý dữ liệu và sự tiến bộ của hành vi con người đang ngày càng sử dụng thiết bị kỹ thuật số nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc quản lý dữ liệu, liên quan đến việc truy xuất, tính riêng tư, bảo mật cũng là một xu hướng phát triển của việc làm mới nhằm chắc chắn rằng, việc sử dụng chính xác và giám sát dữ liệu đó cũng như quản lý vòng đời của nó.

- Đối với xã hội: Luồng dữ liệu được tạo ra mỗi ngày bởi hàng tỷ tương tác của người dùng máy tính, thiết bị GPS, điện thoại di động, thiết bị y tế,... đã phục vụ cộng đồng với nhiều tiện ích khác nhau. Ví dụ: dự đoán sự thiếu hụt thực phẩm dựa trên dữ liệu về sự biến động giá cả thị trường, hạn hán, di cư; cải thiện kết quả học tập trong trường học; mô hình dự báo phục vụ người dân sống ở các khu định cư và khu ổ chuột; quy hoạch giao thông; kết nối mối quan hệ giữa tội phạm và các địa điểm trong thành phố,...(3). Hiện các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách bắt đầu nhận ra tiềm năng của việc dẫn dòng chảy dữ liệu vào thông tin có thể sử dụng để xác định nhu cầu, cung cấp dịch vụ và tiên đoán cũng như ngăn chặn khủng hoảng cho người có thu nhập thấp. Chính phủ, tổ chức và các doanh nghiệp cần phối hợp hành động để đảm bảo rằng dữ liệu này sẽ phục vụ cho các cá nhân và cộng đồng.

Tuy vậy, hiện tại theo giới chuyên môn, việc khai phá Big Data đang gặp một số hạn chế, như: Các tổ chức thiếu người có năng lực để tận dụng sức mạnh của Big Data; hạn chế trong việc học máy móc điện tử, thiếu kiến thức về thống kê, khai phá dữ liệu. Nguyên nhân cơ bản là những vấn đề này mang nặng tính nghiên cứu khoa học, nên nhân lực chủ yếu vẫn là đội ngũ giáo sư, tiến sĩ tại các trường công nghệ thông tin. Ngoài ra, việc phân tích Big Data không đúng cách có thể nảy sinh nhiều rắc rối không chỉ cho máy móc điện tử, như truy cập dữ liệu, chính sách, bảo mật,...

Thứ tư, đánh giá tác động chung của công nghiệp 4.0 đến việc làm

Theo chủ tịch FPT-software Hoàng Nam Tiến, với AI, Big Data, Robotic,… Việt Nam có cơ hội vươn lên nhóm dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực này, vì chúng ta có thể đi thẳng vào những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, làm việc với những tập đoàn lớn nhất thế giới, và với những công việc mới nhất thế giới. Nếu các trường đại học, thậm chí cả các trường cao đẳng và dạy nghề, không chuẩn bị sẵn cho công việc này thì Việt Nam sẽ lại một lần nữa lỡ chuyến tàu cách mạng công nghiệp. Trước đây Việt Nam đã lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp (cơ khí hóa, điện khí hóa, điện tử hóa) nhưng có thể vẫn phát triển bình thường. Nhưng lần này nếu lỡ tiếp, thì nước ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để có thể cạnh tranh toàn cầu, nhằm hy vọng có thể vươn lên một vị trí sáng sủa trong nền kinh tế - xã hội thế giới; và như thế thì dường như chúng ta không còn thế mạnh nào để phát triển, phát huy trong tương lai(4).

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, kể từ khi ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc suy giảm, không ít nhà sản xuất đóng tại Trung Quốc dần chuyển hoạt động sang khu vực Đông Nam Á có chi phí thấp hơn, thậm chí giờ đây họ còn chuyển cả chuỗi cung ứng ra bên ngoài nước này do lo ngại tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong bối cảnh như vậy, nên trong năm năm qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn gấp đôi, lao động giá rẻ và hạ tầng chi phí thấp đã và đang thu hút FDI đổ vào ngành công nghiệp chế tạo. Nhưng, Việt Nam không thể tự bằng lòng với mức thu nhập thấp như vậy; chỉ nên coi đây như một bước phát triển quá độ trên con đường tiến tới tương lai thịnh vượng hơn. Đất nước không thể cứ mãi dựa vào mức lương thấp. Cạnh tranh dựa vào lương thấp là rất rủi ro; và chỉ nên được coi như giải pháp tạm thời trước mắt với một nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục dựa vào lao động giá rẻ thì sẽ không có động lực đổi mới công nghệ để chuyển sang những công nghệ 4.0 tiên tiến hơn.

Đối với Việt Nam, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần có cách nhìn lạc quan hơn, bởi trong các cuộc cách mạng trước đây cũng như hiện nay, bao giờ cũng có những ngành nghề, việc làm bị mất nhưng số lượng việc làm mới, ngành nghề mới được tạo ra còn nhiều hơn. Hiện nay, khái niệm người làm nghề tự do (freelancer) ngày càng trở nên phổ biến ngay tại Việt Nam. Vào năm 2016, theo thống kê của một website dành cho cộng đồng freelancer (Lance.vn), có gần 170.000 người làm việc theo hình thức này, trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, dịch thuật,.… Ngoài ra, phương thức đào tạo, tuyển dụng lao động cũng thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Bên cạnh hệ thống trên 100 Trung tâm xúc tiến việc làm công lập hằng năm giúp khoảng 3 triệu người tìm việc, những start-up, website giới thiệu, tư vấn việc làm ngày càng trở nên phổ biến; và đã giúp hàng triệu người tìm việc làm, hơn cả hệ thống tìm việc trước đây cộng lại(5)./.

-------------------------------------------------------

(1). http://cafef.vn/chu-tich-fpt-software-hoang-nam-tien-khoi-nghiep-thoi-cach-mang-40-khong-don-gian-nhu-jack-ma-noi-20171215084035966.chn
(2). Ho Nguyen, Tác động của Internet Vạn Vật (IoT) đến ngành sản xuất? Find me on: LinkedIn vào Thu, Jul 19, 2018 inShare
(3). https://www.hsph.harvard.edu/ess/bigdata.html
(4). http://cafef.vn/chu-tich-fpt-software-hoang-nam-tien-khoi-nghiep-thoi-cach-mang-40-khong-don-gian-nhu-jack-ma-noi-20171215084035966.chn
(5). Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số ... tại Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM-2) được tổ chức tại Hà Nội, ngày 15-5-2017.