Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Tôn vinh cống hiến của những người làm báo
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017
Chiều
14-6, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban
Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương phối hợp với các đơn vị
tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017
(tác phẩm báo chí và sách).
Tham dự sự kiện quan trọng này có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, giải thưởng có tác
dụng tăng cường sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị báo chí đối ngoại,
giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa các cơ quan, đơn
vị, địa phương; đồng thời góp phần tạo động lực cho phóng viên, biên tập
viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu của các cơ quan thông tấn báo chí, cơ
quan xuất bản.
Thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 cho thấy uy tín của giải ngày càng được nâng cao và khẳng định vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ rõ, trong những thành công chung của công tác đối ngoại năm 2017, cùng với thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, công tác thông tin đối ngoại (trong đó có việc tổ chức thành công Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017) đã góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, ổn định, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên năng động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực.
Để nâng cao chất lượng của thông tin đối ngoại trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí, nhà xuất bản… tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương thức truyền thông mới trong thời đại công nghệ 4.0 để mở rộng sức lan tỏa của thông tin, tăng cường hiệu quả tuyên truyền.
Đại diện hội đồng Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 cho biết, năm nay, có khoảng 970 tác phẩm dự thi (tăng gần 9% so với năm trước) thuộc các loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách.
Các tác phẩm tham dự giải được thể hiện bằng 15 ngôn ngữ, bao gồm: tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bulgaria, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Khmer, Slovakia, Đức và Thái Lan.
Đối tượng tham gia giải thưởng đa dạng, gồm các nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, nhà xuất bản, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, nhiều kiều bào Việt Nam, bạn bè quốc tế đã nhiệt tình tham gia giải thưởng. Đặc biệt, giải thưởng có sự tham dự của 22 tác giả đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới: Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Cuba, Ấn Độ, Pháp, Đức…
Một trong những điểm nổi bật của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 là nhiều tác phẩm dự thi được đăng tải trên các báo, tạp chí nước ngoài uy tín, tính lan tỏa của thông tin đến với độc giả cao, góp phần tăng cường hiệu quả tuyên truyền đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, ban tổ chức quyết định chọn ra 67 tác phẩm để trao giải (trong đó có 7 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 27 giải Khuyến khích) theo các loại hình: báo in, báo điện tử tiếng Việt; báo in, báo điện tử tiếng nước ngoài; phát thanh; truyền hình; ảnh và sách.
Cũng theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, các tác phẩm tham dự giải năm nay có chất lượng chuyên môn tốt, đáp ứng được tính thời sự, tính đối ngoại, có tác dụng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam đến với nhân dân thế giới.
Các tác phẩm đã đề cập toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong nước cũng như đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thông tin chính xác, kịp thời và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.
Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 2018
Ngày 17-6, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết, trao giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2018. Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương.
Giải thưởng báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2018 đã nhận được 528 tác phẩm của 75 đơn vị tham dự, trong đó có 433 tác phẩm báo in và báo điện tử, 45 tác phẩm truyền hình, 25 tác phẩm phát thanh; 25 tác phẩm ảnh báo chí được đăng tải từ ngày 01-6-2017- 15-5-2018, ở ba thể loại, gồm: Phóng sự, phỏng vấn, bài viết chuyên đề về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tác phẩm giới thiệu gương điển hình thanh thiếu nhi tiêu biểu; ảnh báo chí. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn ra 23 tác phẩm báo chí tiêu biểu, xuất sắc nhất để trao giải, trong đó có 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 7 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Hai giải Nhất thuộc về loạt bài viết "Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày" (Báo Thanh niên) và "Long-form Mất đi đôi mắt nhưng không mất tất cả" (Báo Tuổi trẻ).
Ghi nhận, đánh giá cao các nhà báo, phóng viên đã tích cực tham gia dự thi, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh: Các tác phẩm tham gia giải năm nay đã phản ánh toàn diện, đa dạng, có chiều sâu, có nhiều nét mới về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên khắp các vùng miền, lĩnh vực; phong phú về chủ đề, đa dạng về loại hình, sâu sắc về nội dung, hình thức thể hiện có nhiều đổi mới. Nhiều tác phẩm có sức lan tỏa rộng, tạo dấu ấn sâu sắc đối với bạn đọc và khán thính giả.
Đặc biệt, thông qua các tác phẩm gắn với hơi thở, đời sống của người trẻ, thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, những tuyến bài tốt đã phát hiện, phản ánh nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm mới hiệu quả, xu hướng tích cực trong giới trẻ. Các tác phẩm báo chí về công tác Đoàn đã góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời động viên tuổi trẻ cả nước tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; cổ vũ thanh niên ra sức thi đua học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhu cầu tự thân ở mọi lúc, mọi nơi với bất kỳ công việc gì, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, giản dị nhất.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương khẳng định: Thành công của Giải năm nay không chỉ ở số lượng tham gia đông đảo của các cơ quan, đơn vị báo chí, các nhà báo, nhà văn, người viết báo không chuyên và số lượng các tác phẩm gửi dự thi tăng cao so với các năm trước, mà quan trọng hơn là mỗi tác phẩm tham dự đã cho thấy sự dấn thân của mỗi tác giả để có được những trang viết, phóng sự nóng hổi, đủ sức lay động lòng người. Nhiều tác phẩm thể hiện sự đầu tư trong lựa chọn đề tài đặc sắc, phong phú về nội dung, có cách thức thể hiện mới. Nhân dịp này, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đã phát động Giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019.
Phú Thọ: Trao giải báo chí tỉnh lần thứ VIII
Tối 16-6, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ trao giải báo chí tỉnh lần thứ VIII - năm 2018 và gặp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Giải báo chí tỉnh lần thứ VIII đã nhận được trên 300 tác phẩm dự thi thuộc các loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí của trên 200 tác giả, nhóm tác giả từ các cơ quan báo chí của tỉnh; Báo Quân khu 2, các sở, ban, ngành, các huyện, thành thị trong tỉnh. Nhìn chung, chất lượng các tác phẩm dự giải đã đạt được yêu cầu về chính trị tư tưởng, có nội dung tốt, phản ánh trung thực bức tranh xã hội, có tính phát hiện, nêu được vấn đề mới, đề cập những vấn đề dư luận đang quan tâm. Bên cạnh biểu dương và ghi nhận những mô hình, cá nhân điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, công tác xây dựng Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một số tác phẩm đạt giải đã phản ánh, đề cập đến những vấn đề tiêu cực, những tồn tại trong đời sống xã hội, đề xuất những giải pháp để giúp cho cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng có hướng chỉ đạo, xử lý, khắc phục, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước...
Ban Tổ chức đã trao 5 giải A, 13 giải B, 20 giải C và 32 giải khuyến khích. So với năm trước, số lượng các tác phẩm đạt giải của năm nay nhiều hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Hội nhà báo, các cơ quan báo chí và đội ngũ cán bộ, phóng viên cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng trong tình hình mới; tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương những người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi rộng khắp; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải thông tin, chú trọng nâng cao chất lượng tin, bài để tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn độc giả, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh...
Đà Nẵng kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao giải báo chí năm 2017
Ngày 16-6, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng thời trao Giải báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2017.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng nhưng đầy vinh quang của những người cầm bút - làm báo cách mạng. Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí của thành phố nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đồng hành đầy trách nhiệm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Những người làm báo đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, các sự kiện kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn, kịp thời phản ánh những thành tựu, những bước phát triển của thành phố, đồng thời cũng đã chủ động đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, những vấn đề còn tồn tại, góp tiếng nói phản biện đối với hoạt động của chính quyền các cấp...
Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2017 có 97 tác phẩm tham gia dự thi của 140 tác giả, đến từ 24 đơn vị báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố. Trong đó có 37 tác phẩm của 70 tác giả đoạt giải ở các loại hình báo viết, truyền hình, phát thanh, báo điện tử và ảnh báo chí. Với nhiều thể thể loại phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, phim tài liệu, ghi chép, phỏng vấn, ảnh báo chí, xã luận, bình luận, chuyên luận…
Ban tổ chức đã trao 5 giải Nhất (báo viết 2; truyền hình 2; phát thanh 1); 7 giải Nhì (báo viết 3; truyền hình 3; phát thanh 1) và 11 giải Ba (báo viết 5; truyền hình 4; phát thanh 2)…
Theo ông Nguyễn Đức Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng: Là địa phương có nhiều cơ quan báo chí hoạt động. Trong quá trình phát triển của Đà Nẵng, nhiều đề tài hay, nóng hổi mà người làm báo cần khai thác, chuyển tải đến công chúng. Tuy vậy cũng phải thẳng thắng nhìn nhận là thành phố chưa thực sự thu hút, lôi cuốn những người làm báo đến tác nghiệp. Trong thời gian tới, Đà Nẵng mong muốn các nhà báo tham gia tích cực hơn nữa trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Qua đó có những tác phẩm gắn liền với “nhịp sống” của thành phố trẻ bên bờ sông Hàn, góp phần vaodf sự phát triển hơn nữa của thành phố Đà Nẵng.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã phát động Giải báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2018./.
Mỹ, Trung Quốc bắt đầu các biện pháp trả đũa thương mại lẫn nhau  (17/06/2018)
Vai trò của Đảng với vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, từ trường hợp tạp chí Tao Đàn  (17/06/2018)
Việt Nam khẳng định tinh thần chủ động và có trách nhiệm  (17/06/2018)
Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội  (17/06/2018)
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự ACMECS 8 và CLMV 9  (16/06/2018)
Thủ tướng tiếp xúc song phương bên lề hội nghị ACMECS 8 và CLMV 9  (16/06/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên