Vai trò của Đảng với vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, từ trường hợp tạp chí Tao Đàn

VI THỊ PHƯƠNG Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên
15:55, ngày 17-06-2018
TCCSĐT - Tao Đàn là một trong những tạp chí về văn hóa - văn học nghệ thuật đầu tiên trong làng báo nước ta trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Năm 1998, trọn bộ tạp chí này được PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện và nhà thơ Lữ Huy Nguyên sưu tầm biên soạn từ phục nguyên bản gốc. Tao Đàn không những có vị trí mở đầu đặc biệt mà còn có những đóng góp mở đầu to lớn, quan trọng về tư tưởng và văn hóa dân tộc. 

Tao Đàn ra đều kỳ được 13 số (từ tháng 3 đến tháng 7 - 2 kỳ/1 tháng; từ tháng 8 đến tháng 10-11 kỳ/1 tháng) và 2 số đặc biệt (về Tản Đà - tháng 7/1939 - 134 trang; về Vũ Trọng Phụng - tháng 12/1939-88 trang), với tổng cộng 1.374 trang in. Tạp chí Tao Đàn đề cập đến khá nhiều lĩnh vực như: Lý luận - khảo cứu; Phê bình; Sáng tác (thơ, truyện và ký, kịch), Ngôn ngữ tiếng Việt, chữ quốc ngữ,...

Bối cảnh thời kỳ 1930 - 1945 và sự ra đời của tạp chí Tao Đàn

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - một chính đảng lớn nhất, hoạt động tích cực và được quần chúng ủng hộ. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh chính trị đúng đắn, nắm quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam, quy tụ lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam, kịp thời lãnh đạo nhân dân bước vào một thời kì đấu tranh mới. Đảng đã yêu cầu Pháp phải thừa nhận những quyền tự do dân chủ và ban hành một bộ luật lao động cho những công nhân Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử dân tộc cũng như sự chỉ đạo đối với nền báo chí cách mạng. Từ đây báo chí của Đảng đã phát triển phong phú, đa dạng, cả về loại hình, thể loại và cấp độ (từ cấp Trung ương đến cấp địa phương); phục vụ cho nhiều đối tượng cần tuyên truyền, cổ động và tổ chức.

Trong giai đoạn 1930-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đảm đương vai trò lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc chống ách thống trị của thực dân Pháp, qua các cao trào cách mạng lớn: 1930-1931, 1936-1939 và kết thúc bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngay từ khi ra đời, trong các văn kiện công bố vào dịp thành lập Đảng: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Luận cương Chính trị (công bố tháng 10-1930),... đã xác định mục tiêu làm cách mạng, lật đổ sự thống trị của thực dân Pháp, đem lại ruộng đất cho dân cày, quyền lợi cơ bản cho giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, đưa nước ta lên chủ nghĩa xã hội.

Báo chí cách mạng trong những năm vận động dân chủ đã đóng góp tích cực vào việc khôi phục và phát triển Đảng, các đoàn thể quần chúng, gắn chặt nhiệm vụ xây dựng về tổ chức với đấu tranh chính trị và lý luận.

Sự ra đời và phát triển của báo chí cách mạng đã tác động và làm cho giới báo chí có chuyển biến về khuynh hướng và thái độ chính trị. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều nhà báo, nhiều tờ báo nhất là những tờ báo trung gian vào thời điểm đó thường tỏ thiện cảm với Mặt trận Dân chủ. Có thể kể tên các tờ báo đó là: Đàn bà, Con ong, Tiểu thuyết thứ năm, Tập mới, Tiểu thuyết thứ bảy, Thời vụ, Tân Việt Nam, Tao Đàn, Trung Bắc tân văn, Ngày nay, Ích hữu, Tiếng dân...

Về tuyên ngôn tạp chí

Tuyên ngôn tạp chí Tao Đàn được thể hiện trong lời ”Cùng bạn đọc” đăng trên trang đầu của số 1 tạp chí Tao Đàn, Bộ biên tập tạp chí đã nói rõ mục đích của Tao Đàn: ”Tao Đàn là tờ tạp chí không phải là cơ quan riêng của văn phái nào. Nó sẽ là nơi gặp gỡ của hết thảy mọi trào lưu tư tưởng và mọi khuynh hướng nghệ thuật, miễn là các trào lưu và khuynh hướng ấy cùng chung một mục đích: gây dựng một nền văn hóa Việt Nam” (1). Nếu như trong Nam Phong tạp chí (7-1917) của chủ bút Phạm Quỳnh ra đời nhằm mục đích: ”muốn gây lấy một nền văn học mới để thay vào cái nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ nhân dân ta,... truyền bá các khoa học của Thái tây” (2), tức là là tuyên truyền cho chính sách khai hóa của thực dân Pháp mà An-be Xa-rô - Thống đốc toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ thi hành ở nước ta thì mục đích của Tao Đàn lại hoàn toàn khác.

Tạp chí chủ trương tránh biệt phái, mà cố gắng trở thành một diễn đàn mở rộng, có khả năng tập hợp và hội tụ các lực lượng tuy chính kiến có thể khác nhau, nhưng có chung lập trường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không để rơi vào tình trạng mất gốc, tầm gửi vào các nền văn hóa ngoại lai: ”Nó sẽ là cái vườn ươm hạt giống anh tài chủng tộc, là nơi để bất cứ một cá tính nào cũng có thể phát triển đầy đủ về phương diện tư tưởng cũng như nghệ thuật. Nó sẽ là nơi tập trung tất cả mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến bộ đến hoàn toàn của ngôn ngữ Việt Nam và sau hết, để đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam”(3).

Rõ ràng, đó là mục đích cao đẹp mà Tao Đàn đặt ra, và quan trọng hơn là tạp chí đã nỗ lực để thực hiện trong suốt thời gian tồn tại. Trên thực tế đúng như tuyên ngôn đặt ra, Tao Đàn đã có đóng góp cho làng báo chí Việt Nam cũng như cho nền văn hóa dân tộc. Chủ trương và nỗ lực của Tao Đàn là: xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa nước nhà không bị hòa tan theo lối mất gốc mà vẫn tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại. Đây là một chủ trương đúng đắn của Tao Đàn, thực hiện theo đường lối của Đảng, đến nay vẫn giữ được ý nghĩa tích cực.

Điều đáng nói, đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1930-1945 được thể hiện tập trung nhất qua tài liệu Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện đầu tiên do đồng chí Trường Chinh soạn thảo và được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 3 năm 1943. Đề cương về văn hóa Việt Nam trực tiếp nêu một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. “Trước năm 1943, ở Việt Nam, vấn đề văn hóa, khái niệm văn hóa được nói đến rất ít, hoặc có nói đến thì ý kiến vẫn còn nhiều khác nhau. Trong Đề cương văn hóa, Đảng ta đề cập vấn đề văn hóa ở phạm vi rộng, chỉ lĩnh vực văn hóa tinh thần, bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”(4).

Sau này, trong nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII năm 1998 của Đảng ta đã khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật với xây dựng văn hóa và con người: “Bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”(5).

Bản sắc văn hóa hình thành cùng với quá trình hình thành dân tộc, nó gắn liền với hoàn cảnh không gian địa lý, phương thức sản xuất, tâm lý cộng đồng. Những năm đầu thế kỷ XX là thời kỳ văn hóa Việt Nam có nhiều biến động. Trong hoàn cảnh ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí giữ một vai trò rất lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tao Đàn là một trong những điển hình về vấn đề này. Dựa vào khái niệm văn hóa và bản sắc văn hóa, có thể thấy, giữa Tao Đàn và văn hóa dân tộc có mối liên hệ chặt chẽ. Tao Đàn góp phần nâng cao và “hướng dẫn” trình độ văn hóa của độc giả, góp phần điều tiết và định hướng về mặt tư tưởng và tinh thần cho hoạt động của xã hội thời đó.

Báo chí Việt Nam là một thành tố của nền văn hóa Việt Nam. Không thể có hoạt động báo chí tách rời văn hóa hay không quan tâm đến văn hóa. Đây cũng chính là một trong những công cụ hiệu quả nhất giúp văn hóa thực hiện được chức năng của mình. Môi trường văn hóa của dân tộc sẽ tạo điều kiện cho Tao Đàn phát triển mạnh mẽ trong chiều rộng, chiều sâu và có sự giao lưu, hội nhập với nước ngoài. Khi phát triển từ gốc rễ văn hóa dân tộc, Tao Đàn góp phần tích cực vào việc tạo ra diện mạo riêng cho văn hóa.

Về vấn đề ngôn ngữ tiếng Việt và chữ quốc ngữ

Trong đường lối văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam giai đoạn 1930-1945, Đảng ta đã ý thức rất rõ về việc giữ gìn tinh hoa của văn hóa Việt Nam. “Tiếng nói và chữ viết vừa là bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc, vừa là công cụ, phương tiện để xây dựng, phát huy văn hóa dân tộc. Nói đến văn hóa của một dân tộc không thể không nói đến tiếng nói và chữ viết của dân tộc đó”(6).

Tiếng nói của cộng đồng là một thành tố quan trọng tạo nên chất văn hóa cộng đồng. Hồn của văn hóa nằm ngay trong tiếng nói. Tiếng Việt là tài sản quý giá tạo nên chất văn hóa Việt độc đáo. Ngôn ngữ không chỉ có vị trí hàng đầu trong các hợp tố tạo thành nền văn hóa của một cộng đồng, ngôn ngữ còn có vai trò quan trọng trong quá trình làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Ngôn ngữ dân tộc là nhân tố góp phần quan trọng và quyết định vào việc hình thành và phát triển dân tộc, quốc gia. Ngôn ngữ dân tộc là một phương diện cho thấy đặc sắc riêng của văn hóa mỗi dân tộc.

Bản sắc dân tộc thể hiện trong ngôn ngữ là tiếng nói dân tộc. Ngôn ngữ tiếng Việt với tư cách vừa là công cụ - một phương tiện truyền đạt giao tiếp mang tính bao trùm lại vừa là tiếng nói tự thân bộc lộ tâm tình. Tao Đàn đã dành nhiều trang nói về ngôn ngữ tiếng Việt và chữ quốc ngữ. Vấn đề truyền bá và phát huy những tính năng của chữ quốc ngữ, cải cách chữ quốc ngữ, theo tác giả Lan Khai, đặc tính dân tộc nằm ở ngôn ngữ dân tộc, cách cảm, cách nghĩ dân tộc.

Ngôn ngữ là một phương diện của văn hóa. Ngôn ngữ là cái hồn của văn hóa. Dân tộc có văn hóa là phải có ngôn ngữ thống nhất trong cách phát âm, có văn hóa. Loạt bài của Từ Ngọc, Nguyễn Triệu Luật, Tảo Trang, Kinh Dinh bàn về ngôn ngữ dân tộc qua việc điển chế văn tự, cải cách chữ quốc ngữ là những bài viết công phu, nghiêm túc, giầu học thuật.

Tao Đàn là tạp chí tiếp tục các tờ báo, tạp chí trước đó trong việc truyền bá và phát huy những tính năng của chữ quốc ngữ. Điều đáng nói ở đây là sau này, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đề cập đến vấn đề này. Trong phần nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mácxít Đông Dương, ý thứ 3 của phần Công việc phải làm là “Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết”. Cụ thể: Thứ nhất, “Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói”; Thứ hai, “Ấn định mẹo vǎn ta”; Thứ ba, “Cải cách chữ quốc ngữ” (7). Như vậy, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời sau Tao Đàn ít lâu cũng đã đề cập đến vấn đề tiếng Việt và chữ quốc ngữ. Có thể thấy, công lao của Tao Đàn về vấn đề này là không nhỏ.

Thay lời kết

Tạp chí Tao Đàn là bước nối tiếp mạch nguồn văn hóa dân tộc đã được khởi xướng từ những tờ báo trước đó, đồng thời là bước đệm vững chắc cho báo chí về sau trong việc nhìn nhận về văn hóa. Tao Đàn đã để lại dấu ấn trong diễn trình văn hóa Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tao Đàn nhận thức về vai trò của chữ quốc ngữ và sự cần thiết của việc truyền bá nó. Chỉ xuất hiện trong vòng một năm nhưng tiếng Việt và chữ quốc ngữ đã tiến triển, đi được những bước dài, trong đó có sự đóng góp của sáng tác văn học về mặt ngôn ngữ là quan trọng. Ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ gắn bó với nhau, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, không chỉ là công cụ của con người mà còn là quan niệm của chính con người với tư cách là chủ thể tiếp nhận. Tao Đàn đã không ngừng duy trì tiếng nói và chữ viết dân tộc, vì trong đó chứa đựng gốc rễ của nền tảng văn hóa dân tộc, quốc hồn, quốc túy kết tinh từ mấy ngàn năm lịch sử./.

Tài liệu tham khảo

(1), (3) Nguyễn Ngọc Thiện - Lữ Huy Nguyên sưu tầm (1998), Tao Đàn 1939, Sưu tập trọn bộ, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 22.
(2). Hồng Chương (1987), Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-Nin, Hà Nội, tr. 69
(4), (6). Đỗ Đình Hãng (Chủ biên) (2006), Tìm hiểu đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 11; 19
(5). Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Khóa VIII, Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, (Theo http://www.bvhttdl.gov.vn/vn/vb-qly-nn/1/595/index.html).
(7). Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.