TCCSĐT - Ngày 06-02-2017, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ báo cáo về những điểm cần lưu ý trên thẻ bảo hiểm y tế từ năm 2018; tình trạng người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội và hệ lụy sau đó.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số đơn vị chức năng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Hội nghị đã cung cấp một số thông tin sau:

Một là, một số điểm lưu ý về thẻ bảo hiểm y tế.

Đối với trường hợp thẻ bảo hiểm y tế ghi chưa đúng họ tên, ngày sinh, giới tính như Tờ khai của người tham gia, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm điều chỉnh và đổi thẻ bảo hiểm y tế, người tham gia không phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh.

Đối với trường hợp thẻ bảo hiểm y tế cũ còn giá trị sử dụng và đã đổi quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao hơn, nếu được đổi thẻ cấp theo mã số bảo hiểm xã hội (thẻ bảo hiểm y tế mới) không ghi đúng mức hưởng như thẻ cũ, người tham gia bảo hiểm y tế cần liên hệ ngay với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ mới để điều chỉnh theo thẻ đã cấp trước đó mà không phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh.

Đối với trường hợp thẻ bảo hiểm y tế cấp theo mã số bảo hiểm xã hội có thời điểm tham gia đủ 05 năm liên tục ghi chưa đúng, người tham gia cung cấp thêm thông tin về tên, địa chỉ của các đơn vị nơi đã có quá trình tham gia trước đó hoặc thẻ cũ (nếu còn lưu giữ) cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chủ động kiểm tra lại danh sách, dữ liệu quản lý thu và kết hợp thêm với thông tin người tham gia có thể cung cấp để điều chỉnh dữ liệu và in thẻ bảo hiểm y tế mới cho người tham gia ngay trong ngày theo hướng dẫn tại Công văn số 238/BHXH-CNTT, ngày 22-01-2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Hai là, tình trạng người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội và hệ lụy sau đó.

Thời gian gần đây, tại bảo hiểm xã hội một số địa phương, như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đăk Nông,… xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới. Việc cầm số sổ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, của người nhận sổ bảo hiểm xã hội để cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có người tham gia bảo hiểm xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội và không quy định cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị hỏng, mất. Theo đó, tại Khoản 3, Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động có trách nhiệm bảo quản sổ bảo hiểm xã hội; tại Khoản 1, Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này; tại Khoản 2, Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội quy định hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động bị hỏng, mất sổ bảo hiểm xã hội (không quy định đối với trường hợp cầm cố sổ bảo hiểm xã hội); tại Điều 3, quy định về mẫu sổ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH, ngày 01-10-2015, của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho người tham gia để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; người tham gia được cấp và bảo quản một sổ bảo hiểm xã hội duy nhất; trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội để xem xét cấp lại.

Việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ kéo theo những hệ lụy đối với người lao động và đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

Đối với người lao động:

- Việc người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ bảo hiểm xã hội và người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội. Nếu người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định Quyết định số 1035/QĐ-BHXH, ngày 01-10-2015 và Quyết định số 595/QĐ-BHXH, ngày 14-4-2017, của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vì vậy cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp này.

- Nếu người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, ngày 22-8-2013, của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với hành vi kê khai không đúng sự thật.

Đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội:

- Theo quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 28 Quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH, ngày 22-4-2016, của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ bảo hiểm xã hội, dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bảo đảm không giải quyết hưởng trùng. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ 1 lần, không thể giải quyết trùng lần nữa được.

- Tại Khoản 3, Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội...”. Pháp luật về bảo hiểm xã hội không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia bảo hiểm xã hội thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Vì vậy, nếu người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, sau đó được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội vì lý do bị mất sổ bảo hiểm xã hội và đem sổ bảo hiểm xã hội cấp lại đi giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, khi đó người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ không thể đem sổ bảo hiểm xã hội nhận thế chấp đi giải quyết bảo hiểm xã hội một lần mặc dù có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ không được hưởng (quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội)./.