Bắc Ninh được công nhận thêm 3 nhóm bảo vật quốc gia
Độc đáo các bảo vật quốc gia
Các bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh được công nhận lần này gồm cột đá chùa Dạm được lưu giữ tại chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh; Hệ thống tượng linh thú chùa Phật Tích, hiện được lưu giữ tại chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du; Hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu-Luy Lâu, hiện được lưu giữ tại chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành và chùa Dàn xã Trí Quả, huyện Thuận Thành.
Cả 3 bảo vật được công nhận đều là những hiện vật gốc, độc bản có giá trị nghệ thuật, văn hóa cao.
Tiêu biểu trong số các bảo vật này là cột đá chùa Dạm, có niên đại từ thế kỉ XI cùng thời gian xây dựng chùa, đến nay bảo vật còn tương đối nguyên vẹn.
Cấu trúc cột đá được chia làm hai phần, phần cột và phần bệ. Đây được coi là một trong những hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay, cột đá được đặt tại cấp nền thứ hai bên trái của chùa.
Cột đá chùa Dạm được chế tác với hình thức độc đáo. Đôi rồng trang trí trên thân cột với những đường nét tinh xảo, sống động theo đồ án “lưỡng long hiến châu.”
Đây chính là điểm nhấn của tác phẩm điêu khắc này và cũng là nét đặc trưng mỹ thuật thời Lý. Toàn thân rồng có vẩy khép, uốn lượn nhịp nhàng, mềm mại. Chân rồng có 5 móng, cong và nhọn sắc như móng chim, chân trước dâng viên ngọc sáng.
Ngoài đôi rồng, người thợ còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để “trám” vào chỗ trống trên thân cột cho thêm phần hài hòa, sinh động.
Bên cạnh đó, do cột đá chùa Dạm gắn liền với lịch sử hình thành và xây dựng ngôi chùa nên cột đá đóng vai trò rất lớn trong việc tìm hiểu quy mô, kiến trúc ngôi chùa này.
Ngoài ra, hiện vật này còn bảo lưu nguyên vẹn đặc trưng mỹ thuật thời Lý nói chung, mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng.
Do đó, việc nghiên cứu cột đá chùa Dạm sẽ giúp hiểu sâu sắc nghệ thuật Phật giáo thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.
Trong số những bảo vật được công nhận lần này, hệ thống tượng linh thú chùa Phật Tích, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, du khách.
Nhóm bảo vật này gồm 10 linh thú được tạo tác vào thế kỉ thứ XI, xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tiền đường chùa Phật Tích.
Đặc biệt, các tác phẩm được làm bằng khối đá liền (duy nhất có tác phẩm tượng trâu ở dãy bên phải được ghép từ 2 khối đá) nhưng các chi tiết như tai, đuôi, sừng… được chắp nhờ những lỗ mộng.
Khác với cách thể hiện tỉ mỉ, chi tiết của các tác phẩm điêu khắc cùng thời, tượng linh thú đá lại thiên về những mảng khối lớn, chắc, khỏe theo xu hướng tả thực, sinh động nhưng vẫn toát lên vẻ vui hòa, an nhiên theo đúng tinh thần Phật giáo.
Hiện vật có ý nghĩa quan trọng đối với mỹ quan không gian tổng thể ngôi chùa. Hệ thống tượng thú đá này kết hợp với các tác phẩm điêu khắc đá cùng thời (tượng A Di Đà, điêu khắc rồng tại ao rồng …) tạo nên vẻ đẹp cổ kính, nét độc đáo riêng biệt mà hiếm ngôi chùa nào có được.
Hệ thống tượng linh thú chùa Phật Tích cho thấy sự phong phú, đa dạng về đề tài cũng như chủ đề sáng tác đối với mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng, lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam nói chung.
Việc giải mã ý nghĩa biểu tượng hệ thống tượng linh thú này gắn với thuyết “vật linh” của Phật giáo sẽ cho ta thấy nét đặc trưng tư tưởng triết học Phật giáo, phổ độ chúng sinh, giác ngộ muôn loài.
Bảo vật thứ ba vừa được công nhận là hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu-Luy Lâu. Các pho tượng gồm tượng Pháp Vân (chùa Dâu), Pháp Vũ (chùa Đậu), Pháp Lôi (chùa Tướng), Pháp Điện (chùa Dàn). Cả 4 pho tượng Tứ pháp đều được làm bằng chất liệu gỗ, có cùng khung niên đại với nhau, được tạo tác vào thế kỉ XVIII.
Chỉ duy nhất vùng Dâu-Luy Lâu mới có đầy đủ hệ thống tượng Tứ Pháp với 4 pho tượng nói trên. Nghiên cứu về những pho tượng trên sẽ thấy đặc trưng của văn hóa Phật giáo, là minh chứng chân xác quá trình du nhập và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Nghệ thuật tạo tượng vẫn bảo lưu đậm nét cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy, kết hợp với đặc trưng văn hóa bản địa để tạo nên một sản phẩm nghệ thuật Phật giáo mang màu sắc Việt Nam.
Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, qua 6 lần xét duyệt toàn tỉnh có 8 nhóm bảo vật quốc gia. Nét đặc trưng của các bảo vật tỉnh Bắc Ninh đó là đều nằm trong không gian di tích, có chất liệu bằng gỗ hoặc đá.
Ngoài 8 nhóm bảo vật đã được công nhận, Bắc Ninh còn hơn 10 nhóm bảo vật quý, xứng tầm bảo vật quốc gia. Những năm tiếp theo, Bắc Ninh tiếp tục làm hồ sơ đề nghị công nhận để bảo vật được đánh giá đúng với giá trị của nó.
Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ khi được công nhận nhóm bảo vật quốc gia đầu tiên năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật.
Năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy chế phân cấp quản lý các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Những bảo vật quốc gia nằm trong di tích quốc gia đặc biệt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh quản lý.
Những bảo vật nằm trong di tích quốc gia ở các huyện do Ủy ban Nhân dân huyện nơi có di tích quản lý. Đặc biệt, mỗi điểm di tích tiêu biểu của tỉnh đều bố trí cán bộ làm nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu di tích, trong đó có các bảo vật.
Thời gian tới, ngành Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giá trị các bảo vật quốc gia trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tại mỗi điểm di tích, ngành sẽ giao Ban Quản lý di tích thiết kế bảng thông tin chung về di tích cũng như giá trị các bảo vật, phục vụ du khách tham quan.
Đồng thời, Ban Quản lý di tích tỉnh biên soạn, xuất bản sách về bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh. Bảo tàng tỉnh có nhiệm vụ phục dựng lại các bảo vật quốc gia trưng bày tại bảo tàng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập phương án bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng chống cháy nổ với từng bảo vật quốc gia; đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý văn hóa, Công an và chính quyền sở tại (nơi có di tích đang được lưu giữ bảo vật quốc gia) trong việc bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích.
Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan thực hiện việc bảo quản đặc biệt theo chất liệu đối với từng bảo vật quốc gia, có báo cáo định kỳ về tình trạng kỹ thuật bảo vật quốc gia./.
Mỹ: Báo động nhầm về vụ tấn công tên lửa vào bang Hawaii, khiến dân chúng hoảng loạn  (14/01/2018)
Nâng cao chất lượng Chương trình Nghiên cứu lý luận chính trị  (14/01/2018)
Ngành thể thao cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp vì nền bóng đá Việt Nam trong tương lai  (14/01/2018)
Một số chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  (14/01/2018)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên