Phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, người thu nhập thấp: Một số kết quả và nhiệm vụ trọng tâm

Nguyễn Trọng Ninh Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng
21:24, ngày 09-01-2018

TCCSĐT - Nhà ở là nhu cầu thiết yếu, là tài sản có giá trị lớn của mỗi hộ gia đình và cá nhân. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực nhà ở, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo và các đối tượng thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Quan tâm, chăm lo chỗ ở cho người dân

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đặt ra nhiệm vụ: phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm… Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” cũng yêu cầu “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ…”. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu nhập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo…); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu, góp phần giảm nghèo bền vững. Để giải quyết nhà ở cho một số đối tượng gặp khó khăn về chỗ ở tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, năm 2009, Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị (Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20-4-2009 và các Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg, 66/2009/QĐ-TTg và 67/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với nhiều nội dung quan trọng mang tính đổi mới trong cả nhận thức và quan điểm chỉ đạo để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đó là: “giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của người dân”, chính sách phát triển nhà ở phải phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhằm từng bước giải quyết nhà ở cho mọi tầng lớp dân cư, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia yêu cầu phải tập trung ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho 8 nhóm đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.

Để cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo trên, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư phát triển đô thị, đầu tư phát triển nhà ở và quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội, như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà, đất để bán theo giá thị trường bù đắp chi phí, góp phần giảm giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; được sử dụng nhà ở hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn; đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động, nếu tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân và người lao động của mình, được hạch toán chi phí nhà ở vào giá thành sản xuất. Nhằm hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp gặp khó khăn về chỗ ở, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07-01-2013, theo đó dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội; cho vay ưu đãi đối với các đối tượng thu nhập thấp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hộ gia đình mua, thuê mua nhà ở thương mại có quy mô nhỏ, giá thấp (dưới 1,05 tỷ đồng); cho các đối tượng thu nhập thấp vay để cải tạo, xây dựng lại nhà ở với lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn lên tới 15 năm... Năm 2014, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các quy định về các chính sách phát triển nhà ở xã hội. Tiếp theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Kết quả tích cực

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp đạt được những kết quả tích cực, kể cả về mặt hoàn thiện thể chế pháp luật cũng như kết quả triển khai trong thực tiễn, cụ thể là:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý và phát triển đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội từng bước được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Luật Nhà ở năm 2014 (thay thế Luật Nhà ở năm 2005) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25-11-2014 xác định rõ mục tiêu phát triển nhà ở phải bảo đảm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển đồng thời hai loại nhà ở, gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội; quy định rõ phát triển nhà ở phải theo quy hoạch và có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, lệch pha cung - cầu. Luật Nhà ở năm 2014 cụ thể hóa các cơ chế ưu đãi, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong phát triển nhà ở xã hội để phục vụ các đối tượng có khó khăn về nhà ở, không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường...

Giai đoạn 2010-2013, các bộ, ngành kịp thời tham mưu Chính phủ những giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đối với lĩnh vực phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07-01-2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21-8-2014 của Chính phủ góp phần quan trọng trong việc khơi thông kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện giải quyết về chỗ ở cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp trong xã hội. Đồng thời, hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi, điều chỉnh cơ cấu dự án đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để giải quyết hàng tồn kho, cơ cấu sản phẩm nhà ở được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường...

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước tuy triển khai trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện thông qua các chỉ tiêu cụ thể về diện tích bình quân, chất lượng nhà ở ngày càng tăng. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được triển khai gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong giai đoạn 2013-2016 thu được những kết quả tích cực cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

Tính đến nay, cả nước hoàn thành 184 dự án nhà ở xã hội cho người lao động tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, trong đó có 84 dự án cho người thu nhập thấp (khoảng 33.400 căn hộ); 100 dự án nhà ở công nhân (khoảng 41.000 căn hộ); 89 dự án nhà ở cho sinh viên. Một số dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn, mô hình tốt như: Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá của Tổng Công ty Viglacera, dự án nhà ở xã hội Đông Ngạc của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô... Hiện nay, các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai 207 dự án cho người lao động tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, trong đó có 135 dự án cho người thu nhập thấp (khoảng 81.000 căn hộ), 72 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (khoảng 88.000 căn hộ). Một số dự án nhà ở công nhân có quy mô lớn được triển khai tại tỉnh Bình Dương của Tổng Công ty Becamex với quy mô 64.000 căn, tại Đồng Nai của Tổng Công ty IDICO với quy mô 10.000 căn. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành 30 dự án nhà ở xã hội cho người lao động tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, trong đó có 12 dự án cho người thu nhập thấp (khoảng 3.800 căn hộ); hoàn thành 18 dự án nhà ở công nhân (khoảng 3.700 căn hộ). Năm 2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020, theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội, 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và 10.000 chỗ ở tập trung cho sinh viên.

Một số vấn đề đặt ra và nhiệm vụ trọng tâm

Với điều kiện ngân sách hạn hẹp, đại bộ phận người dân thu nhập còn thấp, đầu tư phát triển nhà ở xã hội đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó thu hút các doanh nghiệp tham gia. Các hình thức, cơ chế huy động nguồn lực tài chính dành cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, còn phụ thuộc vào nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị lớn còn hạn chế, đặc biệt là các vị trí thuận lợi. Một số địa phương chưa có quy hoạch quỹ đất dành riêng cho việc phát triển nhà ở xã hội theo quy định, nhất là đối với việc phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Nhiều địa phương vẫn còn thiếu các sản phẩm nhà ở phù hợp với các đối tượng có thu nhập thấp. Một số chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội còn rất lớn. Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các hộ thu nhập thấp, hộ nghèo tại một số địa phương còn chậm so với kế hoạch.

Thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng, quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở tuy được cải cách, rút ngắn, nhưng việc chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án vẫn còn mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa chủ động dành đủ quỹ đất và ban hành cơ chế khuyến khích hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới, nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25-01-2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: các bộ, ngành và tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính,... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng. Trong thời gian tới, tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị. Nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, hợp tác xã tín dụng...; ban hành bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới..., nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội…

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở. Đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên và quy hoạch các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao,... theo quy định. Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, người nghèo, người thu nhập thấp tại các đô thị theo quy định…/.