Cần những biện pháp quyết liệt và triệt để để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết
Đây là thông tin do Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cung cấp tại cuộc họp về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết ngày 10-8 do Bộ Y tế tổ chức.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua trên cả nước là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước. Tại khu vực miền Nam, nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh. Đồng thời, sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao. Việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí, một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá tình hình bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt tại Hà Nội, bệnh nhân mắc bệnh có xu hướng gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển. Thời gian qua, ngành y tế đã có những biện pháp quyết liệt nhưng chưa triệt để nên bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng cao.
Trước tình hình trên, giải pháp đầu tiên là phải tập trung truyền thông vào 3 vấn đề chính gồm: cách phòng tránh muỗi đốt, sử dụng bình xịt muỗi tại các gia đình và biện pháp chính là diệt các ổ loăng quăng. Nếu đã bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất và chỉ nhập viện khi bác sỹ yêu cầu để tránh lây chéo các bệnh khác.
Tăng cường phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2017. Cục đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo công tác giám sát, thực hiện điều tra dịch sớm, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Mặt khác, ngành y tế đã thí điểm các biện pháp phòng chống mới trong phòng chống sốt xuất huyết như: phun tồn lưu và phun mù nóng, tiếp tục thí điểm áp dụng tác nhân sinh học Wolbachia gây nhiễm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh đã chuẩn bị tốt việc thu dung điều trị, thuốc men, cơ số phòng chống dịch, sẵn sàng thu dung tất cả các trường hợp bệnh sốt xuất huyết khi nhập viện, thực hiện việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để tránh quá tải, nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. Công tác truyền thông cũng được tăng cường với các thông điệp tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trên tin nhắn điện thoại, báo điện tử, đài truyền hình, đài phát thanh, đăng tin trên website của Bộ Y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các địa phương 10.220 lít hóa chất diệt muỗi, 3.250 bộ trang phục phòng chống dịch, 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng muỗi và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng.
Để chủ động và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và các bộ, ngành tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết; chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch diệt bọ gậy/loăng quăng. Bộ Y tế sẽ cử 4 đoàn của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường hỗ trợ cho 4 quận của Hà Nội; tổ chức tiếp 6 đoàn của Bộ Y tế đi kiểm tra 8 tỉnh trọng điểm về sốt xuất huyết. Riêng Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết; kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh sốt xuất huyết.
Ngành y tế tiếp tục phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, khu vực có chỉ số giám sát véc-tơ cao; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý ngay và triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên; đẩy mạnh hoạt động của các đội xung kích phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố trong việc loại bỏ ổ bọ gậy nguồn. Đặc biệt, ngành y tế tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, có thể huy động thêm các ban ngành như: Khối công an, quốc phòng; ngành xây dựng, ngành tài nguyên môi trường và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng; ngành giáo dục tăng cường huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) tại gia đình, ký túc xá, nhà trọ sinh viên, đặc biệt trong tháng tựu trường sắp tới.
Hiện nay, biện pháp "hạ nhiệt" chính là phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao như trong nhà, chợ, bệnh viện, trường học... Trong đó, bệnh viện chính là ổ truyền nhiễm nguy hiểm nên 100% bệnh viện và trạm y tế phải được phun hóa chất diệt muỗi. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho các đội phun hóa chất về cách pha và phun đúng theo hướng dẫn. Hệ thống điều trị cần tập trung cho các ca nặng, chuyển bệnh nhân nhẹ đến các bệnh viện vệ tinh để giảm quá tải hoặc hướng dẫn điều trị ngoại trú, tránh để người bệnh phải nằm ghép...
Trước ý kiến cho rằng, hiện nay công tác phòng chống dịch của ngành Y tế vẫn chưa hiệu quả, trong đó nổi lên nghi vấn muỗi Ades truyền bệnh đã kháng lại hóa chất diệt muỗi đang sử dụng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 11-8 cho rằng đã có những cách thực hiện chưa đúng trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Đó là việc phun hóa chất không đúng giờ, pha hóa chất không đúng cách, phun không đúng mục tiêu, phun qua loa cho xong việc và trước khi phun không tiến hành diệt lăng quăng, giảm mật độ lăng quăng tại khu vực phun. “Nếu không giảm mật độ lăng quăng xuống, sau 6-7 ngày, lăng quăng đó sẽ nở ra muỗi và muỗi lại nhiều như cũ chứ không phải là do muỗi kháng với hóa chất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân nhận định.
Hà Nội là điểm nóng cả nước về số ca mắc bệnh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về số ca mắc bệnh tuyệt đối; còn tính số mắc trên 100.000 dân, Hà Nội đứng thứ 5 cả nước.
Tính đến ngày 09-8-2017, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 13.900 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 532/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 91% số xã, phường). Hiện tại, Hà Nội còn 366 phường ghi nhận bệnh nhân mắc chưa qua 14 ngày; số bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện là 1.673 trường hợp, còn lại đều đã khỏi bệnh. Tuýp vi rút lưu hành là: D1, D2, D4.
Tại Hà Nội, dịch bệnh đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài. Nguyên nhân là do nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước. Nhiệt độ ấm ngay từ đầu năm, mùa mưa đến sớm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch. Tại Hà Nội, 10% hộ dân đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất. Đặc biệt, các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận 2 tuýp gây bệnh là D1 và D2 nhưng hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D4 vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng, ngành Y tế và chính quyền các địa phương của Hà Nội đang nỗ lực triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Để tăng cường lực lượng cho công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, 269 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy. Mỗi đội xung kích gồm 2 - 3 người từ các đoàn thể như thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng, cộng tác viên dân số... phụ trách 30-50 hộ làm nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn và cùng người dân xử lý triệt để các ổ bọ gậy. Khi có ổ dịch, các đội xung kích diệt bọ gậy sẽ hoạt động từ khi xuất hiện ổ dịch đến khi ổ dịch kết thúc theo quy định của Bộ Y tế.
Cùng với việc kêu gọi các cấp chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Hà Nội đã lên phương án tăng cường phun hóa chất phòng chống dịch. Bắt đầu từ ngày 14-8 cho đến hết tháng 8, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội sẽ tập trung phun hóa chất tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và một số phường thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Lộ trình phun sẽ đi từ vùng trung tâm dịch ra vùng ngoài. Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội huy động 15-20 máy phun/phường để phun vào ban ngày, còn phun hóa chất bằng ô tô sẽ được thực hiện vào ban đêm từ 1-5 giờ sáng.
Các địa phương cũng vào cuộc quyết liệt
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân khuyến cáo các địa phương nên công bố dịch từ đó mới tạo được sự đồng lòng của cả cộng đồng trong công tác phòng chống dịch. Khi công bố dịch cần công bố những thông tin quan trọng như: Tên bệnh, thời gian, phạm vi, quy mô để người dân biết nơi nào có dịch, nguyên nhân phát sinh dịch, các đường lây truyền, tính nguy hiểm, biện pháp phòng chống dịch, nơi điều trị… Việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch là quan trọng nhất bởi nếu không có biện pháp phòng chống đồng nhất sẽ dễ xảy ra những hiểu lầm về cách thức phòng chống trong người dân.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: Sử dụng hệ thống GIS xác định và khoanh vùng ổ dịch; giám sát các điểm nguy cơ; tổ chức và duy trì các đội xung kích diệt lăng quăng tại các khu dân cư và tăng cường xử phạt theo Nghị định 176 các trường hợp vi phạm để phát sinh ổ dịch, phát sinh ổ lăng quăng trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay, Thành phố đã xử phạt 98 trường hợp vi phạm.
Trong 7 tháng năm 2017, tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 1.300 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 651 ca so cùng kỳ năm 2016; các trường hợp mắc sốt xuất huyết tập trung nhiều ở các huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau. Riêng trong tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 242 ca bệnh, giảm 1,7% so với tháng 6.
Theo bác sỹ Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau: Tuy bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng giảm nhưng các địa phương, người dân không được chủ quan, xem nhẹ công tác phòng bệnh.
Sở Y tế tỉnh Cà Mau yêu cầu các trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện trong tỉnh chủ động phối hợp, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; phát động rộng rãi nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng…
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác giám sát tình hình dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch nhỏ mới phát sinh. Các bệnh viện trong tỉnh chuẩn bị giường bệnh, cơ số thuốc điều trị, trang thiết bị y tế cần thiết để kịp thời tiếp nhận cấp cứu, chăm sóc, điều trị theo phác đồ đối với những trường hợp bệnh nặng.../.
ASEAN đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Đông Nam Á  (11/08/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng Quốc khánh Cộng hòa Trung Phi  (11/08/2017)
Thủ tướng Lào gửi điện thăm hỏi tình hình mưa lũ tại Việt Nam  (11/08/2017)
Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến chào Chủ tịch Quốc hội Lào  (11/08/2017)
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp  (11/08/2017)
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia thăm Bắc Ninh  (11/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên