Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển nguồn nhân lực và kinh tế Việt Nam
TCCSĐT - Trong hơn 30 năm đổi mới, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. Việc xây dựng môi trường văn hóa được chú trọng hơn. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và những định hướng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII khẳng định: Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tổng kết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, theo đó, Đảng ta đã có sự mở rộng, gắn kết giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người và chỉ rõ: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu xây dựng văn hóa cũng là mục tiêu xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời là chủ thể của sự phát triển.
Đại hội XII của Đảng đánh giá những kết quả đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện. Chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của người dân là những nhân tố quyết định tạo ra những chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người. Mục tiêu hướng đến trong những năm tới là: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc (1).
Vai trò, tác động của văn hóa đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta
Văn hóa do con người sáng tạo ra. Văn hóa vừa phản ánh đời sống hiện thực con người và xã hội, vừa thúc đẩy sự phát triển, sự hoàn thiện nhân cách, làm phong phú và sâu sắc thêm các giá trị nhân bản, nhân đạo và nhân văn của đời sống xã hội.
Sự phát triển của văn hóa gắn với các điều kiện lịch sử, xã hội, mang lại những điều kiện cho hoạt động văn hóa và văn hóa cũng đem lại diện mạo mới cho xã hội. Các thành tố văn hóa mới của xã hội bắt nguồn cơ bản từ tính chất và trình độ mới của lao động. Văn hóa thúc đẩy sự phát triển đồng thời là kết quả của phát triển, là thước đo sự phát triển con người và xã hội. Hoàn thiện nhân tính, nhân cách con người, phát triển một xã hội công bằng, văn minh, vì tự do và hạnh phúc của con người, đó là giá trị văn hóa cao nhất. Đó cũng là mục tiêu sâu xa của văn hóa.
Cội nguồn của mọi giá trị văn hóa Việt Nam đã được hình thành và phát triển thông qua lao động sáng tạo và ý chí đấu tranh bền bỉ kiên cường của cả một dân tộc trong suốt trường kỳ lịch sử. Văn hóa Việt Nam gắn với sự phát triển lịch sử của con người Việt Nam, là sức sống, sức mạnh tự nhiên của con người Việt Nam, đặc trưng cho bản sắc Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên quan điểm phát triển bền vững giữa con người với tự nhiên, con người với con người và sự phát triển chính bản thân con người như C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã luận giải. Phát triển văn hóa không thể không đề cập tới nguồn nhân lực của xã hội trong quá trình tham gia vào việc bảo tồn, phát huy, phát triển và sáng tác các giá trị văn hóa. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, để tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - văn hóa, thì việc tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đủ khả năng thích ứng và sáng tạo trong điều kiện hiện nay là giải pháp quan trọng. Đầu tư phát triển hiệu quả nguồn nhân lực không chỉ tăng cường nguồn lao động sáng tạo nội sinh của văn hóa dân tộc mà còn để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, sức cạnh tranh và tiếp thu những thành tựu khoa học hiện đại.
Do văn hóa là một hệ thống giá trị vừa mang tính xã hội, vừa mang tính bản sắc cá nhân, nên việc khai thác hiệu quả nguồn nhân lực của xã hội tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý, phát triển văn hóa phải căn cứ vào chỉ số việc làm, dân số, giáo dục, tuyển dụng, trình độ quản lý... là những căn cứ từ xã hội. Còn từ cá nhân cần tạo dựng một hệ chuẩn mở và rộng hơn cho sự đánh giá và phát triển năng lực, sở thích, nhu cầu văn hóa của mỗi con người. “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam”(2). Văn hóa tác động đến con người và ngược lại, con người được nhìn nhận trong sự phát triển văn hóa, vừa là chủ thể văn hóa, là tiềm năng văn hóa, vừa là nguồn gốc vô tận cho sự phát triển văn hóa, được tiếp cận dưới nhiều góc độ cả năng lực cá nhân lẫn năng lực xã hội, cả năng lực kinh tế lẫn năng lực văn hóa, cả năng lực quản lý lẫn năng lực trực tiếp lao động sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tôn vinh cái tốt, cái đẹp; đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu; chống sự xuống cấp, tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay.
Dưới góc độ văn hóa, đi sâu nghiên cứu vào chất lượng nguồn nhân lực là động lực sáng tạo con người từ năng lực và phong cách sáng tạo nghệ thuật và sự thụ hưởng thẩm mỹ trong văn hóa, có thể thấy động cơ thúc đẩy hoạt động sáng tạo là cơ chế hưởng thụ tinh thần như một lợi ích đặc thù có tính trực tiếp, chứ không phải lợi ích vật chất có tính trực tiếp. Năng lực hình thành khả năng hưởng thụ thẩm mỹ là khả năng có tính người, là những lực lượng bản chất ở con người hay tính cảm giác chủ quan ở chủ thể sáng tạo.
Quá trình xã hội hóa các nguồn nhân lực, vật lực xã hội và quá trình cá nhân hóa các trình độ, năng lực sáng tạo và thụ cảm thẩm mỹ của cá nhân, các chủ thể sáng tạo văn hóa là hai mặt, hai quá trình song hành làm nên các nguyên tắc chỉ đạo hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Đây chính là động lực nền tảng của các hoạt động sáng tạo văn hóa con người. Trong khi đó, trong lĩnh vực khá đặc biệt của hoạt động sáng tạo tinh thần là lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, thì động lực đặc thù chính là nguồn gốc để hưởng thụ tinh thần (thẩm mỹ) của con người thông qua thực tiễn lao động và sáng tạo của con người.
Tác động của văn hóa đến chất lượng nhân lực được biểu hiện trên các phương diện sau:
Một là, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực trên các mặt lao động sáng tạo, phát huy năng lực cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, công nghệ kết hợp với việc tạo môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, tránh hiện tượng chảy máu chất xám.
Hai là, định hướng cho các hoạt động sáng tạo của các cá nhân và xã hội, bảo đảm các giá trị chân - thiện - mỹ của truyền thống trong tính hiện đại, không ngừng phát triển và nâng cao các giá trị nhân văn của dân tộc. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Ba là, chú trọng các nhân tố văn hóa tích cực nhằm phát huy tính năng động, tính độc đáo của năng lực sáng tạo của các cá nhân trong xu hướng phát triển văn hóa chung thúc đẩy quá trình xã hội hóa văn hóa. Trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, sự ảnh hưởng của văn hóa đến chất lượng nguồn nhân lực hướng tới việc xây dựng con người toàn diện, có đủ phẩm chất cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống lẫn nhân cách văn hóa, đủ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ảnh hưởng của văn hóa đến phát triển kinh tế Việt Nam
Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế được Đảng ta nhận thức rõ và đề cập từ rất sớm từ khi Đảng còn chưa giành được quyền lãnh đạo đất nước. Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII, Đảng ta xác định: văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra những quan điểm và nhiệm vụ cụ thể liên quan đến xây dựng văn hóa trong kinh tế. Đây thực sự là bước tiến lớn trong tư duy lý luận cũng như trong triển khai thực hiện, nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa văn hóa và kinh tế, có giá trị thiết thực và ý nghĩa lâu dài thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.
Ảnh hưởng qua lại của kinh tế tới văn hóa và văn hóa tới kinh tế là rất mạnh mẽ. Văn hóa trong giai đoạn hiện nay là văn hóa vận động trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang tính toàn cầu và hội nhập khi tác động của những thành tựu khoa học - công nghệ đang tạo ra một làn sóng mạnh mẽ đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ thực tiễn đó, Đảng ta đề ra các chủ trương, đường lối, quan điểm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà dân tộc:
- Phải có chính sách kinh tế trong văn hóa: Chính sách được xây dựng để gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế hỗ trợ cho phát triển văn hóa. Đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị - tư tưởng, phải giữ gìn được bản sắc văn hóa. Chính sách kinh tế trong văn hóa được thể hiện trong các dịch vụ văn hóa ở khu vực tư đã được cấp bỏ thủ tục giấy phép, mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; chế độ tài trợ, đặt hàng, trợ giá, chế độ ưu đãi cho các doanh nghiệp đặc thù (hãng phim, rạp chiếu phim; hiệu sách, khu vui chơi giải trí, nhà xuất bản, trung tâm triển lãm, tu bổ di tích...). Đó là những việc làm nhằm thực thi chính sách kinh tế trong văn hóa để khai thác các tiềm năng có trong các thành phần kinh tế để hỗ trợ cho phát triển văn hóa.
- Phải có chính sách văn hóa trong kinh tế: Chính sách này nhằm bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, tạo động lực thúc đẩy chất lượng trong các hoạt động kinh tế. Qua đó cũng tạo điều kiện nhiều hơn cho sự phát triển văn hóa, chăm lo cho con người. Biểu hiện ảnh hưởng của chính sách văn hóa trong kinh tế được thể hiện qua việc: Chú trọng xây dựng giải pháp văn hóa các chương trình, các công trình kinh tế. Chính sách xã hội hóa trong hoạt động văn hóa cũng chính là sự động viên khai thác các nguồn lực còn đang nằm trong dân, trong các thành phần kinh tế - nhìn từ góc độ xã hội để đóng góp cho phát triển văn hóa.
Các chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế đã được Đảng đưa ra những định hướng cụ thể trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách văn hóa. Trong đó bao gồm:
- Chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
- Thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, dịch vụ văn hóa…), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị văn hóa, nghệ thuật.
- Cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các loại hình văn hóa như điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, báo chí, xuất bản; thuế đối với báo chí; trợ giá cho một số báo chí, văn hóa phẩm đưa ra nước ngoài nhằm mục đích tuyên truyền đối ngoại và sách báo đưa lên miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
- Quy định cụ thể chế độ cho các doanh nghiệp đặc thù của ngành văn hóa thông tin (hãng phim, rạp chiếu bóng, hiệu sách, khu vui chơi giải trí, nhà xuất bản, trung tâm triển lãm, tu bổ di tích…) được hưởng mức thuế ưu đãi trong hoạt động kinh doanh (thuế đất, thuế vốn khấu hao cơ bản).
- Cho phép các thành phần kinh tế kể cả tư nhân trong nước và nước ngoài, thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết với một số cơ sở hoạt động văn hóa theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và tham gia tổ chức một số hoạt động văn hóa có nội dung lành mạnh, bổ ích.
- Thực hiện chính sách miễn, giảm phần chịu thuế cho các khoản đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp vào sự nghiệp văn hóa.
- Xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên sức người, sức của để xây dựng và phát triển văn hóa. Chính sách này được tiến hành đồng thời với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước. Các cơ quan chủ quản về văn hóa của Nhà nước phải làm tốt chức năng quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các hoạt động xã hội về văn hóa.
- Khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn hóa đòi hỏi tăng nguồn đầu tư thích đáng cho sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chú trọng đầu tư hỗ trợ những tác giả có uy tín, những tài năng trẻ, đầu tư cho lực lượng chuyên nghiệp và cả những phong trào quần chúng. Có chính sách chăm sóc đặc biệt đối với các văn nghệ sỹ tuổi cao tiêu biểu, các mầm non nghệ thuật suất xắc.
- Sửa chế độ nhuận bút phù hợp với tình hình mới; có chính sách khuyến khích đối với lao động nghệ thuật và báo chí.
- Thành lập quỹ văn hóa quốc gia và quỹ sáng tác của các hội văn học, nghệ thuật, tạo thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho xây dựng các tác phẩm.
- Xây dựng và ban hành chính sách đặc thù hợp lý, hợp tình cho những loại đối tượng xã hội cần được ưu đãi tham gia và hưởng thụ văn hóa: thương binh, bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, trẻ em, những người già không nơi nương tựa, những người thuộc dân tộc thiểu số, những người tàn tật...
Các giải pháp trọng tâm về phát triển văn hóa đối với sự phát triển nguồn nhân lực và kinh tế Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, xây dựng con người, lối sống văn hóa.
Công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trước hết phải hướng tới việc xây dựng con người toàn diện, có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống lẫn nhân cách văn hóa, đủ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế. Việc phát triển nguồn nhân lực Việt Nam được xây dựng nền tảng tôn trọng và bảo vệ quyền con người, hình thành nhân cách con người Việt Nam hội tụ đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp, mang đậm nét truyền thống cốt cách của con người Việt Nam, đó là:
- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phát huy nội lực, có ý chí học tập, vươn lên.
- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tuân thủ pháp luật, tôn trọng quy ước của cộng đồng, chăm lo xây dựng cộng đồng.
- Không ngừng nâng cao tri thức, học tập suốt đời; biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm, đồng thời có tinh thần hợp tác; làm việc hiệu quả trong tổ chức, theo nhóm chuyên môn. Có tư duy cởi mở với cái mới, năng động, sáng tạo, nỗ lực tiếp cận và vận dụng những kiến thức tiên tiến nhất của khoa học, công nghệ thế giới phục vụ phát triển đất nước.
- Rèn luyện thể lực, nâng cao thể trạng, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức làm người.
- Xây dựng gia đình đoàn kết, hòa thuận, bình đẳng, kỷ cương, nền nếp, bảo đảm đời sống kinh tế ổn định và phát triển; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tự nguyện, tính tự quản, dân chủ và năng lực làm chủ trong sinh hoạt cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ hai, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách văn hóa đối với phát triển kinh tế.
Để hỗ trợ văn hóa phát triển cần áp dụng nhiều chính sách khác nhau, phù hợp với tình hình phát triển. Trong những giai đoạn đầu phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn hóa được Nhà nước hỗ trợ có trọng điểm, vừa bảo đảm phát triển văn hóa, vừa góp phần nâng cao cuộc sống tinh thần của người dân. Khi nền kinh tế đã phát triển tốt hơn vai trò của khối tư nhân, doanh nghiệp ngày càng được khẳng định, và thực sự đã trở thành những nhà tài trợ chính và quan trọng cho văn hóa. Sự tham gia tích cực của khối tư nhân được khuyến khích bằng các chính sách thuế, phí ưu đãi cho những hoạt động dành cho văn hóa nghệ thuật. Ở một mặt khác, khi một số lĩnh vực văn hóa đã trở thành ngành kinh doanh giải trí có lợi nhuận cao thì Nhà nước có thể không cần hỗ trợ và tiến hành đánh thuế để tạo nguồn thu đầu tư trở lại cho ngành văn hóa.
Bên cạnh đó, mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.
Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế./.
----------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 126
(2) Tài liệu đã dẫn, tr 126, 127
Vai trò và thể chế hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức công đoàn cơ sở hiện nay  (25/05/2017)
Phát động cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ hai”  (25/05/2017)
Chủ động, tích cực trong tiếp cận các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (25/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Iran tại Việt Nam  (24/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemens  (24/05/2017)
Quốc hội thảo luận vấn đề xử lý hình sự vi phạm kinh doanh đa cấp  (24/05/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên