Cần những giải pháp đồng bộ để ngành du lịch Bình Phước phát triển tương xứng với tiềm năng
TCCSĐT - Là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, cửa ngõ, cầu nối giữa khu vực Tây Nguyên với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vương quốc Cam-pu-chia, Bình Phước có vị trí tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa khai thác được đầy đủ lợi thế so sánh để phát triển. Vì vậy, Bình Phước cần có những giải pháp đồng bộ, sát hợp hơn cho ngành “Công nghiệp không khói” phát triển.
Vùng đất có tiềm năng du lịch dồi dào
Tài nguyên du lịch Bình Phước phân bố rộng khắp trong tỉnh, mỗi địa phương có những thế mạnh du lịch độc đáo. Về địa lý, với địa hình tương đối bằng phẳng, chỉ có một số đồi núi thấp và các vùng đất bằng ở giữa đồi và núi; có khá nhiều sông suối, ghềnh thác, hồ đập, những khu rừng nguyên sinh có quần thể động, thực vật phong phú, đa dạng, được bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ. Đây được xem là điểm lý tưởng cho du khách muốn khám phá.
Tính đa dạng dân tộc gắn liền với sự phong phú về bản sắc văn hóa vùng, miền là nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách đến tìm hiểu. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số (khoảng trên 80%), Bình Phước còn có 40 dân tộc anh em khác trong đó các dân tộc có dân số tương đối lớn là S’tiêng , Tày, Nùng, Khmer, và một số ít người Mnông, Hoa, Mường... Các dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, những nét văn hóa dân tộc thể hiện qua nhiều lễ hội mang đặc sắc riêng. Điển hình, Lễ hội quay đầu trâu mừng lúa mới của đồng bào dân tộc S’tiêng đã có từ lâu đời; Lễ hội Chol Ch’Nam Th’Mây là tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức vào trung tuần tháng tư hằng năm tại các chùa, phum, sóc. Những nghi lễ đón tết rất phong phú như lễ rửa tượng Phật, lễ té nước, cầu an và làm bánh tét; Lễ mừng lúa mới của người Mnông được tổ chức tại rẫy lúa vào khoảng tháng 8 hằng năm...
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn nhiều di tích các thành đắp đất hình tròn - dấu vết của người tiền sử. Thành cổ đắp đất hình tròn được phát hiện vào thập niên 1950, chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long, Bù Gia Mập. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như mảnh gốm, công cụ đá, đồ trang sức bằng gốm có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm, cùng với các công trình kiến trúc cổ, đình, chùa, nhà thờ, không gian văn hóa độc đáo. Theo các nhà khảo cổ học, đây là nơi cư trú và phòng thủ của các cư dân cổ xưa.
Tiếp giáp Cam-pu-chia có ba cửa khẩu quan trọng có thể mở rộng khai thác thị trường du lịch nước ngoài, tập trung chủ yếu vào việc khai thác khách du lịch theo loại hình Các-na-van xuyên Á từ Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma. Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư nằm trên tuyến quốc lộ 13 là tuyến giao thông quan trọng kết nối với Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều điểm tham quan như khu căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy Miền, cụm kiến trúc cổ của người Pháp ở xã Lộc Tấn…; Cửa khẩu chính Hoàng Diệu nằm ở khu vực huyện Bù Đốp, là cửa khẩu quốc gia có khả năng kết nối thuận lợi với khu vực Bà Rá - Thác Mơ tạo thành một tuyến du lịch với sản phẩm chính là du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử kết hợp du lịch thương mại; Cửa khẩu Tà Vát thuộc huyện Lộc Ninh phục vụ đắc lực cho khai thác du lịch thương mại, tham quan di tích.
Cùng với loại hình du lịch văn hóa, lễ hội, Bình Phước có rất nhiều địa danh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia như: Di tích Phú Riềng Đỏ là nơi thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Phước; Núi Bà Rá - một thắng cảnh đẹp nổi tiếng với dòng sông Bé uốn lượn dưới chân núi, với thác Mẹ, thác Mơ và hệ động, thực vật phong phú gắn liền với di tích lịch sử cách mạng thời chống Mỹ; Nhà Giao tế - trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - là nơi hội họp của Ban liên hợp quân sự bốn bên và Đoàn Ủy ban kiểm soát và giám sát đình chiến theo tinh thần Hiệp định Pa-ri; Ngoài ra, còn có những địa danh sân bay quân sự Lộc Ninh, căn cứ Tà Thiết, tổng kho xăng dầu Lộc Quang - Lộc Hòa (VK98 - VK99)...
Bình Phước rất có tiềm năng cho loại hình du lịch sinh thái, gồm các sản phẩm dịch vụ chính như: Tham quan nghiên cứu môi trường, giáo dục môi trường sinh thái... Điển hình: Khu du lịch hồ Suối Cam, Bàu Ké, Cầu dây văng Phước Cát, Cầu 38, đập Bà Mụ; hồ sinh thái Sóc Xiêm; thác Đắk Mai, thác bảy tầng, thác Voi, thác Đứng; Trảng cỏ Bù Lạch; Vườn quốc gia Tây Cát Tiên, là nơi bảo tồn hệ sinh thái lớn nhất Việt Nam, diện tích vùng lõi khoảng 5.000 ha, có hệ sinh thái rất đa dạng, với hệ động - thực vật phong phú; Vườn quốc gia Bù Gia Mập...
Để ngành du lịch phát triển bền vững trong tương lai
Nguồn tài nguyên du lịch vô cùng dồi dào để Bình Phước phát triển thành các điểm du lịch hấp dẫn, nhưng vẫn còn ở dạng tiềm năng do chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Sản phẩm du lịch chưa thật sự độc đáo, mới lạ, chưa có sự đột phá khai thác đầu tư tập trung ở một số điểm du lịch tiêu biểu ngang tầm với các điểm du lịch lớn của cả nước. Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh đã có quan tâm đầu tư xây dựng các dự án điểm để thu hút khách du lịch, đây là hướng đi đúng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Bình Phước phát triển ngày một khởi sắc, bền vững.
Để ngành du lịch của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, cụ thể là phấn đấu đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra: “Thu nhập từ hoạt động du lịch của tỉnh Bình Phước năm 2020 đạt 65,20 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 31,63%/năm (giai đoạn 2016 - 2020). GDP từ du lịch và tỷ trọng của du lịch trong cơ cấu kinh tế quốc dân của du lịch Bình Phước năm 2020 đạt 45,64 triệu USD (chiếm tỷ trọng 2,37% GDP tỉnh Bình Phước)...”(1), theo chúng tôi cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có một số giải pháp chính sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước; đặc biệt khẳng định và thay đổi nhận thức rằng, Bình Phước có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, hoàn toàn có thể đưa ngành công nghiệp không khói này phát triển không thua kém gì các tỉnh trong khu vực và Tây Nguyên. Tuyên truyền cho cán bộ, công chức và nhân dân nỗ lực cải thiện hình ảnh, uy tín của du lịch tỉnh; hướng dẫn cách làm du lịch, cách quảng bá sản phẩm du lịch Bình Phước, đặc biệt là hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững khi ngành du lịch Bình Phước dường như chỉ mới bắt đầu nên có nhiều cơ hội để học hỏi, tiếp thu, lĩnh hội kinh nghiệm của các địa phương trong nước và quốc tế.
Thứ hai, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá phát triển du lịch. Thực hiện đa dạng về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền ngay cả trong các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch, xem đây là một giải pháp hàng đầu để có thể nhanh chóng triển khai trong xã hội để mọi người nhận thấy tiềm năng lớn của ngành du lịch Bình Phước. Sớm thành lập các trung tâm xúc tiến quảng bá du lịch tại các địa phương, địa danh trọng điểm du lịch (Trung tâm xúc tiến du lịch Lộc Ninh, Thác Mơ - Phước Long, Đồng Xoài…); tăng cường vốn ngân sách cho xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch quốc gia. Ưu tiên quảng bá lợi thế so sánh phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và lễ hội, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu; trong đó chú trọng điểm du lịch Tà Thiết - Thác Mơ, Bà Rá - Khu bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số S’tiêng sóc Bom Bo, Trảng Cỏ Bù Lạch và Tây Nguyên. Trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cần đẩy mạnh tính chuyên nghiệp hóa như: Tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch nhất là đối với loại hình văn hóa lễ hội, du lịch thăm lại chiến trường xưa, du lịch hồi tưởng lại lịch sử; xây dựng cơ chế hợp tác trong và ngoài ngành...
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 111/111 xã, phường, thị trấn đều có đường đến trung tâm hành chính, hầu hết đều được nhựa hóa. Có 9 bến xe hoạt động trải đều khắp các huyện, thị với 70 tuyến hoạt động thường xuyên. Các tuyến tỉnh lộ nối các huyện, thị với nhau theo thế liên hoàn rất thuận tiện vận chuyển khách đi đến các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Hệ thống đường dây điện trung thế; đường dây hạ thế; trạm biến áp phân phối trạm với tổng dung lượng 143.494 KVA. Trên địa bàn tỉnh có Nhà máy thủy điện Thác Mơ, Nhà máy thủy điện Cần Đơn, Nhà máy thủy điện Srok Phú Miêng. Hệ thống cấp nước và các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống bưu chính viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt đến tất cả các xã, phường, thị trấn, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh... Tất cả những hạ tầng trên ở dạng đầu tư cứng phục vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó cũng là một lợi thế cho phát triển hạ tầng du lịch.
Cần nhanh chóng có những quyết sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho du lịch như: Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với các địa danh có thể phát triển du lịch, trước mắt cần tập trung vào những dự án đã được phê duyệt đầu tư Dự án trùng tu, tôn tạo Khu căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết; Dự án khu vui chơi, giải trí tổng hợp hồ Suối Cam; Dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ; Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Các dự án, địa danh để phát triển du lịch cần đồng bộ hóa từ khâu dịch vụ đến chăm sóc khách hàng cùng với phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại qua các chính sách khuyến khích đầu tư riêng của tỉnh.
Thứ tư, thực hiện xã hội hóa đầu tư. Bên cạnh việc thực hiện tăng cường đầu tư và hiệu quả đầu tư từ ngân sách của tỉnh cho phát triển du lịch, cùng với tranh thủ nguồn vốn ODA thông qua vay ưu đãi nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình đầu tư lớn như đường cao tốc, đường sắt... cho các chương trình phát triển dài hạn thì rất cần các nguồn vốn khác. Cụ thể, phát huy triệt để nguồn lực tài chính trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư với cơ cấu chủ yếu tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, mời gọi các nhà đầu tư có uy tín trong ngành thương mại du lịch. Xã hội hóa du lịch còn được thực hiện: phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; khuyến khích việc đóng góp từ thu nhập du lịch cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị về sinh thái, văn hóa và phát triển du lịch xanh.
Thứ năm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Nhanh chóng xây dựng đề án và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch của tỉnh cũng như tại các địa danh. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch đáp ứng nhu càng ngày càng tăng về lực lượng lao động ngành, trong đó tập trung đào tạo nhân lực là người dân tộc thiểu số tại chỗ, vừa tạo được sự khác biệt trong thu hút du khách, vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân để xóa đói, giảm nghèo. Liên kết với những cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch của Trung ương và các tỉnh có nhiều kinh nghiệm phát triển du lịch để đào tạo nhân lực theo nhu cầu đầu tư, phát triển các khu du lịch cùng với xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch của tỉnh.
Thứ sáu, thực hiện liên kết hợp tác du lịch. Triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác: Chủ động, tích cực triển khai thực hiện và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương đã ký kết và đang thực hiện giữa tỉnh với các địa phương khác trong vùng. Mở rộng hơn nữa hợp tác kết nối các tour du lịch với các quốc gia khác, trực tiếp là Vương quốc Cam-pu-chia, tiếp tục kết nối với Lào, Thái Lan, Mi-an-ma... bằng đa dạng hóa các kênh hợp tác. Phối kết hợp liên vùng, liên ngành để phát triển du lịch: Khuyến khích liên kết trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, trong thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu du lịch; Đẩy mạnh các tổ chức phát triển du lịch vùng.
Có thể nói, là một trong những tỉnh đi sau trong phát triển du lịch, Bình Phước chậm nhưng phải hướng tới mục tiêu cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng, góp phần xứng đáng cho sự phát triển của ngành du lịch cả nước và sự phát triển của tỉnh Bình Phước hôm nay và mai sau./.
------------------------------------------
(1) Nguồn số liệu: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 23/02 /2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-3 đến ngày 02-4-2017)  (03/04/2017)
Mít tinh hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện" 07-4  (02/04/2017)
Tổng thống Donald Trump bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng việc xem xét lại các chính sách thương mại  (02/04/2017)
Chủ tịch Quốc hội sẽ thăm chính thức Thụy Điển, Hungary và Séc  (02/04/2017)
Thái Lan có thể phê chuẩn hiến pháp mới trong tháng Tư  (02/04/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên