Nhân đọc “Đã gặp khó quên - Chân dung & Đối thoại”
TCCSĐT - Cầm trên tay cuốn sách “Đã gặp khó quên - Chân dung & Đối thoại” của nhà báo Nguyễn Tri Thức với lời đề tặng rất trân trọng, tôi không khỏi vui mừng, xen chút ngạc nhiên. Sau cả tháng trời “nhâm nhi” cuốn sách dày 300 trang, tôi càng như bị cuốn hút bởi bút pháp rắn rỏi, văn phong mạch lạc của một nhà báo nhưng lại mang trong mình phẩm chất của một nhà văn.
“Đã gặp khó quên - Chân dung & Đối thoại” của nhà báo Nguyễn Tri Thức là thể loại khắc họa chân dung, nhưng mỗi nhân vật được thổi hồn vào từng con chữ, được sàng lọc, sắp đặt bởi một cây bút tinh tế. Ngay cả cái tên của cuốn sách cũng ít nhiều gợi sự tò mò cho độc giả. Hẳn các nhân vật trong cuốn sách này phải có gì đặc biệt lắm thì tác giả mới dám mạnh tay khẳng định là “đã gặp” ắt “khó quên”.
Theo lời tâm sự của tác giả, cuốn sách là những bài viết gồm nhiều thể loại báo chí: bút ký, phóng sự, ghi chép, đối thoại,... đã đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, được tập hợp và in thành sách để kỷ niệm 20 năm nghề cầm bút của mình. Nhưng với tôi, đây còn là một thiên truyện phong phú mà độc đáo, dung dị mà mới lạ kể về đời sống quanh ta. Cuốn hút với nhiều trạng thái, tình huống khác nhau, lại không giới hạn trong “phạm trù” văn nghệ sỹ, sách rất thật, rất “đời”, dễ tạo được sự đồng cảm nơi bạn đọc. Ai cũng có thể thấp thoáng thấy bóng mình trong một hay một vài chân dung nào đó.
Tác giả kỳ công chọn lựa trong đa tầng của xã hội để khắc họa những nhân vật tượng trưng và đại diện cho số đông. Trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng, được xã hội tôn vinh, từ nhà báo lão thành Hữu Thọ, GS, VS. Nguyễn Văn Hiệu, đến “ông vua Sân khấu” - NSND. Doãn Hoàng Giang; từ anh hùng Nguyễn Văn Thoa - người bắn chiếc máy bay “kết thúc chiến tranh” đến chiến sỹ thành cổ Quảng Trị đam mê nghiên cứu khoa học; từ viên Đại úy, Phó công an phường đến ông Đại tá - người dập những “điểm nóng”. Câu chuyện về các “đại gia” thành bại nơi “thương trường như chiến trường” cũng được tác giả dành sự quan tâm đặc biệt: Từ Nam “bò” và giấc mơ tỷ phú đến Người “vĩ cuồng” chiến đấu vì thương hiệu Việt… mà không hề lấn át vóc dáng nhỏ thó của chị nhân viên thu tiền điện… Từng nhân vật, từng cuộc đời cứ đan xen, cuốn hút cho ta cảm giác như đang đọc những thiên tùy bút.
Nhiều người bảo “Tri Thức yêu bóng đá” - Hẳn là vậy. Bằng chứng là trong 42 bài viết của cuốn sách, thì có tới 7 bài viết về bóng đá. Từ một cựu cầu thủ giữ nghiệp sân cỏ gia truyền 4 đời, đến ông giám sát trọng tài gàn dở, tận tâm và những vấn nạn liên quan đến bóng đá. Những câu chuyện đầy trăn trở, đau đáu của làng thể thao nước nhà được lật mở thông qua các nhân vật: trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên,... Anh quả là một “môn đồ” cuồng nhiệt đã bày tỏ tâm can của mình bằng những bài viết gan ruột, đắng đót với môn thể thao vua mà hàng tỷ tín đồ đam mê, cuồng nhiệt trên toàn thế giới cùng chung mọi cung bậc “hỉ - nộ - ái - ố”, khi thì vỡ òa trong sung sướng, hò reo vang dậy, lúc lại câm bặt, dồn nén cảm xúc trong đau khổ với những giọt nước mắt tiếc nuối mỗi khi trái bóng bay vào gôn “nhà”… Tôi cảm nhận được niềm đam mê bóng đá trong anh, cảm nhận “Đã gặp khó quên - Chân dung & Đối thoại” đúng như tâm niệm của tác giả: “Mỗi nhân vật có một cuộc đời, số phận, hoàn cảnh, công việc riêng. Sung sướng, vất vả, thác ghềnh, trăn trở, đớn đau... khác nhau. Gặp được họ đã là mừng. Viết về họ, là những phác thảo khó quên”.
Một số bài viết của tác giả được thể hiện khá công phu, lớp lang, mẫu mực, với sự quan sát rất tinh tế và ngôn từ chuyển tải sinh động. Đặc biệt, bản lĩnh nhà báo của anh càng được thể hiện rõ nét qua những câu hỏi phỏng vấn sắc sảo, gợi mở, dẫn dắt các nhân vật tự bộc bạch tâm tư, quan điểm, cởi mở và thẳng thắn để cuộc trò chuyện hào hứng đến tận phút chót.
Sau hết, là một bài viết khiến tôi xúc động. Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô yêu dấu và cũng có một người quen thường có mặt trong các phiên “chợ chữ” ở Quốc Tử Giám mỗi độ Xuân về, hình ảnh xưa cũ đã in đậm trong thơ Vũ Đình Liên “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Trên phố đông người qua…” nên tôi đọc rất “nắn nót” bài viết về Tiến sỹ Hán Nôm Cung Khắc Lược - tác giả của 100 bức thư pháp chào mừng Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội - Ông là một trong “tứ trụ thư pháp đương đại” (Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, Lại Cao Luyện và Cung Khắc Lược). Cuộc trò chuyện với nhà thư pháp về năm Canh Dần, tác giả như “ngộ ra” vô vàn điều bí ẩn tinh túy trong “nền ngữ văn của dân tộc mình, nó khác hẳn với Trung Quốc, ở “giai tiết” của hổ và rồng, hàng ngàn năm nay giai tiết Việt khác hẳn với phương Bắc; lạ, độc đáo và thú vị nhưng chưa có nhà nghiên cứu nào quan tâm…”
Đọc những trang viết của nhà báo Nguyễn Trí Thức, ta có thể nhận thấy ngay bút lực, sức vóc, của một nhà báo già dặn, chủ nhân của một “kho tư liệu sống” đã dày công tích góp trong suốt 20 năm sống với nghề, “tất cả đều ăm ắp những niềm nhớ, những kỷ niệm, những chi tiết, những ánh nhìn, nét mặt, sự biểu cảm tâm trạng…” với cách viết mạch lạc, từ ngữ phong phú của một cây bút vững vàng, trung thực. Anh là tấm gương mẫn cán, đam mê với nghề, khích lệ tôi tự tin hơn để viết tiếp chân dung những nhân vật mà thời gian đã phủ mờ sức vóc oai hùng một thời vàng son của lịch sử cách mạng nước nhà./.
Tám kế sách lớn bảo vệ Tổ quốc từ xa trong lịch sử dân tộc Việt Nam  (05/01/2017)
10 cam kết của Vĩnh Phúc đối với nhà đầu tư  (05/01/2017)
10 cam kết của Vĩnh Phúc đối với nhà đầu tư  (05/01/2017)
Xây dựng năng lực thực thi đạo đức công vụ ở nước ta hiện nay  (05/01/2017)
Xây dựng năng lực thực thi đạo đức công vụ ở nước ta hiện nay  (05/01/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay