Về bảo đảm thực hiện an sinh xã hội đối với người khuyết tật
TCCSĐT - Ở Việt Nam, ước tính người khuyết tật hiện chiếm khoảng 6% dân số. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội đối với người khuyết tật cũng như có những biện pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ trong các hoạt động giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Các chính sách, pháp luật hiện hành đối với người khuyết tật
Có thể hiểu người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, số liệu về người khuyết tật rất khác nhau. Nguyên nhân là do có khá nhiều các tổ chức, của chính phủ cũng như phi chính phủ, đánh giá với các tiêu chí khác nhau. Ở Việt Nam, ước tính người khuyết tật hiện chiếm khoảng 6% dân số. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Đông Nam Bộ, thấp nhất là vùng Tây Bắc. Tỷ lệ người khuyết tật khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Tỷ lệ người khuyết tật nữ cao hơn nam do nhóm dân số nữ cao tuổi chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với nhóm dân số cao tuổi là nam giới.
Cho đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, được hưởng chính sách quy định tại Luật về người khuyết tật năm 2010. Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp xã hội cùng loại thì chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao nhất.
Nội dung chính sách, pháp luật về người khuyết tật gồm: 1/ Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật. 2/ Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật. 3/ Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi. 4/ Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. 5/ Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. 6/ Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật. 7/ Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật. 8/ Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động. 9/ Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật. 10/ Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật về người khuyết tật và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trước tiên và chủ yếu trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung chính sách, pháp luật về người khuyết tật. Cụ thể: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật.
Thông qua đó, bảo đảm cho người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; và được thụ hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật. Và người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp người khuyết tật hiện nay
- Xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, trợ giúp về tài chính, kỹ thuật để thực hiện hoạt động chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục phát triển các hình thức “Quỹ trợ giúp người khuyết tật” tại cộng đồng nhằm huy động các nguồn lực từ thiện khác nhau trong cộng đồng để trợ giúp người khuyết tật.
- Thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật nhằm phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. Thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, thiết thực; phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội.
- Giáo dục đối với người khuyết tật: Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
- Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú: Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật; khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.
- Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội: Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật cho các cơ sở bảo trợ xã hội, bao gồm: trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng; mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày; mua thẻ bảo hiểm y tế; mua thuốc chữa bệnh thông thường; mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; mai táng khi chết; vệ sinh cá nhân hằng tháng đối với người khuyết tật là nữ.
- Dạy nghề đối với người khuyết tật: Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
- Việc làm đối với người khuyết tật: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật. Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 34 của Luật về người khuyết tật.
- Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật: Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định của Chính phủ. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch của người khuyết tật được lồng ghép vào đời sống văn hóa cộng đồng, được tổ chức đa dạng về loại hình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch của người khuyết tật. Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, giải thi đấu thể thao, hội thi văn nghệ của người khuyết tật được tổ chức phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người khuyết tật và điều kiện kinh tế - xã hội.
- Bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật: Nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội được xây dựng, phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 01-01-2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội khác phải bảo đảm điều kiện tiếp cận thuận tiện đối với người khuyết tật.
- Tham gia giao thông của người khuyết tật: Phương tiện giao thông cá nhân của người khuyết tật khi tham gia giao thông phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với điều kiện sức khỏe của người khuyết tật. Phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển thì người khuyết tật được học và cấp giấy phép điều khiển đối với phương tiện đó. Người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp. Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ. Người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng./.
Báo chí Campuchia ca ngợi mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam  (20/12/2016)
Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khiến Đại sứ Nga thiệt mạng  (20/12/2016)
Việt Nam chia sẻ nỗi đau với các gia đình sau vụ tấn công ở Đức  (20/12/2016)
Lãnh đạo Việt Nam gửi Điện thăm hỏi sau vụ Đại sứ Nga bị sát hại  (20/12/2016)
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị công bố kết luận về tỉnh Yên Bái  (20/12/2016)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên