Xây dựng xã hội văn minh từ thực tiễn một số nước và kinh nghiệm tham chiếu cho Việt Nam

TS Nguyễn Thị Mai Anh - Đoàn Hiền
Tạp chí Cộng sản
16:45, ngày 30-11-2024

TCCS - Những tiêu chí cơ bản về xã hội văn minh có thể được áp dụng và đánh giá khác nhau tùy theo văn hóa, lịch sử, các giá trị được xác lập và mức độ phát triển của từng xã hội, quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, luôn có những điểm căn bản chung và việc tham chiếu kinh nghiệm xây dựng xã hội văn minh các nước cũng là một cách thức thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xây dựng xã hội văn minh ở Việt Nam.

Xây dựng xã hội văn minh từ thực tiễn một số nước 

Phần Lan hướng chính sách vào mục tiêu tạo cảm xúc hài lòng, hạnh phúc cho người dân

Năm 2023 đánh dấu mốc lần thứ 6 liên tiếp Phần Lan được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2023). Có rất nhiều tiêu chí, nhưng điểm chung lớn nhất của các quốc gia hạnh phúc là cung cấp mạng lưới an toàn cho công dân trong chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội. Báo cáo được thực hiện trên cơ sở phân tích các chỉ số, như: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, số năm sống khỏe mạnh, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, nhận thức về tham nhũng và lạc hậu,…

Người dân Phần Lan làm việc chăm chỉ nhưng không đồng nghĩa với làm việc quá nhiều, họ luôn dành thời gian để nghỉ ngơi hợp lý, hầu hết người dân đều cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống. Văn hóa Phần Lan coi trọng sự cởi mở, hợp tác, giúp đỡ người khác hơn là cạnh tranh. Người dân cảm thấy yên tâm, hài lòng với cuộc sống và không gặp nhiều áp lực cuộc sống, điều đó mang lại cho họ một sức khỏe tinh thần tốt, ngay cả khi gặp biến cố trong cuộc sống.

Phần Lan là một trong những quốc gia có phong cảnh thiên nhiên đẹp, với những khu rừng hoang sơ rộng lớn, cảnh quan và những hồ nước tuyệt đẹp; có tới 40 công viên quốc gia và việc dành thời gian hoạt động ngoài trời là một phần quan trọng trong văn hóa Phần Lan. “Quyền tự do đi lang thang” ở vùng nông thôn thậm chí còn được quy định trong một quy tắc có tên là Quyền của mọi người, nghĩa là mọi người có thể sử dụng miễn phí gần như tất cả các khu rừng và hồ nước, vì vậy, các hoạt động như đi bộ, bơi lội, trượt tuyết, cắm trại... đều được miễn phí ở những khu vực công cộng này. 

Một góc thành phố Helsinki, Phần Lan_Nguồn: istockphoto.com

Chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình năm 2021 của Phần Lan là 23, ở mức màu xanh lá cây - mức độ tốt nhất trên thang điểm. Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WTO) xếp hạng Phần Lan là nước có không khí sạch nhất thế giới. Người Phần Lan được sống trong bầu không khí sạch, trong lành, mức độ ô nhiễm không khí thấp, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm giảm các bệnh về đường hô hấp.

Một trong những chỉ số quan trọng về hạnh phúc là cảm giác an toàn của người dân, Phần Lan có đặc điểm nổi bật là quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp. Ở những thành phố đông đúc như thủ đô Helsinki cũng không có vấn đề đáng ngại lớn nào về an toàn, an ninh, còn ở các vùng nông thôn của nước này hầu như vấn đề tội phạm không tồn tại. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, Phần Lan được mệnh danh là quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Theo The Telegraph, bản đồ rủi ro du lịch năm 2019 đánh giá thế giới theo ba loại: rủi ro y tế, an ninh và an toàn đường bộ, thì Phần Lan có chỉ số tổng thể thấp nhất.

Phần Lan cũng là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống giáo dục xuất sắc. Theo một đánh giá của Los Angeles Times, nền giáo dục của quốc gia này luôn nằm trong top đầu của thế giới. Việc tuyển chọn giáo viên phải trải qua các tiêu chuẩn rất cao, nhưng đồng thời giáo viên được trả mức lương cao. Từ năm 1996, trẻ em ở độ tuổi từ 8 tháng tới trước khi vào lớp 1 đều được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe và giữ trẻ miễn phí. Các môn học cho học sinh dưới 7 tuổi không bao gồm đọc, viết, làm toán mà chú trọng các chủ đề về thiên nhiên, động vật và sự sống để các bé vừa học, vừa chơi. Chủ trương của nền giáo dục Phần Lan là không phân biệt đối xử vì những khiếm khuyết của trẻ em, ngược lại, quốc gia này luôn quan tâm và trân trọng sự khác biệt, nhu cầu riêng của mỗi cá thể trong xã hội. Bên cạnh đó, học sinh tại Phần Lan không phải trải qua quá nhiều kỳ thi chuẩn hóa áp lực, như các nền giáo dục khác trên thế giới. Trong suốt quá trình học tập, chỉ có một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc cho học sinh Phần Lan sau khi kết thúc lớp 12. Học sinh có thời gian nghỉ giải lao rất nhiều trong ngày, cứ mỗi 45 phút học trong lớp thì sẽ có 15 phút nghỉ giải lao. Đối với các em học sinh lớp 1 và lớp 2 thì mỗi tuần chỉ có khoảng 20 giờ học trên lớp. 

Có thể thấy rằng, trong văn hóa của Phần Lan, hạnh phúc không nhất thiết phải là những cảm xúc ngập tràn, đó đơn giản là luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình với những gì đang có. Người Phần Lan còn cho rằng, “những ngày u ám” là một phần tất yếu của cuộc sống hằng ngày và vui vẻ chấp nhận điều đó. Chấp nhận tính hai mặt của cuộc sống chính là một trong những bí quyết để có được hạnh phúc của người dân Phần Lan.

Na Uy coi trọng giá trị phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường

Na Uy là một trong những quốc gia điển hình trên thế giới với nhiều thành tựu trong phát triển bền vững, thực hiện công bằng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân… 

Đặc điểm nổi bật đầu tiên là, Na Uy có một trong những hệ thống phúc lợi tốt nhất thế giới, bao gồm chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục đại học miễn phí; các dịch vụ hỗ trợ cho người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật. Một số điểm nổi bật trong hệ thống phúc lợi xã hội ở Na Uy là: Cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho tất cả công dân, bảo đảm mọi người đều có quyền hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; giáo dục từ tiểu học đến đại học đều miễn phí, khuyến khích sự phát triển tri thức và năng lực toàn diện cho mọi cá nhân; thực thi các chính sách hỗ trợ cho gia đình, trợ cấp cho trẻ em; bảo hiểm thất nghiệp; chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật về cả nhà ở, chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội; chính sách bình đẳng giới; chính sách thúc đẩy sự tham gia cộng đồng trong các quyết định chính trị và xã hội, tạo điều kiện cho việc xây dựng cộng đồng mạnh mẽ.

Na Uy cũng là một trong những quốc gia cam kết phát triển bền vững, đầu tư vào năng lượng tái tạo và có các chính sách mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề giảm phát thải carbon, góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh. Na Uy chủ yếu sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện, cung cấp khoảng 98% nhu cầu điện năng, giảm thiểu lượng carbon phát thải lớn. Cam kết giảm phát thải khí nhà kính đã đặt ra mục tiêu đưa Na Uy trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2030. Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xe điện, với nhiều chính sách ưu đãi cho người sử dụng xe điện, như miễn phí phí cầu đường và đỗ xe. Quy định nghiêm ngặt về bảo vệ rừng, biển và hệ sinh thái, bảo đảm sự bền vững trong khai thác tài nguyên. Chú trọng đề ra và thực hiện các chương trình giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, khuyến khích hành động bảo vệ môi trường từ cấp cơ sở. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, hỗ trợ các sáng kiến bền vững trong các lĩnh vực, như năng lượng, giao thông và nông nghiệp. Xây dựng nhiều khu bảo tồn và công viên quốc gia, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và các loài động, thực vật.

Na Uy cũng là một trong các quốc gia nổi bật với nhiều điểm ưu việt trong hệ thống dân chủ, tạo ra một môi trường chính trị minh bạch và công bằng, tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của công dân và phát triển xã hội bền vững.

Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế với chủ trương năng lượng hóa, xanh hóa 

Việc thực hiện mục tiêu xã hội văn minh ở Trung Quốc được tập trung nhiều khía cạnh. Bên cạnh các mục tiêu xã hội, Trung Quốc chủ trương phát triển kinh tế với mục tiêu lấy năng lượng hóa, xanh hóa làm nền tảng.

- Thúc đẩy phát triển bền vững: Trung Quốc đã nỗ lực chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển nhanh sang mô hình phát triển bền vững hơn, chú trọng giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Kết quả đến nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Thông qua chiến lược “Hai mục tiêu” (Đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030; Đạt được mức phát thải carbon trung tính vào năm 2060), Trung Quốc hy vọng không chỉ cải thiện môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh tế mới, góp phần vào sự phát triển toàn cầu bền vững. Bên cạnh Chiến lược “Hai mục tiêu” là Chương trình “Xanh hóa đô thị”. Chương trình đề ra một số mục tiêu chính: Giảm ô nhiễm môi trường: Tăng cường chất lượng không khí, nước và đất thông qua các biện pháp kiểm soát ô nhiễm; Cải thiện chất lượng sống: Tạo ra môi trường sống tốt hơn cho cư dân thông qua không gian xanh, kết cấu hạ tầng bền vững và dịch vụ cộng đồng tốt hơn; Phát triển không gian xanh: Xây dựng công viên, khu vực cây xanh và không gian công cộng để cải thiện chất lượng không khí và mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dân; Xây dựng hạ tầng xanh: Áp dụng tiêu chuẩn xây dựng bền vững cho các dự án đô thị, bao gồm sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và thiết kế tiết kiệm năng lượng; Giao thông công cộng bền vững: Đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, như xe buýt điện và tàu điện ngầm, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xe cá nhân và giảm ô nhiễm giao thông; Năng lượng tái tạo trong đô thị: Khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác trong các công trình đô thị và hộ gia đình. Trung Quốc cũng triển khai nhiều chương trình thí điểm “Thành phố mẫu xanh” tại các thành phố lớn, như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu nhằm phát triển mô hình đô thị xanh và bền vững. Khuyến khích xây dựng các “Khu vực phát triển xanh” - khu vực đô thị chuyên biệt dành cho công nghiệp xanh và các hoạt động thân thiện với môi trường. 

- Tăng đầu tư vào giáo dục: Trung Quốc đã đầu tư phát triển hệ thống giáo dục rộng rãi, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, bảo đảm tất cả trẻ em đều có cơ hội học tập. Nhiều trường đại học của Trung Quốc, như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa được xếp hạng cao trên thế giới, thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Trung Quốc cũng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng bài báo nghiên cứu khoa học và sáng chế, với nhiều công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn. Chính phủ khuyến khích đổi mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, dẫn đến sự ra đời và phát triển của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế: Chính phủ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo hiểm sức khỏe cho người dân thông qua các chính sách: (1) Cải cách và mở rộng bảo hiểm y tế, bảo đảm phần lớn dân số, bao gồm cả người lao động, nông dân và người cao tuổi được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh. (2) Mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp với hệ thống bệnh viện và trạm y tế được xây dựng ở khắp các khu vực, từ thành phố lớn đến vùng nông thôn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế. (3) Chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên rõ nét qua hai phương diện: Các bác sĩ và nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn bài bản, chuyên sâu và công nghệ y tế hiện đại. (4) Chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng được chú trọng với các chương trình phòng ngừa, giáo dục sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ, các chương trình tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho những người cần giúp đỡ. (5) Thúc đẩy nghiên cứu y tế với nhiều công trình nghiên cứu quan trọng. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã phát triển và phân phối vắc-xin nhanh chóng, góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh toàn cầu. 

Những nỗ lực này không chỉ nhằm cải thiện điều kiện sống mà còn hướng đến việc xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và bền vững cho người dân Trung Quốc.

Nhật Bản xây dựng xã hội văn minh trên cơ sở phát triển xã hội siêu thông minh

Xã hội loài người đã trải qua các bước phát triển gắn với các tên gọi, đặc trưng: Xã hội 1.0 (xã hội săn bắn, hái lượm); Xã hội 2.0 (xã hội nông nghiệp); Xã hội 3.0 (xã hội công nghiệp); Xã hội 4.0 (xã hội thông tin) và hiện nay là xã hội 5.0. Xã hội 5.0 vượt xa những hình mẫu xã hội trước đây với nền tảng là một cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, và Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới.

Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ ra những thách thức cản trở sự phát triển bền vững đối với Nhật Bản, đặc biệt là sự cạnh tranh kinh tế trên toàn cầu, xã hội siêu già hóa với gánh nặng chăm sóc y tế ngày càng tăng trong khi lực lượng lao động trẻ sụt giảm. Để vượt qua những thách thức đó, Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren - tập đoàn lớn nhất quốc gia) đã đề ra tầm nhìn về một xã hội mới “siêu thông minh” (xã hội 5.0). Xã hội Nhật Bản theo mô hình này sẽ phát triển bền vững trong bối cảnh dân số già, khẳng định được vị thế của Nhật Bản trong quá trình cạnh tranh toàn cầu và góp phần giải quyết các vấn đề chung của nhân loại.

Xã hội Nhật Bản 5.0 là “số hóa” toàn xã hội. Cùng với phát triển kinh tế thông qua việc tạo ra giá trị mới bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, xã hội Nhật Bản 5.0 đồng thời tập trung vào các giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội, như tăng nhu cầu năng lượng và thực phẩm, an toàn và an ninh, biến đổi khí hậu, dân số già, bất bình đẳng khu vực… Cụ thể hơn, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phiên bản “xã hội 5.0” sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức sống, giao tiếp của con người hiện nay trên thế giới nói chung và ở Nhật Bản nói riêng. Máy móc, robot sẽ thay thế con người nhiều hơn. Những công việc vốn rất quen thuộc với con người trước đây, như nấu ăn, phục vụ, lái xe taxi, bán hàng,... sẽ được robot thay thế: Các phương tiện tự động và máy bay không người lái sẽ mang đến hàng hóa và dịch vụ cho người dân ở những khu vực xa thành phố; khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm tiêu dùng có kích cỡ, kiểu cách, chất liệu… trực tuyến từ nhà sản xuất trước khi được giao bằng máy bay không người lái; bác sĩ sẽ có thể tư vấn cho bệnh nhân của mình một cách đầy đủ tại nhà riêng của họ thông qua một máy tính bảng đặc biệt; robot có thể giúp chăm sóc người cao tuổi... Như vậy, “xã hội Nhật Bản 5.0” sẽ có nhiều tác động tích cực tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ cá nhân tới nhà nước và đời sống quan hệ quốc tế, giải quyết được các vấn đề kinh tế, xã hội một cách cơ bản và bền vững, làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn.

Một trong những nguyên nhân được đánh giá có vai trò quan trọng đem lại những “kỳ tích” cho Nhật Bản là sự gìn giữ văn hóa truyền thống. Là một đất nước với hàng ngàn năm lịch sử, những nét đặc trưng trong văn hóa của con người Nhật Bản là sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Trong quá trình phát triển, người Nhật không bảo thủ “đóng kín” mà luôn mở cửa tiếp nhận những “làn gió mới” theo một cách riêng và vẫn giữ được bản sắc dân tộc, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa. Cho tới ngày nay, Nhật Bản vẫn có những quy tắc, lễ nghi riêng trong giao tiếp, ứng xử mà mọi người đều phải tuân theo dù thuộc tầng lớp xã hội nào. Mặc dù Nhật Bản đã trở thành một xã hội công nghiệp, một siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng họ vẫn duy trì về cơ bản tính chất Nhật Bản trong các quan hệ xã hội và sinh hoạt cộng đồng. Những nét truyền thống của văn hóa phương Đông, văn hóa Nhật Bản vẫn còn nguyên vẹn trong ý thức người dân Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, hiện đại hóa không đồng nghĩa với “phương Tây hóa”. Nhật Bản càng trở nên hiện đại thì sự tương phản giữa hiện đại và truyền thống càng trở nên rõ nét và hiển nhiên. Nổi bật trong cuộc sống xã hội hiện đại với những tàu Shinkansen cao tốc, sân bay nổi trên biển, máy bán hàng tự động đặt la liệt trên mọi nẻo đường góc phố là những giá trị và di sản văn hóa truyền thống được trân trọng và bảo tồn nghiêm ngặt. Hơn nữa, dễ dàng nhận thấy sự tương phản giữa văn hóa phương Đông và phương Tây trong hệ thống những giá trị tinh thần và vật chất, trong triết lý cũng như hành động ở nơi giao lưu giữa hai luồng văn hóa vĩ đại này. Nếu phương Tây cho rằng trình độ văn minh là thể hiện mức độ chinh phục và chế ngự của con người đối với thiên nhiên, thì ngược lại, người Nhật cho rằng văn minh là thể hiện mức độ chung sống và hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Xét trong bối cảnh thiên nhiên và môi trường thế giới đang bị tàn phá quá mức báo động từ nhiều năm nay, thì những tư tưởng và triết lý từ ngàn đời của người Nhật càng mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Một số kinh nghiệm tham chiếu để xây dựng xã hội văn minh ở Việt Nam

Từ thực tiễn của các nước, Việt Nam có thể tham khảo từ các quốc gia khác trong quá trình xây dựng xã hội văn minh trên một số lĩnh vực cụ thể như sau:

Về xây dựng chính sách, tổ chức hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước: Học hỏi từ các quốc gia Phần Lan, Na Uy trong xây dựng chính sách hướng vào phục vụ các nhu cầu, tạo cảm xúc hài lòng cho người dân; xây dựng tổ chức và hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước công khai, minh bạch, hoạt động hiệu quả để gia tăng lòng tin vào chính quyền. 

Về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường: Do tác động của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam khá nghiêm trọng. Định hướng áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững với các chính sách năng lượng tái tạo như Trung Quốc và quản lý chất thải hiệu quả như Nhật Bản là cần thiết. Hay kinh nghiệm các nước Bắc Âu trong áp dụng chính sách trợ giá đối với các phương tiện vận tải đường sắt và xe buýt nội đô; miễn phí xe buýt và phương tiện vận tải đường sắt nội đô cho trẻ dưới 5 tuổi và người đi cùng của Phần Lan.

Về y tế, giáo dục và đào tạo: Tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có dân số đông như Trung Quốc, dân số già như Nhật Bản, Việt Nam cần đầu tư cho y tế mang tính tổng thể, trong đó đặc biệt chú ý phổ rộng hệ thống thiết chế y tế, cung cấp nguồn nhân lực khám, chữa bệnh có trình độ đến các khu vực trong cả nước để khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn tuyến trung ương, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế cho tất cả người dân; đầu tư nghiên cứu ngành y, dược trong một số lĩnh vực để tránh phụ thuộc vào nước ngoài; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng khả năng ứng phó với các tình huống đặc biệt liên quan đến thiên tai, dịch bệnh để chủ động ứng phó với những tình huống bất thường, đột xuất. Đồng thời, tham khảo chính sách bảo hiểm phổ cập và bao trùm, trong đó, miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ vị thành niên (từ 16 tuổi trở xuống) và phụ nữ có thai; chính sách hỗ trợ của nhà nước (dành tới 2% - 3% GDP cho chăm sóc trẻ em, xây dựng hệ thống các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ... giúp lao động nữ yên tâm tham gia thị trường lao động; miễn, giảm thuế hoặc trợ cấp bổ sung kéo dài từ một đến vài năm đối với những bà mẹ đang nuôi con ở tuổi vị thành niên). Tham chiếu kinh nghiệm giáo dục của Phần Lan ở khía cạnh tổ chức bộ máy, hiệu quả, hạn chế hiện tượng thương mại hóa giáo dục, chính sách miễn phí hoặc trợ cấp cho giáo dục, như miễn 100% học phí trong giai đoạn học phổ thông và hỗ trợ học phí học đại học. 

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác trẻ em để bảo đảm thực hiện tốt nhất các quyền của trẻ em được phát triển toàn diện _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Về gìn giữ các giá trị văn hóa và giá trị xã hội: Từ kinh nghiệm các quốc gia Bắc Âu, Nhật Bản luôn đề cao, coi trọng các giá trị văn hóa, hạnh phúc, cảm xúc…, Việt Nam đã bước đầu có nhận thức mới, nhưng cần định hướng xây dựng thành các chính sách cụ thể, hướng vào phục vụ các nhu cầu tạo cảm xúc hài lòng cho người dân. Quan điểm về các giá trị hạnh phúc không hẳn là “lắm tiền, nhiều của”, mà là được cho đi, được cống hiến, được chia sẻ, là sự hài lòng với cuộc sống… và giáo dục văn hóa trong cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh,… là những cơ sở nền tảng quan trọng để xây dựng hệ thống chính sách phù hợp.   

Về thực hiện chính sách xã hội: Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện chính sách xã hội, nhưng vẫn rất cần học hỏi cách thức xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội bền vững của các nước Bắc Âu ở một số phương diện: Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và phê chuẩn các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới phúc lợi xã hội cho người lao động và các quyền trong lao động, hướng tới hệ thống phúc lợi xã hội dựa trên nguyên tắc phổ quát ở Việt Nam, từng bước đồng bộ, thống nhất với các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, bảo đảm các quyền tham gia của người lao động trong quá trình xây dựng hệ thống thể chế để bảo đảm tính bền vững của hệ thống thể chế, bảo đảm các chế độ phúc lợi xã hội đáp ứng được nhu cầu của người lao động, từ đó tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho người lao động. Thứ ba, tăng cường các biện pháp bảo đảm thực thi hiệu quả hệ thống phúc lợi xã hội hiện có, bảo đảm quyền thụ hưởng của người lao động nói chung. Cụ thể, chế độ phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu dựa vào nền kinh tế phát triển tốt, hệ thống thuế cao và thực thi nghiêm. Do trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam chưa thể ngang bằng với các nước Bắc Âu, các chế độ phúc lợi đối với người lao động Việt Nam cần xác lập ở mức phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng phải bảo đảm các quyền hưởng và quyền tham gia của người lao động theo nguyên tắc bình đẳng và phổ quát./.

-------------------------

* Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp bộ trọng điểm KHTCCS.TĐ (2024)-06, “Thực hiện mục tiêu “văn minh” trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra” của Tạp chí Cộng sản, do TS Nguyễn Thị Mai Anh làm Chủ nhiệm đề tài.