TCCS - Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác cải cách thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trở thành mục tiêu, là thước đo hiệu quả giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cơ sở.

Những kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội thời gian qua

Thành phố Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với hơn 8,5 triệu người dân và có hơn 335.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hoạt động. Vì vậy, nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày của người dân, doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính.

Cán bộ Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người cao tuổi làm thủ tục hành chính_Ảnh: kinhtedothi.vn

Thành phố chủ động ban hành kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính hướng trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của chính quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của thành phố. Thường xuyên tiến hành rà soát, thực hiện đơn giản hóa, thay thế, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính, ban hành và triển khai kế hoạch về xây dựng quy trình thủ tục hành chính liên thông. Phê duyệt các quy trình nội bộ về giải quyết thủ tục hành chính để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giảm thời gian đi lại, thời gian chờ đợi của người dân…

Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cũng được giám sát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phối hợp làm việc nhóm, giải quyết hồ sơ trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tiếp tục mở rộng việc sử dụng văn bản điện tử (trừ văn bản mật), chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử,… Đây được xem là bước chuyển quan trọng, tạo đà để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với tính chất của mô hình chính quyền đô thị.

Ngày 29-6-2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 181-KH/UBND về khắc phục, cải thiện, nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố cũng như các kế hoạch, chương trình cải cách thủ tục hành chính của thành phố. Thực hiện đánh giá nghiêm túc về các nội dung, nhiệm vụ của công tác cải cách thủ tục hành chính, việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính, thủ tục hành chính… Đồng thời, xác định cụ thể các công việc, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Năm 2022, thành phố phấn đấu tăng ít nhất từ 3 đến 5% so với năm 2021 về Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý của người dân liên quan đến thủ tục hành chính. 

Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố nằm trong Top 10 địa phương đứng đầu cả nước. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp cũng từng bước được nâng lên. Theo báo cáo tại Quyết định số 352/QĐ-BNV, ngày 29-4-2022, của Bộ Nội vụ, “Về phê duyệt và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”, Chỉ số hài lòng của thành phố đạt 87,11/100 điểm, tăng 1,96% tỷ lệ hài lòng chung và xếp vị trí thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó chỉ số về tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý phản ánh kiến nghị đạt 79,73/100 điểm, giảm 1,01% so với năm 2020 (giảm ở 03/4 tiêu chí đánh giá).

Đến nay, 100% số thủ tục hành chính của thành phố được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, qua đó, hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn của thành phố không ngừng được nâng lên, hiện đạt trên 99%. Toàn thành phố có 156/175 phường thực hiện ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính đã giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Một số mô hình nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội thời gian qua có thể kể đến, như mô hình “5 thủ tục hành chính không chờ” ở một số phường, xã, quận, huyện. Theo đó, khi người dân đến bộ phận “một cửa” để thực hiện các thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, thủ tục chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, thủ tục đăng ký kết hôn, thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký khai tử, sẽ được giải quyết tại chỗ với quy trình 5 bước: tư vấn, hỗ trợ; tiếp nhận; thụ lý; phê duyệt và trả kết quả. Việc triển khai mô hình này đã góp phần giữ vững tỷ lệ 100% số hồ sơ hành chính cấp phường được xử lý đúng hạn, đồng thời nâng cao tỷ lệ hồ sơ được thụ lý giải quyết và trả trước hạn. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Giữa tháng 10-2022, Ủy ban nhân dân phường Quán Thánh ra mắt mô hình “Ứng dụng quét mã QR trong cải cách hành chính” để vừa hướng dẫn công dân tìm hiểu thành phần hồ sơ, cách thức thực hiện đăng ký 6 thủ tục hành chính thông dụng, vừa đánh giá sự hài lòng của người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân phường. Đây cũng là một cách làm hay cần được nghiên cứu và nhân rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hộ tịch… vẫn chưa được chuyển đổi kịp thời. Cơ sở vật chất, trang, thiết bị của bộ phận một cửa” các cấp chưa đạt tiêu chuẩn hiện đại, có nơi còn thiếu, hỏng nhiều trang, thiết bị…

Một số giải pháp góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội thời gian tới

Trong thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính, nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, thành phố đặt ra các mục tiêu cụ thể về chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Tăng cường công bố, công khai các quy định, thủ tục hành chính ở các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư, tư pháp, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, lao động, thuế... Để góp phần thực hiện các mục tiêu này, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với tăng cường kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục những hạn chế được chỉ ra từ những đợt kiểm tra trước, nhất là trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, quy trình giải quyết công việc nội bộ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Hai là, thường xuyên rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính và có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, việc rà soát, đánh giá, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần đáp ứng các yêu cầu về sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp, với chi phí thực hiện thấp nhất, lợi ích đạt được cao nhất. Trong xây dựng các quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính, cần bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời phải tạo thuận lợi cho công chức, cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi công vụ.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nội dung của công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng trên địa bàn thành phố. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp họ ý thức rõ ràng về vị trí, trách nhiệm của bản thân trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính. Kết hợp đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng… Kịp thời phản ánh và nhân rộng những sáng kiến, giải pháp, mô hình, tấm gương tiêu biểu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, phát hiện, phê phán, lên án các hành vi, biểu hiện thiếu chuẩn mực trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức./.