TCCSĐT - Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018, nhưng trước đó khoảng một tháng, kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa Tết năm 2018 đã được Bộ Công Thương giao tới các Sở Công Thương, doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng. Theo đánh giá, nguồn hàng phục vụ Tết năm nay khá dồi dào, cùng với đó vấn đề an toàn thực phẩm cũng được tăng cường kiểm soát chặt chẽ.

Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2018

Cũng như mọi năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trong dịp Tết sẽ luôn tăng cao. Đến nay, các kế hoạch, giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường đã được Bộ Công Thương giao cho các Sở Công thương, doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng. Công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết cho người dân tại các địa phương cơ bản đã sẵn sàng, nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Công Thương tại Hội nghị bàn về bảo đảm cung cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018 giữa Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (chiều 08-01-2018): Dự kiến, số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết năm 2018 gồm: gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; trứng gia cầm 200 triệu quả… Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017). Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại hệ thống các điểm bán hàng tổ chức các hội chợ Xuân, các chương trình khuyến mại. Tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất… chú trọng mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Mậu Tuất trên địa bàn là 17.812,1 tỷ đồng, tăng 743,3 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017. Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.044,8 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 17-01 đến 15-02-2018, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.601,4 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.166,5 tỷ đồng. Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết (tức ngày 15-01 đến hết ngày 15-3-2018); đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Tại Đà Nẵng, nhằm bảo đảm cân đối cung cấp hàng hóa, bình ổn thị trường một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương Đà Nẵng đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn Đà Nẵng chủ động tổng hợp, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ. Theo tính toán, tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu dịp Tết Mậu Tuất 2018 trên địa bàn thành phố dự kiến hơn 829 tỷ đồng. Trong đó, tổng số hàng hóa thiết yếu dự trữ của 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tham gia dự trữ gồm: 200 tấn gạo nếp, gần 750 tấn thịt các loại, gần 145 tấn rau củ quả; gần 450 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, thực phẩm khô... giá trị gần 180 tỷ đồng. Thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn của thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết ước khoảng 150 tỷ đồng. Ngoài ra, thương nhân kinh doanh tại hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố tham gia dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá trị ước khoảng 500 tỷ đồng...

Vấn đề an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước, bao gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng. Từ ngày 20-01 đến 05-02-2018, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý đến hết lễ hội xuân năm 2018.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng để chủ động cấp cứu và điều trị khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các cấp. Quá trình kiểm tra tập trung chủ yếu vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội; các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở dịch vụ ăn uống vừa và nhỏ phục vụ tại các khu vực lễ hội xuân. Ngay từ bây giờ, Ủy ban Nhân dân các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách cụ thể các cơ sở hiện đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ gia, ghi nhãn thực phẩm, quy trình sản xuất, bảo quản sản phẩm...

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cửa khẩu, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thực phẩm qua biên giới; thường xuyên lấy mẫu, xét nghiệm sớm để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm, kết quả xử lý tổ chức, cá nhân để cảnh báo cộng đồng. Ngoài ra, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm”. Đồng thời, biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm./.