Hà Giang nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2020
TCCSĐT - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định: “Phấn đấu đến năm 2020, Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”. Nhiều chủ trương, chính sách, đề án, chương trình,… cụ thể đã được đề ra, triển khai thực hiện và bước đầu đạt những kết quả tích cực. Nhiều sự thay đổi trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững,… đã xuất hiện. Đó là tiền đề, động lực để Hà Giang quyết tâm đạt được mục tiêu không hề dễ dàng này.
25 mục tiêu chủ yếu, 2 khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, trung tâm vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Hà Giang có 7.929km2 diện tích đất tự nhiên, có trên 277km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, dân số tại thời điểm ngày 31-12-2015 là 806.702 người/19 dân tộc (dân tộc Mông chiếm 30,66%, Tày 25%, Dao 14,99%, Kinh 11%...). Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6,45%, năm 2016 đạt 6,5%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) giảm từ 41,8% năm 2010 xuống còn 17,91% năm 2015. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 74.313 hộ nghèo, chiếm 43,65%, năm 2016 có 7.016 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 38,75% số hộ nghèo…
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI xác định mục tiêu tổng quát: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, từng bước xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch vùng và vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu, có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ quyền quốc gia được giữ vững, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội ổn định. Phấn đấu xây dựng Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi.
Để hoàn thành 25 mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, Đại hội đề ra 2 khâu đột phá và 5 chương trình trọng tâm. Hai khâu đột phá là: (1) Đột phá về nâng cao chất lượng công vụ và xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững; và (2) Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. 5 chương trình trọng tâm là: (1) Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; (2) Chương trình phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo; (3) Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững; (4) Chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và (5) Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện các khâu đột phá. Đó là nâng cao chất lượng công vụ; xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống; đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào cuộc sống.
Muốn có bước phát triển, tăng trưởng ổn định, bền vững, những chương trình trọng tâm đã được đề ra, cần triển khai thực hiện quyết liệt. Bởi vậy, ngay sau Đại hội tỉnh đảng bộ, Hà Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. Phân công cụ thể các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách xây dựng chương trình, kế hoạch khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém đã tổng kết trong nhiệm kỳ qua; tăng cường cơ chế làm việc theo nhóm trong cấp ủy. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp.
Những bước chuyển quan trọng
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng kể, nhất là 5 chương trình trọng tâm, tạo bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể trên các vấn đề nổi bật sau:
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi sản xuất nông nghiệp mất cân đối trong nội bộ ngành, những lĩnh vực mang tính lợi thế cạnh tranh cao chưa được tập trung phát triển mạnh trong cơ cấu (trồng trọt chiếm 69,18%, chăn nuôi, thủy sản chiếm 21,7%, lâm nghiệp chiếm 9,04% và dịch vụ chiếm 0,024%)…
Mục tiêu chung được xác định là nâng cao giá trị và sự đóng góp của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới. Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển cân đối hợp lý giữa các lĩnh vực trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp. Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, Hà Giang tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, như: phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt; phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện 30a; ứng dụng đổi mới công nghệ phát triển sản phẩm bò cao nguyên đá Đồng Văn trở thành hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm mật ong; phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa; đầu tư bảo vệ và phát triển rừng 6 huyện vùng cao; phát triển thảo dược theo chuỗi công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ chế biến lâm sản và thị trường; khai thác gỗ rừng trồng và trồng cây gỗ lớn tại các huyện vùng thấp…
Hà Giang triển khai xây dựng và thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa cho giai đoạn 2016 - 2020 theo các hướng sau: tập trung mọi nguồn vốn cho các sản phẩm hàng hóa đã đề cập trong đề án (gồm cam, chè, lâm nghiệp và dược liệu, trâu bò, ong); ưu tiên khai thông nguồn vốn tín dụng, vốn ngân sách chủ yếu hỗ trợ lãi suất hoặc bảo lãnh các chương trình, dự án cụ thể; gắn kết với chuỗi giá trị từ khâu sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ - thương mại hóa sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo phương châm đặt hàng đến sản phẩm cuối cùng.
Để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu năm 2017, Hà Giang thực hiện Đề án hỗ trợ xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.319.000 triệu đồng, từ nguồn ngân sách địa phương 50%, và từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 50%. Trong đó, tổng khối lượng xi măng cho làm đường giao thông nông thôn là 758.795,9 tấn; tổng khối lượng xi măng cho việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng là 241,204,1 tấn…
Đến tháng 10-2017, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững, chú trọng khâu tổ chức lại sản xuất cho nông dân, phát triển sản xuất, chế biến theo hướng VietGAP, tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, nhân rộng các hợp tác xã, mở rộng phát triển các gia trại chăn nuôi; đẩy mạnh thực hiện việc giải ngân, cho vay ưu đãi để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa... Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, triển khai hiệu quả “Đề án 1 triệu tấn xi măng” cho xây dựng hạ tầng nông thôn… Kết quả, đã nâng cấp, làm mới 397,8km đường giao thông nông thôn; làm mới, cải tạo, nâng cấp 6,6km kênh mương…
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Hà Giang có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tạo nên sức cuốn hút đặc biệt đối với khách du lịch yêu thích khám phá thiên nhiên, địa chất, địa mạo; nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu năm 2010 và tái công nhận năm 2014. Thêm vào đó là nét đa dạng trong văn hóa truyền thống của 19 dân tộc trong tỉnh có sức lôi cuốn du khách muốn tìm tòi, khám phá, cảm nhận các sắc thái, nét đẹp cộng đồng gắn với tri thức bản địa. Các địa danh, như: cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, đèo Mã Pì Lèng (còn gọi là Mã Pí Lèng), các lễ hội hoa tam giác mạch vùng cao nguyên đá, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, chợ tình Khâu Vai,… luôn tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Đó thực sự là tiềm năng, lợi thế của Hà Giang để phát triển du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Hà Giang đã đón trên 783.000 lượt khách du lịch, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 82,5% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt 133.300 lượt người; doanh thu từ du lịch và dịch vụ du lịch đạt khoảng 699,7 tỷ đồng…
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 29-9-2015, của Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI về xây dựng chương trình phát triển du lịch bền vững, ngày 24-7-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, tỉnh Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Đến năm 2020, thu hút 1,5 triệu lượt khách, doanh thu từ khách du lịch đạt 1.400 tỷ đồng; đến năm 2030 thu hút 3,6 triệu lượt khách, doanh thu từ khách du lịch đạt 3.344 tỷ đồng…
Tỉnh xác định triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: (1) Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; (2) Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (3) Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh; (4) Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; (5) Đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung và các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh; (6) Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; (7) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, dịch vụ; (8) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát triển kinh tế biên mậu
Hà Giang có đường biên giới dài 277,556km tiếp giáp với các huyện thuộc tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc; trên tuyến biên giới có 4 cặp cửa khẩu, trong đó có cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ - Thiên Bảo, 3 cặp cửa khẩu phụ (Phó Bảng - Đổng Cán, Xín Mần - Đô Long, Săm Pun - Điền Bồng), hệ thống khoảng 30 chợ biên giới và một số lối mở dọc tuyến biên giới… Đây là những điều kiện quan trọng kết nối kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác. Với lợi thế này, Hà Giang có thể cùng các tỉnh biên giới phía Bắc và trong nội địa, liên kết đề xuất các chủ trương, cơ chế chính đột phá về thể chế, hạ tầng giao thông nhằm triển khai mạnh mẽ phát triển kinh tế biên mậu, khai thác thị trường rộng lớn các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Hà Giang đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam, thiết lập Chương trình hợp tác với châu Văn Sơn, Trung Quốc; năm 2015 đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)… Đây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy các quan hệ, hợp tác trên các lĩnh vực giữa các địa phương hai bên biên giới. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn ước đạt 2.114 triệu USD; trong giai đoạn 2010 - 2014, kết cấu hạ tầng các cửa khẩu được ưu tiên đầu tư, lồng ghép nhiều nguồn vốn để tổ chức thực hiện (1).
Tuy nhiên, việc phát triển thương mại biên giới tại Hà Giang còn không ít bất cập, đáng kể nhất vẫn là sự yếu kém về kết cấu hạ tầng vừa yếu vừa thiếu, vừa không đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu, kho chứa, bến bãi,… chưa được đầu tư nhiều, các hoạt động buôn bán chủ yếu là nhỏ lẻ, không tập trung, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, việc thu hút đầu tư thương mại biên giới chưa thật sự đáng kể... Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều năm qua, Hà Giang liên tục kiến nghị đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, như tuyến đường nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 4C, quốc lộ 4 và 279, các tuyến kết nối giao thông giữa Hà Giang với các tỉnh giáp ranh; tuyến đường kết nối với các cửa khẩu, lối mở… Trong khả năng của mình, Hà Giang tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, cửa khẩu Xín Mần, Săm Pun.
Một số vấn đề đặt ra cho sự phát triển
Một là, tái cơ cấu các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp gắn với cơ cấu lại các nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu, từ nay đến năm 2020, vốn đầu tư cho phát triển ngành nông nghiệp chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư xã hội. Ước bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước bình quân năm khoảng 315 tỷ đồng. Bởi vậy, phần vốn ngân sách tập trung chủ yếu cho nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (chú trọng đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất), đối với vốn đầu tư cần áp dụng triệt để hình thức cho vay có thu hồi và hỗ trợ lãi suất cho các hợp đồng tín dụng với các dự án cụ thể.
Cần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp; tăng cường hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài… Nâng cao chất lượng lựa chọn dự án đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, thiếu đồng bộ, đầu tư dứt điểm các công trình sớm đưa vào khai thác phục vụ sản xuất. Tập trung sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt nguồn lực đầu tư chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực sản xuất tập trung.
Hai là, phát triển nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.
Cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất chuyên canh các cây trồng có thế mạnh, các loại rừng; cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là phát triển các cây, con chủ lực. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, dự án phát triển dược liệu gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Chú trọng lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ ngân sách với thực hiện xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, ưu tiên các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc để góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khôi phục, phát triển thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, cân đối nguồn lực, xác định sản phẩm đặc thù của tỉnh để ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Ba là, tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang.
Cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết các khu chức năng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, khu dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại thành phố Hà Giang và lập các dự án đầu tư xây dựng. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại vùng cao nguyên đá, các huyện phía Tây và trung tâm thành phố Hà Giang, nhằm phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…; bảo tồn, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo.
Hoàn thiện cơ chế để kết nối và phát triển các tour - tuyến du lịch trong nội tỉnh và liên kết với các vùng trong và ngoài nước, nhất là với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như: du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, địa chất, tâm linh, nghĩ dưỡng,… gắn với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng riêng có của Hà Giang. Tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
Bốn là, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, tập trung giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững; tạo động lực, khuyến khích các tầng lớp nhân dân làm giàu và cơ hội để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thực hiện tốt việc lồng ghép, đa dạng hóa các nguồn lực, ưu tiên cho các vùng khó khăn, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Tập trung giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động, nhất là các huyện biên giới. Kết hợp chặt chẽ giữa hướng nghiệp với dạy nghề và giải quyết việc làm. Chủ động tham gia thị trường lao động trong nước và xuất khẩu; quan tâm đào tạo lao động phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu; xây dựng chương trình kết nghĩa, hợp tác, xuất khẩu lao động với một số địa phương của Nhật Bản. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận, cơ chế phối hợp với phía Trung Quốc về quản lý lao động qua biên giới.
Chú trọng công tác gia đình, thực hiện tốt chương trình bình đẳng giới; chăm lo, nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội. Tạo lập môi trường sống an toàn phát triển toàn diện cho thanh, thiếu niên, trẻ em; ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình.
Năm là, phát triển mạnh vùng động lực.
Có thể nói, vùng động lực với những lợi thế vượt trội thực sự là những “đầu tàu” kéo các vùng khó khăn, kém phát triển khác trong việc tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả, nhanh chóng. Vì vậy, việc tập trung phát triển mạnh các vùng động lực vừa tạo sự bứt phá, vừa là cú huých, động lực để các vùng khó khăn hơn có cơ hội đổi thay, phát triển.
Hà Giang cần tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Mê và thành phố Hà Giang thực sự trở thành vùng động lực của tỉnh; hằng năm ưu tiên cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư để phát triển vùng động lực tạo “đầu kéo” cho kinh tế của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn tỉnh, cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2020./.
Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tốc độ tăng bình quân từ 8%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế: thương mại - dịch vụ chiếm 39%, công nghiệp - xây dựng 28%, nông lâm nghiệp - thủy sản 33%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 50.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.000 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 880 triệu USD; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 42 vạn tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/héc-ta đất canh tác đạt 50 triệu đồng.
-------------------
(1) Giai đoạn 2010 - 2014, đã đầu tư 204 hạng mục công trình từ nguồn vốn Trung ương, kinh phí 1.609,35 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đầu tư 607,427 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm và xây dựng 30 chợ xã biên giới.
Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây hạ tầng cảng hàng không  (25/10/2017)
Tiếp tục các thông tin về Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV  (25/10/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên