Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn: Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Thực hiện đường lối đổi mới và chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm biến biên giới Việt - Trung thành biên giới của hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, trong đó, bên cạnh việc quản lý, bảo vệ biên giới, các hoạt động giao lưu hữu nghị, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, phát triển thương mại, mở rộng giao lưu kinh tế được xem là một trong những định hướng trọng tâm.
Đối với đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, sau khi 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực thi hành (ngày 14-7-2010), tình hình trên biên giới có điều kiện thuận lợi để ổn định. Hai bên thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; song phương giải quyết các vấn đề nảy sinh, giải quyết các khu vực đất quy thuộc về mỗi bên; tiến hành di dời mồ mả, đấu nối đường giao thông ở các cửa khẩu; phát quang đường thông tầm nhìn, cắm vật đánh dấu đối với những đoạn biên giới khó nhận biết trên thực địa; tạo nhận thức chung trong quản lý, bảo vệ biên giới, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai bên.
Trên địa bàn Lạng Sơn, đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, dài 231,740km, gồm 474 cột mốc, trong đó có 344 mốc chính, 130 mốc phụ; có 02 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 01 cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương Chi Ma), 09 cửa khẩu phụ. Khu vực biên giới gồm 20 xã và một thị trấn thuộc 05 huyện biên giới với dân số khoảng 68 nghìn người của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa.
Quán triệt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chỉ đạo của Bộ Tư lênh Bộ đội Biên phòng, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã thiết lập cơ chế phối hợp, hợp tác ở các cấp (cấp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp đồn Biên phòng) với Bộ đội Biên phòng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Ngoài ra, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng 04 tỉnh (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang) thiết lập cơ chế hội đàm với Quân khu Quảng Tây về lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống khủng bố, chống xuất nhập cảnh trái phép nhằm giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới giữa hai bên.
Những nỗ lực của Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cùng với sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các ngành, các cấp, các địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, công tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác đối ngoại biên phòng nhằm mục tiêu quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới
Công tác quản lý, bảo vệ biên giới được thực hiện chặt chẽ, chính quy hóa, pháp luật hóa theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn và các đơn vị Bộ đội Biên phòng thuộc Quân khu Quảng Tây, Trung Quốc thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến đường biên giới, mốc quốc giới; tổ chức gặp gỡ, hội đàm định kỳ, đột xuất để cùng phối hợp triển khai 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận cấp cao hai bên đã ký kết; tổ chức các đợt tuần tra chung để kiểm tra hệ thống đường biên, mốc quốc giới, tạo nhận thức thống nhất giữa hai bên về hướng đi của đường biên giới trên thực địa, hệ thống mốc quốc giới, các dấu hiệu đường biên giới, nhất là ở những đoạn biên giới khó nhận biết trên thực địa. Triển khai thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước, các đồn Biên phòng trực thuộc Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn và các trạm Hội ngộ, Hội đàm Bộ đội Biên phòng Quân khu Quảng Tây đã phối hợp luân phiên chủ trì, tổ chức tuần tra biên giới song phương mỗi quý một lần, từ 2011 đến nay tổng cộng được 18 lần. Các cuộc tuần tra song phương giúp hai bên xác định, làm rõ hướng đi của đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới của mỗi bên, đồng thời, qua đó cũng góp phần tăng thêm sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc thêm quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tạo thuận lợi trong phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới. Cùng với các hoạt động tuần tra song phương, hai bên còn thường xuyên trao đổi thư, gặp gỡ trực tiếp để giải quyết các vấn đề phát sinh. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, hai bên đã trao đổi thư, gặp gỡ tại thực địa, phối hợp giải quyết 18 vụ, việc vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, góp phần giữ vững sự ổn định đường biên giới và khu vực biên giới.
Để kịp thời thông báo, trao đổi thông tin về các vụ, việc phát sinh trên biên giới phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trao trả công dân, dẫn độ tội phạm, hai bên đã thiết lập đường dây điện thoại nóng giữa các đơn vị Bộ đội Biên phòng, thống nhất về cơ chế trao đổi thông tin. Đến nay, đã thiết lập đường dây nóng giữa Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Tổng đội Công an Biên phòng Quảng Tây; giữa đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với Trạm Hội đàm, Hội ngộ Bộ đội Biên phòng Bằng Tường và Trạm Kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan, Trung Quốc. Đường dây nóng là các kênh thông tin quan trọng phục vụ thiết thực cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, được cả hai bên khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Bên cạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ quản lý biên giới, các hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa hai bên cũng được Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đặc biệt quan tâm, chủ động đề xuất, tích cực tham gia, như tổ chức Chương trình “Kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị, xây dựng biên giới bình yên” giữa đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Trạm Kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan, Trung Quốc; Giao lưu công tác chính trị giữa đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Trạm Kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan, Trung Quốc. Hằng năm, trong các dịp ngày lễ, ngày tết của nhau, hai bên tổ chức các đoàn cán bộ qua lại, thăm hỏi, chúc mừng lẫn nhau, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, trao đổi kinh nghiệm công tác chính trị, thông qua đó, góp phần làm tăng thêm tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị giữa các đơn vị lực lượng chức năng của hai bên.
Trong công tác phối hợp, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với 14 ban, ngành chức năng của tỉnh, với mỗi ban, ngành có chương trình, nội dung phối hợp cụ thể, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh theo hướng hiệu quả, thiết thực. Các đồn Biên phòng có quy chế phối hợp với các huyện, xã biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp có đường biên giới tổ chức hội đàm với cấp tương đương phía Trung Quốc về nội dung triển khai quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu hai bên như đấu nối đường giao thông tại các cửa khẩu; xây dựng các công trình sát biên giới, xây các bờ kè bảo vệ mốc quốc giới, đường tuần tra; tổ chức các đợt phát quang đường thông tầm nhìn biên giới; tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên. Các hoạt động này được tổ chức theo đúng trình tự quy định của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, đúng theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đồng thời góp phần thúc đẩy các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa, mở rộng thương mại, du lịch và giao lưu giữa hai bên. Từ năm 2011 đến nay, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu cho UBND các huyện biên giới hội đàm, thống nhất với phía Trung Quốc tổ chức cắm 70 cọc bê tông, đánh dấu đường biên giới ở những đoạn biên giới khó nhận biết trên thực địa; đấu nối đường giao thông tại 9 cặp cửa khẩu; tổ chức xây dựng 39 vị trí kè bảo vệ chân cột mốc có nguy cơ bị sạt lở; hoàn thành 03 công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ suối tại sông Bình Nghi, suối Nà Căng, suối Na Hình. Tiến hành rà soát, vận động nhân dân hai bên di chuyển số mồ mả còn chôn bên kia đường biên giới về bên mình theo như thỏa thuận, tổng số đã di chuyển được 109 ngôi mộ (phía Việt Nam di chuyển 17, phía Trung Quốc di chuyển 92); tổ chức phát đường thông tầm nhìn biên giới được 45 đoạn, trên 100 km đường biên giới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện
Để bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia rất cần sự tham gia chủ động, tích cực của nhân dân. Ý thức rõ điều đó, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tốt ngày Hội Biên phòng toàn dân 03-3 hàng năm gắn với các lễ hội ở địa phương, huy động đông đảo người dân tham gia; phối hợp cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Luật Biên giới quốc gia, các Nghị định liên quan của Chính phủ, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về biên giới. Các đồn Biên phòng làm nòng cốt cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện các phong trào, như: Phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản)" và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổng kết việc thực hiện các Đề án "Tăng cường Phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2013-2016", tham mưu cho các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ về "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", phối hợp tổ chức ký cam kết tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới và thành lập các Tổ an ninh tự quản tại các thôn, bản, bảo đảm thời gian, chất lượng. Các đồn Biên phòng triển khai quy chế phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, thường xuyên bám, nắm tình hình địa bàn nhất là trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước để có các biện pháp chủ động bảo đảm an ninh trật tự.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ biên giới của người dân, các đồn Biên phòng còn triển khai các biện pháp giao nhiệm vụ quản lý biên giới cho người dân, phát động nhân dân cung cấp thông tin phản ánh tình hình về các hoạt động có liên quan đến chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tố giác tội phạm. Qua đó, nhiều thông tin có giá trị giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các biện pháp đấu tranh phòng, chống được chủ động, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các tin tố giác của nhân dân đặc biệt có giá trị trong cuộc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, phòng, chống tội phạm, xử lý các điểm nóng về an ninh trật tự khu vực biên giới.
Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn còn triển khai nhiều biện pháp giúp dân phát triển kinh tế như tổ chức cho nhân dân khu vực biên giới tham quan, học tập các mô hình làm kinh tế; đào đắp kênh mương tưới tiêu, xây bể nước sạch, cung cấp chăn màn, quần áo; phối hợp với các ban, ngành, tổ chức tặng 1.829 con bò, 118 nhà đại đoàn kết cho người nghèo khu vực biên giới; hỗ trợ 54 em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, học giỏi theo chương trình "Nâng bước em đến Trường" với mức 500 nghìn đồng/1 em. Mỗi đồn Biên phòng bằng nguồn lực còn hạn chế của mình đều tổ chức trạm y tế quân dân y kết hợp, đặt tại các nhà khách quân nhân, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Trong năm 2016, đã khám ban đầu và chữa bệnh cho trên 1.800 lượt người dân. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng còn tổ chức đưa quân y đến các trạm y tế xã khám chữa bệnh. Hàng năm, có hai lần Bộ đội Biên phòng phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành tổ chức các đoàn tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, y tế cộng đồng, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân hai bên biên giới được coi trọng, triển khai rộng khắp. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng làm tốt công tác tham mưu cho UBND các huyện biên giới rà soát, đánh giá tình hình, gặp gỡ, hội đàm với cấp tương đương phía Trung Quốc thống nhất triển khai việc kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Đến nay đã tổ chức kết nghĩa được 7 cụm. Sau khi kết nghĩa, đã tổ chức một số hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, thăm thân nhằm tăng cường củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Nhìn chung, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; lãnh đạo, chỉ đạo các đồn biên phòng và các lực lượng trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, tăng cường quan hệ với các đơn vị chức năng phía Trung Quốc, góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác hai bên đạt kết quả tích cực. Công tác đối ngoại giữa các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị tương ứng phía Trung Quốc thời gian qua được lãnh đạo địa phương hai bên đánh giá cao, trở thành điểm sáng về công tác đối ngoại trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, giữa Quân đội và nhân dân hai nước ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp.
Tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên giới
Phát huy những kết quả đã đạt được, quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cụ thể:
- Duy trì nghiêm túc các chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng bảo vệ an toàn địa bàn khu vực biên giới nhất là trong các ngày lễ, Tết và sự kiện chính trị của đất nước, địa phương. Thực hiện tốt các mặt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; tăng cường công tác giáo dục chính trị với quản lý rèn luyện kỷ luật và bảo vệ nội bộ, chủ động phòng ngừa, không để tệ nạn xã hội thâm nhập vào lực lượng biên phòng.
- Tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đối ngoại nhằm thực hiện tốt mục tiêu quản lý và bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia; tăng cường công tác nắm tình hình ngoại biên, tập trung vào các chủ trương, chính sách biên mậu, các hoạt động quân sự của phía đối diện và dư luận nhân dân hai bên biên giới để không bị động, bất ngờ.
Thực hiện tốt công tác đối ngoại Biên phòng, chủ động quan hệ với Bộ đội Biên phòng, các Trạm biên phòng phía Trung Quốc nhân dịp lễ, Tết và trao đổi tình hình liên quan đến quản lý biên giới, phòng chống tội phạm, kiểm soát xuất nhập cảnh..., tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp trong quản lý, bảo vệ biên giới; giám sát chặt chẽ các hoạt động xây dựng công trình trên biên giới của hai bên, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới.
- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu, phát huy tốt vai trò chủ trì phối hợp với các lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực biên giới.
- Tăng cường nắm tình hình hoạt động của các loại tội phạm; triển khai hiệu quả các kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, không để xảy ra tình hình phức tạp về tội phạm, buôn lậu trên địa bàn khu vực biên giới.
Bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng. Bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác là góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này, bên cạnh nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới, rất cần có sự quan tâm sâu sát, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cụ thể hơn là của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cần đảm bảo phương tiện, trang thiết bị ngày càng tiên tiến, hiện đại cho hoạt động của Bộ đội Biên phòng; tiếp tục đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, nhất là hệ thống các đường nhánh vì các công trình này không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ an ninh - quốc phòng mà còn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân khu vực biên giới; nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ công tác tại biên giới, vùng sâu, vùng xa, vì các chế độ, chính sách hiện hành có định mức đã lạc hậu, quá thấp so với mặt bằng giá cả, thu nhập của xã hội./.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay