Hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (01-01-1997 - 01-01-2017)
TCCSĐT - Sáng 15-12, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (01-01-1997 - 01-01-2017). Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì buổi họp.
Đến dự buổi họp báo có đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các phóng viên, biên tập viên các báo, đài, tạp chí Trung ương và địa phương.
Giới thiệu về tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Phạm Duy Hưng đã điểm lại lịch sử 20 năm phát triển của tỉnh, cũng như những thành tựu mà tỉnh đạt được.
Ngày 06-11-1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 01-01-1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới của Bắc Kạn trên con đường xây dựng và phát triển.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đồng tâm, đồng lòng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Sau 20 năm từ một tỉnh khó khăn, kinh tế chậm phát triển, Bắc Kạn đã có sự đổi thay, chuyển mình vươn lên. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 1 thành phố và 7 huyện với 122 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh trên 300 nghìn người, với 7 dân tộc cùng sinh sống. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua tăng 11,5%/năm, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 1.280 USD, tăng gần 15 lần so với năm 1997. Thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 19,8%/năm; năm 2016, số thu tăng gấp 31 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Sản xuất nông, lâm nghiệp đạt nhiều thành tựu, phát triển khá toàn diện, tăng cả quy mô, năng suất và hiệu quả với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,3%/năm. Lương thực bình quân đầu người tăng gần 3 lần. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tỉnh đã từng bước hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành một số diện tích cây trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng trồng cây dong riềng, thuốc lá, cam quýt, hồng không hạt. Tỉnh đã có 5 nhãn hiệu được công nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đó là: gạo bao thai Chợ Đồn, miến dong Bắc Kạn, khẩu nua lếch (nếp thơm) Ngân Sơn; chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bắc Kạn và quýt Bắc Kạn.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, các hoạt động văn nghệ, thể thao và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trung bình giảm trên 4%; đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, nâng cao. Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt.
Bắc Kạn cũng đang gìn giữ khá nguyên trạng Hồ Ba Bể - một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng được UNESCO công nhận là khu Ramsar - vùng đất ngập nước quan trọng quốc tế vào năm 2011; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể, ở độ cao 150m so với mặt nước biển, cách thành phố Bắc Kạn 70km về phía Tây Bắc; là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ.
Với những thành tích đã đạt được, đồng chí Phạm Duy Hưng cho biết, tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh (01-01-1997 - 01-01-2017), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn tổ chức các hoạt động chào mừng sự kiện này. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Và cũng là dịp nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập, góp phần xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng phát triển.
Từ ngày 15-12-2016 đến ngày 02-01-2017, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn sẽ diễn ra các hoạt động:
- Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất diễn ra vào hồi 19h00, ngày 29-12-2016, tại Nhà Văn hóa tỉnh.
- Hội thảo Khoa học cấp tỉnh “Bắc Kạn - 20 năm chặng đường phấn đấu, xây dựng và phát triển”, ngày 29-12-2016, tại Hội trường lớn Trụ sở các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy Bắc Kạn.
- Triển lãm ảnh “Bắc Kạn - 20 năm xây dựng và phát triển”, ngày 26-12-2016, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Kạn…
Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động có diễn ra Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, từ ngày 29-12-2016 đến ngày 02-01-2017, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Kạn.
Với nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế, đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở cho biết, Triển lãm gồm các nhóm tư liệu chính:
- Phiên bản của các văn bản Hán - Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn (từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại) ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975 tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Phiên bản của các văn bản hành chính của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển, đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
- Một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Một số hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những năm 1930 đến khi Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng trận “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19-01-1974.
- Sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay.
- Những công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xuất bản từ năm 1975 cho đến nay...
Điểm đặc biệt tại Triển lãm là việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D (VR3D) nhằm số hóa và tích hợp các tư liệu và hiện vật bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thành một chương trình triển lãm số - một giải pháp hỗ trợ đắc lực bên cạnh triển lãm truyền thống để thu hút nhiều hơn các đối tượng công chúng, giúp công chúng nắm bắt nhanh chóng và lâu dài các thông tin tuyên truyền./.
Tác động từ quyết định của Fed tới các nền kinh tế đang phát triển  (15/12/2016)
Không để nhóm lợi ích chi phối quá trình xây dựng thể chế  (15/12/2016)
Tổng thống Putin ghi nhận chuyển biến rõ rệt trong quan hệ Nga-Nhật  (15/12/2016)
Khôi phục quyền lợi cho 13.600 công dân qua giải quyết khiếu nại  (15/12/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên