Chiến lược nhân tài - Một đòi hỏi cấp bách của hiện đại hóa và phát triển bền vững ở nước ta hiện nay
TCCSĐT - Lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc ta đã chứng minh vai trò trọng yếu của trí thức, nhân tài. Đặc biệt, ngày nay, nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khi mà sức cạnh tranh của các quốc gia dựa trên sức mạnh mềm trong đối nội và đối ngoại thì chiến lược nhân lực, nhân tài là một trong những vấn đề quyết định thắng lợi.
Nhận thức về tầm quan trọng của nhân tài trong giai đoạn hiện nay
Lịch sử nước ta cho thấy nhân tài, tuấn kiệt “thời nào cũng có” nhưng biết phát hiện, thu hút và sử dụng nhân tài thì tùy thuộc vào mỗi chế độ chính trị. Lịch sử đã chứng minh các thời kỳ hưng thịnh hay suy vong của các chế độ chính trị đều do có hay không có chính sách thu hút và sử dụng trí thức, nhân tài để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Các nước tiên tiến trên thế giới đều thông qua sử dụng nhân tài vào các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế thị trường. Mỗi nấc thang phát triển kinh tế thị trường mấy trăm năm qua đều mở đầu bằng những thành tựu khoa học - công nghệ. Thành tựu cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đầu tiên đã hình thành nền kinh tế thị trường hiện đại vào thế kỷ XVIII; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ thứ hai đã đưa nền kinh tế thị trường hiện đại lên nấc thang ra đời các tập đoàn kinh tế, mở đầu quá trình toàn cầu hóa kinh tế; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ thứ ba vào cuối thế kỷ XX đã đưa kinh tế thị trường dựa trên công nghiệp lên kinh tế tri thức. Trong các nấc thang phát triển ấy, các nhà tư bản đã đóng vai trò tổ chức, sử dụng trí thức, nhân tài, đồng thời là người hưởng thụ kết quả của phát triển kinh tế. Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế phụ thuộc vào tầm nhìn và năng lực của các doanh nghiệp, chủ tập đoàn mà trước hết là vấn đề lựa chọn, thu hút và sử dụng tri thức, nhân tài phù hợp. Hơn nữa, quan hệ giữa đối nội và đối ngoại trong chính sách của mỗi nhà nước đều phải gắn liền với yêu cầu cạnh tranh của các ông chủ tập đoàn lớn.
Vai trò của trí thức, nhân tài đặc biệt nổi bật ở các quốc gia khởi nghiệp - những nước phát triển sau, nhưng theo con đường rút ngắn, đuổi kịp các nước tiên tiến. Những nước này đều có chung bài học thành công như Xin-ga-po, Hàn Quốc, I-xra-en và nhiều nước ở Bắc Âu chỉ trong khoảng 3, 4 thập niên đã hiện đại hóa đất nước ngang tầm các nước phát triển nhất tại điểm xuất phát không cao.
Nhìn vào thực tiễn công cuộc đổi mới nước ta thì chiến lược nhân tài là một đòi hỏi cấp bách. Nhân tài vốn là một tiềm năng to lớn của đất nước nhưng lâu nay chưa được coi trọng bằng thu hút và sử dụng vào xây dựng đất nước. Đây là một nghịch lý, cần giải quyết sớm ở mức độ ưu tiên về chiến lược và chính sách mà trước hết, cần được cấp lãnh đạo, quản lý vĩ mô nhận thức, quyết định thực hiện một cách hiệu quả thiết thực. Nhìn vào thành công của các nước phát triển rút ngắn có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu cho chúng ta.
Thứ nhất, có những nhân tài có tầm nhìn thời đại và phương pháp hợp tác, liên kết, một lòng vì sự hưng thịnh của đất nước thực hiện công cuộc khởi nghiệp hiện đại hóa nền kinh tế. Lịch sử ghi lại công lao của Lý Quang Diệu (ở Xin-ga-po), Pắc Chung Hi (ở Hàn Quốc), Si-mon Pơ-rê (ở I-xra-en )… đối với đất nước mình. Họ đều khởi nghiệp trong bối cảnh nhân dân, đất nước rất khó khăn. Đó thực sự là những hiền tài vì không có họ thì tiềm năng trí tuệ của nhân tài dân tộc không được thu hút và sử dụng vào công cuộc khởi nghiệp. Tổng thống S. Pơ-rê thường xuyên ủng hộ những ý tưởng mới của các chuyên gia và tạo điều kiện cho nghiên cứu và ứng dụng. Bài học thành công của Pơ-rê được ông tổng kết là: “Tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm”. Ngày nay, I-xra-en là nước liên tục dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), đi đầu về giáo dục, đào tạo nhân lực trên thế giới.
Thứ hai, tập trung tiềm lực vào hiện đại hóa đất nước, trước hết là lực lượng sản xuất hiện đại và tổ chức quản lý ngang tầm các nước tiên tiến để bảo đảm sức cạnh tranh và phát triển.
Qua thực tiễn cho thấy, ở các nước đi con đường phát triển rút ngắn, đều bắt đầu từ hiện đại hóa lực lượng sản xuất và tổ chức, quản lý. Các nước phát triển rút ngắn đi thẳng vào hiện đại hóa là có tầm nhìn thời đại kinh tế, trước hết là lực lượng sản xuất dựa trên những thành tựu khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo nhân lực, tổ chức quản lý tiến bộ nhất. Người lãnh đạo khởi nghiệp luôn đặt ra câu hỏi: đất nước đang ở đâu và định hướng về đâu để tìm giải pháp tốt nhất rút ngắn khoảng cách giữa điểm xuất phát với điểm đến hiện đại hóa. Từ đó thấy được tiềm năng dân tộc và thế giới cũng như cách giải quyết (kinh nghiệm thành công của Xin-ga-po). Nhìn lại lịch sử phát triển của thế giới có thể thấy, Hoa Kỳ là nước lớn đi sau nước Anh nhưng đã vượt Anh về quy mô và chất lượng phát triển nhờ ưu thế là, sớm có cơ chế trọng dụng nhân tài từ các nước trên thế giới, không chỉ tạo ra sức mạnh kinh tế và quốc phòng, mà còn tạo ra quan hệ văn hóa và thực hiện được quyền tối cao của luật pháp. Trong thế kỷ XX, nhờ sử dụng nhân tài khoa học - công nghệ nên các nước tiên tiến đã đưa nền kinh tế thị trường dựa trên công nghiệp lên đỉnh cao và xã hội tiến bộ hơn trước. Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về chỉ số hạnh phúc (HPI) thì các nước Đan Mạch, Thụy Sĩ, Phần Lan, Na Uy, Ai-xơ-len thuộc tốp 5 nước chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, còn các nước phát triển rút ngắn khác đều ở thứ bậc cao.
Thứ ba, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thế kỷ XXI đang thay đổi, do những hậu quả từ định hướng thế kỷ XX chỉ hầu như tập trung cho tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ vấn đề phân phối kết quả kinh tế làm giảm ổn định xã hội và nhất là hậu quả về tàn phá môi trường, tạo ra biến đổi khí hậu toàn cầu với những diễn biến khó lường, tác động đến nền kinh tế toàn cầu và an sinh xã hội. Trong đó, hậu quả nặng nhất ở các nước đang phát triển chỉ chạy theo khai thác tài nguyên để tăng GDP, kể cả các nước ở ven biển đang chịu hạn hán, nước mặn dâng cao như nước ta. Nhiều vấn đề kinh tế đang trở thành vấn đề chính trị tranh chấp giữa các nước.
Vì vậy, thay đổi định hướng phát triển kinh tế trở thành một yêu cầu chính trị. Cần thay đổi định hướng phát triển từ chỗ chỉ chạy theo tăng trưởng phiến diện, coi thường vấn đề xã hội và môi trường, sang định hướng phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Sức ép đối với các thể chế chính trị là sớm tìm ra cơ sở thực hiện định hướng mới đối với mỗi nước. Chính ở bước ngoặt này càng làm tăng vai trò và trách nhiệm của trí thức, nhân tài. Ở giai đoạn hiện nay, đang hình thành một lớp trí thức, nhân tài mới phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững.
Vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, khoa học - công nghệ đang phát triển theo xu thế mới. Đó là xu thế thâm nhập vào nhau giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội (cả về tri thức và phương pháp), hình thành nền khoa học mới mang tính nhân văn. Đó là “khoa học về con người” mà A. Anh-xtanh ở thế kỷ XX, và xa hơn là C. Mác ở thế kỷ XIX đã dự báo. Vậy nên, trí thức, nhân tài thế kỷ XXI là những người không chỉ sâu về nghề nghiệp mà còn phải gắn nghề nghiệp với hướng nhân văn, lấy khoa học phục vụ xây dựng mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa con người với tự nhiên ngay từ chuyên môn của mình. Yêu cầu mới này đang đặt ra đòi hỏi sớm thay đổi phương thức đào tạo nhân lực, kể cả nhân lực cao cấp lãnh đạo, quản lý; bắt đầu từ những người quản lý giáo dục và đội ngũ giảng viên.
Xu hướng mới về khoa học và giáo dục là một nội dung “khởi nghiệp”, đổi mới, đòi hỏi phải tôn trọng vai trò cá nhân sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt trong đổi mới, được kiểm nghiệm từ hiệu quả thực tế. Vì vậy, cần khắc phục cho được “chủ nghĩa tập thể duy ý chí”, xây dựng, bồi dưỡng tầm nhìn mới và phương pháp mới cho mỗi người từ thực tiễn.
Thứ tư, xu hướng phát triển mới về khoa học, về giáo dục - đào tạo sẽ còn đưa đến một nền văn hóa mới bắt đầu từ những tri thức, nhân tài vốn là sản phẩm của xu hướng phát triển mới mang đậm tính nhân văn, từ đó lan tỏa trong xã hội. Sự lan tỏa này sẽ sớm hơn và sâu hơn từ những nhà lãnh đạo, quản lý là nhân tài của đất nước. Trong kinh tế thị trường, những trí thức, nhân tài còn là những người đi đầu thực hiện chế độ pháp quyền, dân chủ trong xã hội, thể hiện sự lan tỏa của nền văn hóa mới.
Xu hướng phát triển nói trên còn làm rõ những yếu kém của những trí thức ở một số quốc gia, như hoàn toàn không biết tư duy độc lập về các vấn đề xã hội, tuy có bằng cấp, chức vụ; không chịu “tu thân” học tập; phụ thuộc vào sách vở, văn bản, không hiểu thực tế; một số còn tỏ ra kiêu ngạo.
Ở nước ta, nhân tài tiêu biểu về tri thức và phẩm chất văn hóa là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đất nước ta và thời đại dân chủ đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người hội tụ đủ mọi tinh hoa nên có tầm nhìn mới và phương pháp mới của một hiền tài. Những phẩm chất ấy có sức hút đối với trí thức Việt Nam trong và ngoài nước. Người đã dẫn dắt nhân dân ta mở đầu thời đại giải phóng dân tộc và độc lập, tự do; tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho xây dựng đất nước sau này. Do đó, cần nhận thức đầy đủ để khai thác mọi tiềm năng trong nước và quan hệ quốc tế mà Người để lại.
Tính tất yếu và cấp bách xây dựng và thực hiện chiến lược nhân tài, trí thức để phát triển bền vững
Nhìn từ xu thế phát triển của thời đại và thực tiễn 30 năm đổi mới của nước ta thì một chiến lược nhân lực, nhân tài là điều kiện hàng đầu để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức ngày càng tăng trong thực hiện đường lối phát triển những năm sắp tới.
Việc thu hút, sử dụng nhân tài trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập mang tính tất yếu. Sự phát triển kinh tế thị trường chỉ thực hiện được thông qua cạnh tranh về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và quốc gia. Vì vậy, lịch sử phát triển kinh tế thị trường mấy trăm năm qua là lịch sử của các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Mỗi cuộc cách mạng đó đều đưa lực lượng sản xuất lên tầm cao mới, nâng cao trình độ tổ chức và quản lý kinh tế, thể hiện ở trình độ cao hơn của nhân lực sản xuất và quản lý, ở công cụ sản xuất hiện đại hơn, tạo ra sản phẩm nhiều hơn về số lượng, cao hơn về chất lượng, giá thành nhìn chung thấp hơn trước.
Sự phát triển kinh tế thị trường dựa trên thành tựu các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ cũng có nghĩa là dựa trên trí thức khoa học - công nghệ và nhân tài quản lý. Chính sự phát triển của trí thức, nhân tài không chỉ là phát triển kinh tế công nghiệp, mà đến cuộc cách mạng khoa học - công nghệ thứ 3 cuối thế kỷ XX, các trí thức đã tạo ra bước ngoặt phát triển kinh tế: từ kinh tế công nghiệp chuyển lên kinh tế tri thức.
Sự phát triển từ đây trở đi cả chất lượng và số lượng hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ tri thức hóa lực lượng lao động và quản lý doanh nghiệp, lãnh đạo quốc gia. “Tầm nhìn thay thế kinh nghiệm” là cơ hội và thách thức tất cả các nước, đặc biệt quan trọng đối với nước ta.
Tầm nhìn mới hiện nay thể hiện ở mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị - khâu then chốt để vượt qua khó khăn chồng chất hiện nay có tính chất một bước ngoặt của đất nước.
Về kinh tế, trong bối cảnh đầu thế kỷ XXI, kinh tế thị trường thế giới đang chuyển mạnh từ kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức. Hàm lượng tri thức khoa học trong sản xuất sản phẩm, trong tổ chức quản lý kinh doanh ngày càng cao; đang là sức sống của cuộc cạnh tranh về kinh tế giữa các doanh nghiệp, các quốc gia. Lực lượng lao động và quản lý đều phải là những lao động tri thức ở các cấp. Lớp quan chức hành chính quan liêu đang bị loại bỏ dần. Sự thay đổi về chất lượng trong lao động sản xuất và quản lý là điều kiện cần để không ngừng hiện đại hóa cao hơn, mới có khả năng giải quyết đồng thời vấn đề xã hội và môi trường trong phát triển kinh tế, tức là phát triển bền vững.
Đối với nước đang phát triển như nước ta càng phải có tầm nhìn sớm về những chuyển biến bước ngoặt của kinh tế thị trường đầu thế kỷ XXI, để chuẩn bị cho bước phát triển cao hơn.
Tính tất yếu và sức ép đối với chúng ta là phải tạo điều kiện để thực hiện phát triển theo con đường rút ngắn lên hiện đại hóa ở tầm kinh tế tri thức. Về nhận thức nên chú ý trình độ và chất lượng hiện đại hóa ở mỗi nấc thang phát triển cách mạng khoa học - công nghệ đều cao hơn. Từ đầu thế kỷ XXI, nội dung của hiện đại hóa là thực hiện kinh tế tri thức, cao hơn hiện đại hóa trong thế kỷ XX là nâng cao trình độ sản xuất công nghiệp. Do sự thúc đẩy của sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các quốc gia nên không còn khái niệm “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (chỉ phù hợp với trình độ đầu thế kỷ XX).
Tính quy luật khắt khe (do cạnh tranh) đòi hỏi phải thay đổi nhận thức về hiện đại hóa (ở không gian nào và thời gian nào) trong hội nhập. Nhìn vào thực trạng đổi mới ở nước ta đã 30 năm nhưng chưa chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển mới, về chất lượng và sức cạnh tranh, trong đó tình trạng lạc hậu của giáo dục, đào tạo cũng như lĩnh vực tổ chức cán bộ đang là sức cản đất nước vượt lên, phát huy được mọi tiềm năng quý báu của con người Việt Nam từng được thể hiện ở những thành tựu trong giải phóng dân tộc. Nét riêng của nước ta là phải đổi mới nhận thức về khoa học xã hội, trước hết là kinh tế chính trị, cho phù hợp với xu thế đầu thế kỷ XXI. Đổi mới không nên chỉ dừng lại ở văn bản mà phải từ thực tiễn khoa học nước ta so với sự phát triển khoa học với xu hướng mới của thời đại. Cần coi trọng vai trò cá nhân trong sáng tạo cái mới, đi đôi với đổi mới tổ chức và quan trọng nhất là lựa chọn, bố trí những người đứng đầu các tổ chức khoa học và kinh tế phù hợp với xu thế mới của khoa học - công nghệ đầu thế kỷ XXI. Hơn nữa, nên thu hút những cán bộ có nhận thức mới trong lĩnh vực khoa học làm tư vấn cho lãnh đạo, thông qua các cuộc trao đổi định kỳ.
Về chính trị, thực tiễn công cuộc đổi mới kinh tế cho thấy đổi mới chính trị là điều kiện tiên quyết của đổi mới kinh tế thành công. Đây là quan điểm đã được ghi trong văn kiện Đại hội VI mở đầu công cuộc đổi mới ở nước ta từ 1986. Đại hội VI đã chỉ rõ đổi mới kinh tế là trọng tâm, đổi mới chính trị là then chốt. Thực tiễn cho thấy chỉ khi đổi mới chính trị có hiệu quả, mở đường thì đổi mới kinh tế mới có hiệu quả. Đúng như V.I. Lê-nin đã chỉ ra khi thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) là chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là kinh tế cô đọng lại, nhờ đó chính trị có vai trò hàng đầu trong phát triển kinh tế./.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thăm nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào  (01/06/2016)
Phân công Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ  (31/05/2016)
Thủ tướng tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt  (31/05/2016)
Lào Cai bầu đủ 56 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh  (31/05/2016)
Lào Cai bầu đủ 56 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh  (31/05/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên