Xây dựng thành phố Hạ Long hiện đại, văn minh - trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ và trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế

Vũ Hồng Thanh Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long
15:37, ngày 18-10-2013
TCCS - Sau 20 năm thành lập, Hạ Long là thành phố trực thuộc tỉnh đầu tiên của vùng duyên hải Bắc Bộ trở thành đô thị loại I với vị thế của một đô thị trung tâm cấp vùng. Đây là mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của thành phố, là tiền đề để Hạ Long hướng tới mục tiêu cao hơn trở thành trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc tế.

Vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa - lịch sử 

Hạ Long mang trong mình nền Văn hóa Hạ Long, có niên đại cách đây 3.500 - 4.000 năm. Quần thể Vịnh Hạ Long là bảo tàng địa chất - lịch sử - văn hóa ngoài trời, ghi dấu sự kiến tạo địa chất kỳ diệu của tự nhiên và gắn liền với sự phát triển hàng vạn năm của người Việt cổ. Vịnh Hạ Long là một kỳ quan thiên nhiên hòa quyện giữa các giá trị tự nhiên (giá trị địa chất, giá trị đa dạng sinh học), với hệ giá trị nhân văn (giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, giá trị xúc cảm...). Nơi đây trở thành tổ ấm quần tụ dân cư từ nhiều miền đất nước, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo trong thống nhất của cư dân ven Vịnh, trong hành trình dựng nước, giữ nước hào hùng của mảnh đất phên dậu phía Đông Bắc Tổ quốc.

Hạ Long là cái nôi của phong trào cách mạng Việt Nam. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời, chi bộ đầu tiên tại vùng mỏ - chi bộ mỏ Hòn Gai - thành lập vào cuối tháng 3-1930, lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng tại Quảng Ninh. Ngày 12-11 hằng năm trở thành Ngày Truyền thống của công nhân Vùng Mỏ và đồng bào các dân tộc Quảng Ninh; tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” trở thành nét văn hóa của công nhân vùng công nghiệp than, đặc trưng tiêu biểu của văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam. 

Bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử hun đúc qua chiều dài lịch sử là sức mạnh, tài sản tinh thần to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hạ Long trong suốt thời kỳ đổi mới và giai đoạn hiện nay, tạo nên ý chí và hành động cách mạng quyết tâm xây dựng Hạ Long phát triển tương xứng với vị thế của thành phố di sản thế giới.

Cột trụ dịch vụ du lịch trong phát triển

Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII của Đảng bộ thành phố xác định, một trong những vấn đề trọng tâm, cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế bằng cách tăng nhanh các ngành dịch vụ, đưa dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu ngành kinh tế của thành phố. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TV, ngày 1-4-2011, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh “Về xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long từ nay đến năm 2015”.

Đóng vai trò là tâm trong định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long phải là hạt nhân đi đầu, là một hình mẫu có tính dẫn dắt với sức lan tỏa và lực đẩy cộng hưởng mạnh đối với các vùng không gian kinh tế - xã hội ngoại biên, nhất là về tăng trưởng “xanh” và phát triển bền vững gắn với xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống các ngành dịch vụ chất lượng cao, với mũi nhọn là ngành du lịch, xoay quanh trục lõi là Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Với tốc độ tăng trưởng tương đối cao về lượng khách và doanh thu, du lịch Hạ Long là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Thương hiệu ngành du lịch Quảng Ninh gắn với vịnh Hạ Long được khẳng định; và cùng với gìn giữ, việc quan trọng hơn là bồi đắp không ngừng để làm giàu các giá trị cho thương hiệu. Là nơi sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, thành phố giữ vai trò chính yếu trong bồi đắp các giá trị cho thương hiệu du lịch này, song đến nay, vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn nhiệm vụ trên, do không ít những vướng mắc, bất cập từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Hạ Long sở hữu những di sản có giá trị vĩnh cửu, nhưng tồn tại không vĩnh hằng, ngược lại rất dễ bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài của con người, đòi hỏi thành phố cần nỗ lực gì? Những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên với hệ sinh thái tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú đang đòi hỏi thành phố phải bảo tồn, dung dưỡng như thế nào? Hầu hết tài nguyên du lịch Hạ Long đều hàm chứa yếu tố rất nhạy cảm, tập trung chủ yếu trong khu vực di sản thế giới, nên có yêu cầu rất cao về mức độ bảo tồn, thì thành phố phải tiếp tục làm những gì? Tất cả những điều đó đòi hỏi phải xử lý rất thận trọng và tinh tế. Phương thức khai thác du lịch của ngành công nghiệp du lịch hiện đại mà các quốc gia phát triển về du lịch trên thế giới áp dụng luôn là khai thác có trách nhiệm và khai thác phát triển, tuyệt nhiên không khai thác tận thu làm phá vỡ cấu trúc tự nhiên và phương hại các giá trị văn hóa. Phương châm và phương thức hành xử của thành phố phải thẩm thấu trong mọi quyết sách và hành động phát triển du lịch của mỗi tổ chức, mỗi công dân thành phố ra sao? 

Trong khi đó, năm 2013, số lượng du khách đến với thành phố Hạ Long ước đạt trên 4,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là trên 50%, với doanh thu mới ước đạt 2.600 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, khả năng lưu giữ khách hạn chế và hệ thống các dịch vụ còn thiếu sức hấp dẫn. Nút thắt gây ra hạn chế trên chính là những bất cập về hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch. Hiện nay, Hạ Long có tổng số trên 480 cơ sở lưu trú du lịch; chưa có khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao, 15 khách sạn 3 sao, 27 khách sạn 2 sao, 15 khách sạn 1 sao phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch; nhiều cơ sở lưu trú là các nhà nghỉ không được xếp hạng, thậm chí thấp hơn các cơ sở theo tiêu chuẩn hạng sao. Có gần 500 tầu du lịch, trong đó có 163 tầu đủ tiêu chuẩn nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Với hệ thống cơ sở lưu trú như trên, là khá phát triển so với mặt bằng chung của các vùng du lịch phía Bắc, nhưng so với đòi hỏi của một trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc tế, thì vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Thiếu các cơ sở lưu trú hạng sang, với các dịch vụ, sản phẩm du lịch đa dạng chất lượng cao, những điểm thăm quan và các hoạt động hấp dẫn, Hạ Long chưa thể là điểm đến thực sự cuốn hút. 

Đặc biệt, hiện nay, với việc bảo tồn và khai thác một di sản mang giá trị toàn cầu nhưng Hạ Long vẫn quản lý theo quy mô địa phương, thiếu năng lực quản lý phát triển bền vững, chưa định lượng bằng những giá trị và các chuẩn mực quốc tế. Năng lực quản lý phát triển du lịch bền vững theo các chuẩn mực quốc tế này khuyết thiếu cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Để có một đội ngũ quản lý và vận hành du lịch chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế, Ma-lai-xi-a chuẩn bị đào tạo bài bản và dày công bằng cử các chuyên gia học tập ở nước ngoài, gắn với chiến lược quy hoạch du lịch được ban bố ngay từ những thập niên 70 của thế kỷ XX. Chiến lược này giúp Ma-lai-xi-a xác định các khu vực, địa bàn phát triển du lịch chính, với các thế mạnh, bản sắc, lợi thế cạnh tranh riêng. Căn cứ vào định hướng mang tính quốc gia này, các địa phương, thậm chí doanh nghiệp du lịch sẽ có những kế hoạch phát triển du lịch cụ thể, ổn định, bài bản và lâu dài. Hiện nay, về quy hoạch du lịch, Ma-lai-xi-a không có một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch như cách tiếp cận của Việt Nam, mà chỉ có “Kế hoạch chuyển đổi du lịch Ma-lai-xi-a đến năm 2020”, bởi đối với công tác quy hoạch du lịch, quốc gia này đã làm trước chúng ta 1/4 thế kỷ. Hiện nay, Quảng Ninh đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đây sẽ là một căn cứ khoa học và thực tiễn quan trọng cho các địa phương hoạch địch chiến lược phát triển du lịch của mình, trong đó có thành phố Hạ Long.

Một trong những yếu tố quyết định thành công trong phát triển du lịch là thẩm thấu nhận thức và ứng xử văn hóa du lịch vào cộng đồng dân cư. Thành công của đảo Ba-li (In-đô-nê-xi-a) trong phát triển du lịch, trở thành một điểm đến hấp dẫn chính là tôn trọng ý kiến, tập tục và tư duy của người bản địa, đồng thời chia sẻ minh bạch các nguồn lợi mang lại từ du lịch cho cộng đồng, khiến mỗi người dân đều tham gia vào quá trình xây dựng, bảo tồn và phát triển du lịch. Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch để dần hình thành những công dân có kỹ năng văn hóa phục vụ du lịch một cách tự nhiên, là cả một quá trình. Chia sẻ lợi ích mang lại từ du lịch cũng cần có những phương cách phát triển không gian du lịch cộng đồng khác so với hiện nay. Đây đều là những tham khảo rất đáng suy ngẫm trong quá trình tìm kiếm cách thức phát triển tối ưu nhất của Hạ Long để trở thành một trung tâm du lịch thực sự mang tầm vóc quốc tế.

Đô thị hiện đại trung tâm của tiểu vùng duyên hải Bắc Bộ 

Trong quá khứ, thành phố Hạ Long vốn chỉ là một làng chài ven biển; năm 1993, nâng cấp thành thành phố đô thị loại III và năm 2003 là đô thị loại II. Sau 20 năm phát triển, Hạ Long hội đủ và vượt các điều kiện để trở thành đô thị loại I, với diện mạo của một đô thị hiện đại, khang trang, nhiều công trình bề thế có giá trị thẩm mỹ và văn hóa. Đây là một sự vươn lên vượt bậc, minh chứng cho sự phát triển toàn diện của thành phố. 

Tiên liệu, nắm bắt và đón đầu cơ hội phát triển, sau 10 năm được công nhận là đô thị loại II, thành phố Hạ Long có tốc độ đô thị hóa nhanh và phát triển toàn diện các lĩnh vực: tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 17.000 tỷ đồng (năm 2012), đóng góp 2/3 ngân sách của tỉnh; từ năm 1993 đến năm 2013, tỷ trọng công nghiệp từ 34% tăng lên 52%, dịch vụ từ 37% tăng lên 47%, nông nghiệp từ 30% giảm xuống còn 1%. Kinh tế luôn duy trì tăng trưởng từ 13,7 - 16%/năm; thu nhập bình quân đầu người từ 31 triệu đồng năm 1993 tăng lên ước đạt 92,3 triệu đồng vào năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 0,58% số hộ của thành phố…

Thành phố tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cơ bản đáp ứng được đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội, với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn, như cầu Bãi Cháy; tuyến phà Tuần Châu - Cát Hải (Hải Phòng); hai lần nâng cấp, cải tạo quốc lộ 18A - tuyến đường bộ huyết mạch nối Hà Nội với Quảng Ninh; bê-tông hóa toàn bộ hệ thống đường các khu dân cư; ngầm hóa nhiều hệ thống điện, cáp quang; hoàn thành hệ thống cấp điện và nước; mở rộng, nâng cấp các cảng biển quan trọng (cảng Cái Lân, cảng Xăng dầu B12, cảng than Nam Cầu Trắng, bến tàu khách du lịch…); hoàn thành nhiều dự án phát triển hạ tầng, khu đô thị lớn như khu dân cư Hùng Thắng, Cao Xanh - Hà Khánh, Vựng Đâng, cột 3 - cột 8 với tổng diện tích trên 400 ha... Diện mạo của thành phố ngày càng hiện đại, văn minh. Thành phố cũng là đơn vị dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh về chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, khám chữa bệnh cho nhân dân và các thiết chế, hoạt động văn hóa. Xây dựng một số công trình văn hóa lớn, có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ như quần thể bảo tàng - thư viện - khu triển lãm - quảng trường 30-10; khu Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc, công viên Hạ Long...

Công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt tư tưởng, tổ chức, kiểm tra - giám sát, dân vận... không ngừng được đổi mới về nội dung, phương thức lãnh đạo; tăng cường kỷ luật của Đảng, đổi mới việc xây dựng và nội dung kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Lấy sự đoàn kết nội bộ, tinh thần kỷ luật - đồng tâm là tài sản, giá trị tiêu biểu trong mọi công tác. Củng cố, kiện toàn, sắp xếp và đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý - điều hành thành phố trong giai đoạn phát triển mới; xây dựng Đảng bộ không chỉ trong sạch, vững mạnh, mà còn thực sự tiêu biểu và hội tụ đầy đủ các phẩm chất về năng lực, trí tuệ, bảo đảm ngang tầm với quy mô, tốc độ và chiều sâu trong sự đổi mới và phát triển của thành phố.

Việc công nhận thành phố Hạ Long là đô thị loại I sẽ tạo động lực quan trọng để thành phố phát huy tốt hơn các lợi thế với vai trò, chức năng là thành phố tỉnh lỵ, là một trung tâm của tiểu vùng duyên hải Bắc Bộ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, từ góc độ phát triển đô thị, sự phát triển của thành phố hiện nay cũng bộc lộ không ít bất cập: vai trò “đầu tàu”, “địa bàn động lực” và tính liên kết trong tỉnh, trong vùng của thành phố chưa thực sự rõ nét. Chất lượng quy hoạch, công tác xây dựng, quản lý đô thị còn bộc lộ những bất cập; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển chưa hiện đại, thiếu đồng bộ... Dân số phát triển và tốc độ đô thị hóa nhanh làm quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có; một số ngành kinh tế lớn, phát triển trên cùng một địa bàn hẹp và nhạy cảm, khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch; sự khai thác quá mức cho phép của các công trình lấn biển có thể làm cạn kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất, nước, sinh vật rừng và biển. Việc khai thác manh mún và thiếu kiểm soát của các hoạt động dịch vụ du lịch và xây dựng các công trình trên bờ tạo quy mô và mật độ xây dựng quá lớn ở một số khu vực du lịch trọng điểm, gây sức ép nặng nề lên môi trường sinh thái tại các khu vực này.

Việc nâng cấp Hạ Long thành một đô thị ven biển hiện đại, hài hòa và tương xứng với tầm vóc của di sản vịnh Hạ Long là quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, thành phố Hạ Long nói riêng, đòi hỏi sự phát triển toàn diện, theo đó tập trung: 

Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” trên cơ sở đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ - du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Cùng với việc phát triển phân khúc thị trường khách du lịch trong nước, cần có kế hoạch chuyển dịch phát triển những sản phẩm và thị trường du lịch hạng sang, để thu hút đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao tiềm năng.

Hoàn thành các quy hoạch chiến lược, làm cơ sở triển khai xây dựng các dự án thu hút nguồn lực đầu tư, hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Thành phố phối hợp với Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, cùng Công ty S-Design lập quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn ngoài 2050; thực hiện Dự án ứng dụng công nghệ GIS-3D để xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và đất đai. Phát triển dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, nhất là các công trình quan trọng như đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hạ Long, Móng Cái - Hạ Long, đường sắt Yên Viên - Hạ Long...; tập trung thu hút đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng Hòn Gai thành cảng du lịch quốc tế.

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, sớm đưa trung tâm hành chính công vào hoạt động, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của đội ngũ cán bộ, công chức gắn với thanh tra, kiểm tra công vụ. 

Phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sinh thái vịnh Hạ Long. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan của thành phố, với điểm nhấn là vận động và tổ chức di dời tất cả các hộ nhà bè trên Vịnh lên bờ tái định cư, để vừa ổn định cuộc sống lâu dài cho ngư dân, vừa góp phần bảo vệ chặt chẽ môi trường di sản vịnh Hạ Long.

Ba là, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội tương xứng với nhịp độ phát triển kinh tế. Coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hạ Long bằng những hành động cụ thể như hình thành dần nếp sống văn minh, thanh lịch của cư dân ở đô thị có di sản thế giới; khuyến khích, huy động nguồn lực của toàn xã hội trong tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, sáng tạo văn học, nghệ thuật, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng mới các thiết chế văn hóa tương xứng với vị thế của thành phố. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, thực hiện giảm nghèo bền vững, quan tâm chăm sóc người có công, các đối tượng chính sách xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Bốn là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Đổi mới mang tầm dài hạn về công tác tổ chức, cán bộ, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, cán bộ nữ, người dân tộc ngang tầm với sự phát triển của thành phố. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở.

Định vị trục phát triển của thành phố là Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nên việc khởi tạo các không gian đô thị mới luôn đi liền với tư duy gắn phát triển với bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên - nhân văn, văn hóa - lịch sử. Kế thừa các giá trị truyền thống trong từng bước đi, từng quyết sách của mình, Hạ Long bước tới tương lai phát triển với sự tự tin và sức trẻ của thành phố tuổi 20./.