TCCS - Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã thu được một số kết quả, tuy nhiên, về lâu dài, cần chú ý một số định hướng chính sách.
Nông nghiệp công nghệ cao - xu hướng tất yếu
Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp có sự kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống cùng với áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhằm tạo bước đột phá về chất lượng và năng suất, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ mang lại giá trị và hiệu quả cao cho nền nông nghiệp:
Một là, hiệu quả vượt trội. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng tăng cao, nhất là nông sản sạch. Mặt khác, tình trạng đất đai ngày càng bị thoái hóa do sử dụng và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kèm theo sự tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng nền nông nghiệp và tốn nhiều chi phí sản xuất. Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao giúp nhà nông giám sát cây trồng và giải pháp hiệu quả từ gieo sạ, rải phân, phun thuốc. Ứng dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp sẽ thu thập các thông tin nhanh chóng, có thể dự đoán, phỏng đoán các điều kiện canh tác, tình trạng sâu bệnh hại theo thời gian thực, từ đó có giải pháp phòng trừ bệnh kịp thời nhanh chóng.
Hai là, bảo vệ môi trường. Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, không khí. Canh tác nông nghiệp bằng công nghệ IoT giúp nông dân phân bổ chính xác tài nguyên cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đồng thời, bảo vệ môi trường đất, nước do chất thải, thuốc bảo vệ thực vật gây ra, góp phần giảm tỷ lệ ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất.
Ba là, tiết kiệm chi phí. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp nhà nông tiết kiệm nước và năng lượng mà còn làm cho nông nghiệp xanh hơn, giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Bên cạnh đó, tiết kiệm chi phí thuốc BVTV và thuê nhân công. Hiệu suất làm việc tăng gấp 20 lần so với phương pháp thủ công trước đây. Các sản phẩm được thu hoạch được sạch hơn, chất lượng hơn và năng suất cao hơn so với các phương pháp nông nghiệp truyền thống.
Bốn là, tốc độ nhanh chóng. Một trong những lợi ích của việc sử dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp là tốc độ của quy trình được cải tiến hơn. Do sử dụng hệ thống theo dõi và dự đoán thời gian thực. Nhờ vậy, nông dân có thể nhanh chóng phản ứng với bất kỳ thay đổi nào. Ví dụ các thay đổi về thời tiết, độ ẩm, cũng như tình trạng sâu bệnh hại của từng loại cây trồng hoặc đất trên đồng ruộng đều được phát hiện kịp thời và nhanh chóng. Đối với máy bay nông nghiệp, việc phun thuốc chỉ mất từ 7 - 10 phút trên/ha ở mọi cây trồng, mọi địa hình.
Ở điều kiện thời tiết thay đổi, các thiết bị công nghệ cao đều hoạt động ổn định và hiệu quả. Đây là công cụ giúp các chuyên gia nông nghiệp dễ dàng cập nhật tình trạng cây trồng, vật nuôi, đồng thời, mang đến giải pháp phòng trừ sâu bệnh cho nhà nông hiệu quả. Trang trại nông nghiệp công nghệ cao thông minh sử dụng các máy móc, như máy bay không người lái, máy bay viễn thám, robot không người lái, thiết bị giám sát nông nghiệp và hệ thống quản lý nông nghiệp bằng công nghệ IoT. Các thiết bị này có khả năng vận hành từ giai đoạn bắt đầu sản xuất cho đến thu hoạch; có khả năng dự đoán chính xác năng suất cho cây trồng; thu thập dữ liệu nông học, dự đoán thời tiết, sâu bệnh hại trên cây trồng; truy xuất nguồn gốc cây trồng. Hệ thống ứng dụng của trang trại có thể thay thế hầu hết các hoạt động của con người trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Ninh Bình
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình đã có những định hướng, giải pháp phát triển hiệu quả và đổi mới một cách toàn diện. Trong đó, chú trọng sản xuất theo hướng chất lượng, quy trình tiêu chuẩn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với chính sách ưu tiên của tỉnh, người dân đã tiếp cận với công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân tiếp cận với công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào sản xuất trên các lĩnh vực, gần đây nhất là Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, ngày 15-7-2022, của Hội đồng nhân dân tỉnh, quy định về “Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”. Nhờ đó, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao có quy mô nhỏ và vừa, mang lại lợi nhuận gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây.
Theo thống kê hằng năm, ngành nông nghiệp Ninh Bình đã thực hiện bình quân 100 đề tài, chương trình, dự án, trên 400 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đáng chú ý là việc phối hợp phục hồi và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản, như khoai sọ Yên Quang, dứa Đồng Giao, dê núi Ninh Bình, cơm cháy, mắm tép Gia Viễn, ngao Kim Sơn, đào phai Tam Điệp, chè Ba trại Quang Sỏi, cá rô Tổng Trường, Trà Hoa Vàng,... Nổi bật nhất trong lĩnh vực trồng trọt, với diện tích sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đạt trên 34%, hình thành 17 vùng rau củ quả an toàn; 6 vùng cây ăn quả như dứa, chuối, ổi, na và cây có múi... cho thu nhập trung bình 250 - 300 triệu đồng/héc-ta/năm.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần để các địa phương trong tỉnh thực hiện thành công mục tiêu Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Nếu như giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh mới có 54 sản phẩm thì riêng 2022, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, toàn tỉnh đã có 47 sản phẩm và trong năm 2023 có thêm 82 sản phẩm được công nhận. Nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 183 sản phẩm; trong đó có 70 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Kết quả trên đã cho thấy, Chương trình OCOP đã tiếp tục lan tỏa sâu rộng và phát triển mạnh mẽ theo hướng kết hợp giữa tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học - công nghệ tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng.
Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP nhằm phát triển mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao gắn với du lịch, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh xác định tiếp tục khảo sát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh, nhất là với nhóm thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, dược liệu, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn..., đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập, đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình còn ít hơn nhiều lần so với số lượng doanh nghiệp nông nghiệp. Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Quá trình tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn trong tỉnh cũng còn nhiều bất cập. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra, tỉnh sẽ không tiêu thụ hoặc khó tiêu thụ được. Nguồn lực chủ yếu để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, không chỉ thiếu, mà còn yếu, đó là hộ nông dân và doanh nghiệp…
Định hướng chính sách trong thời gian tới
Thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ là rất cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng còn gặp nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết, trong đó cần chú trọng một số định hướng chính sách:
Về cơ chế, chính sách có liên quan đến nguồn vốn
Đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vốn là yếu tố vô cùng quan trọng. Do đó, tỉnh Ninh Bình cần có chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiếp cận được với nguồn vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao. Các cơ quan chức năng cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành. Tỉnh Ninh Bình cần có chính sách hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, kết cấu hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần được hỗ trợ xúc tiến thị trường thông qua nhiều hình thức, như tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ và khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các website quảng bá sản phẩm. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để đăng ký thành các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, được tạo điều kiện tiếp cận thông tin về khoa học - công nghệ nước ngoài; cần tiếp cận nhanh thông tin về các nghiên cứu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, thị trường… trong sản xuất, thương mại.
Về khoa học - công nghệ
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành, viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tập hợp các dữ liệu, tài liệu, mô hình đã có. Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Global Gap); tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhân lực có vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, cần có hình thức đào tạo phù hợp, có thể dài hạn hoặc ngắn hạn cho cán bộ trẻ có có năng lực học tập và nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (công nghệ sinh học, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản đáp ứng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) tại các viện, học viện, các trường đại học trong nước và các nước có trình độ khoa học - công nghệ phát triển. Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học - công nghệ, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, nhân lực của doanh nghiệp, kỹ thuật viên của hợp tác xã, tổ hợp tác; đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân, tập huấn cho các doanh nghiệp, nông dân về kiến thức công nghệ cao trong nông nghiệp, khuyến khích triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao./.
Tỉnh Ninh Bình thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau  (15/09/2024)
Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống làm cói bền vững  (11/09/2024)
Một số giải pháp góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình  (10/09/2024)
Nỗ lực phục hồi nghề gốm cổ Bồ Bát  (08/09/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam