Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội góp phần hiện thực hóa bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
TCCS - Tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu, là động lực của phát triển bền vững đất nước, thể hiện bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang xây dựng. Việc thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội cũng góp phần bổ sung lý luận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Chủ trương, đường lối xuyên suốt của Đảng trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
Có thể nói, tiến bộ, công bằng xã hội là yếu tố gắn bó mật thiết với đời sống nhân loại trong mọi giai đoạn phát triển của lịch sử (1); đồng thời, là một trong những nội dung quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương lớn của Đảng, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa trong tiến trình cách mạng Việt Nam, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ trong thực tiễn, vừa là động lực then chốt của sự phát triển; bảo đảm mọi thành viên xã hội được hưởng thụ tương xứng với những kết quả đóng góp trong lao động, cũng như kiến tạo sự bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội, nguồn lực để mỗi cá nhân có thể phát triển. Tiến bộ, công bằng xã hội, do đó, là trụ cột của sự phát triển bền vững.
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm đặt con người ở vị trí trung tâm; do đó, việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội luôn được nghiên cứu, cụ thể hóa trong từng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ lớn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Mặt khác, tiến bộ, công bằng xã hội còn hàm chứa nội dung bảo đảm cuộc sống ấm no, ổn định của mọi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người yếu thế, nhóm xã hội có đời sống còn nhiều khó khăn; thực hiện an sinh xã hội theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với chủ trương: “Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo”(2).
Ngay từ Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với việc giải quyết các mục tiêu xã hội nhằm bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội được đặt ra: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”(3); do đó, cần “thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(4). Đến đại hội XI (năm 2011), sự phát triển nhanh và bền vững trở thành yêu cầu xuyên suốt, đồng thời, chỉ rõ tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường(5). Năm 2016, Đại hội XII của Đảng có nhiều bước phát triển mới về nhận thức, quan điểm, khi khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(6).
Đến nay, đất nước chuyển mình bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường mở rộng kinh tế đối ngoại,… nhằm nâng cao tiềm lực kinh tế quốc gia, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, bảo đảm tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội,… Chính vì vậy, việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, như kinh tế tăng trưởng nhanh, chất lượng được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm; văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ được nâng cao; môi trường sinh thái được quan tâm, bảo vệ; con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp,...
Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta chỉ rõ cần tập trung “ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng”(7); chú trọng xây dựng thể chế, pháp luật và khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đồng thời, “phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường”(8); thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình doanh nghiệp,... góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế; từ đó, tạo cơ sở, điều kiện để thực hiện tiến bộ, công bằng về khía cạnh xã hội ở từng giai đoạn cụ thể.
Bên cạnh đó, nhằm xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững, cần bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội; cần xây dựng một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm(9); đồng thời, xác định rõ “đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”(10). Đó cũng là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội.
Những kết quả, thành tựu nổi bật
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã vượt qua tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia đang phát triển với thu nhập trung bình và tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; việc quản lý, phát triển xã hội luôn được gắn liền với nhiệm vụ thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội(11). Thực tế, việc hiện thực hóa các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ yêu cầu của sự phát triển toàn diện nhằm đạt được những mục tiêu phát triển trong đa dạng các chiều cạnh xã hội, lĩnh vực hoạt động của con người, các mối tương quan về lợi ích và điều kiện phát triển (kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử,…). Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều trở ngại, điểm nghẽn xuất hiện, đặc biệt là việc các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm cách chống phá, phủ nhận những nỗ lực, thành quả của Đảng và Nhà nước và nhân dân ta; cố tình bôi đen về một Việt Nam “thụt lùi”, “không có dân chủ”, “nhân quyền”, “thiếu tiến bộ, công bằng xã hội”(?!) bằng thủ đoạn cắt ghép, ngụy tạo hòng làm trầm trọng hóa tình trạng khó khăn, phân hóa, chênh lệch giàu nghèo,... Tuy vậy, những âm mưu đó nhanh chóng bị bóc trần bởi sự thật là nhân dân ta ngày càng được thụ hưởng những giá trị thực tế của tiến bộ, công bằng xã hội qua mỗi giai đoạn cách mạng, qua từng chặng đường phát triển; đặc biệt, trong quá trình phát triển đất nước, Nhà nước ta đã giải quyết thành công nhiều các vấn đề xã hội(12), điều này được thể hiện chủ yếu trên một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, sau gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế đất nước có những bước phát triển quan trọng, đạt được nhiều thành tựu to lớn, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá trong nhiều năm, quy mô nền kinh tế lớn hơn rất nhiều so với trước(13); từ một nước bị thiếu lương thực, đến nay, không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thuộc nhóm đầu thế giới. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ liên tục tăng (chiếm khoảng 85% GDP); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 620 tỷ USD (năm 2022)(14); dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 110 tỷ USD (năm 2021)(15); năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của các nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD (bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021)(16). Mặt khác, cơ cấu nền kinh tế có sự thay đổi, tổng sản phẩm quốc nội của cả nước có đóng góp khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, nhận thức và kết quả trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội của các cấp, ngành và toàn dân được nâng lên, được thể hiện qua các các chỉ tiêu về giảm thiểu bất bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo (điển hình là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; sự phân phối thu nhập được giữ trong ngưỡng khá an toàn so với các nước cùng khung thu nhập. Đồng thời, Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói được hoàn thành; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo thời gian cùng quá trình tăng trưởng kinh tế, tổng số hộ nghèo cả nước khoảng 609 nghìn hộ (còn 2,23%)(17). Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần (tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị giảm từ 4,3% (năm 2010) xuống còn khoảng 3,1% (năm 2019), đến năm 2021 là 3,22%)(18). Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% (năm 2010) lên 91% (năm 2021)(19); tuổi thọ trung bình đạt 76,3 tuổi, số năm sống khỏe sau tuổi 60 đạt 17,2 năm (đứng thứ 42/183 nước). Hiện nay, nước ta đã thực hiện nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong bảo đảm bình đẳng giới thông qua các luật, chiến lược và chính sách, được thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, xã hội; tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 30,26%(20), tăng 3,54% so với nhiệm kỳ trước (trở thành nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 25% trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Thứ ba, lĩnh vực giáo dục, phát triển con người được đặc biệt chú trọng thông qua nhiều định hướng, chính sách; giáo dục - đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người, nước ta tập trung hoàn thành nhiệm vụ xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000) và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2010); số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 18 lần trong 36 năm qua; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 trên cả nước đạt 97,85%; 90,8% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ trở lại; đồng thời, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; có 21/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3(21). Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cũng có xu hướng tăng đều qua các năm, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giải pháp tiếp tục thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thời gian tới
Từ quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước đến những thành quả thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong thực tiễn là minh chứng khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã và đang xây dựng. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, cần quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm triển khai “đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”(22). Như vậy, để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong bối cảnh mới, cần tiến hành những định hướng và giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời, theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào quá trình sản xuất, kinh doanh và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội - đây là nguyên tắc phân phối công bằng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Do đó, cần tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thành các chính sách, kế hoạch, dự án cụ thể; khắc phục tình trạng chỉ chạy theo lợi ích kinh tế, làm mất đi các giá trị nhân văn, đạo đức tốt đẹp. Các chính sách phát triển kinh tế phải hướng tới thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời, tập trung xây dựng mô hình quản lý, phát triển xã hội hài hòa, phù hợp với tình hình mới.
Thứ hai, thực hiện tốt chính sách ưu đãi và trợ giúp xã hội, chú trọng bảo đảm quyền con người, lấy con người làm trung tâm, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng yếu thế nhằm rút ngắn khoảng cách về mức sống và mức độ tiếp cận các nguồn lực xã hội khác thông qua các giải pháp tiếp cận cơ hội bình đẳng. Mặt khác, tăng cường các hoạt động hỗ trợ người nghèo, nhóm người yếu thế trong tiếp cận với giáo dục nhằm tạo dựng sinh kế bền vững cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, bối cảnh mới tạo ra nhiều nhóm lợi ích với nhu cầu khác nhau nên cần có sự quan tâm, chú trọng đến nguyện vọng của các nhóm xã hội; đa dạng hóa các hình thức để tranh thủ, tận dụng ý kiến của các chuyên gia từng lĩnh vực trong quá trình xây dựng, ban hành các chính sách.
Thứ ba, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và các cơ sở sản xuất, kinh doanh về vị trí, vai trò quan trọng của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hiện nay trong từng chính sách phát triển cụ thể. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh với xu hướng tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích vật chất bằng mọi giá, rời xa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; mặt khác, thực hiện bảo đảm quyền con người như là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước vì tiến bộ xã hội.
Thứ tư, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội phát triển; cần tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Đồng thời, phải dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta trong những năm tới nhằm xây dựng các chính sách phát triển phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới; xử lý hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát sự phân tầng xã hội và giải quyết kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục gắn “chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, quan tâm lĩnh vực công tác xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là với lao động khu vực phi chính thức”(23).
Thứ năm, chú trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển toàn diện con người, đặt vị trí, quyền lợi của người dân làm trung tâm trên cơ sở nhất quán lấy hiệu quả kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội làm tiền đề để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Xác định quan điểm cụ thể trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội với cốt lõi là công bằng về cơ hội phát triển, thực hiện phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng, ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững; đồng thời, triển khai “đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”(24)./.
-----------------------
(1) Xem: Đoàn Trường Thụ: Quyền con người trong tiến bộ xã hội, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 9
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 269
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 86
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr. 86
(5) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 201l, tr. 21
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 87
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 203
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 132
(9) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 21
(10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 27
(11) Xem: Đinh Thị Hương Giang: “Quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27-11-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/826407/quan-ly-phat-trien-xa-hoi-gan-voi-thuc-hien-tien-bo-va-cong-bang-xa-hoi-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx
(12) Xem: Đoàn Trường Thụ: Quyền con người trong tiến bộ xã hội, Sđd, tr. 164
(13) Mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm; quy mô GDP không ngừng được mở rộng (năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong các nước ASEAN; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 3,5 nghìn USD); từ 2008, Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp.
(14) Thế Hoàng: “Kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD, sắp bằng cả năm 2021”, Báo Đầu tư online, ngày 24-10-2022, https://baodautu.vn/ky-luc-xuat-nhap-khau-620-ty-usd-sap-bang-ca-nam-2021-d176153.html
(15)Thanh Xuân: “Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục”, Báo Thanh niên điện tử, ngày 12-3-2022, https://thanhnien.vn/du-tru-ngoai-hoi-tang-ky-luc-post1437839.html
(16) Đức Trung: “Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 26-12-2022, https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=56361&idcm=188
(17) Phúc Minh: “Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 2,23%”, Tạp chí điện tử VnEconomy, ngày 24-2-2022, https://vneconomy.vn/ty-le-ho-ngheo-ca-nuoc-giam-con-2-23.htm
(18) Nhật Hồng: “Nghịch lý: Tỷ lệ thất nghiệp cao, doanh nghiệp lại thiếu nguồn lao động”, Báo Dân trí điện tử, ngày 21-7-2022, https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nghich-ly-ty-le-that-nghiep-cao-doanh-nghiep-lai-thieu-nguon-lao-dong-20220721075647142.htm
(19) TG: “Cần giải pháp quyết liệt để nâng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 5-10-2022, https://dangcongsan.vn/bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-vi-an-sinh-xa-hoi/tin-tuc/can-giai-phap-quyet-liet-de-nang-ty-le-bao-phu-bhyt-toan-dan
(20) “Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XV là 30,26%”, Trang Thông tin điện tử Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ngày 10-6-2021, https://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ty-le-nu-%C4%91ai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-la-30-26--38936-1.html
(21) Thanh Hằng: “Hơn 97% người Việt biết chữ”, Báo điện tử VnExpress, ngày 18-6-2021, https://vnexpress.net/hon-97-nguoi-viet-biet-chu-
(22), (23), (24) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 147 - 148, 148, 150
Quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay  (27/11/2022)
Thủ đô Hà Nội khẳng định vị trí trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng  (11/11/2022)
Mối quan hệ giữa pháp luật và quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (22/08/2022)
Từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Suy ngẫm về sự tỏa sáng giá trị văn hóa Việt Nam  (22/07/2022)
Bảo đảm công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (09/04/2022)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm