Đối ngoại Hà Nội: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo nguồn lực và thúc đẩy Thủ đô phát triển
TCCS - Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới, trong thời gian qua, công tác đối ngoại của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Hà Nội không ngừng nỗ lực chủ động hội nhập, phát triển, đồng thời nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng
Trong bối cảnh hội nhập và hợp tác đa phương đã trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 28-6-2016, của Thành ủy Hà Nội, “Về đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020”; Kế hoạch số 23-KH/TU, ngày 20-4-2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, “Về hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2021”; các chỉ thị và các dịp lãnh đạo Đảng và Nhà nước làm việc trực tiếp với lãnh đạo thành phố, Hà Nội đã có nhiều bước đi đột phá “hòa mình” vào dòng chảy của thời đại và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại, qua đó góp phần không nhỏ vào tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 đưa Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới nói riêng, cũng như nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương tốt đẹp với thủ đô, thành phố các nước, các tổ chức trên thế giới. Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, đến nay, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với khoảng 110 thủ đô, thành phố, địa phương của các nước trên thế giới, bao gồm các nước ASEAN; các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Á - Thái Bình Dương (Australia, New Zealand…), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Đông Âu (Nga, Séc, Ba Lan…); các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Bỉ…). Trong đó, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố của các nước và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại thành phố Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. Hà Nội xác định 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những “cánh tay nối dài” của đất nước và của doanh nghiệp Việt Nam tại các địa bàn; đồng thời, khẳng định mục tiêu duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thủ đô, thành phố, các tổ chức quốc tế trên thế giới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột: ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa; tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực. Các chuyến thăm, tiếp đón, làm việc với các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo thành phố đã trở thành hoạt động thường xuyên, ước tính gần 250 lượt/năm.
Về hợp tác đa phương, thành phố Hà Nội là thành viên của nhiều tổ chức liên đô thị quốc tế, tham gia nhiều dự án chung, dự án hỗ trợ, hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, trao đổi chuyên gia… Hà Nội hiện là thành viên chính thức và tham gia tích cực các hoạt động của Hiệp hội Thị trưởng các thành phố sử dụng tiếng Pháp trên thế giới (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis), Mạng lưới các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (CityNet), Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời (LHC), Mạng lưới các thành phố lớn châu Âu thế kỷ XXI (ANMC21).
Hà Nội cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, như Tọa đàm “Gặp gỡ Canada”; Tọa đàm “về phát triển thành phố thông minh” với Bộ Thương mại Mỹ và 18 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố thông minh và chính phủ điện tử… Năm 2019, tròn 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, Hà Nội trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Quan hệ giữa thành phố Hà Nội với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được cải thiện. Tính đến nay, thành phố đã ký kết hơn 10 thỏa thuận quốc tế, tiếp hơn 204 đoàn ngoại giao, lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp quốc tế đến thăm và làm việc. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ban, ngành Trung ương chuẩn bị tốt các công tác hậu cần, an ninh, hoàn thành xuất sắc vai trò thành phố chủ nhà của Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2-2019. Sự kiện đó để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng. Mới đây nhất, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Hội nghị có ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cho thấy năng lực, sự tin tưởng, uy tín trong các sự kiện lớn, cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn nhờ môi trường hòa bình và ổn định. Trước đó, Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thành công các sự kiện chính trị đối ngoại khác, như Đại hội đồng lần thứ XVI Hội đồng quốc tế các Đài Phát thanh và Truyền hình sử dụng tiếng Pháp, Đại hội Luật gia dân chủ quốc tế lần thứ XVII và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ III (AI Games III), Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80…
Thứ hai, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại. Việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hà Nội hiện có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh đối ngoại kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Hà Nội đã tích cực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy và khai thác các dự án hợp tác kinh tế song phương và đa phương, thuộc các lĩnh vực đào tạo, xử lý môi trường, giao thông, cung cấp thiết bị và phân loại rác, cấp thoát nước, xây dựng, quy hoạch... Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế; là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giai đoạn 2016 - 2020, GDP của thành phố Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng 7,39%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.420 USD, gấp 1,8 lần cả nước. Thị trường xuất - nhập khẩu được duy trì, mở rộng; kim ngạch xuất khẩu bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,52% (1). Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội vẫn tăng trưởng khá, đạt khoảng 16.780 triệu USD (2). Năm 2021, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của thành phố với kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020, một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Cụ thể, hàng dệt may tăng hơn 18%, máy móc thiết bị, phụ tùng tăng gần 20%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng trên 40%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng hơn 39%, giày dép tăng 55% (3). Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng qua các năm.
Trong thời gian qua, Hà Nội cũng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt các dự án ngày càng được đơn giản, thông thoáng, minh bạch hơn. Việc áp dụng cơ chế “một cửa” liên thông đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Hà Nội. Qua đó góp phần cải thiện các chỉ số cạnh tranh như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 18 bậc, đứng thứ 33/63; Chỉ số cải cách hành chính tăng 2 bậc, đứng thứ 5/63; Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ hai… Hà Nội cũng đang là thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO)… Từ nay đến cuối năm 2022, Hà Nội sẽ tổ chức triển khai Kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế thành phố giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thứ ba, tăng cường văn hóa đối ngoại. Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa với các địa phương, trọng tâm là các tỉnh, thành phố, thủ đô của các nước trên thế giới, như tăng cường hợp tác với Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc), Macau, Hong Kong (Trung Quốc), Sophia (Hungary), Moscow và Saint - Peterburg (Nga), Leon (Pháp)…; đẩy mạnh và củng cố quan hệ hợp tác với các Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam,… nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội đến với bạn bè quốc tế, góp phần duy trì, giữ vững và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương nước ngoài; tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại nói chung.
Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo sát sao các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử, như Ban Quản lý di tích văn hóa, Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò, Đền Ngọc Sơn...; tổ chức tiếp đón, giới thiệu về di tích cho nhiều đoàn khách cấp cao ngoại giao và quốc tế, như đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đại sứ quán Australia, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Azerbaijan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hungary, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada, Bí thư thành phố Thượng Hải (Trung Quốc)... Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa phi vật thể tới bạn bè quốc tế, nâng cao sức hấp dẫn của ngành du lịch Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, sau hai thập niên đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục ghi danh vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của UNESCO (năm 2019). Đây là sự ghi nhận và nguồn động lực cho những nỗ lực của Thủ đô, đồng thời là cơ hội thuận lợi để Hà Nội định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới. Việc tham gia “Mạng lưới thành phố sáng tạo” tạo cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô với thế giới. Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại của Hà Nội vẫn tồn tại một số hạn chế. Đơn cử như, việc hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về các hoạt động đối ngoại chưa kịp thời với tình hình thực tế, tác động không nhỏ tới việc cụ thể hóa và thi hành thể chế do Trung ương ban hành; việc triển khai công tác thanh tra đối ngoại còn chậm; việc triển khai đường lối và chính sách đối ngoại trong thực tiễn vẫn chưa mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện; việc tạo đan xen lợi ích, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, xây dựng các khuôn khổ quan hệ thực chất và hiệu quả, triển khai các thỏa thuận đã ký kết thực chất, tham gia và tận dụng các thể chế đa phương, nhất là ASEAN để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Việt Nam vẫn còn chưa được như mong muốn; trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân sự làm công tác đối ngoại chưa đồng đều, chưa thực sự chủ động trong công tác nghiên cứu và tham mưu các vấn đề quốc tế để phục vụ công tác đối ngoại, số lượng nhân sự làm công tác đối ngoại còn ít so với khối lượng công việc phải đảm nhiệm cũng như yêu cầu ngày càng tăng của thành phố đối với công tác đối ngoại…
Tiếp tục “định vị” Hà Nội trong khu vực và trên thế giới
Thực tiễn hoạt động đối ngoại của Hà Nội, nhất là qua những thành tựu đối ngoại nổi bật của Thủ đô trong thời gian qua, có thể thấy sự phong phú, sôi động của hoạt động ngoại giao, từ chủ thể cho đến đối tượng trong những thời kỳ khác nhau và nhiệm vụ khác nhau; đồng thời, mang nội dung phong phú, nét độc đáo văn hóa đối ngoại. Đó là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống bản sắc Việt Nam/Hà Nội nghìn năm văn hiến, với nét hiện đại trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với tinh thần hội nhập tích cực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, các hoạt động đối ngoại của Thủ đô mang tầm vóc, diện mạo mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của cả nước, nâng cao vị thế, vai trò của Thủ đô trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, tác động đa chiều tới tình hình trong nước cũng như việc triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại Hà Nội xác định:
Một là, bám sát và triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra; xác định rõ các mục tiêu đối ngoại trong từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đối ngoại có tính thống nhất và bổ trợ lẫn nhau; tiếp tục bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch số 23-KH/TU, ngày 20-4-2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, “Về hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội năm 2021”, qua đó, hoàn thiện thể chế, tăng cường nghiên cứu, tìm ra những cách làm mới, giải quyết các nhiệm vụ đối ngoại theo hướng hiệu quả và sáng tạo.
Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15-4-2010, của Ban Bí thư, “Về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; đẩy mạnh tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); đẩy mạnh xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, đề án cụ thể để triển khai các chương trình công tác theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025…
Ba là, tối ưu hóa mọi điều kiện, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nhất là tiềm năng kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động ảnh hưởng đến kinh tế cả nước cũng như kinh tế Hà Nội, Thủ đô cần nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển, quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Hà Nội có tiềm năng trí tuệ khoa học lớn cần được khai thác, tận dụng tối đa. Điều này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của Thủ đô. Sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp là cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh của Hà Nội, góp phần xây dựng kinh tế tri thức mà Hà Nội là thành phố đi đầu về lĩnh vực này. Đây không chỉ là sự đáp ứng đối với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ mà còn là đòi hỏi cấp thiết để Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới.
Bốn là, nâng cao hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động, chương trình đối ngoại với các hình thức đa dạng, đổi mới, phù hợp với hoàn cảnh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong tổ chức các hoạt động đối ngoại; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ đối ngoại cho các quận, huyện, ban, ngành, nhằm đưa hợp tác quốc tế vào các hoạt động của thành phố, góp phần xây dựng và nâng tầm “thương hiệu” của Thủ đô Hà Nội, qua đó thu hút thêm nguồn lực phát triển Thủ đô.
Năm là, đầu tư mạnh vào “nguồn vốn” con người thông qua giáo dục - đào tạo để có được những thế hệ đội ngũ công chức Hà Nội làm công tác đối ngoại giàu trí tuệ, bản lĩnh, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức về khoa học - công nghệ tiên tiến, thể lực khỏe,… bởi họ chính là nguồn lực lao động chủ yếu góp phần vào công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, họ chính là “cầu nối” để bảo đảm công tác đối ngoại của Hà Nội mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, xứng tầm với danh tiếng Thủ đô văn minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Có thể nói, những thành tựu trong công tác đối ngoại của Hà Nội trong những năm qua sẽ tiếp tục là lực đẩy tạo tiền đề vững chắc để Hà Nội tiếp tục hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả, phát huy vai trò và vị thế là “trái tim” của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước./.
----------------------
(1) Xem: Quang Phú: “Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Công thương khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025”, ngày 10-6-2020, https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2838189/ai-hoi-ang-bo-co-quan-so-cong-thuong-khoa-xx-nhiem-ky-2020---2025.html;jsessionid=BJ1UC5A+xzmA-4rBeSrShdDl.app2
(2) Xem: Nguyễn Hạnh: “Hà Nội phấn đấu tăng 5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021”, ngày 8-2-2021, https://congthuong.vn/ha-noi-phan-dau-tang-5-kim-ngach-xuat-khau-hang-hoa-nam-2021-152212.html
(3) Nam Giang: “Thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 5% trong năm 2022”, Thông tấn xã Việt Nam điện tử, ngày 19-1-2022, https://www.vietnamplus.vn/thu-do-ha-noi-dat-muc-tieu-xuat-khau-tang-5-trong-nam-2022/769179.vn
Ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống thành phố Hà Nội - triển vọng và thách thức sau đại dịch COVID-19  (01/10/2022)
Một số giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới  (01/10/2022)
Kinh tế đối ngoại Hà Nội trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế  (29/09/2022)
Cơ cấu lại nông nghiệp Hà Nội dựa trên lợi thế so sánh  (29/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm