Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh
TCCS - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu, đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại và đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Theo đó, việc phát triển mạng lưới hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số là những bước đi để Hà Nội hướng tới trở thành đô thị thông minh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, điều hành
Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Theo đó, kinh tế của Thủ đô duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Quy mô GRDP năm 2021 đạt 1,067 triệu tỷ đồng, gấp 3,9 lần năm 2008, chiếm 65,4% quy mô GRDP vùng đồng bằng sông Hồng và 17,7% tổng sản phẩm (GDP) bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục có sự cải thiện. Để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đã thiết lập hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn thành phố và giữa thành phố với cả nước. Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, thành phố đã tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục. Nhờ đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa rất nhiều. Đến nay, 100% số thủ tục hành chính của Hà Nội được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của thành phố đạt 100%. Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế việc nhũng nhiễu, chậm trễ.
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định. Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả ba cấp (năm 2021 đạt trên 89%). Ở lĩnh vực môi trường, thành phố cũng đang vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động; 6 trạm quan trắc nước mặt; giám sát dữ liệu quan trắc của 29 trạm quan trắc nước thải, 5 trạm quan trắc nước dưới đất và 1 trạm quan trắc khí thải của các khu, cụm công nghiệp. Các trạm này thường xuyên cung cấp những thông tin quan trọng cho cơ quan quản lý và người dân; xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, cách khắc phục phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội xây dựng và cung cấp ứng dụng HSDC Maps trên điện thoại thông minh, giúp người dân nhận biết được các tuyến đường nội đô bị ngập lụt; cung cấp các tuyến đường thay thế, đường vòng để tránh các điểm đang ngập. Hiện nay, hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại 16 địa điểm thường xuyên úng ngập nặng nằm trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy. Hình ảnh tại các điểm được cập nhật 24/24h nhờ công nghệ hồng ngoại. Toàn bộ hệ thống dữ liệu do camera ghi nhận sẽ được truyền về trung tâm giám sát. Thông qua hình ảnh thực tế cung cấp từ hiện trường này, Trung tâm sẽ điều phối nhân lực, thiết bị, máy móc để xử lý kịp thời, linh hoạt tình trạng úng ngập. Những giải pháp, ứng dụng thông minh này đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao công tác quản lý, điều hành của thành phố và phục vụ người dân tốt hơn.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ triển khai của thành phố vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ. Nhiều dự án, đề án vẫn đang dừng ở trên giấy hoặc mới đang là dự thảo, chất lượng cung cấp các dịch vụ, ứng dụng thông minh còn nhiều vấn đề cần khắc phục, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu… Công tác cải cách hành chính có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Thành phố vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các ứng dụng giao thông thông minh thiếu đồng bộ, chủ yếu là các ứng dụng thông thường, mức độ tự động hóa chưa cao. Theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội được định hướng là hạt nhân để hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh. Như vậy, việc trở thành một thành phố thông minh không chỉ là mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mà còn là kỳ vọng, mục tiêu của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, một trong những khâu đột phá quan trọng được xác định là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo trong toàn xã hội. Hà Nội cần trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực. Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học… đóng góp, đồng hành vì sự phát triển Thủ đô. Thành phố cần tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; có các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khu đô thị thông minh, các khu công nghiệp, công viên phần mềm… Công tác triển khai toàn bộ nền tảng chính quyền số phải thông suốt theo kiến trúc tổng thể để bảo đảm hiệu quả đầu tư; hệ thống nền tảng dùng chung bảo đảm tích hợp các yêu cầu chuyên môn của các đơn vị. Tinh thần và giải pháp trong công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh phải được thể hiện trong các kế hoạch, được cụ thể hóa triển khai trong thực tế.
Để hoàn thành mục tiêu nhanh chóng, phát triển chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Thời gian tới, Hà Nội hướng đến mục tiêu là địa phương đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử và xã hội số; về đổi mới sáng tạo, khai thác tốt hơn tiềm lực khoa học - công nghệ, đóng góp vào quá trình phát triển của thành phố./.
Hà Nội: Tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính  (08/09/2022)
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hợp tác về chuyển đổi số  (07/09/2022)
Tỉnh Đồng Nai hướng đến chuyển đổi số toàn diện  (06/09/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay