Tổ chức thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Vấn đề và giải pháp
TCCS - Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, trên cơ sở Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, thành phố Hà Nội đã xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Sau hơn 10 năm thực hiện, các tiêu chí văn hóa được triển khai đồng bộ, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Thủ đô.
Hà Nội chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí, gồm tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 16 (văn hóa). Hai tiêu chí trên thể hiện yêu cầu đạt chuẩn về kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, thể thao, vừa đặt ra các yêu cầu đạt chuẩn về nội dung mềm - giá trị cốt lõi của văn hóa. Việc thực hiện 2 tiêu chí văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc tổ chức lễ hội, tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân ttộc.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã huy động được nguồn lực đa dạng từ cộng đồng cư dân, doanh nghiệp để xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, thành phố có 24 thiết chế văn hóa thể thao thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc thành phố. Cấp huyện có 30 quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao. Cấp xã có 143/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn. 100% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã. Đối với cấp phường, việc xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao còn gặp nhiều khó khăn do chưa bố trí được quỹ đất. Trên thực tế các hoạt động của xã, phường, thị trấn chủ yếu sử dụng hội trường ủy ban nhân dân cấp xã. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố chủ trương đầu tư, hoàn thiện hệ thống các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, cụ thể: có 2.330/2.528 thôn, làng có nhà văn hóa; 1.689/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa. Bên cạnh đó, thành phố đầu tư trang thiết bị tập luyện thể dục, thể thao tại các vườn hoa, công viên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao từng bước được đổi mới, cơ sở vật chất được tăng cường, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thưởng thụ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Xây dựng các mô hình văn hóa sáng tạo, thiết thực
Xây dựng các “Gia đình văn hóa” là nội dung được thành phố Hà Nội quan tâm, chú trọng với mục tiêu phát huy vai trò hạt nhân của mỗi gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Các gia đình văn hóa là hạt nhân nòng cốt, tích cực, gương mẫu trong việc chấp hành các quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương. Việc đăng ký, bình xét, công nhận “Gia đình văn hóa” được tiến hành theo đúng quy định vào quý I hằng năm, ban hành quyết định công nhận trước ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18-11). Hằng năm, các địa phương tổ chức trao giấy công nhận “Gia đình văn hóa” tiêu biểu 3 năm liên tục, biểu dương “Gia đình văn hóa tiêu biểu” tại hội nghị tổng kết phong trào và hội nghị đại biểu nhân dân ở cấp xã, phường.
Phong trào xây dựng “Làng văn hóa” là nội dung chính trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành Hà Nội, được các địa phương hết sức chú trọng. Hệ thống nhà văn hóa các thôn, làng được đầu tư trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao. Công tác đăng ký, bình xét, công nhận, trao tặng danh hiệu “Làng văn hóa” được thực hiện theo đúng quy định do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành, hướng dẫn. Việc tổ chức trao tặng, đón nhận các danh hiệu văn hóa diễn ra nghiêm túc, trở thành Ngày hội văn hóa của các thôn, làng và tổ dân phố.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội có chuyển biến tích cực. Đối với việc cưới, các địa phương quán triệt thực hiện theo định hướng cưới “Trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm”. Hầu hết các đám cưới không còn sử dụng thuốc lá, không tổ chức nhiều ngày. Hằng năm, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đều theo dõi sát sao, kịp thời nhắc nhở các địa phương, đơn vị chấn chỉnh các hiện tượng tổ chức cưới chưa đúng quy định, dư luận không đồng tình hoặc phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc tổ chức tang lễ được thực hiện khá nghiêm túc. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan được khắc phục. Nhiều thủ tục trong tang lễ như lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc hầu như không còn. Việc tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc, đi vào nền nếp, bảo đảm hài hòa giữa phần lễ và hội.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện 2 tiêu chí văn hóa vẫn còn một số khó khăn nhất định. Một số cấp ủy, chính quyền, địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa chú ý tới việc thực hiện các nội dung của tiêu chí văn hóa, chưa triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao một cách thiết thực. Chất lượng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa bảo đảm. Việc kiểm tra, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa còn qua loa, đại khái, mang tính chất đối phó. Sự tham gia của cán bộ, tầng lớp nhân dân trong tổ chức, hưởng ứng các hoạt động văn hóa và xây dựng các điển hình văn hóa chưa đông đảo, sâu rộng.
Có thể nói, tiêu chí văn hóa có mối quan hệ hữu cơ và tác động nhiều chiều với các tiêu chí khác trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có nhà văn hóa đạt chuẩn, thời gian tới, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách cho các địa phương chưa có nhà văn hóa để xây dựng công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Do quá trình đô thị hóa ở các vùng ven đô và ngoại thành Hà Nội diễn ra nhanh chóng, nên trong quy hoạch thực hiện, các địa phương cần ưu tiên dành địa điểm thuận tiện, diện tích phù hợp cho việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao của cộng đồng. Cần chủ động hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đồng thời tăng cường giám sát để bảo đảm chất lượng công trình văn hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp,… trên địa bàn để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị, phục vụ hoạt động của nhà văn hóa, tu bổ, nâng cao chất lượng các công trình văn hóa, thể thao.
Trong quá trình hoạt động, các địa phương cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý nhà văn hóa một cách hợp lý. Đặc biệt cần tìm tòi, mở rộng chức năng của nhà văn hóa theo hướng đa năng, đa dạng để có thêm nhiều loại hình hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thu hút được sự tham gia của người dân địa phương. Tăng cường vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc tổ chức lễ hội. Xây dựng được các mô hình cưới đạt yêu cầu “trang trọng - vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”, phù hợp với phong tục, tập quán tại các vùng nội đô, ngoại thành và phù hợp với hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đối với việc tang, khuyến khích cán bộ, nhân dân dùng hình thức hỏa táng, tổ chức tang lễ tránh giờ cao điểm, giảm vòng hoa viếng, không tổ chức ăn uống tràn lan. Quy hoạch nghĩa trang khang trang, sạch đẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tiếp tục duy trì phong trào vệ sinh trở thành các hoạt động tự giác tại khu vực dân cư, trong hoạt động công sở, doanh nghiệp.
Việc tổ chức thực hiện hiệu quả 2 tiêu chí văn hóa nông thôn mới góp phần hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hạn chế những tác động tiêu cực, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô./.
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới - hướng đi phù hợp nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội  (05/11/2021)
Hà Nội tăng cường chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hội nhập quốc tế  (02/11/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị lấy ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô  (30/10/2021)
Thành phố Hà Nội: Xây dựng con người văn hóa, văn minh, thanh lịch  (29/10/2021)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay