Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025*
TCCS - Ngày 23-8-2021, tại Phiên toàn thể thứ nhất, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp này. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
“Thưa Ngài Pehin Dato Abdul Rahman Taib, Chủ tịch Hạ viện Hội đồng Lập pháp Vương quốc Brunei Darussalam, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA-42,
Thưa các vị chủ tịch, các vị trưởng đoàn nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên AIPA,
Thưa các quý vị đại biểu,
Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất đến Ngài Chủ tịch AIPA, các vị chủ tịch, phó chủ tịch nghị viện thành viên AIPA, các nghị viện quan sát viên, Tổng thư ký AIPA, Tổng Thư ký ASEAN và các vị đại biểu tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 42. Nhân dịp bước sang năm mới của người hồi giáo, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Ngài Chủ tịch AIPA, Vương quốc Brunei Darussalam và các bạn bè hồi giáo trong ASEAN. Cảm ơn sự nỗ lực và chuẩn bị tích cực của Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam để tổ chức Đại hội đồng AIPA-42 theo hình thức trực tuyến.
Thưa toàn thể quý vị,
Hơn một năm qua, thế giới và khu vực ASEAN tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn của đại dịch COVID-19, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, làm trầm trọng hơn bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về kỹ thuật số và an sinh, phúc lợi xã hội của người dân. Hơn bao giờ hết, đại dịch COVID-19 đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với các quốc gia cần đổi mới quản trị đất nước, điều chỉnh chính sách và những mục tiêu phát triển, trong đó có yêu cầu về chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế số nhằm kịp thời ứng phó với đại dịch, duy trì phát triển kinh tế - xã hội ổn định.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cùng với chuyển động khó lường của môi trường địa chính trị khu vực và quốc tế, chúng ta vui mừng nhận thấy Cộng đồng ASEAN tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng lực tự cường, bản lĩnh vững vàng và vai trò trung tâm của mình, đã hành động kịp thời, chung tay ứng phó đại dịch ngay từ khi mới bùng phát. Càng qua sóng gió, bản sắc của cộng đồng, tình cảm tương thân, tương ái giữa các quốc gia thành viên và người dân càng được củng cố và bồi đắp. Thông qua các sáng kiến lập Quỹ ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, lập Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh, đặc biệt là việc triển khai Kế hoạch chung của ASEAN mua vaccine hỗ trợ người dân và thúc đẩy năng lực tự cường về vaccine ở khu vực, các nước ASEAN đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao khả năng ứng phó chủ động của từng quốc gia, hỗ trợ lẫn nhau từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Với cách tiếp cận toàn diện, song song với kiểm soát đại dịch, ASEAN đang đẩy mạnh các biện pháp theo khung phục hồi tổng thể ASEAN, trong đó, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới mô hình phát triển được xem là đòn bẩy để sớm khôi phục đà tăng trưởng bền vững.
Đại dịch COVID-19 cũng là chất xúc tác để ASEAN tăng cường số hóa nền kinh tế, thích ứng và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách về số và bảo đảm bình đẳng số trong khu vực. Tôi hoan nghênh Hội nghị Bộ trưởng số của ASEAN nhóm họp tháng 1-2021 đã thông qua Kế hoạch tổng thể về số của ASEAN đến năm 2025; ủng hộ nỗ lực thông qua và sớm đưa vào triển khai Chiến lược về Cách mạng công nghiệp 4.0 của ASEAN nhằm tạo lập một Cộng đồng ASEAN đổi mới, sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.
Thưa quý vị,
Với tinh thần chủ đề của Đại hội đồng AIPA-42 tập trung thúc đẩy hợp tác nghị viện trong lĩnh vực số, để phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của AIPA và các nghị viện thành viên đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, bảo đảm tăng trưởng ổn định, phục hồi bền vững của ASEAN, tiếp tục là hạt nhân đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực, tôi xin chia sẻ một số ý kiến sau:
Một là, các nghị viện thành viên AIPA cần tích cực hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chính sách chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của chính phủ, quốc hội, tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phổ cập số đối với các đối tượng yếu thế, cung cấp dịch vụ số công bằng, bình đẳng, phù hợp với mức thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hai là, cần tích cực thúc đẩy và ủng hộ chính phủ các nước ASEAN triển khai các chương trình, kế hoạch và chiến lược về số trong ASEAN, cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác, các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số bao trùm, rút ngắn khoảng cách số. Tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối số, thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia, các vùng, miền nhằm bảo đảm phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN. Đề nghị AIPA tích cực hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh triển khai các nội dung liên quan thúc đẩy kết nối số, phổ cập số ở các khu vực kém phát triển, trong đó có các tiểu vùng của ASEAN, trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn IV.
Ba là, cần khuyến khích các nguồn lực xã hội để phát triển hệ sinh thái số thông qua hình thức hợp tác công - tư, tạo môi trường vườn ươm doanh nghiệp để phát triển doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp số. Đặc biệt, cần tạo điều kiện lồng ghép triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN vào các kế hoạch của từng quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số nhằm ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, tăng cường các chính sách và khung pháp lý, ủng hộ các sáng kiến trong khuôn khổ các kênh hợp tác của ASEAN cũng như với các đối tác về bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu, tạo lập niềm tin trong không gian số. Hạ tầng số hiện đại cùng với niềm tin số sẽ tạo ra một không gian mới rộng mở cho sự phát triển nhanh và bền vững của các nước ASEAN.
Năm là, trước diễn biến phức tạp hiện nay của đại dịch COVID-19, tôi kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19; đề nghị tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vắc-xin, thuốc và trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19. Tôi cũng đề nghị nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19 (như Quốc hội Việt Nam, khóa XV đã thực hiện trong kỳ họp đầu tiên vào tháng 7 vừa qua).
Thưa quý vị,
Mọi nỗ lực phục hồi và phát triển của các quốc gia sẽ không thể thiếu điều kiện tiên quyết, đó là môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của chính phủ các nước ASEAN thời gian qua, với sự đồng hành và ủng hộ tích cực của các nghị viện thành viên AIPA trong duy trì và thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh, hợp tác và ổn định bền vững ở khu vực, trong đó có Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện DOC và sớm đàm phán để ký kết COC.
Thưa Ngài Chủ tịch và các quý vị,
Vượt qua mọi khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức rất thành công bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội Việt Nam vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới, đang nỗ lực không ngừng tự đổi mới, tự hoàn thiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nhằm góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của AIPA, vì sự phát triển của ngoại giao nghị viện và quyền lợi của mọi người dân trong ASEAN.
Nhân dịp này, xin chúc Ngài Chủ tịch và các quý vị đại biểu sức khỏe, thành công trên cương vị cao cả của mình, cùng đồng hành với chính phủ và người dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thịnh vượng.
Tôi tin tưởng rằng, dưới sự chủ trì của Ngài Chủ tịch, sự tham gia tích cực của các quý vị đại biểu, Đại hội đồng AIPA-42 sẽ thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn”./.
-------------------------
* Đầu đề do Tạp chí Cộng sản điện tử đặt