Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới
TCCS - Hơn nghìn năm văn hiến đã hình thành nên giá trị người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các thế hệ người Hà Nội cũng như những người dân từ khắp nơi đến sống, làm việc ở Hà Nội luôn tự hào với những giá trị truyền thống đó. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp này đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có biện pháp khả thi để nâng cao hiệu quả xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới.
Giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội
Nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội là kết quả của quá trình phát triển lịch sử lâu dài. Vùng đất kinh đô Thăng Long - Hà Nội được tạo dựng, đắp bồi, giữ gìn, tôn tạo, dựng xây bởi di sản văn hóa đồ sộ vô giá, nơi hội tụ văn hóa mọi miền để chắt lọc, kết tinh trong chiều sâu cốt cách con người Hà Nội, mang nét đặc trưng riêng của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự tinh tế trong giao tiếp và sự ấm áp trong tình cảm đã tạo nên một hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Với lối sống giản dị, tinh tế, cùng những giá trị truyền thống tốt đẹp, người Hà Nội là hình mẫu lý tưởng về sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế; là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển văn hóa của các địa phương. Sự lan tỏa của những giá trị văn hóa người Hà Nội đã góp phần làm phong phú và đa dạng thêm bức tranh văn hóa của cả nước.
Với tư cách là“Thành phố vì hòa bình” được UNESCO công nhận, Hà Nội ngày nay vừa mang dấu ấn của một đô thị cổ, vừa hiện đại và năng động, xứng đáng là biểu tượng của một đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh “là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô”(1). Hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ góp phần tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và bạn bè quốc tế về một Hà Nội thân thiện, mến khách. Đây là điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Thanh lịch và văn minh là hai đặc trưng cốt lõi của người Hà Nội, thể hiện qua những nét cơ bản sau:
Phong cách sống. Người Hà Nội thường được biết đến với tính cách nhã nhặn, ứng xử khéo léo và lối sống chuẩn mực. Họ coi trọng việc giữ gìn nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hiện đại, thể hiện qua cách cư xử tế nhị, khiêm tốn trong mọi tình huống; khả năng nhận biết và đánh giá cái đẹp, cái hay trong cuộc sống. Đặc biệt, người Hà Nội có tính thần, thái độ, ý thức trách nhiệm cao, sống và làm việc tuân theo những quy tắc, chuẩn mực đạo đức, văn hóa được xã hội công nhận.
Cách giao tiếp ứng xử. Trong giao tiếp hằng ngày, người Hà Nội thường sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, uyển chuyển, biết cách nói “vâng” và “dạ” một cách khéo léo, thể hiện sự tôn trọng, lễ phép đối với người đối diện. Họ có khả năng ứng biến linh hoạt trong các tình huống xã giao, luôn hòa nhã khi tiếp xúc với người lạ, thân thiện với du khách và người ngoại quốc. Họ sẵn sàng hỗ trợ khách quốc tế tìm đường, giới thiệu về các địa điểm du lịch, và thậm chí mời khách thưởng thức những món ăn đặc trưng của Hà Nội. Trong giao tiếp, người Hà Nội thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa và phong tục của người nước ngoài, đồng thời khéo léo giới thiệu về nét đẹp văn hóa truyền thống của mình. Khi gặp những tình huống khó khăn, căng thẳng hoặc bất đồng, hiểu lầm về văn hóa, người Hà Nội thường giữ thái độ bình tĩnh, nhã nhặn và tìm cách giải quyết một cách hòa nhã, tránh những lời nói gay gắt. Sự tinh tế trong cách dùng từ, đi kèm với cử chỉ, ánh mắt và nụ cười thân thiện, tạo nên một phong cách giao tiếp đậm chất Hà Nội.
Về trang phục. Người Hà Nội thường chọn trang phục với gam màu nhã nhặn, tránh những tông màu quá sặc sỡ hay phản cảm. Họ ưa chuộng những bộ trang phục lịch sự, phù hợp với từng hoàn cảnh, thể hiện sự tôn trọng đối với người xung quanh và môi trường họ đang hiện diện. Trong các dịp lễ hội hay sự kiện quan trọng, nhiều người Hà Nội vẫn giữ thói quen khoác lên mình những bộ áo dài truyền thống, vừa tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa toát lên vẻ đẹp trang nhã, duyên dáng. Sự tinh tế trong cách phối đồ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cùng với việc chú trọng đến từng chi tiết nhỏ trong trang phục, đã tạo nên một phong cách ăn mặc đặc trưng của người Hà Nội.
Về ý thức cộng đồng. Người Hà Nội thường thể hiện ý thức này thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện và bảo vệ môi trường. Họ có ý thức cao trong giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không xả rác bừa bãi, thường xuyên tham gia các chiến dịch làm sạch đường phố, công viên và cảnh quan đô thị “Xanh - Sạch - Đẹp”. Trong giao thông, người Hà Nội ngày càng ý thức hơn về việc tuân thủ luật giao thông, nhường đường cho người đi bộ và xe cấp cứu. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn, như thiên tai hay dịch bệnh, tinh thần “tương thân tương ái” của người Hà Nội lại càng tỏa sáng. Họ tự nguyện đóng góp, chia sẻ nguồn lực để hỗ trợ những người kém may mắn, tổ chức các “ATM gạo”, “Tủ lạnh cộng đồng” để giúp đỡ người nghèo. Sự quan tâm đến cộng đồng còn được thể hiện qua việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô. Những hành động này không chỉ tạo nên một xã hội đoàn kết, văn minh mà còn thể hiện sự thanh lịch trong cách sống và cách đối nhân xử thế của người Hà Nội, góp phần làm nên một Thủ đô đáng sống và đáng tự hào.
Thực tế trải nghiệm đời sống hằng ngày cũng không khó để nhận thấy rằng, các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào với giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch. Theo đó, “Nếu tinh tế một chút sẽ thấy gần gũi, cởi mở mà không suồng sã; hiếu khách mà không vồ vập; săn đón, tận tình song vẫn giữ khoảng cách vừa đủ để khách cảm thấy tự nhiên, thoải mái. Thêm vào đó là tiếng nói nhẹ nhàng, dễ nghe, có âm điệu đặc trưng hấp dẫn. Phải chăng tất cả những khác biệt “nho nhỏ” ấy hợp lại mà thành cái thanh lịch đầy sức lôi cuốn của người Hà Nội”(2).
Thực tiễn xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hiện nay
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng, tầm vóc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước; nhiều năm qua, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cụ thể như, Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội, về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 522/QĐ-UBND, ngày 25-1-2017, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về việc ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố Hà Nội”; Quyết định số 1665/QĐ-UBND, ngày 10-3-2017, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về việc ban hành “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Mới đây nhất, ngày 19-2-2024, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”… Tất cả những điều đó cho thấy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng, giữ vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là một trong những biện pháp trọng điểm nhất, quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
Cụ thể hóa các chủ trương, biện pháp đã được nêu ở các văn bản trên, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô đã chủ động, nghiêm túc triển khai quy tắc ứng xử; xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, lồng ghép thực hiện quy tắc ứng xử với các phong trào thi đua, với việc thực hiện nhiệm vụ như mô hình: “Một cửa thân thiện, gần dân” tại quận Long Biên; mô hình “Phòng làm việc ngăn nắp, xanh tươi” tại huyện Gia Lâm; mô hình “Môi trường thân thiện” của Sở Giáo dục và Đào tạo; hay các mô hình: “Tổ dân phố 5 không” tại quận Thanh Xuân; “Sắp xếp tài liệu gọn gàng, sẵn sàng cho chuyển đổi số” tại huyện Thạch Thất; “Ngày không viết và ngày không hẹn” tại huyện Ba Vì; “Nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” tại huyện Đan Phượng. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, còn không ít “những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng; thái độ sùng bái đồng tiền, lối sống hưởng thụ, buông thả… dẫn đến nguy cơ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, hạn chế tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng Thủ đô””(3).
Những hạn chế nêu trên có các nguyên nhân, như tác động của quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sự di cư từ nông thôn ra thành thị dẫn đến va chạm văn hóa; ảnh hưởng mặt trái cơ chế thị trường, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng gia tăng; ảnh hưởng của toàn cầu hóa, tiếp nhận văn hóa nước ngoài một cách thiếu chọn lọc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực của truyền thông và mạng xã hội, lan truyền những hình ảnh, thông tin thiếu văn hóa, xu hướng bắt chước lối sống của người nổi tiếng mà không sàng lọc; áp lực cuộc sống đô thị bận rộn, căng thẳng khiến người dân có những hành vi thiếu kiềm chế, thiếu kiên nhẫn, dễ nổi nóng, sự gia tăng dân số cơ học,... Một bộ phận người dân Thủ đô còn thiếu ý thức tự giác trong việc rèn luyện bản thân; nhận thức về văn minh đô thị còn hạn chế, còn xem nhẹ giá trị văn hóa, tính nhân văn - giá trị cốt lõi trong xây dựng nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh,...
Một số giải pháp cơ bản xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời gian tới
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân Hà Nội về các giá trị văn hóa tạo nên nét thanh lịch, văn minh được đúc kết qua bề dày lịch sử truyền thống của Hà Nội. Cụ thể, cần tuyên truyền để người dân nắm được quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19-2-2024, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và ý kiến chỉ đạo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), ngày 12-10-2020, yêu cầu phải: “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự (“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài; Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”). Hà Nội cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, tăng cường quảng bá về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với bạn bè quốc tế, tạo tiền đề cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô, của đất nước ta trên trường quốc tế”(4).
Mở các lớp học ngắn hạn, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm về giá trị văn hóa người Hà Nội và xây dựng lối sống văn minh đô thị cho cán bộ, đảng viên các cấp. Lồng ghép nội dung về văn hóa ứng xử, lịch sử và truyền thống Hà Nội; những giá trị phong cách sống, ý thức cộng đồng, ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật vào các môn học, nội dung học tập tại các trường học, các cấp học, bậc học trên địa bàn Thủ đô; làm cho “những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân”(5). Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ những học sinh, sinh viên - người chủ nhân tương lai của Hà Nội, đang ngồi học tập và rèn luyện trên ghế nhà trường.
Thứ hai, phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong thực hành các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lan tỏa giá trị người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình trong việc thực hiện và tuyên truyền về văn hóa ứng xử; xây dựng các mô hình điểm về văn hóa ứng xử tại cộng đồng cơ quan, đơn vị để nhân rộng, lan tỏa trong toàn xã hội. Qua đó, từng bước xây dựng ý thức và thói quen ứng xử văn hóa cho mọi người dân Thủ đô, góp phần xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thứ ba, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cần phải nhận thức rõ, quy tắc ứng xử không chỉ là những quy định cứng nhắc mà còn là biểu hiện của văn hóa, văn minh của mỗi cá nhân và cộng đồng. Các quy tắc này phải rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với đặc điểm văn hóa và tâm lý của người dân. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các đoàn thể xã hội cần tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy tắc ứng xử.
Khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc giám sát và nhắc nhở lẫn nhau, tạo nên một môi trường văn hóa ứng xử tích cực. Mỗi người dân cần ý thức được rằng, việc tuân thủ quy tắc ứng xử không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, hiện đại. Việc tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền lợi của người khác, bảo vệ môi trường và tài sản công cộng là những hành vi cần được khuyến khích và phát huy. Thông qua những biện pháp này, hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ được củng cố và phát huy, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Thứ tư, đầu tư kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường sống đô thị, góp phần xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Điều đó không chỉ đơn thuần là xây dựng các công trình vật chất, mà còn thể hiện tư duy chiến lược nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hút đầu tư và xây dựng hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại. Tăng đầu tư vào xây dựng thêm các công viên, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa, tạo không gian sống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thỏa mãn đời sống tinh thần của người dân. Một môi trường sống trong lành không những tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần xây dựng, củng cố tinh thần tự hào là người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến, qua đó hình thành ý thức giữ gìn và lan tỏa sâu rộng những cốt cách thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, không những ở trong nước mà còn trong lòng bạn bè quốc tế./.
-------------
(1), (3), (5): Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19-2-2024, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”
(2) Nguyễn Viết Chức: “Thanh lịch Tràng An - Văn minh Hà Nội”, Báo điện tử Hà Nội mới, ngày 24-1-2023, https://hanoimoi.vn/thanh-lich-trang-an-van-minh-ha-noi-7206.html
(4) Xem: Toàn văn phát biểu của cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, VTV Online, ngày 12-10-2020, https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-dai-hoi-dang-bo-tp-ha-noi-20201012172056821.htm
Phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô  (15/09/2024)
Phát triển du lịch văn hóa tỉnh Ninh Bình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng di sản  (15/09/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm