Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo ở khu vực Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay
TCCS - Quán triệt sâu sắc tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, đói, nghèo cũng là giặc, vì vậy phải quyết tâm “đánh đuổi”, nhằm mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng đó, thời gian qua, Tây Nam Bộ - vùng đất cực Nam của Tổ quốc - đã thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói, giảm nghèo, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao. Do đó, để thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo theo hướng bền vững, đa chiều phù hợp với giai đoạn hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn để giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo, bảo đảm thực hiện mục tiêu tiến bộ, phát triển và công bằng xã hội.
Mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân
Cách mạng Tháng Tám thành công, đem lại nền độc lập, hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Khi nước nhà được độc lập, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ là “diệt giặc đói”. Người nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng dân chủ mới là phải đưa nhân dân vượt qua nạn đói, thoát cảnh bần cùng và hưởng trọn vẹn giá trị hạnh phúc của một đất nước được tự do, độc lập. Sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là thước đo, là tiêu chí thực sự của nền độc lập nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(1). Muốn vậy thì, Chính phủ phải làm ngay: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có chỗ học hành”(2).
Khi đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề xóa bỏ đói nghèo, thực hiện mục tiêu mang lại đời sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho mọi người dân càng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người nhấn mạnh: “Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng chủ nghĩa xã hội”(3). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội mộc mạc là “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(4). Xóa đói, giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho người dân vừa là một yêu cầu tất yếu của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, vừa đồng thời là thước đo đánh giá chất lượng thực sự của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.”(5)
Trong Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23-6-2021, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 chỉ rõ: Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện; ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Việt Nam đã hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15, ngày 28-7-2021, của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Những thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo vùng Tây Nam Bộ trong thời gian qua
Vùng Tây Nam Bộ có 13 tỉnh, thành phố từ Long An đến Cà Mau; diện tích tự nhiên của vùng là 40.553 km2 (chiếm 12,2% diện tích cả nước); có 4 tỉnh giáp Campuchia với đường biên giới trên bộ dài 338km/1.137km, dân số của khu vực khoảng 17,422 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước, với 73% dân số sống ở khu vực nông thôn(5). Đây là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer và một số dân tộc khác.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thực hiện lời căn dặn của Người là mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, mặc dù điều kiện kinh tế vùng còn nhiều khó khăn, nhưng công tác giảm nghèo của khu vực Tây Nam Bộ đã đạt được những kết quả khởi sắc. Cụ thể, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của vùng Tây Nam Bộ đạt 4,1 triệu đồng/tháng(6). Tỷ lệ hộ nghèo của vùng giảm từ mức cao là 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 2,26% vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước (4,03) và chỉ xếp sau khu vực đồng bằng sông Hồng (1,00%) và Đông Nam Bộ (0,21%)(7).
Nét nổi bật của chính sách giảm nghèo vùng Tây Nam Bộ là việc vận dụng các cách làm, mô hình hiệu quả để thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo (thực hiện từ năm 1992 đến nay). Nhờ đó, công tác giảm nghèo của vùng đạt nhiều kết quả thiết thực, theo hướng bền vững, giảm cả về số lượng và chất lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng, bảo đảm mục đích, yêu cầu đề ra. Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được công bố kịp thời bảo đảm cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, với độ tin cậy và chính xác cao. Đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo không ngừng được tăng lên cả về vật chất và tinh thần, các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng được tiếp cận đầy đủ, góp phần cải thiện cuộc sống. Một số tỉnh, thành, như thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp đã “xóa trắng” các xã nghèo. Nhận thức của các hộ nghèo, hộ cận nghèo có sự chuyển biến tích cực, có quyết tâm để tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên khá giàu. Nguồn đầu tư cho hộ nghèo ngày càng được quan tâm, có sự tập trung, không phân tán, dàn trải. Nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ và phù hợp, tác động mạnh mẽ giúp cho nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc xoá đói, giảm nghèo của khu vực Tây Nam Bộ vẫn còn một số hạn chế:
Một là, tỷ lệ nghèo giảm, song kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (độ rộng của nghèo) giảm mạnh từ 19,5% năm 2016 xuống còn 2,26% năm 2022, nhưng mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) chưa được cải thiện - vẫn thiếu hụt trung bình khoảng 34% của 10 chỉ số đo lường(8). Số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, khiến nguy cơ hộ tái nghèo cao, đặc biệt là tình trạng tái nghèo gia tăng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Hai là, trong thiết kế và thực hiện chính sách vẫn còn những sự chồng chéo và phân mảnh, thiếu gắn kết giữa các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo với các chính sách, chương trình, dự án trợ giúp xã hội, phòng ngừa, khắc phục rủi ro theo vòng đời (bảo hiểm xã hội) và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc xã hội, trong đó có người nghèo
Ba là, sự tham gia của các thiết chế địa phương trong triển khai thực hiện chính sách còn yếu và thiếu. Một chính sách khi đưa vào thực hiện cần phải có sự tham gia giám sát, phản hồi của cộng đồng thì mới đánh giá mức độ hiệu quả, phù hợp của chính sách. Tuy nhiên, ở hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đều chưa đề cập đến việc phải có sự tham gia của cộng đồng trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách. Mặt khác, một số chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn tình trạng bình quân chủ nghĩa, cào bằng, chưa phù hợp với nhu cầu và thực tế khả năng sử dụng nguồn hỗ trợ của người dân. Một số chính sách xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn các huyện vùng núi, vùng sâu, vùng xa đối với các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp với phong tục, tập quán, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn đầu tư hỗ trợ.
Bốn là, nguồn lực để thực hiện mục tiêu chương trình xóa đói, giảm nghèo chủ yếu từ ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế. Việc sử dụng các nguồn lực có lúc, có nơi bị phân tán, trùng lắp, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn lực còn lỏng lẻo, dẫn đến hiệu quả giảm nghèo thấp.
Năm là, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo được tách thành hai nhóm: hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa thực sự phù hợp với bản chất nghèo đa chiều, cũng như phương pháp đo lường xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới, như chỉ số về tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông; chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương.
Sáu là, năng lực của một số cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giảm nghèo ở các cấp còn yếu, cùng với những quy định chưa rõ ràng, cụ thể về vị trí, vai trò của cán bộ giảm nghèo ở các địa phương khu vực Tây Nam Bộ làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất và giúp việc ban chỉ đạo giảm nghèo. Kinh phí cho các hoạt động đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo nhìn chung khá thấp (kinh phí phân bổ cho phần đào tạo, tập huấn cho cán bộ công tác xóa đói, giảm nghèo của Chương trình 143 chưa đến 1%).
Bảy là, việc giám sát, đánh giá, theo dõi thực hiện các chính sách, dự án hoặc các giải pháp giảm nghèo có lúc, có nơi triển khai chưa kịp thời, một số địa phương còn nặng về thành tích, đưa nhiều hộ thoát nghèo nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và nguy cơ tái nghèo cao.
Một số giải pháp để thực hiện hiệu quả chính sách xóa đói, giảm nghèo ở khu vực Tây Nam Bộ
Trong thời gian tới, để giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều(9), phát huy nội lực của toàn xã hội hướng tới mục tiêu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân Tây Nam Bộ, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, hiện nay, trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, mức độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai có thể làm thu hẹp đất sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giá nông sản bấp bênh hoặc mất mùa… đều tác động tiêu cực, làm nguy cơ tái nghèo rất cao. Vì thế, để công tác giảm nghèo ngày càng bền vững, đa chiều, đòi hỏi các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn các hộ nghèo, hộ cận nghèo; tiếp tục điều chỉnh chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng phân loại các chính sách giảm nghèo thành 3 nhóm: hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (không có khả năng lao động, đưa vào đối tượng bảo trợ xã hội) và hộ không muốn thoát nghèo (cần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại) để bảo đảm mức thu nhập thực tế cho các hộ.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ tác động đến nhu cầu tối thiểu của người nghèo, hộ nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu, tập trung triển khai đồng bộ các dự án bảo đảm ba yếu tố: đa chiều, bao trùm và bền vững. Theo đó, chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư trực tiếp vào con người, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Trong đó, ưu tiên giáo dục nghề nghiệp phải gắn với tạo việc làm tại chỗ; nhân rộng mô hình giảm nghèo. Cùng với đó là việc ưu đãi tín dụng, trợ giá, trợ cước; các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề giải quyết việc làm… Để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, cần tập trung nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên các hộ thuộc diện nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, học nghề, đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, quan tâm giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở miền núi, vùng biên giới nơi có trình độ kinh tế kém phát triển, điều kiện sinh hoạt khó khăn, cơ hội tiếp cận các chính sách, dịch vụ hạn chế, với các cơ chế đặc thù hỗ trợ đồng bào tạo dựng sinh kế bền vững.
Thứ ba, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần trợ cấp, tăng cường chính sách và giải pháp thiết thực, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội học tập cho con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp người nghèo trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, để hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm, tự tin thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giàu; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức, khuyến khích ý chí tự vươn lên. động viên người dân tăng gia sản xuất.
Thứ tư, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp làm công tác xóa đói, giảm nghèo, gia tăng sự chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Sâu sát thực tiễn, đồng cảm, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó tham mưu kịp thời với cơ quan chức năng có liên quan để các chế độ, chính sách sát hợp với từng địa bàn, công khai, mimh bạch, hiệu quả./.
---------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 175.
(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 447, 438
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 138
(6) Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (2022), Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp, Nxb Đại học Cần Thơ, tr. 38.
(7) Chu Khôi (2023), vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào các dự án lớn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, số 6-2023
(8) Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
(9) Giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà, nguồn nước hợp vệ sinh, hố xí hợp vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin và tài sản thông tin
(10) Trên cơ sở 5 chiều cạnh nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đề xuất 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều tương ứng là: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, hố xí, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin
Tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững  (22/12/2023)
Vùng Tây Nam Bộ qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”  (14/10/2023)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm