TCCS - Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực vượt bậc của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng_Ảnh: TTXVN

1- Cao Bằng là tỉnh miền núi vùng cao biên giới, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 333km, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh hơn 6.700km2, trong đó đất rừng núi chiếm hơn 90% còn lại là đất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 9 huyện biên giới với 46 xã, thị trấn; 139 xã thuộc khu vực 3 với 1.430 thôn đặc biệt khó khăn, dân số toàn tỉnh trên 53 vạn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, có 6 huyện nghèo.

Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, về “Tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Theo đó, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình hành động số 58-CTr/TU, ngày 24-7-2015, về việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW. Với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, cùng với sự phấn đấu nỗ lực Ngân hàng Chính sách tỉnh, hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách tỉnh đã thực hiện tốt những mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng đề ra, đó là: Tập trung nguồn lực trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nói chung và trên quê hương Cao Bằng nói riêng. Sau hơn 7 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Chương trình hành động số 58-CTr/TU, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác được triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm củng cố kiện toàn ban đại diện hội đồng quản trị các cấp với nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Hằng năm, thông qua công tác kiểm tra, giám sát của ban đại diện đã kịp thời xử lý, khắc phục những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, giúp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và nhân dân hiểu, thực hiện đúng chính sách tín dụng xã hội.

Thứ hai, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, các chỉ tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ sống; củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; huy động vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động đạt 2.566 tỷ đồng, tăng 920 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đạt 2.307,1 tỷ đồng, nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân đạt 191,2 tỷ đồng, nguồn vốn huy động thông qua tổ chức chuyển và vay vốn đạt 45,2 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 22,5 tỷ đồng, tăng 16,4 tỷ đồng so với năm 2014.

Thứ ba, người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Thời gian qua, có trên 421.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp cho trên 86.900 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động; hỗ trợ trên 2.000 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 61.500 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 22.300 học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; hỗ trợ trên 400 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ xây dựng trên 8.100 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015, của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 1-4-2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên. Qua đó, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo trên địa bàn tỉnh.

Có thêm nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Lục Quốc Trường ở thị trấn Trùng Khánh, Cao Bằng có điều kiện mở rộng diện tích nhà ở kinh doanh homestay, thu hút hàng chục lao động_Ảnh: TTXVN

2- Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm, dịch vụ mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trong thời gian tới, để hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng:

Một là, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp cùng địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động điểm giao dịch tại xã, công tác ủy thác của các hội, đoàn thể; thực hiện công khai về các thông tin, chính sách có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn, các chương trình tín dụng chính sách; đồng thời, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn. 

Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tiếp tục kiện toàn ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội các cấp. Duy trì, thực hiện tốt phương thức ủy thác cho vay; phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, thường xuyên rà soát đối tượng thụ hưởng, xác định nhu cầu vốn để kịp thời làm tốt công tác tham mưu, bổ sung nguồn, tăng dư nợ các chương trình một cách phù hợp, sát thực tế; nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đầu tư có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay, bảo tồn nguồn vốn. 

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chương trình, nguồn vốn tín dụng chính sách, thường xuyên đánh giá, đề xuất giải pháp tốt hơn, phù hợp tại địa phương để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách; tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội theo chiến lược phát triển trong thời gian tới, tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương phối hợp lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với chương trình, chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp, phát triển giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo cho người dân địa phương.

Bốn là, thực hiện tốt công tác truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tín dụng chính sách, đặc biệt những tín dụng chính sách mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn được kịp thời, chặt chẽ; tranh thủ khai thác các nguồn lực, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, dân cư trên địa bàn. Đề xuất các các bộ, ngành, Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng cho tỉnh Cao Bằng, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn trong thời gian tới./.