TCCS - Những năm qua, sự phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi và đạt được một số kết quả nhất định.

Một số kết quả đạt được

Một là, công tác tín dụng đạt nhiều kết quả thiết thực.

Tính đến tháng 6-2021, tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 3.051.080 triệu đồng, tăng 116.004 triệu đồng so với thời điểm tính đến 31-3-2021. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.213.221 triệu đồng, tăng 70.382 triệu đồng so với thời điểm 31-3-2021, tăng 66.541 triệu đồng, tỷ lệ tăng 3,1% so với thời điểm 31-12-2020, chiếm 72,6% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất đạt 727.115 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 110.744 triệu đồng.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên làm thủ tục vay vốn cho nhân dân_Nguồn: nhandan.vn

Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động, tích cực giải ngân vốn tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng góp phần đẩy lùi hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Trong khoảng 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Chính sách tỉnh đã gia hạn nợ cho 1.426 món vay với dư nợ 55.056 triệu đồng. Cùng với đó, trình Ngân hàng Chính sách xã hội gửi hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo Quy định xử lý nợ bị rủi ro trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội được ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT, ngày 27-1-2011, của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, riêng đợt 1 năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xóa nợ cho 16 món vay với tổng số tiền 229.209.635 đồng (tiền gốc là 207.000.000 đồng, tiền lãi là 22.209.635 đồng).

Hai là, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

Những năm qua, với phương thức cho vay trực tiếp, cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, Ngân hàng Chính sách xã hội Hưng Yên thực sự trở thành trung tâm gắn kết chặt chẽ 4 nhà là “Ngân hàng Chính sách xã hội - chính quyền - đoàn thể - tổ tiết kiệm và vay vốn”. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng của tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 161 điểm giao dịch xã phủ rộng rãi khắp các thôn, xã, phường, thị trấn được duy trì hoạt động định kỳ, an toàn. Mạng lưới 2.782 tổ tiết kiệm và vay vốn luôn được củng cố, kiện toàn giúp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện hiệu quả phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.  

Tính đến hết tháng 6-2021, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đạt 3.021.338 triệu đồng, tăng 118.074 triệu đồng so với thời điểm 31-3-2021, tăng 143.691 triệu đồng, tỷ lệ tăng 5,0% so với thời điểm 31-12-2020, chiếm 99,4% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 977 triệu đồng, giảm 128 triệu đồng so với thời điểm 31-3-2021, giảm 159 triệu đồng so với thời điểm 31-12-2020, chiếm tỷ lệ 0,03%/tổng dư nợ ủy thác. Cùng với đó, thực hiện huy động tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 148.194 triệu đồng, tăng 3.506 triệu đồng so với thời điểm 31-12-2020.

Có thể thấy, với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả mang lại từ hoạt động giao dịch xã, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách của Chính phủ, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội.

Ba là, hỗ trợ triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững.

Nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh góp phần giúp cho Hưng Yên đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo phương thức ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đã tạo được kênh dẫn vốn tín dụng chính sách nhanh, và hiệu quả nhất đến các đối tượng thụ hưởng, thông qua việc bình xét cho vay công khai có tác động tích cực đến tính năng động, sáng tạo của các hộ vay vốn, khuyến khích việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; tạo khả năng phát huy thế mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc tập hợp lực lượng từ cơ sở chung tay giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo.

Hơn 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng đã cho hơn 185.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi, với tổng doanh số cho vay hơn 4.000 tỷ đồng (trong đó, có hơn 84 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương). Tính riêng trong năm 2020, nguồn vốn tín dụng đã giúp 24.172 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã giúp 9.813 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 1.946 lao động; giúp cho hơn 1.600 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng cải tạo 24.080 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm cải thiện môi trường xanh - sạch, không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn; cho vay để mua, thuê nhà ở xã hội và xây mới, sửa chữa nhà để ở cho 169 hộ; 15 khách hàng doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 534 lượt người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19,... Trong 2 năm (2019 - 2020), nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 1,9% xuống 1,48% (giảm 0,42%), tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh giảm từ 2,31% xuống 1,68% (giảm 0,63%). Bước sang năm 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục có những hỗ trợ kịp thời tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ chính sách khác trên địa bàn tỉnh có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho 1.392 lao động; giúp gần 900 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng và cải tạo 13.096 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 82 hộ gia đình có nhà ở ổn định cuộc sống;…

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc triển khai, thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn và giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định; duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch trên địa bàn các xã, thị trấn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách luôn được đẩy mạnh, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Có thể kể đến một số chương trình, như chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách mới; kết quả thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo;…

Một số nhiệm vụ trong thời gian tới

Với sự triển khai tích cực, cụ thể, hiệu quả, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, để hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng, tiếp cận bao quát các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách, cấp ủy, chính quyền các cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện tốt Chỉ thị số 40- CT/TW; Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10-6-2021, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ, về việc “Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; Chỉ thị 36-CT/TU, ngày 27-2-2015, của Ban thường vụ Tỉnh ủy, về “Công tác tín dụng chính sách xã hội”;…

Thứ hai, chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tra, xác định đối tượng được vay vốn bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa chủ đầu tư các mô hình kinh tế gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo nghề giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ ba, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo về hoạt động tín dụng chính sách. Tăng cường công tác thông tin truyền thông, chú trọng tuyên truyền đi vào chiều sâu để hộ vay hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ khi vay vốn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động giao dịch xã, công khai hóa cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi để chính quyền và nhân dân địa phương biết và giám sát hoạt động.

Thứ tư, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động ủy thác của cấp dưới, đặc biệt trong nhiệm vụ quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao chất lượng tín dụng, kỹ năng kiểm tra, giám sát, theo dõi quản lý vốn vay. Phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.

Thứ năm, phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã hội tạo động lực phấn đấu của hệ thống tổ chức chính trị - xã hội thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác./.