TCCS - Trong điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, nhất là thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Một buổi giao dịch cho hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn tại điểm giao dịch xã Chiềng La, huyện Thuận Châu (Sơn La) _Ảnh: TTXVN

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên là 14.174km2; 274km đường biên giới giáp Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; dân số trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh có 12 huyện, thành phố, 204 đơn vị hành chính cấp xã; 3.230 bản, tiểu khu, tổ dân phố, trong đó có 4 huyện nghèo, 112 xã và 1.708 bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đảng bộ tỉnh có 17 đảng bộ trực thuộc; 904 tổ chức cơ sở đảng (334 đảng bộ, 570 chi bộ).

Trong những năm qua, Sơn La thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội và coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 30-6-2020, tổng dư nợ các Chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 4.586 tỷ đồng, tăng 2.302 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 17,92%, với trên 220 nghìn lượt khách hàng được vay vốn (trong đó trên 93 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn) và trên 130 nghìn khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn 3,5 tỷ đồng, chiếm 0,08%/tổng dư nợ, giảm 5,2 tỷ đồng (giảm 0,3%) so với năm 2014. Dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 4.576 tỷ đồng, chiếm 99,78% tổng dư nợ, với 3.934 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 204 xã, phường, thị trấn.

Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 đến 30-6-2020 đã hỗ trợ trên 218 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, trên 45 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 1 nghìn con em đi học tại các trường, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho trên 18 nghìn lao động, vốn vay hỗ trợ xây dựng trên 4.500 căn nhà cho hộ nghèo, 15.600 lượt hộ mới thoát nghèo, cận nghèo được vay vốn thêm một chu kỳ sản xuất - kinh doanh… Việc cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn là động lực quan trọng trong việc giữ đất, giữ biên cương, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương của Tổ quốc…

Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Sơn La hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Giảm nghèo tại địa phương. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư, hoàn thiện, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt ở mức khá so với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Chính trị - xã hội ổn định, khối đoàn kết các dân tộc được củng cố, quốc phòng được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đối ngoại được tăng cường; các vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 31,91%, hộ cận nghèo là 10,92%, thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 21,62% (giảm 10,29%), hộ cận nghèo là 10,93% (tăng 0,01%) so với năm 2016 (thời điểm rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo giai đoạn 2016 - 2020). Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng gần 3%; hộ cận nghèo giảm khoảng 0,05%.

Cùng với nguồn vốn được Trung ương cân đối hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố đã cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đạt trên 127 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh là 97 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 30 tỷ đồng). Hằng năm, ủy ban nhân dân các cấp đã trích một phần từ nguồn ngân sách địa phương, hỗ trợ một số trang thiết bị làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội, như kinh phí để sửa chữa phòng họp tại chi nhánh tỉnh, phương tiện làm việc (xe ô tô 4 chỗ), thiết bị tin học, cấp đất cho phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Hồ là đơn vị mới được thành lập cuối năm 2013.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở Sơn La vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Trong những năm qua do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là các đợt lũ ống, lũ quét trong 2 năm (2017 và 2018) đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và sản xuất - kinh doanh của người dân vùng thiên tai, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới. Do thực hiện công việc kiêm nhiệm của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, quá trình thực hiện còn một số thành viên chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, như công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, thông tin báo cáo... Công tác tổng kết, đánh giá, nhận diện các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả vẫn còn hạn chế, hiệu quả nguồn vốn tại một số địa bàn chưa cao; một số tổ tiết kiệm và vay vốn trung bình và yếu kém chưa được khắc phục; một số món vay chuyển nợ quá hạn chưa được giải quyết kịp thời.

Trong 5 năm triển khai, thực hiện tín dụng chính sách xã hội, Sơn La rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu như sau:

Thứ nhất, hoạt động tín dụng có tính đặc thù, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Thứ hai, qua thực tế triển khai cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân có vai trò hết sức quan trọng. Việc ủy thác quản lý vốn qua các đoàn thể chính trị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể, gắn hoạt động các đoàn thể với tuyên truyền, hướng dẫn và tham gia trực tiếp quá trình tổ chức sản xuất - kinh doanh hiệu quả; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn; động viên, khích lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội, quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện tín dụng chính sách; kịp thời nhân rộng các cá nhân điển hình, các mô hình sản xuất làm ăn kinh tế giỏi trên địa bàn, tạo phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, chung sức vì người nghèo, quyết tâm vượt nghèo.

Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, Sơn La đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình và kế hoạch công tác của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

Hai là, bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương, đáp ứng yêu cầu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thực hiện đồng bộ chương trình giảm nghèo, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển nông nghiệp, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các dự án phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

Ba là, thực hiện tốt quy trình rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định để làm cơ sở cho vay, bảo đảm các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi kịp thời. Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đến cuối năm 2020 và các năm tiếp theo.

Bốn là, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động vì người nghèo; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân huy động nhiều nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Sáu là, đề nghị xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg tối đa 200 triệu đồng không phải bảo đảm tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, cây công nghiệp.

Bảy là, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành chức năng xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31-12-2020); đồng thời, cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm. Sớm ban hành chính sách xử lý nợ rủi ro trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo và các đối tượng chính sách./.