ASEAN trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm

LÊ THị THÚY HIềN
Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an, Bộ Công an
14:09, ngày 21-03-2020

TCCS - Là một khu vực phát triển năng động, nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chiến lược và chính sách đối ngoại của các cường quốc trong và ngoài khu vực. Dưới thời Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, sau những động thái dường như ẩn chứa nhiều bất định và gây lo ngại ở những ngày đầu ông Đ. Trăm mới nhậm chức, chính sách đối ngoại của Mỹ với ASEAN từng bước được định hình và ngày càng thể hiện rõ sự coi trọng vai trò của ASEAN trong tổng thể chính sách châu Á, nhất là trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPS).

Tổng thống Đ. Trăm ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tại Nhà Trắng, ngày 23-1-2017 _Nguồn: The New York Times

Chính sách đối ngoại của Mỹ với ASEAN dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm

Thời điểm Tổng thống Mỹ Đ. Trăm chính thức bước vào Nhà Trắng, mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh nhờ các nỗ lực tích cực từ chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, những động thái của Mỹ trong thời gian ông Đ. Trăm mới lên nắm quyền cho thấy dường như chính quyền của tân tổng thống chưa thực sự quan tâm đến mối quan hệ với ASEAN. Theo số liệu thống kê của Nhà Trắng, trong vòng 100 ngày sau khi đắc cử, Tổng thống Đ. Trăm chưa điện đàm hay gặp mặt bất cứ nguyên thủ quốc gia nào của ASEAN, nhưng lại có tới 68 cuộc điện đàm (với 38 nguyên thủ) và gặp song phương với lãnh đạo đồng cấp của 16 nước từ nhiều khu vực khác(1).

Tại châu Á, chính quyền của Tổng thống Đ.  Trăm đã cử các quan chức cấp cao đến Đông Bắc Á(2), trong khi đó lại tỏ ra không mấy mặn mà với những nghị trình của ASEAN trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hiệp hội vốn thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác trên phạm vi toàn cầu. Với quan điểm đối ngoại thực dụng, tập trung nhiều vào các lợi ích kinh tế và chú trọng song phương hơn đa phương, ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Đ. Trăm đã ký sắc lệnh về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiếp đó tuyên bố “từ bỏ” chính sách “tái cân bằng” của chính quyền tiền nhiệm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khi chưa có bất cứ chiến lược hay “công thức” nào khác thay thế.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền, quan điểm của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm về vai trò của khu vực Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã có sự thay đổi. Tháng 3-2017, một cuộc gặp gỡ và làm việc chung giữa Ngoại trưởng Mỹ Rếch Tin-lơ-xơn với các đại sứ, đại biện các nước ASEAN đã được tổ chức ở Thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ), tại đó, Mỹ tiếp tục khẳng định việc coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước thành viên vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng của khu vực; cam kết sẽ tham gia tích cực các thể chế đa phương khu vực, như ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tháng 4-2017, Phó Tổng thống M. Pen-xơ chính thức thăm trụ sở ASEAN tại Thủ đô Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a). Tháng 5-2017, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ được tổ chức tại Thủ đô Oa-sinh-tơn, đã tái khẳng định chính quyền Mỹ coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC); tiếp tục triển khai Sáng kiến Kết nối ASEAN - Mỹ. Từ tháng 5 đến tháng 10-2017, lãnh đạo bốn nước ASEAN, gồm Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Xin-ga-po cũng lần lượt tiến hành các chuyến thăm chính thức Mỹ. Tháng 11-2017, Tổng thống Đ. Trăm đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, và có các cuộc gặp song phương với các nước ASEAN.

Tổng thống Mỹ Đ. Trăm và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin), ngày 13-11-2017 _Ảnh: AP

Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ đối với ASEAN xuất phát từ việc chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm dần nhận ra vai trò quan trọng của ASEAN trong tổng thể chiến lược chung của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về địa - chính trị, với vị trí ở tâm điểm của vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN là địa bàn trọng yếu để Mỹ triển khai và hiện thực hóa mục tiêu “tự do” và “rộng mở” trong chiến lược IPS. Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác do ASEAN dẫn dắt đang tạo ra “sân chơi” chung - nơi Mỹ có thể tìm kiếm và thiết lập quan hệ với các đối tác cùng chia sẻ với Mỹ về tầm nhìn, mục tiêu đối với khu vực. Về  địa - kinh tế, là khu vực phát triển năng động với quy mô dân số lớn và trẻ, ASEAN không chỉ là địa chỉ đầu tư hấp dẫn mà còn là thị trường đầy tiềm năng đối với Mỹ. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tổ chức ở Thủ đô Oa-sinh-tơn (tháng 7-2018), Ngoại trưởng Mỹ M. Pom-peo khẳng định: “ASEAN là tâm điểm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và giữ vai trò trung tâm trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đang theo đuổi”(3).

Mặc dù đã có những động thái thể hiện sự quan tâm và cam kết đối với ASEAN và các nước Đông Nam Á, song chính sách của Mỹ đối với khu vực này vẫn chứa nhiều yếu tố bất định và thiếu rõ ràng cho đến khi Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ được ban hành vào tháng 11-2017, trong đó Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được xác định là khu vực ưu tiên số một và khu vực Đông Nam Á là trọng điểm triển khai chiến lược IPS của Mỹ. Tiếp đến, Đạo luật Sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA) ban hành ngày 31-12-2018 và Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 (tháng 6-2019) đã khẳng định rõ ràng vai trò của ASEAN đối với an ninh và lợi ích của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó bốn nước Xin-ga-po, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a là các quốc gia chủ chốt.

Sau ba năm cầm quyền, cùng với sự điều chỉnh trong mục tiêu, tính toán chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm, vị trí ASEAN trong chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng được khẳng định, thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, Mỹ nỗ lực lôi kéo ASEAN trong chiến lược cạnh tranh và kiềm chế Trung Quốc. Với quan điểm một ASEAN đoàn kết, thống nhất sẽ giúp duy trì trật tự và tự do khu vực, Mỹ có xu hướng triển khai chính sách tổng thể đối với toàn bộ ASEAN nhằm hình thành một khối gắn kết, góp phần kiềm chế Trung Quốc. Một mặt, Mỹ cam kết tiếp tục tham gia sâu rộng các thiết chế khu vực hiện hành do ASEAN thành lập, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)...; ủng hộ và trợ giúp để ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chiến lược IPS. Mặt khác, Mỹ cảnh báo về nguy cơ “bẫy nợ” khi tham gia Sáng kiến“Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẵn sàng tài trợ cho các nước ASEAN và các dự án phát triển khác ở khu vực, tập trung ở lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển năng lượng, kỹ thuật số và viễn thông.

Thứ hai, Mỹ xác định ASEAN là “mắt xích” chủ chốt trong vấn đề Biển Đông. Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả lợi ích trước mắt và lâu dài của Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, vùng biển này được xem như một “chiến trường” quan trọng để Mỹ thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc và khẳng định vị thế lãnh đạo tại khu vực. Điều này góp phần làm gia tăng giá trị địa - chiến lược của ASEAN trong tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á.

Để thể hiện sự coi trọng đối với khu vực ASEAN trong vấn đề Biển Đông, Mỹ công khai chỉ trích “Trung Quốc xây dựng trái phép và quân sự hóa các đảo đá và sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế”; ủng hộ một số nước ASEAN trong tranh chấp Biển Đông; chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, như tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực, gia tăng hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP)(4)...; có xu hướng chú trọng nhiều hơn đến các nước thuộc nhóm “ASEAN biển, đảo”. Báo cáo IPS của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 6-2019 tiếp tục khẳng định ngoài Phi-líp-pin và Thái Lan là hai đồng minh truyền thống, Mỹ đang ưu tiên mối quan hệ với Xin-ga-po, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a - “đều là các động lực tăng trưởng kinh tế nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến đường biển chính nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”(5).

Thứ ba, trong quan hệ hợp tác với ASEAN, chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm tập trung nhiều vào lĩnh vực an ninh, quân sự hơn so với lĩnh vực kinh tế, mặc dù hiện nay Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 272 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ 5 của ASEAN với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 4,3 tỷ USD(6). Tháng 1-2019, Tổng thống Đ. Trăm đã ký ban hành Đạo luật ARIA, trong đó nhấn mạnh chính quyền Mỹ cần phát huy vai trò của ASEAN với tư cách là một nhân tố quan trọng trong cấu trúc khu vực để giải quyết các vấn đề chung; củng cố quan hệ với các đồng minh, như Phi-líp-pin, Thái Lan và các đối tác an ninh được tăng cường, bao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Việt Nam. Báo cáo IPS của Mỹ công bố tại Đối thoại Shangri-La 2019 cũng đưa ra tầm nhìn rõ ràng hơn về mối quan hệ hợp tác quốc phòng với các đồng minh, đối tác của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và các nước ASEAN.

Mỹ tăng cường hỗ trợ đồng minh hiện đại hóa lực lượng vũ trang và cam kết tăng cường phòng thủ tương hỗ; tiến hành các hoạt động huấn luyện, đào tạo nguồn lực quốc phòng cho các đối tác; tổ chức các cuộc tập trận chung có quy mô lớn với từng nước hoặc nhiều nước trong ASEAN. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, hằng năm, Mỹ có hơn 200 hoạt động quốc phòng song phương với Phi-líp-pin và hơn 100 hoạt động song phương với Thái Lan, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a.

Cơ hội và thách thức đặt ra đối với việc phát triển quan hệ Mỹ - ASEAN

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ của ASEAN sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức, cụ thể:

Về cơ hội:

Một là, ASEAN có cơ hội nâng cao hơn vị trí trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, với vị trí tâm điểm giao thoa của hai “đại sáng kiến” IPS và BRI tại khu vực, ASEAN có cơ hội nâng cao vai trò của mình trong kiến tạo cấu trúc an ninh và định hình trật tự khu vực, nắm giữ vai trò trung gian, hòa giải trong “cuộc chơi” của các nước lớn; buộc các nước lớn, trong đó có Mỹ, phải điều chỉnh chính sách để lôi kéo, tranh giành ảnh hưởng với ASEAN và các nước thành viên.

Hai là, ASEAN có cơ hội mở rộng phạm vi, lĩnh vực hợp tác với Mỹ và thúc đẩy hơn nữa sự can dự của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Mỹ đặt ASEAN vào vị trí trung tâm trong triển khai các mục tiêu và chiến lược của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đem lại cho ASEAN cơ hội đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ trên nhiều lĩnh vực thay vì mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực quốc phòng, an ninh như hiện nay. Ở tầm chính sách vĩ mô, Đạo luật ARIA ủng hộ Mỹ tham gia các “hiệp định thương mại đa phương, song phương hay khu vực có khả năng giúp gia tăng việc làm và phát triển kinh tế ở Mỹ”, đồng thời khuyến nghị Mỹ về việc “đàm phán một khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn diện với ASEAN, sử dụng các diễn đàn đa phương, như APEC, EAS, Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G-20) cho những mục tiêu kinh tế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”(7). Đây là cơ sở quan trọng để ASEAN có thể kỳ vọng vào một mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu sắc hơn với Mỹ. Ngoài ra, các sáng kiến, chương trình hợp tác, kết nối giữa Mỹ và ASEAN, như Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), Chương trình Quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ về quản trị tốt, Sáng kiến thành phố kết nghĩa Mỹ - ASEAN (US - ASEAN Sister City Partnership) sẽ mang lại cho ASEAN cơ hội phát triển quan hệ hợp tác với Mỹ trên các lĩnh vực giáo dục  - đào tạo, năng lượng, môi trường và ngoại giao nhân dân.

Đáng chú ý, trước thực tế Trung Quốc đẩy mạnh triển khai BRI theo cả hai tuyến trên biển và đất liền, gia tăng ảnh hưởng ở “ASEAN lục địa”, gần đây Mỹ bắt đầu có những động thái quan tâm hơn đến Tiểu vùng sông Mê Công. Mỹ đã tăng cường kết nối với các nước như Lào, Cam-pu-chia; đánh giá lại hiệu quả Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Công (MLI), thảo luận về Kế hoạch quy hoạch toàn diện MLI giai đoạn 2020 - 2025... Trong bối cảnh này, ASEAN có thể phát huy vai trò trung tâm của mình trong quan hệ với các cường quốc để hướng đến bảo đảm an ninh và ổn định cho khu vực.

Về thách thức:

Thứ nhất, sự thiếu niềm tin của ASEAN đối với các cam kết khu vực từ Mỹ. Trước những quyết sách mang tính tức thời và thường xuyên thay đổi nhưng kiên định theo nguyên tắc thương mại bình đẳng, coi trọng chủ nghĩa song phương hơn chủ nghĩa đa phương, đặt lợi ích “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Đ. Trăm làm cho cạnh tranh lợi ích gia tăng. Một khảo sát cho thấy, 60% người tham gia phỏng vấn cho rằng ảnh hưởng của Mỹ dưới thời Tổng thống Đ. Trăm đã suy giảm hoặc giảm đáng kể, 70% tỏ ra thiếu tin tưởng vào các cam kết cũng như vị trí của ASEAN trong chiến lược khu vực của Mỹ(8).

Thứ hai, sự khác biệt trong ưu tiên chiến lược của từng bên. Trong khi Mỹ có xu hướng tiếp cận và lôi kéo ASEAN chia sẻ ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại khu vực châu Á là vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc, các nước ASEAN lại chủ trương đường lối đối ngoại độc lập, đa phương, dung hòa mối quan hệ với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Điển hình như với IPS, Mỹ chủ yếu tập trung vào an ninh, quốc phòng và được xem là nhằm vào Trung Quốc thì quan điểm của ASEAN đối với chiến lược này được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 (tháng 6-2019) chỉ nhấn mạnh tới sự kết nối, phát triển bền vững hay hợp tác hàng hải. Các chuyên gia cho rằng, sự khác biệt trong ưu tiên chiến lược này có thể sẽ trở thành rào cản hạn chế mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và ASEAN.

Thứ ba, sự khác biệt về các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền. Từ trước đến  nay, Mỹ thường xuyên thể hiện sự quan ngại liên quan đến các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền của một số quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, ASEAN lại hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp  công việc nội bộ của nhau và có những quan điểm, lập trường riêng về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở khu vực. Thách thức này sẽ tạo một áp lực không nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Đ. Trăm trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với ASEAN.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam _Nguồn: Vietnamplus.vn

Một số kiến nghị chính sách

Từ những tính toán của Mỹ trong chính sách đối ngoại với ASEAN cũng như những thời cơ và thách thức đặt ra đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, để bảo đảm lợi ích của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, đặc biệt là trong thời điểm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN  năm 2020, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Về chính trị:

Một là, kiên trì nguyên tắc “trung lập” trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Lợi ích của ASEAN cũng như của Việt Nam được bảo đảm cao nhất trong trường hợp vẫn là đối tác cần tranh thủ của cả Mỹ và Trung Quốc, tránh rơi vào trường hợp phải chọn bên và trở thành đối tượng tranh giành của bất cứ nước lớn nào. Muốn vậy, cần đánh giá và nhận diện đúng ý đồ, chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á/ASEAN để có thể đưa ra những ứng xử phù hợp và mang tính đồng thuận cao, hướng đến mục tiêu duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực.

Hai là, tăng cường củng cố ASEAN, tạo sự thống nhất đồng thuận nội khối trong các vấn đề khu vực cũng như trong quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ. Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có cơ hội kết nối các nước thành viên, góp phần duy trì đoàn kết trong khối, tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC) vững mạnh.

Về an ninh, quân sự:

Thứ nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN làm trung tâm trong xử lý vấn đề an ninh khu vực. Việc phát huy hiệu quả các cơ chế an ninh khu vực, như EAS, ARF, ADMM+ và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) tại các “điểm nóng” trong khu vực sẽ làm gia tăng vị thế và uy tín của ASEAN đối với các nước lớn, tăng tính hấp dẫn của khu vực đối với chính sách và chiến lược của các nước lớn, trong đó có Mỹ.

Thứ hai, chủ động thúc đẩy các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Điều này không chỉ phù hợp với mục tiêu cơ bản của IPS, từ đó, tạo dựng niềm tin và thúc đẩy sự ủng hộ, hợp tác từ phía Mỹ mà còn góp phần tạo dựng môi trường an ninh ổn định, bền vững, phù hợp với lợi ích ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, việc lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở cho hoạt động triển khai lợi ích tại Biển Đông, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có những thay đổi trong cách tiếp cận về chính sách an ninh, đối ngoại truyền thống nhằm bảo đảm có được sự hợp tác, ủng hộ đủ mạnh để bảo vệ các lợi ích quốc gia trong những tình huống bị đe dọa.

Về kinh tế:

Một là, cân đối mối quan hệ thương mại hai chiều, thể hiện sự nỗ lực nghiêm túc trong vấn đề giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Thặng dư thương mại của ASEAN với Mỹ trong những năm qua liên tục tăng, từ 83,7 tỷ USD (năm 2016) lên 91,8 tỷ USD (năm 2017) và 99,6 tỷ USD (năm 2018). Mặc dù lợi thế từ vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang giúp ASEAN chưa trở thành đối tượng để Mỹ xem xét áp đặt trừng phạt thuế quan nhưng trước sự kiên định của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm đối với nguyên tắc thương mại bình đẳng, ASEAN và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, cần thể hiện nỗ lực trong việc cân bằng thương mại với Mỹ để tạo thiện chí và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Hai là, thúc đẩy liên kết phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây giữa “ASEAN lục địa” và “ASEAN biển đảo”. Có thể nói, đây là định hướng phù hợp với chiến lược IPS của Mỹ và “Bộ tứ Kim cương”(9), sẽ góp phần tạo ra sự cân bằng với chiến lược phát triển của Trung Quốc theo trục Bắc - Nam./.

-------------------------

(1)  Xem:  https://www.whitehouse.gov/sites/whitehouse.gov/files/images/security.pdf

(2) Tháng 2-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Ma-tít thăm Nhật Bản và Hàn Quốc; tháng 3-2017, Ngoại trưởng Mỹ Rếch Tin-lơ-xơn thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê là nhà lãnh đạo thứ hai có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Mỹ Đ. Trăm

(3)  Michael R. Pompeo: “Remarks on ‘America’s Indo-Pacific Economic Vision”, Washington, D.C. July 30, 2018

(4) Số liệu thống kê cho thấy, tần suất các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Đ. Trăm không chỉ diễn ra thường xuyên hơn giai đoạn chính quyền Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma mà còn có xu hướng ngày càng gia tăng, từ 4 lần (năm 2017) lên 8 lần (năm 2018) và 6 lần chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2019

(5) Bộ Quốc phòng Mỹ: Báo cáo Chiến lược IPS, tháng 6-2019

(6)  Xem:  https://ustr.gov/issue-areas/trade-organizations/association-southeast-asian-nations-asean/us-asean-10-trade-and

(7) Carl Thayer: ARIA: Congress makes its mark on US Asia Policy, the Diplomat, ngày 8-1-2019, https://thediplomat.com/2019/01/aria-congress-makes-its-mark-on-us-asia-policy

(8) Tang Siew Mun et al.: “State of Southeast Asia: 2019,” ASEAN Focus, January 2019, 10, https://www.iseas.edu.sg/images/pdf/ASEANFocus%20 January%202019_FINAL.pdf

(9) “Bộ tứ kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a