Làng nghề truyền thống

22:42, ngày 03-03-2012
Ninh Bình là một vùng đất cổ, nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm,... Nơi đây cũng là vùng đất tồn tại nhiều làng nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời như: Thêu Ren Văn Lâm, Mỹ Nghệ Cói Kim Sơn, Chạm Khắc Đá Ninh Vân, nghề Mộc Phúc Lộc, Đan Cót Vân Long, Hoa man La Mai, Non bộ Bình Khang,…
Đôi bàn tay khéo léo và trí óc sáng tạo của những người dân các làng nghề truyền thống đã làm nên những sản phẩm không chỉ đẹp, có giá trị kinh tế mà còn đậm chất văn hoá và chứa đựng những giá trị cao đẹp của con người quê hương Ninh Bình. Một số làng nghề tiêu biểu:

1. Thêu ren Văn Lâm

 


Làng nghề thêu ren Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền, năm 1258, khi vua Trần Thái Tông tròn 40 tuổi, nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng đã về vùng núi Vũ Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) tu hành và lập căn cứ địa chỉ đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285). Bà Trần Thị Dung là vợ Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về đây đã truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm nghề thêu ren, từ đó nghề được lưu truyền và ngày càng phát triển. 

Bằng những sợi chỉ mong manh, đủ màu sắc, với đôi bàn tay khéo léo, bộ óc giàu trí sáng tạo, người Văn Lâm đã thả hồn vào chỉ, vào vải để tạo nên những sản phẩm độc đáo và đa dạng như: tranh phong cảnh, ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn trải bàn,... Đây sẽ là những món quà lưu niệm ấn tượng dành cho du khách mỗi khi tới tham quan Tam Cốc - Bích Động.

2. Chạm khắc đá Ninh Vân

 


Làng nghề Chạm khắc đá Ninh Vân thuộc Xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Làng nghề này đã có từ rất lâu đời, qua đôi bàn tay của biết bao thế hệ, cùng với những biến cải thăng trầm của lịch sử vẫn được lưu truyền tới ngày nay.

Xưa kia, nghề đá chủ yếu chế tác ra những sản phẩm thông dụng như chậu cảnh, cối đá, tảng đá cổ bồng, những con giống làm cảnh. Những sản phẩm nghệ thuật cao cấp bằng đá thường chỉ tập trung ở những công trình văn hoá - tín ngưỡng như nhà thờ, đền, chùa mà các nghệ nhân địa phương được mời đến chế tác. 

Ngày nay, nghệ nhân đá Ninh Vân có thể vừa sản xuất tại chỗ, kể cả sản phẩm có quy mô lớn, nặng tới nhiều tấn, vừa có thể chế tác lưu động tại bất kỳ nơi nào trong cả nước, với nhiều loại sản phẩm đá như: tượng thờ, tượng đài, tượng nghệ thuật, bể cảnh, thống đá, các con giống, tứ linh, lư hương, cây đèn, cột trụ... 

Với ưu thế về nguồn nguyên vật liệu đá tại địa phương, kỹ năng, bí quyết, và truyền thống nghề nghiệp, nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân có thể đáp ứng hầu như bất kể yêu cầu nào của khách hàng từ khắp mọi miền đất nước.

3. Mỹ nghệ Cói Kim Sơn

 


Làng nghề Chiếu cói Kim Sơn thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Qua hàng trăm năm quai đê lấn biển, Kim Sơn có những bãi sa bồi mênh mông, là xứ sở của cây cói, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào để nghề chế tác sản phẩm cói không ngừng phát triển.

Những năm gần đây, kinh tế thị trường phát triển, đời sống không ngừng được nâng cao thì nhu cầu về các sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng gia tăng, trong đó có nhu cầu về các sản phẩm bằng cói. Chính vì thế, nghề chế tác sản phẩm cói đã đem lại nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng đáng kể cho nhân dân địa phương. 


 


Trước đây, sản phẩm bằng cói ở Kim Sơn chủ yếu là Chiếu cói (chiếu cói Kim Sơn rất bền và đẹp, khó có nơi nào sánh nổi). Ngày nay, các sản phẩm được chế tác từ cói rất phong phú, đa dạng. Ngoài chiếu cói còn có thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, túi xách,... cũng đều được làm từ cây cói. 

Sau khi tham quan Quần thể kiến trúc Nhà thờ đá Phát Diệm, du khách đừng quên tìm mua một vài sản phẩm làm từ cói ở các cửa hàng lưu niệm ngay cạnh Nhà thờ đá hay dọc theo thị trấn Phát Diệm, để lưu giữ kỷ niệm của chuyến du lịch và làm quà tặng cho bạn bè, người thân./.