Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình mới
TCCS - Kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang luôn thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả việc tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình mới.
Về tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm công tác xây dựng Đảng ngay từ cấp cơ sở với phương châm “Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”, theo đó coi chi bộ là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, chi bộ mạnh thì Đảng bộ tỉnh mới mạnh.
Để tăng cường củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình mới, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; kịp thời xây dựng và ban hành hệ thống văn bản để chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất. Thực hiện các nghị quyết của Trung ương(1), ngày 20-10-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; đồng thời, cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 21-NQ/TW phù hợp với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang thực sự “chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, hiệu quả, phục vụ nhân dân”, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề án được xác định là tiền đề tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng bộ tỉnh để tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Từ nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc đó, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã tích cực, chủ động, sáng tạo, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, qua đó đạt được một số kết quả quan trọng. Nổi bật là, cấp ủy các cấp thực hiện hiệu quả việc đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết và các văn bản của cấp ủy nhằm tạo thuận lợi nhất cho quá trình triển khai đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ngay từ khi xây dựng Chương trình hành động trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã cụ thể hóa thành đề án, chương trình cụ thể, tập trung vào 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Báo cáo chính trị đã đề ra; kịp thời cụ thể hóa, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy phù hợp với tình hình thực tiễn, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, với chủ trương ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đồng thời ban hành chương trình hành động, đề án, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện nghị quyết và Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện đồng bộ. Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã tập trung triển khai xây dựng dự thảo nghị quyết, đề án, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành việc ban hành, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, làm cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động tổ chức thực hiện xuyên suốt trong nhiệm kỳ. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; chỉ đạo biên tập các nghị quyết chuyên đề thành các tờ gấp, cuốn tài liệu với nội dung cốt lõi, dễ nhớ, dễ thực hiện; tổ chức quán triệt nghị quyết, chỉ thị, đề án gắn với triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện sâu rộng đến tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng với đó, công tác cán bộ được triển khai thực hiện đồng bộ, liên thông, bảo đảm đúng các quy định, gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả là có 36/36 cơ quan cấp tỉnh hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị; theo đó, đã giảm 2 cơ quan cấp tỉnh(2) và giảm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; giảm 79 đầu mối bên trong của các cơ quan, tổ chức; giảm 49 phòng thuộc chi cục và tương đương, đồng thời sắp xếp lại tổ chức đảng cho phù hợp. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, đến nay có 5/7 bí thư cấp huyện, 4/7 chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện không là người địa phương; 1.733/1.733 thôn, tổ dân phố có chi bộ độc lập; các chi bộ thôn, tổ dân phố có dưới 7 đảng viên đã bố trí cán bộ, công chức cấp xã sinh hoạt cùng. Những đồng chí có kinh nghiệm, năng lực, trách nhiệm, uy tín được lựa chọn để bố trí làm bí thư chi bộ; thực hiện tốt chủ trương bí thư chi bộ đồng thời làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận (trong tổng số 1.733 bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố, có 812 đồng chí đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chiếm 47%; có 256 đồng chí đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận, chiếm 14,8%). Ở những thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm hỗ trợ kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng cho đồng chí bí thư chi bộ, các cấp ủy cơ sở đã bố trí cán bộ, công chức cấp xã sinh hoạt tại chi bộ và làm phó bí thư chi bộ (có 79 đồng chí/1.733 chi bộ, chiếm 4,56%).
Nhằm tạo chuyển biến căn bản về nhận thức của cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên, bí thư cấp ủy ở cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Đề án về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020 - 2025. Đề án được các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên. Nhiều đảng bộ, chi bộ cơ sở đã có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của tổ chức đảng, đảng viên, như thực hiện việc theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ qua hệ thống camera trực tuyến; thực hiện mô hình “sinh hoạt chi bộ mẫu” để mời các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ trực thuộc khác trong đảng bộ cùng tham gia; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị về tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện việc phân công đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư thuộc đảng bộ được giao phụ trách, theo dõi và dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và khu dân cư nơi cư trú(3); phụ trách hộ gia đình nơi cư trú... góp phần hỗ trợ, giúp đỡ chi bộ cơ sở, nhất là chi bộ ở khu dân cư nâng cao chất lượng sinh hoạt, kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, phát hiện và có giải pháp giải quyết những vấn đề phức tạp, nảy sinh ngay từ cơ sở.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở; đổi mới công tác vận động quần chúng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Đề án về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hiệu quả chủ trương vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động cùng nhân dân ở cơ sở, với nhiều nội dung thiết thực, phù hợp thực tiễn của địa phương; qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nâng cao kiến thức thực tiễn, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Đến nay, có trên 2.600 lượt chi bộ, đảng bộ với gần 110.000 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia các hoạt động với nhân dân ở cơ sở với kết quả đáng ghi nhận(4).
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã thực hiện 7 cuộc kiểm tra, 10 cuộc giám sát; cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra đối với 4.479 lượt tổ chức đảng và 21.063 lượt đảng viên (có 579 cấp ủy viên), trong đó kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 30 tổ chức đảng và 204 đảng viên (có 92 cấp ủy viên); giám sát chuyên đề đối với 2.455 lượt tổ chức đảng và 3.114 lượt đảng viên (có 997 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, giám sát đã đánh giá ưu điểm, chỉ ra hạn chế, khuyết điểm, vi phạm của các tổ chức đảng, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm(5). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, sâu rộng các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ tỉnh đến cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 30 vụ/77 bị can về hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, giải pháp về nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, truyền thống cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên(6). Bên cạnh đó, nhiều nội dung, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan hành chính các cấp được triển khai, bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Những nội dung đó là: Xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2026 - 2031; kiện toàn, bổ sung kịp thời các chức danh lãnh đạo, quản lý thiếu khuyết; tổ chức cho trên 35 nghìn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ (đào tạo lý luận chính trị đối với 5.830 đảng viên; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.653 cán bộ, công chức, viên chức; bồi dưỡng 27.603 cán bộ). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành và triển khai thực hiện Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2030; Đề án luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2025; Quy định về giao việc đột phá, đổi mới với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (giai đoạn 2020 - 2025, đã giao tổng cộng 536 việc đột phá, đổi mới cho các đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý). Triển khai cho đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh thực hiện việc “tự soi”, “tự sửa” theo 119 biểu hiện để nhận diện 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; từng đảng viên đề ra giải pháp, quyết tâm tự sửa chữa, khắc phục theo tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, qua đó đã giúp cấp ủy, chi bộ nắm được tình hình đảng viên, có những giải pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảnh báo để đảng viên kịp thời sửa chữa khuyết điểm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn và kết nạp đảng viên mới được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, chủ động đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ. Các chi bộ thường xuyên rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên phù hợp, sát thực tế; trình độ chuyên môn của đảng viên mới được kết nạp đều tăng. Kết quả, trong giai đoạn 2020 - 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang mở được 98 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 5.094 học viên; 74 lớp bồi dưỡng đảng viên mới cho 3.481 đồng chí; 83 lớp bồi dưỡng bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở cho 7.101 đồng chí; kết nạp được 3.334 đảng viên mới (trong đó có trình độ chuyên môn đạt tỷ lệ 68,78%; có trình độ học vấn từ đại học trở lên đạt tỷ lệ 55,82%; có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 92,41%). Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở được tăng thêm về số lượng và chất lượng, trình độ, năng lực, kiến thức được nâng lên. Số bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm hơn 80%, được đào tạo lý luận chính trị chiếm 96,22%, được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ chiếm 60,27%. Đại bộ phận đảng viên có lập trường, tư tưởng vững vàng, luôn gương mẫu thực hiện Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên được thực hiện nghiêm túc, các chi bộ, cấp ủy thường xuyên giáo dục, rèn luyện, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, đồng thời kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên luôn được chú trọng; định kỳ hằng tháng, chi bộ tổ chức sinh hoạt để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. 100% số đảng viên đang công tác ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang được giới thiệu về giữ mối liên hệ với cấp ủy và thực hiện nghĩa vụ ở nơi cư trú theo quy định. Tỉnh ủy Tuyên Quang quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên được miễn sinh hoạt đảng, đến nay có 7.517 đảng viên được miễn sinh hoạt đảng; công tác quản lý hồ sơ đảng viên, bổ sung hồ sơ đảng viên được các cấp ủy và tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo quy định.
Công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đảng viên được tăng cường; kịp thời phát hiện, phòng ngừa các sai phạm của đảng viên, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh toàn diện. Kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp đảng viên với rà soát, sàng lọc, giáo dục, giúp đỡ đảng viên; kiên quyết đưa những đảng viên đã được giúp đỡ, nhưng không tiến bộ, không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, cấp ủy cấp huyện đã khai trừ 101 đảng viên ra khỏi Đảng, xóa tên 277 đảng viên, cho ra khỏi Đảng 97 đảng viên. Việc đánh giá chất lượng và khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Hằng năm, số chi bộ, tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%; số đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85%. Công tác khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định gắn với kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn có một số hạn chế là: Một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, còn nhiều chi bộ nhiều năm chưa kết nạp được đảng viên. Những năm gần đây, việc phát triển đảng viên gặp khó khăn, nhất là công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng cao còn khó khăn. Công tác kiểm tra, giám sát của một số chi bộ, đảng bộ cơ sở và ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở còn nhiều hạn chế, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảng có mặt còn chậm.
Nhiệm vụ thời gian tới
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình mới, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chương trình hành động số 26-CTr/TU, ngày 20-10-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Xây dựng và ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên sát thực tế, có tính khả thi cao trong tổ chức thực hiện. Trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu trong Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Đề án về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020 - 2025; Đề án về nâng cao chất lượng phát triển đảng viên ở Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang trong tình hình mới...
Thứ hai, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở.
Thứ ba, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, có đủ năng lực và uy tín. Đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên. Tăng cường công tác quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương, gắn với thực hiện hiệu quả Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; tạo môi trường và động lực để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; qua đó, góp phần quan trọng củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Cùng với đó, thực hiện tốt Quy định tạm thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, để cán bộ, đảng viên thực sự yên tâm, mạnh dạn trong đề xuất thực hiện việc mới, việc khó, phức tạp, chưa có quy định hoặc đã có nhưng chưa rõ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, trọng tâm là Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, giai đoạn 2021 - 2025. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra đảng ủy các cấp, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Xây dựng, thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm, tiêu cực; coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn; xử lý nghiêm minh, kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Tích cực ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý tổ chức đảng và đảng viên. Từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên. Triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án về Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Tuyên Quang.
Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tập trung thực hiện hiệu quả việc tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng, có cơ cấu phù hợp, có sự kế thừa liên tục, đủ sức lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.
--------------------------
(1) Như: Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”; Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 17-8-2022, của Bộ Chính trị, “Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
(2) Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh.
(3) Phân công các đồng chí cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ, chuyên viên các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện sinh hoạt chi bộ với khu dân cư. 1.733 thôn, bản, tổ dân phố có đảng viên được phân công phụ trách. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng số lượt cấp ủy, lãnh đạo, chuyên viên các ban đảng của Tỉnh ủy, huyện ủy, thành ủy dự sinh hoạt đạt 94.437 lượt.
(4) Những hoạt động đó đã giúp 515 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà, làm nhà mới; tham gia vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên 380 nhà văn hóa; trồng, chăm sóc trên 604 km tuyến vườn hoa; làm đường bê tông, hoàn thiện về kỹ thuật trên 97,1 km; hỗ trợ xây dựng trên 177 lò đốt rác thải; hỗ trợ, thực hiện trên 144,2 km tuyến đường thắp sáng đồng quê...
(5) Đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng (khiển trách 4 tổ chức đảng, cảnh cáo 2 tổ chức đảng) và 564 đảng viên, có 135 cấp ủy viên các cấp (khiển trách 355 đảng viên, cảnh cáo 114 đảng viên, cách chức 9 đảng viên, khai trừ 86 đảng viên).
(6) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu tình hình mới - nhìn từ thực tiễn tỉnh Bắc Giang  (28/11/2023)
Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân  (18/11/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay