TCCS - Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Liêu đã luôn coi trọng và triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực và sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Từ đó, đã tạo được chuyển biến tích cực trong phấn đấu hoàn thành các tiêu chí môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.

Nông thôn mới ở thôn Pắc Pộc, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu_Nguồn: baoquangninh.vn

Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, như trên hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử, lắp đặt pano, khẩu hiệu. Đồng thời, để thực hiện các tiêu chí môi trường hiệu quả, huyện cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân cùng góp sức, chung tay thực hiện.

Điển hình, các cấp hội phụ nữ không chỉ vận động hội viên duy trì tốt việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt mà còn phát huy hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, biến rác thành tiền; các tuyến đường nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được trồng hoa, cây xanh, lắp đặt đầy đủ hệ thống đèn điện chiếu sáng; các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Ngày thứ bảy xanh”, “Ngày chủ nhật sạch”... Qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên, nhân dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, của cộng đồng về công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường, tiêu chí chỉ tiêu môi trường thuộc lĩnh vực phòng quản lý. Đến nay, nhiều tiêu chí đã được hoàn thiện và được người dân đánh giá cao như: Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp 50% tổng lượng phát sinh; chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; có công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp; khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó tỷ lệ đất trồng cây xanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tối thiểu là 10% diện tích toàn khu…

Ông Triệu Tài Mằn, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian qua, công tác cải tạo, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Bình Liêu đã được thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, ý thức người dân đã ngày càng được nâng cao với việc tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh hàng tuần, hàng quý; rác thải được thu gom sạch sẽ, tập kết đúng giờ, đúng nơi quy định, không còn vứt bừa bãi như trước. Môi trường sống của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện. Chúng tôi thấy rất phấn khởi và hạnh phúc.

Bà Lý Thị Phương (thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn) đã quen với việc phân loại rác thải tại nhà. Hằng ngày rác thải sinh hoạt của gia đình được bà Phương thu gom, phân loại, bỏ riêng ra các thùng chứa để phục vụ mục đích khác nhau. Vỏ lon, chai lọ bà bán phế liệu; phụ phẩm rau củ bà dùng để hoại ủ làm phân hữu cơ sử dụng trên đồng ruộng. Những loại rác thải không thể tái chế, gồm cả túi nilon sẽ được bà Phương chuyển cho đơn vị vệ sinh môi trường xử lý theo quy định. Bà cho biết: “Mới đầu phân loại rác thải cũng rất ngại, nó mất thời gian, lại cứ phải chú ý xem đó là loại rác gì để mà bỏ đúng thùng. Thế nhưng làm quen rồi thì nó giống như kỹ năng, không còn khó khăn gì nữa. Giờ đây cả nhà tôi thấy việc phân loại rác rất có lợi ích, chúng tôi bán phế liệu cũng được món tiền, nho nhỏ nhưng vui. Rồi cây xanh được bón phân từ phụ phẩm rau củ hoai ủ thì cũng thấy nó tốt tươi, an toàn thực phẩm…”. Nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, huyện tập trung hoàn thành chương trình vận động, hỗ trợ người dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Hơn 1.200 công trình nhà vệ sinh tự hoại (6 - 9 triệu đồng/nhà) được huyện và hộ gia đình phối hợp xây dựng, bảo đảm mỹ quan, hài hòa với nhà ở và các công trình liên quan… Việc người dân huyện sử dụng nhà vệ sinh tự hoại là một bước tiến trong nhận thức bảo vệ môi trường so với trước đây, vốn là công trình vệ sinh hở, đặt ở vị trí bất hợp lý. 

Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường bao gồm những chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ cây xanh; công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải, nước thải trong sinh hoạt và sản xuất; ý thức nhân dân trong hoạt động quét dọn, vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm; hoạt động chống ô nhiễm môi trường từ các làng nghề nông thôn, khu dân cư tập trung, vùng canh tác; cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp… Với sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt, hạt nhân triển khai là các đoàn thể chính trị - xã hội, các mô hình điểm ngày càng được nhân rộng, trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, được người dân đón nhận, hào hứng tham gia.

Huyện Bình Liêu đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025. Để tiêu chí môi trường không trở thành “rào cản” trên con đường xây dựng nông thôn mới, hiện huyện đang tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng nông thôn mới huyện Bình Liêu năm 2023, trong đó, xác định rõ việc thực hiện các tiêu chí môi trường như nâng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 90% và đối với các xã nâng cao đạt 98 %; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 50%; tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu đạt trên 80%; tỷ lệ chất thải nhựa trên địa bàn được thu gom tái chế sử dụng đạt trên 90%; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn đạt 4m2/người.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và nhân dân về chất thải nhựa, tác hại do ô nhiễm chất thải nhựa, các hành động quản lý, giảm thiểu tác hại từ chất thải nhựa... với các hình thức, nội dung phù hợp, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các mô hình “Dân vận khéo”, Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Sạch nhà - sạch bếp - sạch đồng ruộng”. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Có thể thấy từ sự chung tay nhà nước và nhân dân cùng làm, từ những cách làm khơi gợi ý thức tự giác của người dân, lấy người dân - chủ thể nông thôn mới làm nòng cốt, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Bình Liêu đã cải thiện rõ rệt./.